Chúa biến hình, ta biến đổi
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN II MC Chúa biến hình, ta biến đổi
“Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung Nhan Người chói lọi như mặt trời và y phục Người trắng tinh như ánh sáng”(Mt 17,2).
Hôm nay là Chúa Nhật thứ 2 Mùa Chay. Tại sao trong Mùa Chay, Giáo Hội lại chọn đọc bài Phúc Âm về việc Chúa biến hình? Chúng ta biết rằng, “Từ ngày Phê-rô tuyên xưng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, Đức Giê-su “bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Người sẽ đi Giê-ru-sa-lem; phải chịu nhiều đau khổ,... rồi bị giết và ngày thứ ba sẽ sống lại”. Phê-rô không chấp nhận điều đó; các môn đệ cũng khác cũng không hiểu gì hơn. Chính trong bối cảnh này, đã xảy ra biến cố kỳ diệu: Đức Giê-su hiển dung trên núi”(x. GLCG, sô 554).
Qua biến cố Hiển Dung, “Đức Giê-su tỏ lộ vinh quang chốc lát và như vậy là xác nhận lời tuyên xưng của Phê-rô; đồng thời Người cũng cho thấy, để “được hưởng vinh quang”, Người phải kinh qua thập giá tại Giê-ru-sa-lem”(x. GLCG, số 555). Có thể nói, “Phép rửa tại sông Gio-đan, mở đầu cho đời sống công khai của Đức Giê-su. Biến cố Hiển Dung mở đầu cho cuộc Vượt Qua của Ngài. Qua phép rửa của Đức Giê-su “Mầu nhiệm cuộc tái sinh lần thứ nhất của chúng ta tỏ hiện: Đó là bí tích Thánh Tẩy. Còn Hiển Dung là “Mầu nhiệm thứ hai”. Đó là cuộc phục sinh của chính chúng ta. Ngay từ bây giờ, chúng ta thông phần vào cuộc Phục Sinh của Chúa, nhờ Chúa Thánh Thần hoạt động trong các bí tích của Thân Mình Đức Ki-tô, tức là trong Giáo Hội. Biến cố Hiển Dung cho phép chúng ta nếm trước cuộc quang lâm vinh hiển của Đức Giê-su: “Người sẽ biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người”. Nhưng biến cố đó cũng nhắc nhở chúng ta: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa”(x. GLCG, số 556).
Những gian khổ chúng ta chịu trong Mùa Chay, chính là sự ăn năn thống hối. “Như các Ngôn Sứ thuở trước, Lời Chúa Giê-su kêu gọi hoán cải và thống hối trước hết không nhắm đến việc bên ngoài như, “mặc áo thô, rắc tro trên đầu”, giữ chay và khổ chế; nhưng nhắm đến hoán cải trong tâm hồn, thống hối nội tâm. Nếu không có thống hối nội tâm, các việc làm bên ngoài sẽ vô hiệu và dối trá. Dầu vậy, việc hoán cải nội tâm thúc đẩy người ta diễn tả những thái độ đó bằng những dấu hiệu khả giác; những cử chỉ và những việc làm của người thống hối”(x. GLCG, số 1430).
Thống hối nội tâm là gì? “Thống hối nội tâm là chuyển hướng triệt để toàn bộ đời sống; hết lòng quay lại và trở về với Thiên Chúa; đoạn tuyệt với tội lỗi; từ bỏ sự dữ; ghê tởm những hành động xấu xa đã làm. Đồng thời, việc thống hối nội tâm cũng bao hàm ước muốn và quyết tâm thay đổi đời sống với hy vọng vào lòng thương xót của Thiên Chúa và tin tưởng vào sự trợ giúp của ân sủng”(x. GLCG, số 1431).
Vậy chúng ta phải làm gì để gọi là thống hối nội tâm?
“Thống hối nội tâm của người tín hữu Ki-tô được diễn tả bằng nhiều cách. Thánh Kinh và các Giáo Phụ nhấn mạnh ba hình thức là giữ chay, cầu nguyện và bố thí. Đây là cách diễn tả sự hoán cải đối với bản thân (ăn chay, để chế ngự thân xác); đối với Thiên Chúa (Cầu nguyện) và đối với tha nhân (Bố thí). Bên cạnh sự hoán cải triệt để được thực hiện qua việc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy hoặc tử đạo, các ngài còn kể đến những phương thế khác để xin Chúa tha thứ tội lỗi như: Cố gắng giao hòa với anh chị em; nước mắt thống hối; lo lắng đến phần rỗi của tha nhân; khẩn cầu các thánh và thực thi bác ái, vì tình yêu che phủ mọi lỗi lầm”(x. GLCG, số 1434).
“Trong đời sống hằng ngày, việc thống hối hay hoán cải được thể hiện qua những hành vi giao hòa; lo lắng cho người nghèo; thực thi cũng như bảo vệ công lý và công bằng; bằng việc thú tội và sửa lỗi cho nhau; xét lại cách sống; xét mình; linh hướng; chấp nhận đau khổ; kiên trì khi bị bách hại vì lẽ công chính. Việc vác thập giá mình mỗi ngày và bước theo Đức Giê-su là con đường thống hối chắc chắn nhất”(x. GLCG, số 1435).
Để có thể thực hiện những điều trên, “Chúng ta tìm được nguồn mạch và cách nuôi dưỡng cho lòng hoán cải và thống hối hằng ngày nơi bí tích Thánh Thể, vì đây là hy tế của Đức Ki-tô, Đấng giao hòa chúng ta với Thiên Chúa. Bí tích Thánh Thể nuôi dưỡng và tăng sức cho những người sống bằng sự sống của Đức Ki-tô, bí tích này là “phương thuốc cứu chúng ta khỏi tội lỗi hằng ngày và gìn giữ chúng ta khỏi tội trọng”(x. GLCG, số 1436). Do đó, chúng ta hãy siêng năng tham dự Thánh Lễ mỗi ngày, nếu có thể, để lãnh nhận Mình và Máu Đức Giê-su.
Ngoài ra, “Việc đọc Thánh Kinh; đọc kinh Thần vụ và đọc kinh Lạy Cha; mỗi hành vi phượng tự và đạo đức chân thành này đều là sống lại trong chúng ta tinh thần hoán cải và thống hối; đồng thời góp phần tha thứ tội lỗi chúng ta”(x. GLCG, số 1437). Vậy, chúng ta hãy dành thời giờ để đọc và suy gẫm Lời Chúa; hay đọc và nghe những bài suy niệm Lời Chúa của các Linh Mục; Giám Mục đã viết; hãy sốt sắng đọc kinh Thần Vụ sáng chiều và nghiêm chỉnh khi đọc kinh Lạy Cha. Nói “phải nghiêm chỉnh” khi đọc kinh Lạy Cha, là bởi vì nhiều khi chúng ta đọc thuộc lòng rồi, nên đọc cho nhanh, đọc cho qua mà không để tâm, để trí vào những lời mình đọc.
Có thể nói, chúng ta có nhiều việc để làm trong Mùa Chay để tỏ lòng ăn năn thống hối nội tâm, chúng ta hãy xem và tùy theo khả năng mà thực hành những gì mình có thể làm được; càng nhiều càng tốt. Nếu chúng ta cố gắng làm những điều đó ngay từ bây giờ, chúng ta sẽ dần dần được biến đổi như Đức Giê-su đã biến hình; nghĩa là chúng ta sẽ nên thánh nên thiện mỗi ngày một hơn.
Chúa biến hình, chúng ta biến dạng. Chúng ta biến dạng bằng cách biến đổi khuôn mặt và y phục của chúng ta. Dung Nhan được hiểu là khuôn mặt. Khuôn mặt Chúa chói lọi như mặt trời, thì khuôn mặt của chúng ta cũng hãy biến đổi, từ một khuôn mặt dữ dằn sang khuôn mặt khả ái, hiền lành, dễ thương; từ một khuôn mặt giả bộ, giả hình, nên khuôn mặt thật thà, ngay thẳng; từ một khuôn mặt nghênh nghênh ngáo ngáo, nên khuôn mặt khiêm nhường, khiêm cung. Y phục của Chúa nên trắng tinh như ánh sáng thì y phục của chúng ta, không cần sang trọng nhưng sạch sẽ, gọn gàng, nó xuất phát từ một tâm hồn trong sáng và thánh thiện.
Có thể nói, qua việc thống hối nội tâm, chúng ta được biến đổi, để khi Chúa nhìn vào mỗi người chúng ta và nói: “Đây là con Ta yêu dấu, Ta hài lòng về con”, thì hạnh phúc cho chúng ta biết chừng nào. Vậy, Đức Giê-su đã biến đổi hình dạng thế nào, chúng ta cũng hãy biến đổi con người của chúng ta như vậy nhé !!!
Lm. Bosco Dương Trung Tín