Bí quyết giữ tình gia thất
- T7, 07/12/2024 - 15:54
- Lm Phạm Quốc Hưng
Lễ Thánh Gia Thất - Năm C (Dec. 30th 2012)
Bí quyết giữ tình gia thất
Trong chương trình tình yêu cứu chuộc dành cho nhân loại, Thiên Chúa đã quan phòng cho Chúa Giêsu được sinh ra và lớn lên trong khung cảnh một gia đình-Thánh Gia Thất. Chúa Giêsu không những chọn Đức Maria Vô Nhiễm làm Mẹ, nhưng Người còn chọn Thánh Giuse Đồng Trinh làm Cha nuôi của Người nữa. Cùng với Đức Mẹ và Thánh Cả Giuse, Chúa Giêsu đã để lại cho chúng ta mẫu gương một gia đình hạnh phúc thánh thiện tuyệt hảo để chiêm ngắm và noi theo.
Bí quyết để gìn giữ tình yêu gia đình chính là sự hiệp thông trong Chúa giữa các thành viên trong gia đình. Lời đáp ca trong Phụng Vụ hôm nay cho thấy bí quyết để đem lại hạnh phúc cho mỗi người cũng như mỗi gia đình chính là lòng kính sợ Chúa và sống theo Lời Chúa và Luật Chúa: “Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người” (Tv. 127:1). Tác giả sách Huấn Ca trong bài đọc một cho thấy với những người làm con, lòng kính sợ Chúa phải được diễn tả qua việc thực hành đức hiếu thảo đối với cha mẹ (3:3-7, 14-17a). Trong thư gửi tín hữu Côlôxê trong bài đọc hai, Thánh Phaolô Tông Đồ đã dạy họ phải sống ơn gọi Kitô hữu cách thiết thực trong đời sống hôn nhân gia đình. Họ phải sống “như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương” (3:12) và “trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện” (Cl 3:14) để cư xử với nhau.
Tôi thích diễn tả sự hiệp thông-bí quyết để gìn giữ và phát triển tình gia thất-trong mấy câu nói ngắn gọn, dung dị nhưng thật quý giá của đời thường trong tiếng Anh như sau: “I love you” (Anh thương em), “Thank you” (Cảm ơn em), “Im sorry” (Anh xin lỗi), “Please…” (Làm ơn…) và “Let us pray!” (Chúng ta hãy cầu nguyện).
Lời yêu thương “I love you” là lời người ta mong muốn được nói và được nghe hơn cả khi thực sự thương nhau. Câu nói này bao gồm ý nghĩa tình yêu là sự sống; vì thế tình yêu cần được gìn giữ, chăm nom, nuôi dưỡng, bảo vệ và canh tân liên lỉ. Thiếu sự quan tâm săn sóc, tình gia thất sẽ yếu nhược và chết dần! Lời yêu ấy phải được diễn tả không phải chỉ bằng môi miệng nhưng bằng cả con người và cuộc sống hy sinh quên mình vì hạnh phúc của người thân yêu.
Lời cảm ơn “Thank you!” quý giá chừng nào vì tình yêu là quà tặng vô giá người ta dành cho nhau. Nhà văn Duyên Anh trước đây đã viết một tiểu thuyết với tựa đề thật dễ thương: “Cảm ơn em đã yêu anh!” Hai chữ “ân tình” diễn tả thật tuyệt sự cần thiết của lòng biết ơn trong tình gia thất. Thánh Phaolô trong Phụng Vụ hôm nay cũng nhắc nhở chúng ta: “Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa” (Cl 3:15). Trung tâm đời sống Công giáo là Thánh Thể, mà nguyên ngữ Hy Lạp của Thánh Thể là Eucharistia, nghĩa là tạ ơn! Chúng ta phải tập sống đời tri ân ở trần gian để được đời đời tạ ơn Thiên Chúa trên Thiên Quốc mai sau.
Lời xin lỗi “Im sorry” cần thiết chừng nào trong đời sống con người bất toàn của chúng ta. Đó chính là chiếc phao cứu nguy, là thuốc hồi sinh cho tình gia thất, là hình ảnh thật đẹp của tình yêu cứu chuộc. Chúng ta cần khiêm tốn để nhận lỗi và xin la, cũng như cần quảng đại để thứ tha. Đây chính là điều Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta trong Phụng Vụ hôm nay: “hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau nếu người này phải có chuyện oán trách người kia” (Cl 3:13). Đó chính là điều Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta trong Kinh Lạy Cha, khi Người chúng ta xin Chúa “tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.
Lời yêu cầu lịch duyệt “Please…” nhắc nhở sự kính trọng chúng ta phải có với nhau, vì mỗi người chúng ta là hình ảnh của Chúa, là con Thiên Chúa. Sự thân mật trong tình gia thất phải được gắn liền với lòng kính trọng đối với nhau. Cha ông chúng ta thật khôn ngoan khi nói: “tương kính như tân”. Thiếu kính trọng tình yêu dễ trở thành tầm thường, nhàm chán!
Lời mời gọi nhau cầu nguyện “Let us pray!” phải là lời giúp chúng ta cùng nhau quy hướng về Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, tình yêu và hạnh phúc của chúng ta. Lời cuối này phải được coi là cần thiết nhất, hữu ích nhất và cao trọng nhất, vì nó giúp chúng ta đạt được mọi ơn cần thiết để chu toàn ơn gọi trong tình gia thất. Cha Peyton-vị linh mục nổi tiếng về việc truyền bá Kinh Mân Côi-đã để lại một câu nói bất hủ: “Gia đình cầu nguyện-Gia đình bền vững!” Trình thuật Đức Mẹ tìm lại Chúa trong Đền Thờ trong Tin Mùng hôm nay cho thấy Thánh Gia Thất luôn đặt việc thờ phượng Chúa làm trung tâm và tột đỉnh của đời sống gia đình.
Lạy Mẹ Maria là Nữ Vương Các Gia Đình, xin Mẹ chúc phúc cho từng gia đình và cộng đoàn chúng con, để mỗi gia đình và cộng đoàn chúng con trở thành một mái ấm yêu thương hạnh phúc thánh thiện noi gương Thánh Gia Thất, đúng như lòng Chúa mong muốn. Amen.
Lm Phạm Quốc Hưng