Con tim rộng mở
- T7, 07/12/2024 - 05:31
- Lm Phạm Quốc Hưng
Chúa Nhật XVI Thường Niên (July 21-2012)
Con tim rộng mở
Trước khi vào Dòng, tôi có một giấc mơ rất lạ. Tôi thấy mình và một đoàn người phải đi qua một khu rừng vắng. Khi thấy đoàn người kiệt sức, tôi đã dùng dao mổ ngực mình lấy trái tim ra cho họ ăn để lại sức. Sau này, tôi nghĩ giấc mơ ấy như báo trước ơn gọi linh mục thừa sai và tông đồ cổ võ lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu nơi mình. Rồi mỗi lần có dịp đặt tay trên đầu cho một anh em tân linh mục trong thánh lễ truyền chức linh mục. Tôi thường thầm cầu nguyện cho người anh em ấy như sau: “Xin Chúa ban cho ngài nên một linh mục như lòng Chúa mong muốn”. Đó cũng là điều tôi hằng ước nguyện cho chính mình.
Sau khi chia sẻ giấc mơ ấy với các chị nữ tu Dòng Đức Mẹ Mân Côi trong dịp đi giảng đầu tháng bảy vừa qua, một chị đã chia sẻ với tôi một giai thoại về ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu. Tôi thấy hay quá nên xin Chị cho tôi nguyên bản văn câu truyện. Thật may mắn khi Chị đã mau mắn tìm ra và tặng tôi giai thoại trên với tựa đề “con tim rộng mở” như sau:
“Năm 1597 lệnh bắt đạo trên đất Nhật thật gắt gao. Chỉ trong một tuần lễ, mọi cơ sở Công giáo đầu bị triệt hạ, giáo sĩ bị bắt gần hết, giáo dân bị phân tán và khủng bố tàn tạ.
“Tại vùng Odawara, Kamakura, người ta bắt được hai linh mục trẻ tuổi là Simauchi và Uzawa cùng nhiều ảnh tượng giải về Tokyo. Quan đại thần Tsukamoto nhặt trong đống ảnh tượng một mẫu ảnh thật kỳ cục: người gì mà để trái tim ra ngoài!
“Tsukamoto là một nhà nho uyên bác có óc thực tế, thích tìm hiểu. Ông cầm mẫu ảnh trái tim coi qua rồi vất vào sọt rác, nhưng đến tối, ông nhớ lại và nghĩ bức ảnh kỳ lạ kia hẳn có một ý nghĩa nào đó. Ông lượm lại bức ảnh để trên bàn và suy nghĩ. Trời đã về khuya mà quan vẫn ngồi bất động một mình với bức ảnh trước mặt. Mãi đến gần một giờ sáng, vị đại thần mới thở ra nhẹ nhàng khoan khoái, tay cầm bút lông ghi dưới bức ảnh mấy chữ: “đối ngoại hữu kỳ tâm, đối nội vô tâm giả”.
“Từ đó, Tsukamoto đặt bức ảnh trái tim trên bàn làm việc một cách kính cẩn. Một hôm có ông bạn lên Osaki đến chơi, thấy vậy hỏi:
“Thế nào, bạn lại thích ảnh tượng của bọn tà đạo rồi sao?”
“Đứng về mặt chính trị của triều đình thì tôi không dám phản kháng. Nhưng về mặt văn hóa và nhân đạo thì tôi rất thích bức ảnh này. Phải chăng bức ảnh này đã nói lên chương trình và hành động cùng lối xử thế tổng quát của Kitô giáo.
“Để ông bạn coi: Đối với thiên hạ, tha nhân bên ngoài thì hữu tâm, còn với bản thân mình thì vô tâm. Cho nên họ mới vẽ trái tim để ra ngoài…Nghĩa là phải đem hết trái tim của mình mà phục vụ xã hội, giúp ích cho đời; còn về phần mình thì hy sinh xả kỷ, đừng bao giờ lo riêng cho mình, phải diệt cái ngã vị kỷ, đem hết trái tim ra giúp người.
“Nội dung bức ảnh này tôi thấy đầy đủ hơn cả cái học Từ Bi của Phật, khoan dung hơn cái Nhân Thứ của Khổng, cao siêu hơn cái Vô Ngã của Lão, mạnh mẽ hơn cái Dũng Thuật của Thần Đạo Nhật Bản vậy. Một tôn giáo dạy phụng sự nhân loại, yêu thương mọi người, còn bản thân mình thì không màng tới, không quan tâm đến tư lợi, thì quả là ngay chính của thiên hạ vậy.”
“Osaki cảm phục sự diễn đạt của bạn. Không ngờ đạo Công giáo lại hàm chứa một triết lý nhân sinh cao siêu như vậy. Từ đó hai ông trở nên những người bạn chí thân và đã âm thầm nhận phép Rửa Tội, đồng thời vận động triều đình thả hai linh mục…”
Giai thoại “con tim rộng mở” trên không những giúp tôi hiểu biết và xác tín hơn về ý nghĩa giấc mơ ơn gọi riêng mình năm xưa, mà còn giúp tôi khám phá chiều kích cao siêu của linh đạo Thánh Tâm như chìa khóa để bước vào tìm hiểu kho tàng Thánh Kinh và giáo lý Công Giáo. Đúng như nhiều tác giả nhận định: vấn đề Kitô giáo là vấn đề của con tim!
Con tim rộng mở, tâm hồn xả kỷ vị tha, quên mình để nghĩ đến người khác, triết lý “đối ngoại hữu kỳ tâm, đối ngoại vô tâm giả” như được diễn tả trong giai thoại trên được thể hiện cách sống động tuyệt vời nơi Chúa Giêsu trong Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay.
Trong bài đọc một trích sách ngôn sứ Giêrêmia và thánh vịnh 23, Thiên Chúa đã diễn tả sự quan tâm đầy yêu thương của Người dành cho dân Do thái như một mục tử tốt lành tận tình lo lắng cho đàn chiên. Sự quan tâm này được thể hiện qua sự trách mắng của Người đối với những mục tử xấu làm hại đàn chiên, sự ân cần chăm chóc của Người dành cho đàn chiên và lời hứa ban Đấng Cứu Thế làm Mục Tử tốt lành chăn sóc đàn chiên. Tình yêu này đã được bày tỏ một cách trọn vẹn và cụ thể nơi con người, cuộc sống, lời giảng dạy , cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu đúng như lời Người tuyên bố: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên” (Ga 10:11).
Tin mừng hôm nay ghi nhận “Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều” (Mc 6:34). Trong Tân Ước, cụm từ “chạnh lòng thương” diễn tả sự đồng cảm sâu xa mãnh liệt của tâm hồn dành cho người bất hạn. Thật thú vị khi biết rằng cụm từ này chỉ được dùng để diễn tả một số nhân vật trong các dụ ngôn, và để diễn tả cho một người sống động duy nhất là Chúa Giêsu. Điều này như muốn nói với chúng ta rằng chỉ có một mình Chúa Giêsu chính là hiện thân của Lòng Thương Xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại nói chung và từng người chúng ta nói riêng. Chính sự “chạnh lòng thương” này là nguyên lý căn bản cho mọi hoạt động của Chúa Giêsu dành cho chúng ta.
Trong bài đọc hai trích thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô, chúng ta nhận biết lòng thương xót của Chúa Giêsu dành cho nhân loại đạt đến mức viên trọn khi Người hiến thân chịu chết trên thập giá để đem lại ơn hòa giải giữa Thiên Chúa và nhân loại, đem lại sự hiệp nhất giữa dân Do thái và dân ngoại, và trở thành sự bình an cho chúng ta: “Anh em thân mến, xưa kia anh em là những kẻ ở xa, thì nay trong Đức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người, tức là bãi bỏ luật cũ với những thể lệ để kiến tạo cả hai nên một người mới, đem lại bình an, dùng thập giá giải hòa hai dân tộc trong một thân thể với Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần trí” (Ep 2:13-18).
Trong lịch sử Hội Thánh, sự “chạnh lòng thương” và “con tim rộng mở” của Chúa Giêsu không ngừng diễn tả lại nơi những môn đệ đích thực của Người dưới nhiều hình thức khác nhau:
-Chính vì “chạnh lòng thương” những người dân quê nghèo hèn tất bạt không được quan tâm săn sóc về cả hai mặt hồn xác, Thánh Anphong Liguori đã lập ra Dòng Chúa Cứu Thế để tìm đến rao giảng cho những người tất bật.
-Chính vì “chạnh lòng thương” những người phong cùi bị bỏ rơi tại đảo Molokai, Thánh Damien, một linh mục trẻ tuổi tráng kiện Dòng Thánh Tâm, đã tình nguyện đến sống và phục vụ họ, để rồi chia sẻ cả bệnh phong cùi với họ và chết giữa họ.
-Chính vì “chạnh lòng thương” các thiếu niên bị bỏ rơi hay phải sống lạc lõng giữa dòng đời, Thánh Gioan Bosco đã lập nên Dòng Salesian gồm những người hiến thân tìm đến phục vụ giới trẻ và giúp họ tìm được ý nghĩa cuộc sống nơi tình thương của Chúa Kitô.
-Chính vì “chạnh lòng thương” người bạn tù bị lên án tử trong trại giam của Đức Quốc Xã, Thánh Maximillian Maria Kolbe đã tình nguyện xin được chết thay cho bạn tù.
-Chính vì thương những người bần cùng tất bạt đói nghèo trong những khu nhà ở chuột bên Ấn Độ, Mẹ Têrêsa Calcutta đã từ bỏ nếp sống an bình của một nữ tu dạy học để lập nên Dòng Thừa Sai Bác Ái để tạo nên cả một đoàn thừa sai dấn thân tìm đến phục vụ người nghèo như phục vụ chính Chúa Kito, qua việc yêu mến và săn sóc họ, nhất là sống nghèo như họ.
-Cũng chính vì “chạnh lòng thương” đối với một nhân loại bị đắm chìm trong nền “văn hóa sự chết”, các Đức Giáo Hoàng gần đây đã không ngừng cảnh tỉnh nhân loại và nhiệt tâm rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Kitô: năm 1968 Đức Thánh Cha Phaolô VI đã can đảm chống lại áp lực của đám đông trong cũng như ngoài Hội Thánh để công bố Thông Điệp Sự Sống Con Người, xác định tính chân thật ngàn đời của luân lý tính dục và sự thánh thiêng của hôn nhân trong giáo huấn của Hội Thánh; Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II không nề mệt nhọc đi khắp đó đây để loan báo Tin Mừng Sự Sống và cổ võ việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa; và rồi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã công bố trong Thông Điệp đầu tiên của triều đại ngài: Thiên Chúa là Tình Yêu.
Vì vậy, sự “chạnh lòng thương” và “con tim rộng mở” là đặc nét căn bản của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đó cũng phải là đặc nét căn bản của mọi Kitô hữu, nhất là những người được tuyển chọn vào hàng linh mục hay tu sĩ nam nữ của Hội Thánh.
Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ giúp chúng con có được “con tim rộng mở” và tâm hồn biết “chạnh lòng thương” như Thánh Tâm Chúa Giêsu, để chúng con biết yêu Chúa yêu người như chính Mẹ đã yêu. Amen.
Lm Phạm Quốc Hưng