Giáo Hội Công Giáo – Tín Hữu Công Giáo
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 11 QN
Giáo Hội Công Giáo – Tín Hữu Công Giáo
Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà giảng Lời cho họ, tùy theo mức họ có thể nghe (Mc 4,33).
Đức Giê-su đã dùng dụ ngôn để loan báo Nước Thiên Chúa. Hôm nay, Đức Giê-su dùng hai dụ ngôn để loan báo. Đó là dụ ngôn Hạt giống tự mọc lên và dụ ngôn Hạt cải.
- Nước Thiên Chúa cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất.
Đất tự động làm cho hạt nảy mầm, mọc lên và sinh hoa kết quả. Công việc này, chẳng ai trong loài người có thể tự làm được, dù cho khoa học ngày nay có tân tiến đến đâu. Họ chỉ nghiên cứu và biết được hạt giống mọc làm sao, trong điều kiện nào, phát triển thế nào thôi, chứ không làm cho hạt giống mọc lên được. Nói “Đất tự động” làm cho hạt giống nảy mầm, là nói đến quyền năng của Đấng Sáng Tạo; là nói đến quyền năng của Thiên Chúa và con người không thể làm cản trở hay phá hủy được. Lời của Đức Giê-su nói với Phê-rô : “Phê-rô, con là Đá, trên này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần cũng không thắng nổi”(x. Mt 16,18).
Qua dụ ngôn này, Đức Giê-su muốn nói đến Nước Thiên Chúa như là hạt giống được gieo xuống “đất trần gian” này. Nước Thiên Chúa đã âm thầm mọc lên. Đó chính là hình ảnh của Giáo Hội. Giáo Hội là hình ảnh của Nước Thiên Chúa đã được Đức Giê-su thiết lập và Giáo Hội đã sinh hoa kết trái là những tín hữu chúng ta. Nhờ đó, chúng ta biết, chúng ta là những hoa trái của Nước Thiên Chúa.
- Nước Thiên Chúa giống như hạt cải.
Lúc gieo xuống đất, hạt cải là loại nhỏ nhất trong các hạt giống trên mặt đất, nhưng khi gieo rồi thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá sum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng. Đó là đặc điểm của Nước Thiên Chúa. Dụ ngôn thứ nhất nói Nước Thiên như hạt giống; ở dụ ngôn thứ hai này, nói đến Nước Thiên Chúa như hạt giống bé xíu. Thế nhưng khi mọc lên thì lại lớn nhất trong các loại rau, đến nỗi chim trời có thể đến làm tổ.
Sự tương phản giữa hạt giống nhỏ nhất với cây lớn nhất, nói lên điểm đặc biệt của Nước Thiên Chúa. Và đó cũng là điểm đặc biệt của Giáo Hội. Vì Giáo Hội là hình ảnh của Nước Thiên Chúa. Giáo Hội đó, lúc đầu chỉ có 12 môn đệ, nhưng đến nay đã lan rộng khắp toàn trái đất. Ai muốn gia nhập đều có thể được, nên Giáo Hội được gọi là Giáo Hội Công Giáo. Đó là một trong 4 đặc điểm của Giáo Hội: duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền.
Hôm nay chúng ta tìm hiểu về đặc điểm thứ 3 của Giáo Hội là Công Giáo. Công giáo nghĩa là gì? “Công giáo là “phổ quát” theo nghĩa “toàn diện” hay “toàn vẹn”. Hội Thánh là Công Giáo theo hai nghĩa sau đây:
Một là: “Hội Thánh là Công Giáo vì Đức Giê-su hiện diện trong Hội Thánh. “Ở đâu có Đức Ki-tô, ở đó có Hội Thánh Công Giáo. Nơi Hội Thánh hiện hữu Thân Thể Đức Ki-tô trọn vẹn, kết hợp với Đầu, vì tiếp nhận từ Người “trọn vẹn các phương tiện cứu độ” theo ý Người muốn : tuyên xưng đức tin chân thật và đầy đủ; đời sống bí tích toàn vẹn và thừa tác viên được thụ phong để liên tục kế nhiệm các Tông Đồ. Theo ý nghĩa căn bản này, Hội Thánh là Công Giáo trong ngày lễ Ngũ Tuần và mãi mãi là Công Giáo cho đến ngày Chúa quang lâm”(x. GLCG, số 830).
Hai là : “Hội Thánh là Công Giáo vì được Đức Ki-tô sai đến với toàn thể nhân loại”.(x. GLCG, số 831).
Hai ý nghĩa này, chúng ta thấy được trong câu cuối cùng của Phúc Âm theo thánh Mat-thêu : “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ; làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em cho đến ngày tận thế” (x. Mt 28,20).
Giáo Hội của chúng ta được gọi là Giáo Hội Công Giáo La-mã; để phân biệt với các Giáo Hội khác như Giáo Hội Chính Thống; Giáo Hội Tin Lành; Giáo Hội Anh Giáo. Các Giáo Hội này xuất phát từ Giáo Hội Công Giáo và biệt lập, không thuộc quyền của Đức Giáo Hoàng ở Rô-ma. La-mã là tên ngày xưa của Rô-ma. Rô-ma là nơi có đền thờ thánh Phê-rô và Đức Giáo Hoàng cũng như các Bộ trong giáo triều làm việc ở đó. Có thể nói Rô-ma là thủ đô của Giáo Hội Công Giáo.
Giáo Hội Công Giáo ngày này đã làm tràn khắp các nước trên thế giới, với các Giáo phận, giáo xứ. Các Giáo Phận và Giáo Xứ này cũng gọi là Công Giáo vì hiệp thông trọn vẹn với Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu trong Giáo Hội Công Giáo và các Giám Mục của các giáo phận cùng hiệp thông với Đấng kế vị thánh Phê-rô làm nên một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và Tông Truyền.
Theo tôi chúng ta không nên dùng từ “Ki-tô hữu”. Vì từ này nói đến những người được rửa tội, dù trong Giáo Hội Công Giáo; Chính Thống; Tin Lành hay Anh Giáo. Chúng ta nên dùng từ “Tín hữu Công Giáo” thì chính xác hơn và rõ ràng hơn; có nghĩa là người tín hữu trong Giáo Hội Công Giáo.
Theo niên giám năm 2020 của Tòa Thánh, thì hiện nay Giáo Hội Công Giáo có 1 tỉ 329 triệu tín hữu; 5.377 Giám Mục; 414.165 Linh Mục; 47.504 Phó tế vĩnh viễn; 692.602 tu sĩ nam nữ.
Một vấn đề được đặt ra là : Ngoài Giáo Hội có ơn cứu độ không? Vì ngoài Giáo Hội Công Giáo ra, có rất nhiều các Tôn Giáo lớn khác như Phật Giáo; Ấn Giáo, Hồi Giáo,...
“Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”. Lời khẳng định này được các Giáo Phụ nhắc đi nhắc lại, chúng ta phải hiểu thế nào? Lời khẳng định có nghĩa tích cực là mọi ơn cứu độ đều xuất phát từ Đức Ki-tô là Đầu, chảy tràn qua Hội Thánh là Thân Thể Người”(x. GLCG, số 846).
Điều này không có nghĩa là những ai ở ngoài Giáo Hội Công Giáo đều xuống hỏa ngục hết. Và cũng không có nghĩa là những ai ở trong Giáo Hội Công Giáo đều được lên thiên đàng hết.
“Lời khẳng định trên không nhắm tới những người không vì lỗi của mình mà không biết Đức Ki-tô và Hội Thánh của Người. Thực thế, những kẻ vô tình không nhận biết Tin Mừng của Chúa Ki-tô và Hội Thánh Người, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn Thánh Ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự chỉ dẫn của lương tâm thì họ có thể đạt tới ơn cứu độ muôn đời” (x. GLCG, số 847).
Còn các tín hữu Công Giáo phải luôn nhớ câu này của Đức Giê-su: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: Lạy Chúa, Lạy Chúa, là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi” (x. Mt 7,21).
Chúng ta là những tín hữu Công Giáo, nên chúng ta hãy sống cho xứng với danh hiệu đó. Chúng ta hãy vui mừng khi chúng ta là hoa trái của Giáo Hội; hoa trái của Nước Thiên Chúa. Đồng thời cũng nhận biết có Đức Ki-tô ở với mình để chúng ta hăng say loan báo Tin mừng; loan báo Nước Thiên Chúa đến cho mọi người, để mọi người đều được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta. Giáo Hội của chúng ta là Giáo Hội Công Giáo, thì những tín hữu chúng ta cũng phải là Tín Hữu Công Giáo.
Lm. Bosco Dương Trung Tín.