Con Đường Hoàn Hảo Nhất
- T7, 07/12/2024 - 15:57
- Lm Phạm Quốc Hưng
Chúa Nhật IV Thường Niên - Năm C (Feb. 3rd 2013)
Con Đường Hoàn Hảo Nhất
Tất cả các nhà luân lý thường nói đến “mệnh lệnh luân lý” (moral imperative) được khắc sâu nơi tâm hồn mỗi người, buộc mỗi người phải làm lành lánh dữ. Hơn nữa, mỗi người còn cảm thấy ước mong kiếm tìm những gì hoàn hảo nhất, tốt lành nhất. Điều này đã được Chúa Giêsu xác định khi Người dạy: “Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5:48). Tuy nhiên, vì nguyên tội và tội riêng của mỗi người, cũng như vì ảnh hưởng của áp lực từ hoàn cảnh xã hội xung quanh, trí khôn người ta thường trở thành mù mờ và ý chí nên yếu nhược, nên con người thường lầm lạc khi nhận định lành dữ, hay không đủ sức để làm lành lánh dữ. Đồng thời, vì sợ khổ, sợ khó, sợ cực, nhiều khi người ta bằng lòng với những điều tầm thường đang có mà không mong mỏi những điều tốt hơn hay hoàn hảo hơn. Vì vây, chúng ta cần có các ngôn sứ để hướng dẫn, khích lệ và thách đố chúng ta tiến lên trên đường cứu độ và hoàn thiện.
Các ngôn sứ hay tiên tri chính là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, đào tạo và sai đến với Dân Chúa để chuyển thông lời Chúa, ý định và chương trình của Chúa cho họ. Ơn gọi và sứ mạng của ngôn sứ được ghi nhận trong bài đọc một trích sách ngôn sứ Giêrêmia trong Phụng Vụ hôm nay (Gr. 1:4-5, 17-19). Vì vậy, ngôn sứ được coi là môi miệng của Chúa: ngôn sứ nhân danh Chúa nói lời Chúa, nhắc nhở Dân Chúa phải sống theo luật Chúa, giao ước Chúa, thánh ý Chúa. Ngôn sứ không được nói theo ý mình nghĩ, hay theo lệnh của ai khác, cũng không được nói theo thị hiếu hay áp lực của đám đông, nhưng phải trung thành chuyển thông lời Chúa, ý Chúa, lệnh Chúa. Lời Chúa luôn là sự thật, và thường thì “sự thật mất lòng”; nên phần lớn các ngôn sứ thường bị khước từ, bách hại và sát hại.
Trong Tin Mừng hôm nay, trước sự cứng lòng tin của những người cùng quê Nazareth của Người, Chúa Giêsu đã đồng hóa sứ mệnh và thân phận của Người với sứ mệnh và thân phận các ngôn sứ khi Người tuyên bố: “Quả thật, Ta bảo các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình” (Lc 4:24). Chúa Giêsu chính là Vị Ngôn Sứ mà thuở xưa chính Môsê đã được Thiên Chúa hứa là sẽ ban cho Dân Chúa để dạy họ mọi điều: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng. Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho cho người ấy. Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta, thì chính Ta sẽ hạch tội nó” (Đnl 1818-19).
Chúa Giêsu không phải chỉ là một ngôn sứ trong nhiều ngôn sứ, nhưng Người còn là chính Ngôi Lời của Thiên Chúa. Mỗi ngôn sứ khác được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đến với Dân Chúa để chuyển thông một vài ý định hay mệnh lệnh nhất định của Thiên Chúa cho Dân Chúa trong một thời điểm nào đó. Riêng nơi Chúa Giêsu là chính Ngôi Lời của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã phán dạy tất cả những gì Người muốn nói với nhân loại một cách trọn vẹn. Đây chính điều đã được tác giả thư gửi tín hữu Do thái quả quyết: “Thuở xưa, nhiều lần và dưới nhiều hình thức, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các tiên tri. Trong những ngày sau hết đây, Ngài đã phán dạy chúng ta qua Người Con mà Ngài đã đặt làm vị thừa kế vạn vật, mà cũng do bởi Người Con mà Người đã tác thành vũ trụ” (Dt 1:1-2). Như Môsê là vị ngôn sứ được Chúa tuyển chọn để dẫn đưa dân Do Thái ra khỏi kiếp nô lệ nơi đất Ai Cập và đưa vào Đất Hứa, Chúa Giêsu chính là Vị Ngôn Sứ được Chúa Cha sai đến để đưa Hội Thánh là những người tin vào Người vượt qua ách nô lệ của tội lỗi và sự chết, để hưởng tự do của con cái Chúa và bước vào Thiên Đàng hưởng sự sống đời đời.
Chúa Giêsu đã dùng cả con người và cuộc đời của Người, nhất là Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh, để chuyển đạt tất cả thánh ý và chương trình yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thánh Sip-ri-a-nô nói: “Thánh ý Chúa là tất cả những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm”. Người không chỉ là Người dẫn đường mà còn là chính Con Đường sự thật dẫn mọi người đến sự sống đời đời, như chính Người tuyên bố: “Thầy là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6).
Vì “Thiên Chúa là Tình Yêu” (1Ga 4:16), nên “Con Đường” giúp chúng ta đến với Thiên Chúa mà Chúa Giêsu-Thiên Chúa làm Người- tự nhận là chính Người cũng phải là Con Đường Tình Yêu. Đó cũng chính là “Con Đường” cứu độ đưa con người từ bóng tối đến ánh sáng, từ sự chết đến sự sống, như Thánh Gioan Tông Đồ từng xác quyết: “Chúng ta biết được rằng:
chúng ta đã từ cõi chết bước vào cõi sống vì chúng ta yêu thương anh em. Kẻ không yêu thương thì ở lại trong sự chết” (1Ga 3:14). Đây chính là “Con Đường” đã được Chúa Giêsu diễn tả bằng trọn cả cuộc sống, sự chết và sự sống lại của chính Người. Đây cũng chính là con đường mà tất cả các môn đệ Chúa được Chúa truyền phải bước theo bằng cuộc sống tin yêu của họ: “Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15:17).
Thánh Phaolô, vị tông đồ say mê yêu mến gắn bó với Chúa Giêsu, sau khi gặp gỡ Chúa Giêsu đã được ơn hối cải và tận tình bước đi trên Con Đường này. Thánh nhân đã ân cần giới thiệu Con Đường Tình Yêu này với tất cả chúng ta trong thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô trong Phụng Vụ hôm nay. Vị Tông Đồ Dân Ngoại đã quả quyết rằng đây là “con đường hoàn hảo nhất” (1Cor 12:31-13:13). Danh Thánh Chúa Giêsu Kitô, tên gọi của Con Đường Tình Yêu Thiên Chúa, được Thánh Phaolô ở đây gọi là “bác ái”, “đức ái”, “đức mến” hay “lòng mến”. Đoạn thư này của Thánh Phaolô thường được gọi là “bài ca đức ái”. Vì cả cuộc đời của Chúa Giêsu đã thực sự là một bài ca yêu thương dâng lên Thiên Chúa và trao tặng mọi người.
Khi nhận Bí Tích Rửa Tội, mọi Kitô hữu chúng ta được chia sẻ ơn gọi tư tế vương giả và ngôn sứ của chính Chúa Kitô và được mời gọi bước theo Người trên con đường cứu độ và hoàn thiện như Thánh Phaolô mời gọi trên đây. Vì vậy, suy ngắm cuộc đời và noi gương nhân đức Chúa Kitô bằng việc suy niệm và sống Lời Chúa, kết hiệp mật thiết với Người bằng việc chuyên cần cầu nguyện và lãnh nhận các Bí Tích, phải là phương thế chúng ta dùng để đón nhận sức mạnh của Thần Khí hầu bền đỗ và thẳng tiến trên con đường hoàn hảo nhất này.
Ave Maria, xin Mẹ giúp con biết nhờ Mẹ, với Mẹ, trong Mẹ và vì Mẹ để trung thành, vui tươi và thẳng tiến trên con đường cứu độ và hoàn thiện, đường tình yêu và chân lý, con đường mà chính Chúa Giêsu Con Mẹ đã đi qua. Amen.