Nhảy đến nội dung

Để yêu mến Chúa

Chúa Nhật XXXI Thường Niên (Nov. 4th 2012)

Để yêu mến Chúa  

Theo truyền thống Do thái,  Môsê nhận được 613 khoản luật từ Thiên Chúa trên núi Sinai; gồm 365 khoản luật tương ứng với số ngày trong một năm dương lịch và 248 khoản luật tương ứng với số các thế hệ con người. Công việc của luật sĩ là nghiên cứu bàn thảo về tầm quan trọng của các khoản luật khác nhau và giúp dân chúng áp dụng vào đời sống của họ. Người khôn ngoan là người nhận biết mức trọng khinh của từng khoản luật. Vậy nên người luật sĩ trong Tin  Mừng hôm nay đã tỏ ra thật khôn ngoan khi biết hỏi Chúa Giêsu: “Trong các giới răn điều nào trọng nhất?” (Mc 12:28b).

Khi trả lời, Chúa Giêsu đã trích dẫn lời Môsê trong sách Đệ Nhị Luật, được công bố trong bài đọc một hôm nay: “Giới răn trọng nhất là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng ngươi, hết linh hồn ngươi, hết trí khôn và hết sức lực ngươi” (Mc 12:29-30 ); và Người cũng thêm vào lời trong sách Lêvi (19:18): “Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó” (Mc 12:31). Thực ra, chữ “tha nhân” trong sách Lêvi được hiểu là người đồng bào Do thái. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu muốn mở rộng để bao gồm mọi người. Như vậy, Chúa muốn dạy rằng lòng mến Chúa gắn liền với đức yêu người làm thành một giới răn duy nhất, không thể chia lìa.

Khi trích dẫn sách Đệ Nhị Luật như thế, Chúa Giêsu tái khẳng định sự chân thực của đức tin vào Thiên Chúa duy nhất của Cựu Ước. Thật vậy, câu ngắn gọn: “Giới răn trọng nhất là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất” (Mc 12:29 & Đnl 6:4) chứa đựng đức tin chân thực của Do thái giáo, khẳng định tính duy nhất và tuyệt đối của Thiên Chúa. Câu này thường được gọi là shema có gốc từ động từ “hãy nghe” trong câu ấy. Tầm quan trọng của giới răn này được nhận thấy nơi lời căn dặn tiếp theo của Môsê: “Những lời này tôi truyền cho anh em hôm nay, anh em phải ghi tạc vào lòng.

Anh em phải lặp lại những lời ấy cho con cái, phải nói lại cho chúng, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy, phải buộc những lời ấy vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu, phải viết lên khung cửa nhà anh em và lên cửa thành của anh em” (Đnl 6:6-9).

Một điều Chúa Giêsu thêm vào ở đây và cũng được gặp thấy trong Tin Mừng theo Thánh Matthêu (22:37) và Luca (10:27) là chúng ta phải yêu mến Chúa “hết trí khôn”. Đây là điều không gặp thấy trong sách Đệ Nhị Luật (6:5). Chi tiết này khiến chúng ta nhớ đến một câu nói thường nghe thấy trong truyền thống dân Việt: “vô tri bất mộ”, không biết thì không mến. Nếu chúng ta chưa thực sự mến Chúa, hay lòng yêu mến của chúng ta dành cho Chúa còn quá yếu đuối tầm thường; đó là vì chúng ta thực sự chưa biết Chúa cho đủ hay biết một cách thiếu sót hay lệch lạc về Chúa. Nếu chúng ta thực sự biết Chúa đáng yêu chừng nào, biết Chúa yêu mến chúng ta chừng nào, và biết chúng ta sẽ hạnh phúc chừng nào nếu chúng ta thực sự yêu mến Chúa; chắc chắn chúng ta sẽ có thể yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực, đúng như Chúa truyền dạy (Mc 12:30). Đó là lý do khiến Thánh Augustinô thiết tha cầu xin Chúa: “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.

Các thánh là những người nhận biết tầm quan trọng tuyệt đối của giới răn trọng nhất mà Chúa Giêsu đã ân cần thương dạy chúng ta trong Tin Mừng hôm nay. Đó là lý do khiến Thánh Augustinô tuyên bố: “Cứ yêu (Chúa) đi, rồi làm gì thì làm!” Để mở đầu tác phẩm thời danh Dẫn Đường Mến Chúa, Thánh Anphong Maria Liguori xác định: “Trót  bản tính sự thánh và sự trọn lành ở tại sự yêu mến Chúa Giêsu là Chúa ta.” Ngài còn trích dẫn lời Thánh Phanxicô de Sale: “Trong đàng nhân đức biết bao nhiêu kẻ lầm vì cho sự trọn lành ở tại ăn ở khổ hạnh, tại đọc kinh cho nhiều, tại năng chịu các phép bí tích, hay tại bố thí cho kẻ khó khăn; nghĩ thế là lầm cả, vì chính gốc tích sự trọn lành là mến Chúa hết lòng. Thánh Phaolô nói rằng: Tiên vàn phải có đức mến đã, vì đức ấy là dây ràng buộc sự trọn lành”.

Cha Thánh Anphong còn dựa vào giáo huấn của Thánh Tôma Aquinô và Cha Tôlêrê chỉ ra năm phương thế sau giúp chúng ta có thể mến Chúa trọn hảo:

1. Trí khôn phải năng tưởng nhớ đến các ơn chung, ơn riêng Chúa ban cho ta bấy lâu

2. Phải suy Chúa lòng lành vô cùng hằng lo lắng làm ơn lành cho ta. Người hằng yêu ta liên, Người chỉ xin ta một điều là mến Người mà thôi

3. Phải ra sức lánh hết mọi sự lỗi có thể làm mất lòng Người

4. Phải từ bỏ mọi sự đời này là của cải, chức quyền, sự vui sướng xác thịt, hay có dùng cũng như không vậy

5. Năng suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là Mẹ của tình yêu mỹ diệu. Xin Mẹ giúp con và cùng con yêu mến Chúa, hôm nay và mãi mãi. Amen.

Lm Phạm Quốc Hưng