Nhảy đến nội dung

Đức Hồng Y Phanxicô-Người của Hội Thánh

Đức Hồng Y Phanxicô-Người của Hội Thánh

(Nhân ngày giỗ 10 năm của Đức Hồng Y Phanxicô-Xaviê Nguyễn Văn Thuận)

Vào dịp kỷ niệm 5 năm Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận qua đời ngày 16/09/2007, Tòa Thánh đã chính thức mở án phong thánh cho ngài. Người ta đã đang và sẽ biết đến ngài như một “chứng nhân hy vọng”, đúng như  chủ đề của tuần tĩnh tâm dành cho Giáo Triều do chính ngài hướng dẫn vào Mùa Chay Năm Thánh 2000. Với người Công Giáo Việt Nam, ngài đã trở thành vị chủ chăn được nhiều người biết đến, mến yêu và ngưỡng mộ hơn cả.

Riêng tôi, nhớ đến Đức Hồng Y Phanxicô là nhớ đến tác giả Đường Hy Vọng, tác phẩm tu đức Việt ngữ có ảnh hưởng sâu đậm nhất đối với tôi. Lần đầu tiên được nghe đọc ít đoạn trong Đường Hy Vọng ở phần “lời bảo” từ lịch phụng vụ khi tham dự  Thánh Lễ Chúa Nhật ở trại tị nạn Galang-Indonesia năm 1981, tôi đã cảm thấy bị thu hút mãnh liệt bởi tư tưởng súc tích đầy sức sống thần linh của ngài.

Ngày 26/ 04/1983, sau khi định cư tại Hoa Kỳ, tôi cảm thấy vui mừng biết bao khi được nhận được cuốn sách quý giá ấy do Bác Cửu, một người đồng hương của Anh Khoa, người bạn chí thân tôi tặng. Nỗi vui mừng lớn lao khi nhận được cuốn sách này khiến tôi lúc ấy đã viết vào trang đầu của cuốn sách những hàng sau:

“Lạy Chúa Giêsu, Bạn Chí Ái của lòng con, con sẽ cương quyết theo Chúa từ hôm nay. Chúa hãy giúp con sống trong hy vọng để kiên trung theo Chúa đến hơi thở cuối cùng của đời con!

“Xin Chúa cho con chính Chúa, còn mọi sự khác tùy Chúa lo liệu!

“Con chỉ xin một điều là cho con và mọi người thực hiện trọn vẹn Chương Trình Tình Yêu của Chúa. Chớ gì tất cả tình yêu của con dâng trọn cho Chúa nhờ tay Mẹ Maria.

“Chúa hãy cho con chết trong tình yêu Chúa chứ đừng để con ra ngoài tình yêu Ngài.

“Con đã bỏ mất cả quá khứ dài đằng đẵng trong ngã lòng, bối rối và ươn hèn, ích kỷ, tội lỗi.

“Ít nữa là từ hôm nay, con phải sống và muốn sống cũng như sống thực sự với Tình Yêu Chúa và bước đi trong Đường Hy Vọng”.

Vào ngày 01/09/1987, sau khi được nhà dòng gửi vào Chủng Viện Thánh Gioan ở Camarillo, California, tôi viết ở cuối cuốn sách: “Cùng với Gương Chúa Giêsu, Đường Hy Vọng làm phấn khởi và trẻ trung hóa hồn tôi  trên con đường mến yêu Chúa”.

Biết ơn tác giả Đường Hy Vọng, tôi đã cầu nguyện đích danh cho ngài như một trong những ân nhân cao quý nhất của mình. Mãi đến mùa hè năm 1996, sau khi đã thụ phong linh mục, tôi đã được diễm phúc gặp gỡ ngài trong kỳ tĩnh huấn dành cho các linh mục Việt Nam tại Florida. Và tôi đã sung sướng bày tỏ lòng yêu mến biết ơn của tôi đối với ngài. Năm 1998, sau khi nhận được cuốn Trong Dòng Đời, cuốn sách đầu tay của tôi, ngài đã viết cho tôi ít hàng khích lệ sau: “Cảm ơn Cha đã gửi sách, cầu chúc Cha sản xuất thêm nhiều hơn nữa”.

Tôi còn được gặp gỡ, lắng nghe và học hỏi với ngài trong lần ngài nói chuyện với giới trẻ Việt Nam tại Orange County năm 1996, cuộc nói chuyện của ngài với giới doanh thương Hoa Kỳ tại Saint Paul-Minesota tháng 09/1999, và cuộc gặp gỡ nói chuyện và vui xuân của ngài với anh chị em linh mục tu sĩ Việt Nam trong tuần tĩnh huấn đầu Năm Thánh 2000 tại Rôma.

Nhận biết giá trị đích thực của những giáo huấn cao quý của Đức Hồng Y và yêu quý ngưỡng mộ con người cao cả và cuộc sống chứng tá của ngài, tôi đã tìm mua và đọc hầu hết các tác phẩm của ngài: Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng, Đường Hy Vọng Dưới Ánh Sáng Lời Chúa và Công Đồng Vaticanô II, Năm Chiếc Bánh và Hai Con Cá, Đường Hy Vọng và Dẫn Giải, Niềm Vui Sống Đạo Thế Kỷ 21, Cầu Nguyện Hy Vọng, Sứ Điệp Cha Thánh Maximilian Kolbe, Chứng Nhân Hy Vọng; Hôm Qua, Hôm Nay, Ngày Mai…; Đức Thánh Cha Gioan XXIII.

Mới đây, tôi vui mừng được đọc thêm bộ hồi ký Cha Tôi trong Cuộc Đời của Tôi của Đức Ông Phaolô Phan Văn Hiền và cuốn Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận qua những Lời Tự Thuật của Đức Ông Phanxicô B. Trần Văn Khả.

Nhờ đó, tôi càng hiểu biết hơn về con người, cuộc đời và tâm tư của Đức Hồng Y. Có biết bao điều tuyệt diệu đáng được ngưỡng mộ và học hỏi nơi con người, cuộc đời và giáo huấn của ngài! Ở đây, tôi muốn chiêm ngắm và học hỏi với ngài như một người của Hội Thánh.

Trong tác phẩm Đường Hy Vọng, khi viết về Hội Thánh, Đức Hồng Y đã bắt đầu bằng cách trình bày Đức Thánh Cha Phaolô VI như một mẫu gương rạng ngời về lòng yêu mến Hội Thánh. Ngài viết: “Mỗi khi có ai tỏ ý lo sợ Ngài đau khổ, nhọc mệt. Đức Phaolô VI luôn luôn trả lời: Vỉ Hội Thánh! Vì Hội Thánh! Con hãy sống và trả lời như vậy” (# 247).

Chính Đức Thánh Cha Phaolô VI đã trình bày tầm quan trọng của lòng yêu mến Hội Thánh trong đời sống đức tin Công Giáo trong Thông Điệp Ecclesiam Suam (Những Con Đường của Hội Thánh-1964) như sau: “Chúng ta phải tập nhìn thấy Chúa Kitô trong Hội Thánh. Chính Chúa Kitô sống trong Hội Thánh là Đấng giảng dạy, cai quản và thánh hóa Hội Thánh. Cũng chính Chúa Kitô là Đấng tỏ mình cách khác nhau nơi các thành viên trong tổ chức của Người” (# 35).

Đức Phaolô VI víêt tiếp: “Thực thế, ý thức về mầu nhiệm Hội Thánh là kết quả của một đức tin trưởng thành và sống động. Từ một đức tin như thế sẽ nảy sinh một cảm nghĩ với Hội Thánh, cảm nghĩ này đong đầy người Kitô hữu đã được dưỡng dục trong Trường Lời Chúa. Người ấy đã được bổ dưỡng bởi ân sủng của các Bí Tích và của những linh hứng khôn tả của Đấng An Ủi, đã được đào luyện trong việc thực hành các nhân đức của Phúc Âm, đã được thấm nhuần với đời sống văn hóa và cộng đoàn của Hội Thánh, và được hạnh phúc sâu xa khi nhận thấy mình được trao tặng Chức Tư Tế Vương Giả thuộc về Dân Thiên Chúa. Mầu nhiệm Hội Thánh không phải chỉ là một kiến thức thần học; nó là một điều để sống, một điều mà tâm hồn trung tín có thể có được một thứ cảm nghiệm rất tự nhiên, ngay cả trước khi có một ý tưởng rõ ràng về Hội Thánh” (#36 & 37).

“Cảm nghĩ với Hội Thánh” được nói đến trên đây thường được các giáo sư trong chủng viện gọi là “luật trứơc tiên” hay “luật căn bản” (rule of thumb) trong công cuộc giáo dục đức tin và giảng dạy thần học. Nó phải là thước đo thực chất đức tin nơi từng tín hữu Công Giáo. Thiếu nó, linh mục không thể sống đúng căn tính của mình là thừa tác viên hay người của Hội Thánh. Đây chính là điều tôi nhận thấy đã thể hiện rõ nét nơi con người, cuộc sống và giáo huấn của Đức Hồng Y Phanxicô.

“Cảm nghĩ với Hội Thánh” ấy Đức Hồng Y đã được hấp thụ từ gia đình lành thánh của ngài, cách riêng từ mẹ ngài. Theo lời ngài thuật lại, khi ngài bị tù tội, mẹ ngài đã là nguồn an ủi lớn lao đối với ngài. Bà cố không xin mọi người cầu nguyện cho ngài sớm ra khỏi tù ngục theo lối thường nhân, nhưng với một đức tin lớn lao bà cố đã nói với mọi người: “Xin hãy cầu nguyện để con tôi được trung thành với Hội Thánh và ở lại nơi nào Chúa muốn”.

Việc Đức Hồng Y bị bắt giữ năm 1975 và cầm tù suốt 13 năm đã trở thành cơ hội quý giá để ngài chứng thực lòng yêu yêu mến trung thành với Hội Thánh, cũng như góp phần xây dựng bằng lời cầu nguyện và biết bao hy sinh trong đau khổ trong thầm lặng của cảnh ngục tù. Ngài viết: “Tôi bị bắt giam không một phiên tòa, không một lời tuyên án. Cũng như Đức Thánh Cha Phaolô VI, tôi đã lập lại nhiều lần Vì Giáo Hội! Vì Giáo Hội! (Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê…tr.55).

Tôi sung sướng đọc được tâm tình yêu mến Hội Thánh thật thiết tha của Đức Hồng Y Phanxicô nơi những lời tâm sự của ngài được ghi lại trong hồi ký Cha Tôi trong Cuộc Đời của Tôi của Đức Ông Hiền, người con thiêng liêng của ngài. Khi biết Cha Hiền sắp vào học tại Trường Thánh Phêrô ở Rôma, ngài nhắn nhủ Cha Hiền như sau:

“Hiền chỉ còn mấy ngày nữa là bắt đầu vào Trường Thánh Phêrô chuẩn bị học rồi. Lẽ dĩ nhiên bây giờ ở đâu cũng có thể học được. Nhiều đại học trên thế giới cũng dạy những môn như ở Rôma. Nhưng học ở đây có hai đặc tính Romanitas và Universalitas. Rôma tính và hoàn vũ tính. Rôma là Thánh Đô của Hội Thánh. Có Đức Thánh Cha, đại diện Chúa Kitô, và các vị lãnh đạo đang ngày đêm cần mẫn làm việc để gìn giữ và phát triển Hội Thánh hoàn vũ. Rôma cũng là điểm gặp của mọi sắc dân trên thế giới. Không có nơi nào có nhiều sinh viên thuộc nhiều quốc gia đến học như ở Rôma. Người sinh viên đến du học ở đây, nếu biết tìm hiểu và ý thức, sẽ có lòng yêu mến Hội Thánh nhiều hơn và sẵn sàng cộng tác với mọi người để xây dựng Hội Thánh” (Cha Tôi Q. II tr. 25).

Ngài còn kể lại một kỷ niệm trong tù chứa đựng một tình mến thiết tha dành cho Hội Thánh và Đấng Kế Vị Thánh Phêrô:

“Sau khi rời Giang Xá, Cha được đưa đến ở tại những khu tập thể của công an. Không người nào biết Cha là ai cả. Một bữa kia, chị công an có nhiệm vụ lo cơm nước cho Cha, đem về hai con cá được gói trong một tờ giấy báo Osservatore Romano. Cha vui mừng thấy lại tờ báo chính thức của Hội Thánh và lén lấy đem đi rửa sạch khỏi mùi tanh và phơi khô, rồi cất giữ nó như một vật trân quý. Đường lối Chúa thật lạ lùng! Khi mọi tin tức từ Hội Thánh bị cắt đứt, Chúa lại khéo léo dùng tờ báo Osservatore Romano qua ngã giấy tạp gói cá ngoài chợ, để nhắc Cha về sự hiệp thông với Hội Thánh hoàn vũ, với Đức Thánh Cha, với Rôma. Và qua đó, Cha nhận ra Hội Thánh vẫn luôn gần gũi và để ý quan tâm lo lắng cho Cha, dù cho Cha bị hoàn toàn cô lập. Chính điều này đã nâng đỡ sức mạnh của Cha rất nhiều” (Cha Tôi Q. II tr. 25-26).

Một buổi sáng ở Rôma, ngài chỉ cho Cha Hiền thấy vòm tháp tròn của Đền Thờ Thánh Phêrô và tâm sự:

“Trong thời kỳ biệt giam ở Hà Nội, nhiều lần nghe tiếng chuông Nhà Thờ Chánh Tòa Hà Nội thánh thót, Cha nghĩ đến Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma với tất cả tâm tình hiệp thông và yêu mến. Đền thờ này là biểu tượng của Hội Thánh do chính Chúa thiết lập và tiếp tục hướng dẫn dìu dắt, để qua đó mọi người trên thế giới ở mọi thời đại nhận biết ơn cứu độ của Chúa. Nhiều người tự xưng mình là tin Chúa, nhưng lại không tin, không yêu mến Hội Thánh. Thật lạ lùng! Làm sao có thể tách Chúa Giêsu ra khỏi Hội Thánh do chính Ngài thiết lập được. Tất nhiên Hội Thánh cũng có những khuyết điểm vì cũng là một tổ chức. Nhưng cũng thật bất công nếu chỉ dựa vào những khuyết điểm đó để công kích và tẩy chay Hội Thánh. Hơn nữa, Hội Thánh đâu phải là giáo triều, nhà thờ hay nghi thức. Hội Thánh là toàn thể Dân Chúa đang tiến về Nước Trời. Và mỗi người Kitô hữu đều có nhiệm vụ góp phần để làm cho những tổ chức của Hội Thánh nên hoàn hảo” (Cha Tôi Q. II tr. 34).

Để diễn tả lòng yêu mến sâu xa dành Hội Thánh, ngài đã sáng tác bài thơ Tất Cả Vì Sứ Mạng!Tất Cả Vì Hội Thánh! (lời Đức Phaolô VI) như sau:

Lạy Cha, con tin vững vàng.

Cha trao sứ mạng ngập tràn yêu thương.

Cha đang chuẩn bị dọn đường,

Con luôn thanh luyện, con hằng quyết tâm

Quyết nên hy lễ âm thầm,

Quyết nên khí cụ Cha cầm trong tay.

Hy sinh rướm máu từng giây,

Vì yêu Hội Thánh, “con đây sẵn sàng!”

Ngài giải thích với Cha Hiền như sau: “Đây là một trong 6 bài thơ Cha làm trong thời gian ở trại Phú Khánh, Nha Trang. Tất cả làm thành Kinh Toàn Hiến, vì trong đó Cha bày tỏ niềm tin tưởng tuyệt đối vào tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa, nhờ đó Cha sẵn sàng chấp nhận mọi khó khăn xảy đến trong tinh thần vâng phục để làm vinh danh Chúa và mưu ích cho Hội Thánh” (Cha Tôi Q. II tr. 36).

“Cảm nghĩ với Hội Thánh” sâu đậm nơi tâm hồn Đức Hồng Y khíên ngài nhận thức và quan tâm trước thực trạng chống phá Hội Thánh một cách tinh vi và tàn nhẫn của những người bất phục Hội Thánh ngay trong lòng Hội Thánh. Với tầm nhìn xuyên suốt của đức tin được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần, Đấng hằng dẫn dắt Hội Thánh, ngài còn vạch ra những lý do và động lực nằm sâu nơi tâm hồn của những kẻ đang chống phá Hội Thánh. Điều này đã được Cha Hiền kể lại như sau:

“Ngài kể cho tôi biết về trào lưu vô thần ở Âu Châu. Có những người không tin Chúa nhưng vẫn ghi danh tham dự các lớp thần học ở các đại học Công giáo. Cũng có bằng cử nhân, tiến sĩ thần học. Nhưng những người này chỉ muốn học để thỏa mãn tính tò mò, hay để tìm cách phá Giáo Hội. Tệ hại hơn nữa, có những nhà thần học tự phụ cho mình biết tất cả mọi sự và lên mặt lớn tíêng chỉ trích Giáo Hội sai lầm và lỗi thời. Họ thường lý luận thật tinh vi. Kiểu lý luận của những người biệt phái ngày xưa: không chống Đức Giavê nhưng lại giết kẻ Ngài sai đến. Cũng vậy, họ hô hào mình không phản Giáo Hội nhưng lại chống những người đại diện của Giáo Hội, phê phán Giáo Hội cách bất công, thiếu tinh thần xây dựng. Họ quên mất hay cố tình quên yếu tố yêu thương và phục vụ phải gắn liền với kiến thức mà chính Chúa đã ban cho họ. Và ngài kể cho tôi nghe về những trường hợp dễ đưa người ta đến chỗ chống đối Giáo Hội: 1) khi kẹt vấn đề tiền tài, tình cảm; 2) khi bất mãn vì tham vọng; 3) khi sợ cực, sợ đau khổ, sợ chết (ĐHV # 262).

“Ngài lấy gương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam để giải thích lòng yêu mến Giáo Hội. Các bậc tiền nhân sẵn sàng chấp nhận đau khổ, và ngay cả cái chết, nên luôn giữ vững được đức tin và lòng trung thành với Giáo Hội. Ngài nói tiếp: Dĩ nhiên tử đạo là một ơn đặc biệt của Chúa. Không phải bất kỳ ai cũng được ơn này. Nhưng chỉ những người sống đức tin và yêu mến Giáo Hội thực sự mới được ơn phúc đó. Trong ba trường hợp trên đây, phản bội do “bất mãn vì tham vọng” được xem là nghiêm trọng hơn cả vì chính đương sự chủ động, không phải bị áp lực của những yếu tố bên ngoài. Đây là loại “phản bội trí thức” vì sự phản bội này thường thấy nơi những người trí thức kiêu căng. Họ tự cho mình biết tất cả, thông thạo tất cả nên sẵn sàng lên mặt chống đối, phê phán chỉ trích tất cả những người khác, kể cả những người đại diện Giáo Hội. Tham vọng của những người này là muốn tất cả mọi người phải nghe và chấp nhận ý kiến của họ. Vì thế, một khi tham vọng không đạt được như ước muốn, họ đâm ra bất mãn và phản lại Giáo Hội” (Cha Tôi Q. I tr. 102-103).

Chính khẩu hiệu “Vui Mừng và Hy Vọng” ngài chọn khi được tấn phong giám mục năm 1967 là một biểu hiện sống động của “cảm nghĩ cùng Hội Thánh” sâu thẳm nơi ngài. Đó là một lời tuyên xưng lòng yêu mến gắn bó thiết tha của ngài. Vì khẩu hiệu đó-Gaudium et Spes-chính là tên gọi của Hiến Chế Mục Vụ về Giáo Hội trong thế giới hôm nay.

Xác tín vào tầm quan trọng và sự cần thiết của việc phải có cùng “cảm nghĩ với Hội Thánh” trong đời sống đức tin người tín hữu, Đức Hồng Y Phanxicô đã dùng mọi cơ hội để gieo vào lòng mọi người niềm tin tưởng, kính yêu và vâng phục Đức Thánh Cha và Hội Thánh. Đặc biệt, trong Thư Luân Lưu Vững Mạnh Trong Đức Tin-Tíên Lên Trong An Bình ngài viết năm 1969, khi ngài công bố năm đức tin tại Giáo Phận Nha Trang với tư cách là giám mục địa phận, ngài đã giúp các tín hữu có cùng “cảm nghĩ với Hội Thánh” một cách súc tích và cụ thể như sau:

“Muốn vững mạnh trong đức tin ở Hội Thánh, anh chị em phải làm gì?-Tôi tha thiết khuyên bảo anh chị em ghi tạc ba điểm này, vừa thực tế, vừa cần thiết:

“1. Phải công nhận có quyền bính (auctoritas)

“Chúng ta tin điều Chúa mạc khải, nhưng Chúa trao quyền bính gìn giữ gìn giữ kho tàng mạc khải ấy cho Hội Thánh. Kho tàng ấy nằm trong Thánh Kinh và Thánh Truyền. Hội Thánh có quyền giải thích và ta có bổn phận phải vâng lời,

“2. Phải công nhận có mầu nhiệm (mysterium)

“Nhờ ơn Chúa, nhờ Chúa mạc khải, trí óc chúng ta hiểu được nhưng chân lý Chúa tỏ cho ta. Có những chân lý cao cả, trí óc nhân loại không thấu hết được, nhưng có thực, mặc dù không thể dùng khoa học để thí nghiệm, nhưng mọi tín hữu tin như Hội Thánh dạy, không phải ai muốn tin sao cũng được.

“3. Phải chấp nhận trở ngại (scandalum)

“Những tín điều Công Giáo nhiều khi trái ngược hẳn với sự hiểu biết tự nhiên: Đức Mẹ Đồng Trinh, Chúa Giêsu chịu tử nạn, phục sinh, lên trời và sẽ trở lại phán xét là những thực tại lịch sử, khoa học không giải thích được. Ngay lúc Chúa dạy về Phép Thánh Thể đã có người phản đối: “Lời này cứng cỏi quá ai chịu nổi” (Jn 6:61).

“Chúng ta phải phân biệt rằng Hội Thánh không gò bó bóp nghẹt, ngược lại khuyến khích những ai có khả năng và thiện chí hãy nhận lấy sứ mạng tuyệt diệu là đào sâu, thanh lọc, diễn tả những bản văn về các tín điều bằng lời lẽ mới mẻ, tốt đẹp, đặc sắc, linh động và dễ hiểu hơn.

“Theo Công Đồng Vaticanô II dạy, kho tàng mạc khải luôn luôn là một, không biến đổi, trong một giáo lý, trong một đường hướng, trong một tư tưởng (Diễn văn Đức Phaolô VI ngày 03/07/1968).

“Yêu mến Hội Thánh là không làm hại Hội Thánh bằng những lời chỉ trích, những thái độ vơ đũa cả nắm.

“Yêu mến Hội Thánh là không làm tổn thương cho Hội Thánh bằng những lời lẽ không khôn ngoan, những thái độ mập mờ không xứng một người Công Giáo chân chính.

“Yêu mến Hội Thánh là không để Hội Thánh lệ thuộc một thực tại trần gian nào, dù là đảng phái, dù là văn minh, dù là giai cấp.

“Yêu mến Hội Thánh là biết khôn ngoan đề phòng những lối tuyên truyền của báo chí, có tính cách chiêu khách, đấu thầu, vô trách nhiệm, có nhiều lần do những hội kín mua chuộc, và như lời Đức Thánh Cha Phaolô VI, nó tạo cho óc chỉ trích phá hoại thành một lối thời trang trong nhiều khu vực của đời sống Công Giáo”.

Và ngài đã trân trọng lập lại trong thư luân lưu này lời hiệu triệu trong diễn văn ngày 18/09/1968 của Đức Thánh Cha Phaolô VI:

“Giờ đây, Ta nói với các con, những người con trung thành, Ta vui sướng nhìn các con là những người yêu thương Hội Thánh với một tâm hồn khiêm tốn và chân thật. Tâm tình và hành động của các con đáp lại tiếng gọi của Ta. Hãy yêu mến Hội Thánh! Giờ đã điểm, hãy yêu mến Hội Thánh với một tâm hồn  can đảm, mới mẻ.”

Cuối thư, ngài thiết tha kêu gọi mọi tầng lớp trong giáo phận hãy tin tưởng, yêu mến và vâng phục Hội Thánh để vững mạnh tiến bước trong niềm tin như sau:

“Vì tinh thần trách nhiệm trước mặt Chúa, tôi đã trình bày những điều trên đây.

“Xin anh em trong chức Linh Mục hãy tin tưởng ở Hội Thánh, yêu mến, phục vụ, hy sinh, vâng lời Hội Thánh và Đức Thánh Cha. Anh em hãy dạy cho giáo dân được xác tín, trung thành với Hội Thánh.

“Các tu sĩ nam nữ hãy dâng cuộc đời tận hiến để tận tụy hy sinh cho Hội Thánh và Đức Thánh Cha, trong thinh lặng thầm kín, giữa những nơi xa xôi hẻo lánh, bằng những công việc rất khiêm tốn.

“Các chủng sinh hãy ý thức từng giây phút, để chuẩn bị các con mai ngày trở nên cộng tác viên của Đức Thánh Cha, người thừa hành của Thiên Chúa. Hội Thánh cần những người dấn thân đầy khả năng, không sợ hy sinh, biết trung thành và kỷ luật.

“Giáo dân là tiếng nói của Hội Thánh giữa đồng áng, xưởng máy, học đường. Anh chị em hãy tạo cho gia đình anh chị em thành tiểu tổ của chiến sĩ hăng say giữa trần gian.

“Tin tưởng ở lời cầu bầu của Đức Mẹ Maria, tôi tuyên bố năm 1969 là Năm Đức Tin của Địa Phận.”

Ngài đã tận tình yêu mến phục vụ Hội Thánh khi ở giữa đoàn chiên. Ngài vẫn kiên trung yêu mến, hy sinh và cầu nguyện cho Hội Thánh giữa cảnh ngục tù. Ai lại không xúc động trước lòng yêu mến sắt son ngài dành cho Hội Thánh khi thấy ngài cầu nguyện với Đức Mẹ như sau, trước khi được trả tự do: “Lạy Mẹ, nếu con làm ích cho Giáo Hội trong cảnh tù đày này, xin Mẹ cho con ơn và vinh dự được chết ở đây. Nhưng nếu Mẹ thấy con còn có thể phục vụ Giáo Hội cách nào đó, xin Mẹ để cho các người bắt con thả con ra” (Đức Hồng Y Phanxicô-Xaviê…tr.113).

Quả thật ngài đã “sống và chết vì Hội Thánh như Chúa Kitô” (Đường Hy Vọng # 987).

Chính nhờ đã có cùng “cảm nghĩ với Hội Thánh”, đã sống và chết như người của Hội Thánh, một người con thảo hiếu trung thành và vâng phục Mẹ Hội Thánh, mà ngài đã trở nên chứng nhân của niềm vui và hy vọng, chứng nhân của đức tin, một Phúc Âm sống, một môn đệ đích thực của Chúa Kitô, một người của Thiên Chúa, và một vị thánh. Vì ngài đã từng xác quyết rằng: “Trong Hội Thánh mọi người được mời gọi và có bổn phận phải nên thánh. Nếu con không sống thánh thiện, con đừng lên mặt canh tân Hội Thánh, Không ai có Thánh Thần mà chống lại Đức Kitô” (ĐHV # 267).

Bằng chính cuộc đời đong đầy tình yêu sâu đậm thiết tha dành cho Mẹ Hội Thánh của ngài, Đức Hồng Y Phanxicô đã vạch ra một quy luật tối cần để sống đức tin cho giới trẻ cũng như cho từng tín hữu hôm nay. Đó là: “Tôi sẽ trung thành làm chứng nhân cho Chúa Giêsu trong Giáo Hội và cho Giáo Hội” (Cha Tôi Q. IV tr. # 56).

Nguyện xin Chúa, qua sự chuyển cầu của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse, Các Thánh Tử Đạo Việt Nam và Đức Hồng Y Phanxicô yêu dấu của chúng con,  ban cho mọi tín hữu chúng con biết noi gương Đức Hồng Y và được gấp bội thần trí của ngài, để trung thành làm chứng nhân cho Chúa Giêsu trong Giáo Hội và cho Giáo Hội, như chính ngài đã thương yêu khuyên dạy chúng con. Amen.

Lm Phạm Quốc Hưng