Nhảy đến nội dung

Vẻ đẹp độc đáo của chúng ta

CN IV MV                      

Vẻ đẹp độc đáo của chúng ta

   “Này đây một Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh một con trai. Người ta sẽ gọi tên con trẻ là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”(Mt 1,23).

   Người Con Trai đó là Đức Giê-su. Ngài được gọi là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Điều đó, chúng ta thấy được trong máng cỏ Giáng Sinh. Chúng ta cùng nhau suy gẫm về điều này, qua Tông thư “Dấu chỉ tuyệt vời”, của Đức Phan-xi-cô. (số 5)

5- Thật đầy cảm xúc khi sắp xếp những ngọn núi, dòng suối, những con cừu và các mục đồng trong cảnh Giáng Sinh! Khi chúng ta làm như vậy, chúng ta được nhắc nhở rằng, như các tiên tri đã báo trước, tất cả các loài thọ tạo đều vui mừng trước sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai. Các thiên thần và ngôi sao dẫn đường là một dấu hiệu cho thấy chúng ta cũng được kêu gọi lên đường đến hang đá và thờ phượng Chúa.

   “Nào chúng ta sang Bêlem, để xem sự việc đã xảy ra, như Chúa đã tỏ cho ta biết.” (Lc 2,15). Các mục đồng đã nói với nhau như thế sau lời loan báo của các thiên thần. Một bài học đẹp xuất hiện từ những từ đơn giản này. Không giống như nhiều người khác, bận rộn về nhiều thứ, các mục đồng trở thành người đầu tiên nhìn thấy điều thiết yếu nhất trong tất cả: đó là hồng ân cứu độ. Chính những người khiêm tốn và nghèo khổ là những người chào đón sự kiện Nhập thể. Các mục đồng đáp lại Thiên Chúa, Đấng đến gặp chúng ta qua Hài nhi Giêsu, bằng cách lên đường gặp Người với tình yêu, lòng biết ơn và sự tôn kính. Nhờ Chúa Giêsu, cuộc gặp gỡ này giữa Thiên Chúa và con cái Người đã sinh ra tôn giáo của chúng ta và giải thích cho vẻ đẹp độc đáo của nó, rất rõ ràng một cách tuyệt vời trong cảnh Giáng Sinh.

    Chúng ta sẽ suy gẫm từ câu cuối trở lên. “Nhờ Chúa Giêsu, cuộc gặp gỡ này giữa Thiên Chúa và con cái Người đã sinh ra tôn giáo của chúng ta và giải thích cho vẻ đẹp độc đáo của nó, rất rõ ràng một cách tuyệt vời trong cảnh Giáng Sinh”.

  Qua câu này, Đức Thánh Cha cho biết nguồn gốc sinh ra Giáo Hội Công Giáo chúng ta, hiện diện trong cảnh Giáng Sinh. Đó là nhờ Đức Giê-su, Thiên Chúa gặp gỡ con cái mình. Có thể nói, nhờ Đức Giê-su Giáng Sinh, Thiên Chúa là Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng loài người chúng ta.

   Điều này được thực hiện khi Đức Giê-su nói với Phê-rô : “Anh là Phê-rô, nghĩa là Đá, trên Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (x. Mt 16,18).

  Và qua cảnh Giáng Sinh, giải thích cho vẻ đẹp độc đáo của Giáo Hội Công Giáo. Vẻ đẹp độc đáo đó là gì, chúng ta cùng tìm hiểu.

  Trước hết, “những ngọn núi, dòng suối, những con cừu và các mục đồng trong cảnh Giáng Sinh”. Điều này nói lên điều gì? Điều này nói lên rằng “tất cả các loài thọ tạo đều vui mừng trước sự xuất hiện của Đấng Thiên Sai”. Đặc biệt là các mục đồng. “Các mục đồng trở thành người đầu tiên nhìn thấy điều thiết yếu nhất trong tất cả: đó là hồng ân cứu độ. Chính những người khiêm tốn và nghèo khổ là những người chào đón sự kiện Nhập thể”.

   Đức Thánh Cha nói : “Không giống như nhiều người khác, bận rộn về nhiều thứ, các mục đồng trở thành người đầu tiên nhìn thấy điều thiết yếu nhất trong tất cả: đó là hồng ân cứu độ”.

    Những ai nhìn thấy điều thiết yếu nhất trong tất cả, là Hồng Ân Cứu Độ? Các mục đồng. Vì các mục đồng chỉ có một việc là chăn cừu, chăn chiên hay chăn dê, ngày ngày cho chúng ra đồng ăn cỏ, xong rồi về. Thế nhưng Đức Thánh Cha nhấn mạnh : “Chính những người khiêm tốn và nghèo khổ là những người chào đón sự kiện Nhập thể”.

   Theo Đức Thánh Cha, chỉ những người khiêm tốn và nghèo khổ mới là những người chào đón sự kiện Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Nói cách khác là chào đón Thiên Chúa; gặp gỡ Thiên Chúa.

   “Người khiêm tốn và nghèo khổ” và “các mục đồng, không giống như nhiều người khác, bận rộn về nhiều thứ”, hai loại người này có giống nhau không? Chắc chắn là không giống nhau rồi. Người nghèo khổ mà không khiêm tốn, lại bận rộn đi tìm của ăn áo mặc, thì cũng bận rộn như ai thôi, đâu có thời gian mà đọc kinh, cầu nguyện hay đến gặp Chúa đâu.

   Điều này chúng thấy rất rõ ở thời đại này. Ngày nay, cuộc sống ngày càng phát triển. Càng phát triển bao nhiêu thì con người chúng ta càng lo lắng và bận rộn bấy nhiêu. Điện có, máy móc có; lại bao nhiêu điều tiện lợi, tiện nghi mà chúng ta có bây giờ, thế nhưng một điều trớ trêu là con người ngày nay lại bận rộn hơn lúc nào hết. Và vì bận rộn như thế, đâu có bao nhiêu người còn đến nhà thờ ngày Chúa Nhật hay còn thiết tha gì với Đạo đâu.

  Người nghèo khổ cũng đi tìm của ăn áo mặc; người giàu có cũng không kém, ra sức làm để có thêm nhiều của cải. Phải, chỉ có những người “khiêm tốn và nghèo khổ” thôi. Nghèo khổ mà khiêm tốn, nghĩa là những người không bận rộn về nhiều thứ thuộc trần gian này.

   Ngày xưa, khi con người còn làm nông, trồng trọt, cậy trông hoàn toàn vào trời đất, thì lòng tin vào Thiên Chúa và sống Đạo tốt lành, nghiêm chỉnh. Khi đó người ta chẳng lo lắng và bận rộn như bây giờ. Ngày đó, chỉ có ăn, đi làm; rồi về nghỉ, đọc kinh, cầu nguyện.

   Ngày nay, thì không như thế nữa, người ta bận rộn rất nhiều thứ, đến nỗi quên của Thiên Chúa và không cần đến Thiên Chúa nữa. Dầu vậy, số người “không bận rộn về nhiều thứ”, vẫn là “Số ít”, đó chính là “vẻ đẹp và độc đáo” của Giáo Hội Công Giáo chúng ta.

   Điển hình ở các nước phương tây hay ở các nước Châu Á, người Công Giáo Việt Nam, vẫn luôn là “vẻ đẹp độc đáo” của việc sống Đạo. Dù rằng, cuộc sống của những người này không giàu có gì nhưng vẫn đi nhà thờ tham dự thánh lễ hàng tuần là một điều không thể chối cãi. Đương nhiên, cũng có những người Công Giáo Việt Nam, vì bận rộn hay vì công ty bắt làm cả ngày Chúa Nhật, nên không thể đi tham dự thánh lễ được. Còn ngoài ra, khi có thì giờ, người Công Giáo Việt Nam vẫn siêng năng đi tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật.

   Về ơn gọi Linh Mục và Tu Sĩ cũng thế. Chỉ những người nghèo, những người khiêm tốn, những người không bận rộn về nhiều thứ mới nhận được ơn Thiên Triệu và đi tu thôi. Ơn gọi ở Việt Nam vẫn là nhiều so với các nước khác. Điều này chúng ta cũng dễ hiểu. Khi không quá bận rộn nhiều thứ ở đời này, thì sẽ nghe được tiếng Chúa gọi thôi. Nhưng phải coi chừng, khi đã là Linh mục và Tu Sĩ rồi, lại bận rộn về nhiều thứ thuộc trần gian này thì khốn. Có đọc kinh, dâng lễ đấy, nhưng hồn lại để ở công việc thì cũng như không.

   Bởi đó, dù chúng ta là ai, chúng ta không thể đi làm mục đồng, đi chăn cừu, chăn chiên được, nhưng một điều chúng ta có thể làm được trong hoàn cảnh hiện tại của mình là chúng ta đừng quá bận rộn về những việc của thế giới này, mà phải dành thời giờ cho việc cầu nguyện.

    Mỗi ngày, chúng ta chỉ cần dành ra 1 phút, 30 giây cho buổi sáng trước khi đi làm và 30 giây cho buổi tối trước khi ngủ để cầu nguyện. Chẳng lẽ chỉ có 1 phút mà ta không làm được sao !!! Và mỗi ngày Chúa Nhật, chúng ta dành 2 tiếng đồng hồ cho việc tham dự Thánh Lễ.

    Chúng ta cầu nguyện, chúng ta tham dự Thánh Lễ là chúng ta gặp Chúa đấy. Chúng đến gặp Chúa “với tình yêu, lòng biết ơn và sự tôn kính”. Đó chính là vẻ đẹp độc đáo của Giáo Hội Công Giáo, đó cũng là vẻ đẹp độc đáo của người Công Giáo chúng ta nữa đấy. Vậy, chúng ta hãy làm cho vẻ đẹp độc đáo của cảnh Giáng Sinh hiện tại hóa nơi con người chúng ta, khi chúng ta biết dành thời giờ đến gặp Chúa vì tôn kính Chúa, vì lòng biết ơn Chúa và vì lòng yêu mến Chúa.

                                                                         Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: