Dưới Bóng Thập Giá
- T7, 07/12/2024 - 19:28
- Lm Phạm Quốc Hưng
DƯỚI BÓNG THẬP GIÁ
Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.
Trong Phúc Âm Thánh Lễ Thứ Năm sau Lễ Tro, Chúa Giêsu đã nói với mọi người: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Ta” (Lc. 9:23). Đây cũng chính là chủ đề do Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô đặt cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XVI năm 2001, cách đây gần 20 năm. Trong những ngày đầu Mùa Chay, xin gửi đến quý độc giả bài viết sau đã được đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số báo Giáng Sinh tháng 12 năm 2001, để chúng ta có dịp học hỏi với Thánh Giáo Hoàng về Thập Giá và Tình Yêu Chúa Kitô, và nỗ lực trở nên những môn đệ đích thực của Người (Feb. 18, 2021) HP.
Trong một buổi lễ tưởng niệm các nạn nhân cuộc khủng bố 911 tại một nhà thờ Tin Lành ở New York, một vị giảng thuyết đã nhận xét: “Hôm trước, nhiều người trong chúng ta đã đứng dưới bóng hai Tòa Nhà của Trung Tâm Mậu Dịch Thế Giới, nhưng hôm nay khi hai tòa nhà chọc trời kia đã sụp đổ, chúng ta quây quần bên nhau tại đây để náu ẩn dưới bóng Thập Giá Chúa Kitô”.
Sống dưới bóng Thập Giá Chúa Kitô; hay đúng hơn, cùng vác thập giá với Chúa Kitô, bước đi theo Người và kết hiệp với Người trong mọi thăng trầm của cuộc sống chính là lẽ sống của mỗi tín hữu Chúa Kitô.
Đó cũng là chủ đề của Thông Điệp của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II viết gửi giới trẻ nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới lần thứ XVI năm 2001 với những lời sau:
“...Trong dịp này, Cha mời gọi chúng con suy niệm về những điều kiện Chúa Giêsu đòi hỏi những ai muốn trở nên môn đệ của Người. Người nói: ‘Nếu ai muốn theo Ta, người ấy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và theo Ta’ (Lc 9:23). Chúa Giêsu không phải là một Đấng Thiên Sai vinh thắng và quyền thế. Thực sự, Người đã không giải thoát dân Israel khỏi ách thống trị của Rôma, và Người đã không bao giờ đoan hứa đem lại vinh quang chính trị cho họ. Vốn là Tôi Tớ Trung Trực của Thiên Chúa, Người đã thi hành sứ vụ của Người trong tình liên đới, trong tinh thần phục vụ và trong nỗi nhục nhằn của sự chết. Người đã là Đấng Thiên Sai không hợp với bất cứ khuôn mẫu sẵn có nào, không được tán dương, và không được ‘cảm thông’ với quan niệm về thành công và quyền thế, một quan niệm thường được thế gian dùng để phê chuẩn những dự án và hành động.
“Chúa Giêsu đã đến để thi hành Thánh Ý Chúa Cha, và Người đã trung thành với sứ mạng ấy đến cùng. Vậy nên Người đã thực hiện sứ mạng cứu độ của Người cho tất cả những ai tin Người và yêu Người, không phải bằng lời nói nhưng bằng việc làm. Tình yêu là điều kiện để bước theo Người, nhưng chính hy sinh mới là bằng chứng của tình yêu ấy.
“‘Ai muốn theo Ta, người ấy phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình và theo Ta’ (Lc 9:23). Những lời này cho thấy sự triệt để của một chọn lựa không cho phép lưỡng lự hay xét lại. Đó là một yêu sách khắt khe gây bất ổn ngay cả với các môn đệ và qua các thời đại đã khiến bao người nam nữ không dám bước theo Chúa Kitô. Nhưng chính sự triệt để này đã tạo nên những mẫu gương thánh thiện và tử đạo đáng ngưỡng mộ và đã tăng cường con đường của Hội Thánh. Ngay cả hôm nay những lời này vẫn bị coi như cớ vấp phạm và điên rồ (1 Cor 1:22-25). Nhưng chúng phải được trực diện, bởi vì con đường được Thiên Chúa vạch ra cho Con của Ngài cũng chính là con đường mà người môn đệ đã quyết định theo Chúa Giêsu phải bước đi. Không có hai con đường, nhưng chỉ có một: con đường mà Thày Chí Thánh đã bước đi. Người môn đệ không thể sáng tạo ra một con đường khác.
“Chúa Giêsu đã bước đi trước những ai theo Người và mời gọi mỗi người thực hiện như Người đã thực hiện. Người nói: Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ; vậy nên, ai muốn trở nên giống Ta phải là tôi tớ của mọi người. Ta đến với các con như một người trắng tay; và vì thế, Ta xin các con bỏ lại đàng sau mọi giàu sang để bước vào nuớc Thiên Đàng. Ta chấp nhận sự chối bỏ và khước từ của hầu hết dân Ta; vì thế, Ta xin các con chấp nhận sự chối bỏ và phản kháng từ mọi phía.
“Nói khác đi, Chúa Giêsu xin chúng ta can đảm chọn cùng một con đường. Chúng ta phải chọn nó ‘từ cõi lòng của chúng ta’, bởi lẽ những cảnh huống bên ngoài không lệ thuộc chúng ta. Mỗi khi có thể, ý chí có muốn vâng phục như Người đối với Chúa Cha và sẵn sàng chấp nhận chương trình Thiên Chúa dành cho mỗi người đến cùng hay không tùy thuộc mỗi chúng ta.
“ ‘Người ấy phải từ bỏ chính mình’. Từ bỏ chính mình là bỏ đi những chương trình của riêng mình, những chương trình thường nhỏ nhen và tầm thường, để chấp nhận chương trình của Thiên Chúa. Đây là con đường hoán cải, một điều không thể thiếu được trong đời sống Kitô, và điều này khiến Thánh Phaolô nói: ‘Tôi sống, nhưng không phải là tôi mà là Chúa Kitô sống trong tôi’ (Gal 2:20).
“Chúa Giêsu không đòi chúng ta phải từ bỏ sự sống, nhưng chấp nhận sự mới mẻ và sung mãn của một sự sống mà chỉ có Người mới có thể ban tặng. Con người có một khuynh hướng đã bám rễ thật sâu để ‘chỉ nghĩ đến mình’, để đặt bản thân mình như trung tâm mọi mưu lợi và nhìn chính mình như tiêu chuẩn để đo luờng mọi sự. Ngược lại, một người chọn bước theo Chúa Kitô tránh bị bó lại trong chính mình và không đánh giá sự vật theo lợi ích riêng mình. Người ấy nhìn cuộc sống như quà tặng và ân lộc chứ không như sự tranh giành và chiếm đoạt. Đời sống sung mãn chỉ đạt được nơi sự tự hiến, và đó là hoa trái của ân sủng Chúa Kitô: một sự hiện hữu tự do và thông hiệp với Thiên Chúa và người bên cạnh.
“Nếu sống như môn đệ của Chúa trở thành giá trị cao nhất, thì mọi giá trị khác sẽ được đặt đúng chỗ theo mức quan trọng của chúng. Bất cứ ai lệ thuộc vào của cải trần thế mà thôi cuối cùng sẽ thất bại, dù bên ngoài xem ra thành công. Cái chết sẽ bắt gặp người ấy với của cải đầy dẫy nhưng đã sống một đời uổng phí (x. Lc 12:13-21). Vì vậy, sự chọn lựa là giữa hữu thể và sở hữu, giữa một cuộc sống sung mãn và một sự hiện hữu xuông, giữa sự thật và giả dối.
“ ‘Người ấy phải vác thập giá mình và theo Ta’. Khi thập giá có thể bị thu lại thành một món đồ trang sức, ‘vác thập giá’ có thể trở thành như một lối nói (về những đau khổ phải chịu trong cuộc đời). Thế nhưng, trong giáo huấn Chúa Giêsu, điều đó không có nghĩa là sự nổi bật của việc hãm mình và từ bỏ. Nó không chủ yếu bàn đến sự cần thiết phải chịu đựng cách nhẫn nại những thống khổ lớn nhỏ của cuộc sống; và lại càng không có ý đề cao sự đau thương như phương thế để làm vui lòng Thiên Chúa. Đau khổ tự nó không phải là điều người Kitô hữu tìm kiếm, nhưng chính là tình yêu. Khi thập giá được ấp ủ, nó trở thành dấu chỉ của tình yêu và của sự tự hiến hoàn toàn. Vác thập giá theo sau Chúa Kitô có nghĩa là được hiệp nhất với Người trong việc hiến dâng chứng từ cao cả nhất của tình yêu.
“Chúng ta không thể nói đến thập giá mà không suy đến tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, đến sự kiện Thiên Chúa ước muốn tưới gội chúng ta với bao điều thiện hảo. Với lời mời gọi ‘Hãy theo Ta’, Chúa Giêsu một lần nữa không chỉ nói với các môn đệ của Người: hãy coi Ta là gương mẫu của các con, nhưng còn là: hãy chia sẻ sự sống và các chọn lựa của Ta, và hãy cùng với Ta hiến dâng đời sống các con cho tình yêu Thiên Chúa và người bên cạnh. Đây là cách Chúa Giêsu mở ra trước mặt chúng ta ‘Con đường sự sống’. Không may, điều này luôn bị đe dọa bởi ‘Con đường tử vong’. Tội chính là con đường này, tách rời con người khỏi Thiên Chúa và người bên cạnh và đem lại chia rẽ cũng như hủy hoại xã hội từ bên trong.
“ ‘Con đường sự sống’ tiếp tục và canh tân tâm tư Chúa Kitô trong chúng ta và trở thành con đường đức tin và hoán cải. Đó thực sự là con đường của thập giá. Đó là con đường đưa đến sự tín thác nơi Người và chương trình cứu độ của Người, và tin rằng Người đã chết để cho thấy tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người. Đó là con đường đem lại ơn cứu độ trong một xã hội thường bị phân rẽ, bối rối và ngược ngạo. Đó là con đường đạt đến hạnh phúc gặp thấy trong việc bước theo Chúa Kitô đến cùng, trong những cảnh huống nhiều lúc thật thê lương trong cuộc sống thường ngày. Đó là con đường không sợ thất bại, khó khăn, tách biệt, cô đơn; bởi vì nó đổ đầy tâm hồn chúng ta sự hiện diện của Chúa Giêsu. Đó là con đường của bình an, tự chủ và tâm hồn vui tươi.
“Các bạn trẻ thân mến, đừng lấy làm lạ khi ngay buổi đầu của đệ tam thiên niên, Đức Giáo Hoàng một lần nữa hướng các bạn tới Thập Giá Chúa Kitô như con đường sự sống và hạnh phúc thực. Hội Thánh luôn tin tưởng và công bố rằng chỉ nơi Thập Giá Chúa Kitô mới có ơn cứu độ.
“Có một thứ văn hóa sống vội đang lan rộng chỉ yêu chuộng những gì vừa ý hay xinh đẹp, và nó muốn chúng ta tin rằng cần phải bỏ thập giá đi để được hạnh phúc. Lý tưởng được nó vẽ ra là thành công tức thời, sự nghiệp nhanh chóng, tình dục vô trách nhiệm, và chung cục là một sự hiện hữu tập chú vào sự tự khẳng định chính mình, thường đánh mất sự kính trọng dành cho tha nhân.
“Các bạn trẻ thân mến, hãy mở mắt và quan sát thật kỹ: đây không phải là con đường dẫn đến sự sống thực, nhưng đó là con đường dìm vào sự chết. Chúa Giêsu nói: ‘Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, và ai liều mất sự sống mình vì Ta sẽ giữ được nó’. Chúa Giêsu không để ta phải ảo tưởng: ‘Được cả thế gian mà mất chính mình thì được ích gì?’ (Lc 9:24-25). Với sự thật của những lời có vẻ khó nghe nhưng đổ đầy tâm hồn bình an, Chúa Giêsu tiết lộ bí quyết làm thế nào để sống một cuộc đời đích thực.
“Vì vậy, đừng sợ bước đi trên con đường chính Chúa đã bước đi trước ta. Với sự trẻ trung của chúng con, hãy đánh mốc thiên niên kỷ mới bắt đầu bằng niềm hy vọng và nhiệt huyết là đặc điểm của chúng con. Nếu chúng con cho phép ân sủng của Chúa làm việc trong chúng con, và hăng hái thực hiện sự cam kết ấy mỗi ngày, chúng con sẽ làm cho thế kỷ mới này thành một thời điểm tốt đẹp hơn cho mọi người.
“Đức Maria, Mẹ của Chúa, luôn đồng hành với chúng con. Mẹ là môn đệ đầu tiên, và Mẹ vẫn trung thành bên chân thập giá nơi Chúa Kitô trao phó chúng ta cho sự chăm sóc từ mẫu của Mẹ. Nguyện xin phép lành Tông Tòa mà Cha âu yếm trao ban ở cùng chúng con luôn mãi.”
Thật thích thú khi tôi nhận ra Đức Thánh Cha ký Thông Điệp thật ý nghĩa trên vào đúng ngày 14/02/2001, Valentine’s Day hay Lễ Tình Yêu. Đó cũng là sinh nhật tôi tròn tuổi 40. Vì thế, tôi đã coi những lời tâm huyết trên của Vị Cha Chung như món quà sinh nhật vô giá Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh đã thương tặng, để mời gọi tôi ngày một kết hợp mật thiết hơn với Người trên con đường thập giá.
Tôi chợt nhớ tấm thẻ ngăn sách (bookmark) một người bạn chí thân làm tặng mừng sinh nhật tôi trong Năm Thánh 2000. Trên tấm thẻ ấy, một bên có hình Tượng Chịu Nạn trong một trái tim như nhắc tôi nhớ mãi Thập Giá chính là biểu tượng tuyệt vời của tình Chúa yêu tôi; bên kia là bài thơ tiếng Anh mang tựa đề “The Crucified” như sau:
Thy weary arms are all outstretched.
Outstretched to welcome me.
Thy thorn crowned head is bowed down.
Bowed down in love for me.
Thy aching heart beats low and sad.
Beats sad for sake of me.
Thy gentle eyes are dim and dark.
All dimmed with care for me.
Thy burning lips are parched and dry.
All parched with thrist for me.
Thy white sad face is wet with tears.
With wistful tears for me.
Thy tired head bends lower still.
Bend low to pardon me.
And now there is a sob, a cry.
A cry aloud for me.
Thy aching heart has ceased its throb.
My God is dead for me.
My Jesus-Mercy.
Bạn tôi viết lại như sau:
Tình Giêsu
Con ơi! Hôm nay trở về Canvê chiều nao.
chiều nao tình yêu trao ban.
Giêsu! Mão gai đâm thâu, Cha tôi gục đầu,
gục đầu để tìm kiếm tôi.
Giêsu! Mắt u tối, mệt mỏi bỗng ngời sáng,
ngời sáng vì nhìn thấy tôi.
Giêsu! Môi khô bỏng, nức nẻ đang thều thào,
thều thào thầm gọi tên tôi.
Giêsu! Đôi tay đầy thương tích cố vươn ra,
vươn ra để ôm lấy tôi.
Giêsu! Tim thổn thức, nghẹn ngào đập đứt quãng,
đập đứt quãng vì yêu tôi.
Giêsu! Nương long đâm thâu, máu nước tuôn trào,
tuôn trào để xóa tội tôi.
Giêsu! Trái Tim tỏ lộ, vết thương rộng mở,
rộng mở để ấp ủ tôi.
Giêsu! Trao phó, Mẹ Thầy cũng là Mẹ con,
Mẹ con, ôi! Maria.
Giêsu! Giêsu thương đau, không nghĩ thân mình,
không nghĩ thân mình vì tôi.
Giêsu! Hơi thở cuối cùng, trao tặng cho tôi.
Con ơi! Tiếp nối cuộc đời Tình Yêu Hiến Dâng.
Thông Điệp “Tình Yêu Thập Giá” gửi giới trẻ của Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II và bài thơ “Tình Giêsu” trên là món quà sinh nhật tôi sẽ trân quý mãi.
Đó cũng là món quà tôi trân trọng mến tặng các độc giả Báo Mẹ trong Mùa Giáng Sinh này.
Nguyện xin Chúa Hài Đồng qua sự chuyển cầu của Mẹ Đồng Trinh và Cha Thánh Giuse giúp chúng con suốt đời sống dưới bóng thập giá của Chúa Giêsu để được tận hưởng tình yêu dịu ngọt của Thánh Tâm Người. Amen.
(Nov. 13, 2001)