Nhảy đến nội dung

Bài học hữu ích nhất

BÀI HỌC HỮU ÍCH NHẤT
Lm JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR

   Ghi tạc vào lòng 
    Trong “Năm Linh Mục”, tôi nhớ lại ngày xưa khi đọc kinh chung với gia đình, ba mẹ tôi thường đọc một kinh dài lắm; trong đó có phần cầu nguyện cho từng giới trong Giáo Hội với những lời: “ cho các thanh niên được mạnh mẽ trong đức tin, cho các phụ nữ yêu mến đức trong sạch, cho các thày cả được nên thánh và cho các giáo hữu được ăn ở đạo đức…” Lời kinh đơn sơ của gia đình năm xưa giúp tôi nhớ rằng sự thánh thiện chính là điều mà Hội Thánh và mọi tín hữu đòi hỏi và mong đợi trước tiên và trên hết nơi các linh mục. 


Vẫn biết rằng mọi tín hữu Chúa Kitô đều được kêu gọi và có bổn phận phải nên thánh, nhưng với việc được thánh hiến để trở thành  linh mục qua Bí Tích Truyền Chức, các linh mục đã được tách khỏi những bận bịu thế trần để cam kết buộc mình phải nỗ lực nên thánh và giúp mọi người cùng nên thánh. Về điều này tác giả Gương Chúa Giêsu có những lời thật thích đáng sau: 


“Chức vụ Linh Mục cao cả và đáng tôn trọng chừng nào! Vì môi các ngài đọc được lời tôn phong nên Chúa uy quyền, miệng các ngài được chúc tụng, tay các ngài được cầm lấy cho mình chịu và phân phát cho giáo hữu! Những tay đó phải sạch chừng nào! Miệng ấy phải thánh chừng nào! Thân thể ấy phải tinh tấn chừng nào! Lòng ngài được rước Chúa khiết tinh luôn, lòng ấy phải trong trắng chừng nào! …Thánh Kinh có câu này chỉ riêng về linh mục: Chúng con hãy thánh thiện vì Cha là Chúa Trời con, Cha rất thánh (Lev 19:2)”.
Thiếu sự cam kết nên thánh này, các linh mục sẽ lạc hướng và trở thành những kẻ chăn thuê, hay những công chức, hoặc tệ hơn nữa là trở thành những ngôn sứ giả. 


Muốn nên thánh, tôi phải chiêm ngắm, học hỏi và noi gương các Thánh, đúng như lời dịch giả bản Việt ngữ tác phẩm Gương Chúa Giêsu nhận định: “Không gì thúc đẩy ta sống hẳn hoi bằng gương những người đã sống hẳn hoi. Thực sự gương các Thánh làm cho ta thấy rõ nhân đức là có thể, là đáng yêu và dễ dàng; nó đã thực hiện được trong người khác và có khi cũng đã thực hiện được theo cách thức của ta. Để đáng được Thiên Đàng, các ngài đã phải làm, phải chịu, phải bỏ từng ấy cái. Còn ta, để được thế, ta đã làm được những gì? Sao không làm cái các Thánh đã làm, để được cái các Thánh đã được?”


Vậy tôi phải học với các Thánh điều gì là cốt yếu, cần thiết và hữu ích nhất để cũng được nên thánh như các ngài?  


    Tôi thích thú đọc được câu trả lời nơi phần mở đầu trong lời giới thiệu của Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận viết cho tác phẩm Những Ngày của Mẹ của Cha Phêrô,CMC như sau: 
    “Ngày tôi còn là chủng sinh Đại Chủng Viện Huế, tôi được may mắn sống gần cha già Micae Nguyễn Văn Cẩm. Ngài làm tuyên úy cho Viện Dục Anh Kim-Long. Ngài có một nhân đức đặc biệt: không bao giờ bỏ phí thời giờ. Ngày trước, các chủng sinh học tiếng Latinh và Hán văn là chính, sinh ngữ khác phải tự học. Thế mà cha già Cẩm đọc đi đọc lại nhiều lần bộ sách Les Bollandistes là sách truyện các Thánh rất giá trị.
    “Có lần tôi hỏi cha già: Thưa cha, cha đọc truyện bao nhiêu vị thánh, cha đã rút tỉa được bài học gì hữu ích nhất? Ngài đáp: Tui thấy thánh mô cũng kính mến Đức Mẹ!”
    “Tôi đã ghi tạc lời ấy vào lòng và tôi càng xác tín khi nhớ lời Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng: Tôi muốn làm linh mục để rao giảng về Mẹ Maria”.

   Tiêu chuẩn đầu tiên
Cũng vậy, trong tác phẩm Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có kể câu chuyện rất cảm động và quý giá sau:
Đầu thế kỷ XVII, một cuộc bách hại khủng khiếp đã xảy ra tại Nhật Bản. Tất cả các thừa sai đều bị giết hay trục xuất khỏi nuớc. Mãi đến khoảng giữa thế kỷ XIX, các thừa sai ngoại quốc mới có thể trở lại Nhật Bản. Nhưng suốt khoảng 200 năm vắng bóng linh mục, các tín hữu vẫn âm thầm giữ đạo một cách kiên cường. Cha Petitjean đã làm chứng điều đó:
 

Một hôm Cha đến giảng đạo tại Nagasaki trước một số đông dân Nhật. Sau khi giảng, nghĩ rằng họ toàn là người lương, nên Cha hỏi họ: “Anh chị em có thắc mắc gì không?” Một người đưa tay lên và đặt ba câu hỏi. 
“Các ông có tin Đức Mẹ Đồng Trinh không?-“Có”.
“Các ông có vâng lời và hiệp thông với Đức Thánh Cha không?”-“Có”.
“Là linh mục, các ông có giữ mình đồng trinh và sống độc thân không?”-“Có”.
“Vậy thì mấy trăm người chúng tôi với ông đây là đồng đạo. Chúng tôi đều là Công giáo cả!”
Cha Petitjean bàng hoàng, ngạc nhiên. Cha con ôm nhau sung sướng. 
Cha hỏi họ: “Bấy lâu có ai giảng dạy cho anh chị em không?”
-“Thưa cha, không có ai suốt hai thế kỷ rồi”.
-“Vậy sao anh chị em còn sống đạo sốt sắng thế?”
-“Thưa Cha, đó là nhờ ông bà tổ tiên chúng con đã truyền lại, sau là nhờ chúng con biết âm thầm cầu nguyện, dạy giáo lý cho con em, đoàn kết đùm bọc yêu thương nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác”.
-“Nhưng sao anh chị em lại đặt cho Cha ba câu hỏi trên?”
-“Thưa Cha, vì ông bà chúng con trước khi chết có nhắn nhủ: sau này có ai đến giảng dạy, chúng con phải cảnh giác, phải lấy ba tiêu chuẩn ấy mà đánh giá xem họ có phải là thừa sai chân chính không? Nay chúng con vui mừng quá đỗi vì các cha đích thực là những người được Hội Thánh sai đến. Chúng con sẽ được nghe các cha và giữ vững đức tin tổ tiên chúng con truyền lại”.

Câu truyện trên đã vạch ra ba tiêu chuẩn căn bản để nhận diện một thừa sai đích thực, một linh mục chân chính của Hội Thánh Công Giáo. 
Ở đây, lòng tin yêu biệt kính Đức Mẹ được coi là tiêu chuẩn đầu tiên. 


Lòng yêu mến vâng phục Đức Thánh Cha là cụ thể hóa lòng yêu mến vâng phục và hiệp thông với Mẹ Hội Thánh. Vì Đức Thánh Cha là Đấng Đại Diện Chúa Kitô, kế vị Thánh Phêrô để làm Đầu Hữu Hình của Hội Thánh ở trần gian, là Phát Ngôn Viên chính thức của Hội Thánh.


Việc cam kết sống đời độc thân khiết tịnh là phương thế để thể hiện tình yêu mãnh liệt của mỗi linh mục phải có đối với Chúa Kitô. Tình yêu này bao giờ cũng phải gắn liền với nỗi khát khao được trở nên giống Người cách trọn vẹn, nên một Kitô khác, tiếp tục vai trò của Chúa Kitô là Đầu và Phu Quân của Hội Thánh, và làm chứng cho cuộc sống Vĩnh Hằng mai sau. 


Thực ra, tình yêu ba chiều dành cho Chúa Giêsu, Đức Mẹ, Đức Thánh Cha và Hội Thánh bao giờ cũng phải là đặc nét của mọi tín hữu Công Giáo đích thực ở mọi nơi, mọi thời. Nơi linh mục, tình yêu này phải có nét triệt để và trọn vẹn hơn.

Tại sao lòng biệt kính Đức Mẹ lại là tiêu chuẩn đầu tiên theo câu truyện trên?
Thưa vì Đức Mẹ chính là Đấng giúp chúng ta đến với Chúa Giêsu và ở lại trong Nhiệm Thể của Người là Hội Thánh. Một linh mục muốn trở nên một Kitô khác, một linh mục chân chính, nhất định phải là một linh mục được Đức Mẹ chăm sóc uốn nắn; như Thánh Augustinô nói “Đức Mẹ là khuôn đúc nên Chúa Kitô”. Đức Mẹ còn là Kitô hữu đầu tiên và tuyệt hảo, là gương mẫu cho mọi Kitô hữu.


Hơn nữa, Chúa Kitô trở thành linh mục trong giây phút nhập thể trong cung lòng Đức Mẹ. Việc đầu tiên Người thực hiện để cứu độ nhân loại là gì, nếu không phải là Người đã phó mình cho Đức Mẹ? Có thể nói được rằng cung lòng Đức Mẹ chính là Đền Thờ nơi Chúa Kitô được thụ phong Linh Mục theo thánh ý Chúa Cha, bởi quyền năng Chúa Thánh Thần, với sự ưng thuận của Đức Mẹ. Có linh mục nào không ghi nhớ ngôi thánh đường nơi mình được diễm phúc lãnh nhận thánh chức? Có vị thánh nào không được chăm sóc uốn nắn bởi tay Hiền Mẫu Maria?

Lời chứng của một hối nhân
Thánh Phêrô Giulianô Eymard-Đấng Lập Dòng Thánh Thể-gọi linh mục là “người con đặc tuyển của Đức Maria”. Vì vậy, mỗi linh mục nhất định phải có một lòng biệt kính sâu xa mãnh liệt dành cho Đức Mẹ. Là “Đức Nữ Trung Tín Thật Thà”, Mẹ không bao giờ bỏ rơi những người con đặc tuyển của Mẹ, kể cả khi họ đã lỡ sa ngã phạm tội bất trung; miễn là họ vững lòng cậy trông, thành tâm hối cải và nỗ lực đền bù. Đây là điều an ủi khích lệ hơn cả dành cho các linh mục.


Điều này được xác nhận nơi lá thư của một linh mục đã hồi tục gửi cho Cha Werenfried van Straaten (1913-2003), Linh Mục Dòng Prémontre người Hòa Lan, Sáng Lập Viên tổ chức “Trợ Giúp Giáo Hội Đau Khổ”. Lá thư này được chuyển dịch và ghi lại trong bài viết mang tựa “Hồi Tục và Thống Hối” của Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt như sau:        

   Thưa Cha đáng kính.
Sau nhiều ngày tháng do dự, con quyết định viết thư này để cảm ơn Cha và khuyến khích Cha trong công tác tông đồ. Trước kia con là tu sĩ và hiện tại con là “linh mục có vợ-linh mục hồi tục”! Lúc trước, con là một trong những người không tin có ma quỷ. Lòng kiêu căng, con thường công kích truyền thống của Giáo Hội Công Giáo. Giờ đây con thực sự tin là có ma quỷ.


Con có thể quả quyết với Cha là con từng muốn tự tử. Nhưng nhờ gặp người khuyên bảo nên vợ con và con lại bắt đầu lần hạt. Chính Tràng Chuỗi Mân Côi cứu chúng con ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng. Lá thư ngắn ngủi này không thể nào diễn tả hết thảm trạng tâm hồn con. Đối với con, mỗi ngày là một chiến đấu với tuyệt vọng, với ghê tởm, với cay đắng, với hận thù, chen lẫn niềm ao ước hoán cải, đền tạ và tha thứ. Đối với con, xác quyết “Đức Chúa Giêsu Kitô, trong tình yêu vô bờ của Người, vẫn còn tìm kiếm và đưa chúng con về với Ngài” quả là phép lạ của lòng nhân từ không thể hiểu được. 


Cá nhân con từng đau đớn kinh nghiệm rằng: điều mà những quan niệm cấp tiến về thần học có thể làm cho một người, là làm cho người đó trở thành đứa con của hư mất. Đức Giáo Hoàng đã từng so sánh chúng con với Giuđa. Con tin Ngài có lý và con ghi ơn Ngài đã nhắc chúng con nhớ đến một thực tại đau lòng! Con cũng ghi ơn Cha, vì Cha dám bênh vực và đứng về phía Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, vị Giáo Hoàng thánh thiện của thời đại chúng ta.


Xin phép Cha cho con nêu ra vài lý do giải thích thái độ của con và hiền thê con: đó là vì chúng con bị mù quáng bởi Satan và bởi tính kiêu căng. Chúng con nghĩ đã góp phần canh tân Giáo Hội nhưng thực ra chúng con đã phá đổ Giáo Hội, ngôi nhà của Thiên Chúa. Chúng con tưởng mình là người hùng, nhưng thực ra, chúng con là nô lệ của thần dữ, của Satan. Và điều gì phải đến đã đến: tính kiêu căng, lòng tham dục, sự thiếu khiêm nhường và thiếu vâng lời đã làm nghiêng cán cân. Kết quả là con đã từ bỏ tu phục, từ khước chức Linh Mục! Cũng may mà Thiên Chúa cho con còn có thể đền tội. Con không ao ước được Giáo Hội chấp nhận trở về với chức vụ Linh Mục, vì chúng con không xứng đáng, nhưng con hy vọng một ngày kia  , con có thể sống đời chay tịnh hãm mình đền tội, với chiếc áo dòng của một trợ sĩ, trong một đan viện nào đó. Con phó thác và tin tưởng nơi bàn tay Thiên Chúa quan phòng, vì cho đến nay, ơn thánh Chúa không bao giờ bỏ rơi con.


Xin Cha đừng mất giờ trả lời cho con. Con hy vọng lá thư viết từ một linh mục hồi tục sẽ mang lại cho Cha ít nhiều nâng đỡ trong công tác tông đồ. Con nghĩ rằng có rất nhiều linh mục ở trong tình trạng của con, cũng nghĩ như con, nhưng không dám diễn tả cho mọi người biết. Con đường hoán cải bao giờ cũng gồng ghềnh và chông gai. Xin Chúa ban cho tất cả chúng con hồng ân sớm trở về với Ngài, trước khi quá muộn. Trong thời gian xôn xao bối rối này, con nghĩ rằng: lòng kính mến Đức Chúa Giêsu Kitô, Đức Mẹ Maria và lòng trung thành với Đức Thánh Cha là những yếu tố căn bản cho cuộc sống những tín hữu Công Giáo chân chính. Xin Cha cầu nguyện cho chúng con, vì chúng con rất cần lời cầu nguyện. Chúng con xin chia sẻ công tác mục vụ của Cha. Cha hoạt động để cứu giúp những người bị xiềng xích vì Đức Tin của họ. Xin Cha cũng nhớ đến chúng con là những người bị gông cùm vì lòng bất trung của chúng con. Mỗi ngày chúng con vẫn đọc kinh nhật tụng, những lời kinh mà trước kia, khi còn là tu sĩ con đã đọc chung với anh em trong cộng đoàn. Con tin rằng Thiên Chúa muốn cho con tiếp tục đọc kinh nhật tụng. Mỗi ngày khi tham dự Thánh Lễ, con cầu cho Cha và cho tổ chức bác ái của Cha. Xin Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria chúc lành cho Cha.


Cha Werenfried nhận định: “Lá thư làm tôi liên tưởng đến câu Chúa Giêsu thổ lộ với một tâm hồn: Than ôi, có cả nhiều người mang theo chúc Linh Mục xuống tận hỏa ngục. Chúng ta hãy cầu nguyện để nhiều người biết noi gương sự hồi tâm thống hối của vị linh mục hồi tục, tác giả bức thư trên đây”.

Hối cải nhờ Mẹ 
Lòng thương xót của Mẹ vẫn thiết tha mời gọi để ban ơn hối cải cho cả những con người tội lỗi nhất, bội phản nhất, miễn là họ vẫn chưa mất hẳn lòng sùng kính Đức Mẹ. Chính Đức Mẹ đã nói với Thánh Brigita: “Bất kể một người đã phạm bao nhiêu tội, nếu người ấy biết chạy đến cùng Mẹ với ước mong cải thiện đời sống, Mẹ vẫn đón tiếp người ấy. Mẹ chú tâm đến sự thành tâm nơi ước mong cải thiện đời sống của người ấy hơn là sự gớm ghét tội lỗi của người ấy. Mẹ luôn sẵn sàng thoa dịu và chữa lành các vết thương xâu xé linh hồn người ấy. Đó là lý do tại sao tên của Mẹ là Mẹ Nhân Lành”.


 Điều này được minh họa trong câu truyện “Giám Mục Bội Phản” trong cuốn Những Ơn Lạ Mẹ Ban-tập 2 như sau:
“Talleeyrand, trước là linh mục, sau lên chức Giám Mục thời cách mạng Pháp, ông được vua Napôlêon tin dùng đưa lên làm Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao. Talleeyrand đã trở nên một kẻ phản bội vì háo danh: phản bội lương tâm, phản bội Thiên Chúa, phản bội nhà vua, phản bội lời tuyên khấn và Giáo Hội nữa! Chính nhà vua cũng có lần nói về Talleeyrand: Con người luôn luôn phản bội. 


“Nhưng đối với Đức Mẹ Maria thì xem ra ông ta ít phản bội hơn. Theo lời người cháu của ông làm chứng: mãi cho đến ngày về già, ông còn năng đọc kinh Lạy Nữ Vương; và sau khi ông chết, người ta còn tìm thấy trên xác ông một mẫu ảnh đã sờn rách với hàng chữ: Mẹ là nơi ẩn áu các tội nhân, xin cầu cho chúng con.


“Chắc chắn lòng sùng kính Đức Mẹ đã đem lại cho ông một cái chết tốt lành: Ông đã xưng tội, rước lễ, chịu các phép cuối cùng và xin với Cha Dupanloup cất hết mọi gương mù cho ông”.

Đừng vô ơn Mẹ   
Nếu lòng sùng kính chân thực đối với Đức Mẹ Maria đem lại mọi ơn lành hồn xác quý giá và trở thành dấu chỉ của những ai được tiền định, thì việc đánh mất lòng sùng kính Mẹ lại là nguồn gốc cho mọi sự bất hạnh đời này và là nguyên  nhân dẫn người ta đến việc hư mất đời đời.  
Thánh Anphong Maria Liguori nhận định: “Đức Maria là chiếc thuyền cấp cứu  của chúng ta; Mẹ cứu vớt tất cả những ai kêu cứu Mẹ. Chúng ta sẽ bất hạnh chừng nào nếu chúng ta không có Mẹ Maria! Thế nhưng, lạy Mẹ Maria, biết bao người phải đắm chìm trong hỏa ngục! Và tại sao vậy? Vì họ đã không kêu cầu Mẹ cứu vớt. Lạy Mẹ tốt lành, xin làm cho chúng con biết luôn hướng về Mẹ để được trợ giúp và khích lệ!” Và: “Mẹ không bao giờ bỏ rơi những ai kêu cầu Mẹ cứu giúp. Chỉ những người không kêu cầu Mẹ mới phải hư mất mà thôi”. 


Trong tác phẩm thời danh Vinh Quang Đức Mẹ, Thánh Anphong ghi lại câu truyện đáng sợ sau để cảnh giác những ai vô ơn Mẹ, những ai lãng quên Mẹ, những ai dứt bỏ lòng sùng kính Mẹ: 
Tại Mađơbua, một thành phố miền Saxe, có chàng thanh niên tên là Uđô. Trí khôn chàng tối đặc cán mai, chỉ làm trò cười cho các bạn đồng song. Đau khổ vì sự tối dạ của mình, một lần chàng bực bội hơn thường, nhưng cũng đến trước một ảnh Đức Mẹ, dâng phó trót mình cho Đức Mẹ. 


Sau đó Đức Mẹ hiện ra với chàng trong một giấc mộng và bảo: “Uđô, đừng buồn nữa. Mẹ đã xin Chúa ban cho con không những đủ trí sáng khỏi các bạn nhạo cười, mà còn có dư tài năng được mọi người bái phục. Mẹ cũng hứa với con là khi Đức Giám Mục thành này qua đời, con sẽ được bầu lên kế vị ngài”.


Tất cả những điều Đức Mẹ tiên báo đó đã được thực hiện từng nét. Chàng thanh niên Uđô học hành tấn tới lạ lùng và được lên ngôi Giáo Chủ Mađơbua.


Nhưng đáp lại những hồng ân Thiên Chúa và Đức Mẹ ban đó, chàng chỉ có một tâm hồn bội bạc. Chàng bỏ bê tất cả những việc đạo đức, kết cuộc là trở thành một xỉ nhục cho địa phận. Một đêm kia, đang lúc chàng miệt mài trong cuộc truy hoan túng dục phạm thánh, chàng nghe có tiếng nói: “Thôi, thôi chứ, Uđô, ngài đã trác táng quá rồi đó, Uđô ạ!”
 

Thoạt tiên, chàng căm giận lắm. Chàng cho rằng đó chỉ là tiếng nói của một tên nào cả gan dám khiển trách một vị Giám Mục như chàng. Nhưng đêm thứ hai, đêm thứ ba, vẫn nghe thấy cùng một tiếng đó. Chàng đã hơi ngờ ngợ: có thể đó là tiếng trời cao răn trách. Tuy nhiên chàng vẫn tiếp tục cuộc sống sa đọa gương mù. Ba tháng trôi qua, ba tháng Chúa đợi chờ để chàng hồi tâm tu tỉnh cuộc đời hầu tránh khỏi hình phạt đích đáng.
Cha Phêđêri, một vị kinh sĩ đạo đức trong kinh sĩ đoàn địa phận Mađơbua, một đêm đến nhà thờ thánh Maorixi cầu xin Chúa xóa bỏ cái gương mù vị Giáo Chủ của cha đã và đang tiếp tục làm. Bỗng dưng một cơn gió mạnh thổi tung cửa nhà thờ. Liền đó có hai thanh niên cầm đuốc sáng đi vào. Hai người lên chia nhau đứng mỗi người một bên bàn thờ chính. Tiếp đó, hai thanh niên khác vào trải trên cung thánh một tấm thảm, và đặt trên đó hai chiếc ghế vàng. Lại thấy xuất hiện một thanh niên nữa mang quân phục, gươm trần lăm lăm trên tay. Dừng lại giữa lòng nhà thờ, thanh niên quân nhân này kêu lớn tiếng: “Xin các vị thánh có di hài táng tại đây đến chứng kíên phiên tòa chí công vô tư Đấng Thẩm Phán tối cao sắp tuyên xử”.


Thanh niên vừa dứt tiếng thì đầu tiên là mười hai vị tông đồ đến, rồi một số đông các thánh khác. Sau cùng Chúa Giêsu vào ngồi trên một ghế vàng đặt trên thảm. Đức Mẹ Maria theo Chúa, có nhiều trinh nữ tháp tùng, vào ngồi trên ghế vàng thứ hai bên cạnh Chúa. An tọa rồi, Chúa truyền mang phạm nhân tới. Kinh sĩ Phêđêri nhận ra phạm nhân chính là Đức Giám Mục Uđô. Thánh Maorixi lên tiếng, nhân danh toàn thể dân thành bị Giám Mục Uđô làm gương xấu, xin vị Thẩm Phán xử ông Giáo Chủ xú danh đó chiếu đúng theo công lý. Và toàn thể các thánh có mặt đồng thanh kêu lên: “Lạy Chúa, tên ấy đáng xử tử!”


Quan Án tối cao phán quyết: “Vậy thì đem giết nó đi!”


Đến đây, kinh sĩ Phêđêri thấy Đức Mẹ đứng lên ra khỏi nhà thờ, để khỏi phải chứng kiến cuộc hành quyết phạm nhân đó (Mẹ từ ái biết bao!). Thiên thần mang gươm liền tiến lên, đến gần Uđô và vung gươm chém một lát rơi đầu. Cuộc thị kíên chấm dứt. Nhà thờ lại chìm vào bóng đêm mù mịt.


Kinh sĩ Phêđêri, toàn thân run giùng kinh sợ, liền xuống rọi một bó đuốc vào ngọn đèn trong một cung thánh dưới gầm nhà thờ. Lúc trở lên, ngài soi đuốc nhận ra chính Giám Mục Uđô, đầu một nơi mình một nẻo, và đá lát nền nhà thờ lênh láng máu.


Hôm sau, trước dân thành tựu đông nghẹt nhà thờ, kinh sĩ thuật lại thị kiến đêm qua và hết mọi chi tiết của thảm kịch ghê rợn ấy. Cùng ngày ấy, một vị trợ tá của Giám Mục Uđô, không biết gì về câu truyện xảy ra tại nhà thờ, nhưng được thấy vị giáo chủ vô phúc của mình bị thiêu trong lửa hỏa ngục. Xác Uđô bị ném ra đống rác, nhưng máu của chàng vẫn còn lại mãi trên nền đá nhà thờ lưu dấu một kỷ niệm hãi hùng cho địa phận. Người ta phải luôn luôn phủ lên một tấm thảm.


Từ ngày đó mỗi khi một tân Giám Mục lên trọng nhậm địa phận Mađơbua, người ta có lệ mở tấm thảm đó lên để trước hình phạt khủng khiếp ấy, vị tân Giám Mục luôn chú tâm chế ngự cuộc sống của ngài, và đừng bao giờ bội nghĩa với ơn Chúa và Đức Mẹ ban.

Câu truyện trên khiến tôi nghĩ đến câu ngạn ngữ được các cha hay nhắc đến thời niên thiếu: “óc thày cả lót đáy hỏa ngục”. Chính Thánh Anphong cũng viết: “Linh mục là món mồi ngon nhất của ma quỷ”. Không có loại người nào bị ma quỷ tấn công, cám dỗ và quấy phá nhiều như các linh mục. Vì vậy, như Thánh Phaolô khuyên nài các mọi tín hữu phải hãy biết lo phần rỗi trong run rẩy sợ hãi (Phil. 2:12); các linh mục-“những người con ưu tuyển của Đức Mẹ”-càng phải  biết lo sao cho được lòng sùng kính chân thực dành cho Đức Mẹ Maria! Chỉ khi được Mẹ yêu thương, dẫn dắt, gìn giữ và trợ giúp linh mục mới có thể bền đỗ và chu toàn ơn gọi và sứ mạng cao quý của mình, mới có thể được cứu độ và nên thánh.

Xin Mẹ giữ gìn 
Chính Chúa Giêsu cũng muốn các tín hữu-cách riêng các linh mục-phải ghi nhớ Cuộc Khổ Nạn của Người và có lòng sùng kính Đức Mẹ như phương thế tuyệt hảo để trở nên môn đệ đích thực của Người, qua việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể và trao Đức Mẹ cho Thánh Gioan lúc Người sinh thì trên Thánh Giá. 


Trong bối cảnh “Năm Linh Mục” hiện nay, dường như Chúa Giêsu vẫn tiếp tục mời gọi các tín hữu phải gia tăng lòng sùng kính và kêu cầu Đức Mẹ qua việc phổ biến bản kinh Cầu Trái Tim Mẹ cho các Linh Mục. Bản kinh này đã được Cha Lintenlo cho xuất bản trong cuốn sách nhỏ Trái Tim Mẹ (Le Coeur de Marie). Khi sinh thời, Cha vẫn quen nói đi nhắc lại Cha nhận được bản kinh này ở một linh hồn được Thiên Chúa biệt đãi. Sau Cha lại quả quyết rằng Chúa hứa với linh hồn ấy, sẽ chúc phúc cho việc truyền bá bản kinh này, đang được các Chị Dòng Mẫu Tâm khởi sự.


    Bản dịch tiếng Việt này đã được phổ biến rộng rãi tại quê nhà trước kia với phép in (imprimatur) của Đức Cha Phaolô nguyễn Văn Bình, Tổng Giám Mục Sài Gòn, ngày 6 tháng 8 năm 1964. 


    Năm 1996, khi có dịp giảng tĩnh tâm có quý Sơ Mến Thánh Giá ở Portland, Oregan. Sơ Bề Trên Mary Kim Phượng đã tế nhị kẹp bản kinh này vào Sách Kinh Nhật Tụng của tôi. Tôi đọc mỗi ngày từ ấy và luôn biết ơn và cầu nguyện cho Sơ mỗi ngày


    Kinh Cầu Trái Tim Mẹ cho các Linh Mục
Chúa Nhật: Lạy Mẹ yêu dấu, con xin thông cảm với nỗi đau đớn của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, trong hồi Con Thánh của Mẹ hấp hối, toát mồ hôi máu. Và vì sự đau đớn ấy, con nài xin Mẹ cầu bầu cho các linh mục trong Hội Thánh được ơn giữ tình ý thật ngay lành trong khi tiếp xúc thân mật với các tâm hồn.
    Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà. Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ và Giêsu Con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria, Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử . Amen.
    Lạy Trái Tim Tân Khổ và Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria, xin cầu cho chúng con là kẻ tội lỗi chạy đến cùng Mẹ.
 

   Thứ Hai: Lạy Mẹ yêu dấu, con xin thông cảm với nỗi đau đớn của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, trong hồi Chúa Giêsu bị lôi hết tòa án này đến tòa án khác, bị tạt vả, nhạo báng. Và vì sự đau đớn ấy, con nài xin Mẹ cầu bầu cho các linh mục trong Hội Thánh được ơn vui lòng dứt bỏ hết những gì có thể hiểm nghèo cho ơn thiên triệu cao cả.
    Kính mừng Maria...
    Lạy Trái Tim Tân Khổ...
 

   Thứ Ba: Lạy Mẹ yêu dấu, con xin thông cảm với nỗi đau đớn của Trái Tim Vô Nhiễm  Mẹ, trong hồi Con Thánh của Mẹ bị đánh đòn. Và vì sự đau đớn ấy, con nài xin Mẹ cầu bầu cho các linh mục trong Hội Thánh được ơn cho rước lễ với lòng tin tưởng, cung kính và mến yêu.
    Kính mừng Maria...
    Lạy Trái Tim Tân Khổ...
 

   Thứ Tư: Lạy Mẹ yêu dấu, con xin thông cảm với nỗi đau đớn của Trái Tim Vô Nhiễm  Mẹ, trong hồi Chúa Giêsu đội mạo gai, đầy đờm rãi, bị hành hạ và khinh dể như một con sâu đất. Và vì sự đau đớn ấy, con nài xin Mẹ cầu bầu cho các linh mục trong Hội Thánh được ơn thâm cảm những nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, khi các ngài bước lên bàn thờ để tái diễn kỷ niệm đau thương ấy.
    Kính mừng Maria...
    Lạy Trái Tim Tân Khổ...
 

   Thứ Năm: Lạy Mẹ yêu dấu, con xin thông cảm với nỗi đau đớn của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, trong hồi Con Thánh của Mẹ bị bêu diễu, ăn vận như một vua hề, để cho chính các thụ sinh Người chế nhạo, và Mẹ nghe thấy tiếng la ó: Hãy khử nó đi! Hãy khử nó đi! Hãy đóng đanh nó đi! Và vì sự đau đớn ấy, con nài xin Mẹ cầu bầu cho các linh mục trong Hội Thánh được ơn biết quên mình hoàn toàn trong mọi thành công.
    Kính mừng Maria...
    Lạy Trái Tim Tân Khổ...
 

   Thứ Sáu: Lạy Mẹ yêu dấu, con xin thông cảm với nỗi đau đớn của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, trong hồi Chúa Giêsu hấp hối suốt ba giờ trên Thập giá. Và vì sự đau đớn ấy, con nài xin Mẹ cầu bầu cho các linh mục trong Hội Thánh được ơn đọc kinh Nhật Tụng cho tử tế và coi việc hành lễ Thánh tế Misa như hạnh phúc, như trung tâm của đời mình.
    Kính mừng Maria...
    Lạy Trái Tim Tân Khổ...
 

   Thứ Bảy: Lạy Mẹ yêu dấu, con xin thông cảm với nỗi đau đớn của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, trong hồi Mẹ cô đơn sầu khổ đợi chờ Con Thánh của Me Phục sinh. Và vì sự đau đớn ấy, con nài xin Mẹ cầu bầu cho các linh mục trong Hội Thánh được ơn tin cậy Mẹ như con thảo trong mọi lúc, song nhất là trong giờ phút hiểm nghèo, tội lỗi hoặc nản lòng.
    Kính mừng Maria...
    Lạy Trái Tim Tân Khổ...

    Chắc hẳn vì nhận biết linh mục là người được Mẹ Maria yêu mến cách đặc biệt cũng như sự cần thiết và ích lợi của lòng tôn sùng Đức Mẹ trong đời sống đức tin, nên Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã từng ao ước được làm linh mục để giảng về Đức Mẹ. Cũng vậy, Chị Thánh đã hiểu rõ tầm quan trọng và sự cần thiết phải cầu nguyện cho các linh mục và coi đó như mục đích của đời thánh hiến của Chị. Chị nói: “Tôi vào Dòng Kín để cầu nguyện cho các tội nhân được ơn hối cải và cầu nguyện cho các linh mục”. Và ngày ngày Chị đã cầu nguyện cho các linh mục với lời kinh sau:


    “Lạy Chúa Giêsu Linh Mục Đời Đời, xin gìn giữ tất cả các linh mục Chúa trong nơi nương ẩn của Thánh Tâm Chúa, nơi không gì có thể hãm hại các ngài. Xin gìn giữ cho khỏi dơ bẩn bàn tay đã được xức dầu của các ngài hàng ngày vẫn động Mình Thánh Chúa. Xin gìn giữ cho khỏi nhơ uế đôi môi của các ngài vẫn thường đượm thắm  Máu Thánh Chúa. Xin gìn giữ cho được trong trắng và siêu thoát tâm hồn của các ngài đã được đóng ấn cao trọng của Chức Linh Mục vinh quang Chúa.


    “Xin bao phủ các ngài bằng tình yêu linh thánh của Chúa và che chở các ngài khỏi mọi vương vấn thế gian. Xin chúc phúc cho những lao nhọc của các ngài được đong đầy hoa trái. Ước chi những linh hồn đã được các ngài coi sóc trở nên niềm vui và nguồn an ủi cho các ngài nơi trần gian và trở nên những triều thiên xinh đẹp và vĩnh cửu của các ngài trên Thiên Đàng. Amen.


    “Lạy Mẹ Maria, Nữ Vương Các Linh Mục, xin cầu cho chúng con. Xin cho chúng con được thêm nhiều linh mục thánh thiện. Amen.”

Đến đây, tôi muốn lập lại “kinh riêng của linh mục” từ sách Gương Chúa Giêsu mà tôi vẫn đọc mỗi sáng để canh tân ơn gọi linh mục nơi mình và cầu nguyện cho tất cả các anh em linh mục, để chúng tôi luôn biết sống trong tinh thần khiêm nhường sám hối, yêu mến biết ơn và quảng đại hiến dâng, hầu được bền đỗ và vui tiến trong thiên chức linh mục:


Lạy Chúa toàn năng! Xin ban ơn trợ giúp chúng con là những người đã thụ lĩnh chức linh mục Chúa, để chúng con được lương tâm trong sạch và ngay thẳng mà phụng sự Chúa cho xứng đáng và sốt sắng.
Mà nếu chúng con không sống được một đời sống thánh thiện cho xứng đáng, thì xin Chúa ban cho chúng con được khóc cho thảm thiết những tội chúng con đã phạm,-và với lòng khiêm nhượng, với chí kiên quyết,-chúng con sẽ phụng sự Chúa cho sốt sắng hơn.


Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ngày một thêm lòng yêu mến Mẹ Thánh Chúa, để nhờ Mẹ, với Mẹ, trong Mẹ, và vì Mẹ chúng con sẽ yêu mến và phụng sự Chúa và Hội Thánh ngày một trọn hảo hơn. Amen.
 
PS: Bài này được đăng lần đầu trong Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số tháng 04-2010, trong bối cảnh Giáo Hội đang cử hành “Năm Linh Mục”. Trong tuần này, khi đọc và suy niệm Gương Chúa Giêsu nhằm chương: “Cao quý của Thánh Thể và Chức Linh Mục”, xin được chia sẻ với thân hữu Thanhlinh.net 


Năm 1996, khi có dịp giảng tĩnh tâm có quý Sơ Mến Thánh Giá ở Portland, Oregan. Sơ Bề Trên Mary Kim Phượng lúc ấy đã tế nhị kẹp bản kinh Cầu Trái Tim Mẹ cho Các Linh Mục vào Sách Kinh Nhật Tụng của tôi. Tôi đọc mỗi ngày từ ấy và luôn biết ơn và cầu nguyện cho Sơ mỗi ngày. Nay Sơ đã qua đời, nhưng tôi vẫn mãi ghi nhớ ơn Sơ đã thương tặng tôi bản kinh kỳ diệu ấy (Oct. 06, 2010).
HP