Con Chiên là con gì?
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 2 QN (B)
Con Chiên là con gì?
“Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông Gio-an nói : Đây là Chiên Thiên Chúa”
( Ga 1,36).
“Chiên Thiên Chúa” có ý nghĩa gì, chúng ta cùng tìm hiểu.
Hình ảnh “con chiên” trong Thánh Kinh; đó là một con vật hiền lành, dễ thương. Chúng thường được dùng là “của lễ toàn thiêu” dâng lên Thiên Chúa. Trong sách Lê-vi, có viết : “Khi một người trong các ngươi dâng lễ tiến lên Đức Chúa, nếu là gia súc thì các ngươi phải dâng bò hay chiên làm lễ tiến” (x. Lv 1,2). Và “khi người nào bất trung, vô ý phạm đến của thánh dành cho Chúa, thì phải đem dâng Đức Chúa lễ vật đền tội là một con chiên đực toàn vẹn” (x. Lv 5,15). Như thế, của lễ toàn thiêu và của lễ đền tội thường là con CHIÊN và phải là con Chiên ĐỰC toàn vẹn, nghĩa là lành lặn, khỏe mạnh, không có bất cứ một khiếm khuyết nào. Vì là của lễ dâng tiến Chúa mà.
Nhưng con chiên là con gì, có phải là con cừu không?
“Con chiên là con cừu non”. (x. Từ điển công giáo; mục Chiên, trang 51).
Vậy con chiên là con cừu, nhưng là con cừu non. Con cừu non được gọi là con chiên, chứ không có loài chiên và loài cừu riêng biệt như ta tưởng. Khoảng bao nhiêu tháng tuổi thì gọi là cừu non? Không thấy sách nào ghi rõ, có thể một năm tuổi, vì con cừu 8-9 tháng là có thể phối giống rồi và sống được khoảng từ 10-12 năm. Trong nghi thức mừng lễ Vượt Qua, có ghi : “Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực không quá một tuổi”(x. Xh 12,5). Đó là con cừu trưởng thành.
“Khi giới thiệu Chúa Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, Gio-an Tẩy Giả cho thấy Cựu Ước được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su. Người chính là Vị Tôi Trung đau khổ được ví như con chiên hiền lành, im lặng “khi bị đem đi làm thịt” (x. Gr 11,19; Is 53,7) và mang lấy tội của muôn dân (x. Is 53,12) (Sđd).
Thánh Gio-an thánh sử còn cho thấy hình ảnh con chiên trong lễ Vượt Qua đầu tiên nơi Chúa Giê-su, khi Người công khai đi rao giảng. Khi đó, Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu và những người đổi tiền. Chúa đã đuổi họ ra ngoài. Qua sự việc đó, các môn đệ đã nhớ lại lời đã chép : “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà Tôi phải thiệt thân”(Tv 69,10).
Đức Giê-su không chỉ lo việc nhà Chúa mà còn lo thực thi kế hoạch cứu độ con người của Thiên Chúa nữa. Ngài sẽ là Chiên Thiên Chúa, sẽ đổ máu để xóa bỏ tội trần gian. Ngài chính là hình ảnh Con Chiên Vượt Qua của người Do Thái, mà nhờ dấu máu chiên đó, các con đầu lòng của người Do Thái đã được cứu thoát. Con chiên này là biểu tượng cho việc cứu chuộc Is-ra-en” (X. Xh 12,3-14).
Con chiên này là Đức Giê-su. Mà Đức Giê-su là Thiên Chúa, nên gọi Đức Giê-su là CHIÊN THIÊN CHÚA.
“Sau khi chấp nhận làm phép rửa cho Đức Giê-su giữa những kẻ tội lỗi, Gio-an Tẩy Giả đã thấy và giới thiệu Người : Đây là chiên Thiên, Đấng xóa bỏ tội trần gian. Như vậy ông cho thấy rằng Đức Giê-su vừa là người đầy tớ đau khổ, im lặng chịu dẫn đến lò sát sinh và gánh tội lỗi muôn dân; vừa là Chiên Vượt Qua, biểu tượng cho Ít-ra-en được cứu chuộc trong cuộc Vượt Qua lần đầu. Toàn bộ cuộc đời của Đức Ki-tô diễn tả sứ mạng Người là “Hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (x. GLCG, số 608).
Như vậy, Đức Giê-su đích thực là Chiên Vượt Qua, là của lễ toàn thiêu dâng lên Thiên Chúa làm của lễ đền tội cho muôn dân.
“Con Thiên Chúa, Đấng từ trời xuống, không phải làm theo ý Người, nhưng để làm theo ý Đấng đã sai Người(x. Ga 6,38). Chính theo ý đó mà chúng ta được thánh hóa nhờ Đức giê-su Ki-tô, đã hiến dâng thân mình một lần là đủ (x. Dt 10,5-10). Ngay từ giây phút đầu tiên khi nhập thế, Con Thiên Chúa đã sống chết với ý định cứu độ của Thiên Chúa trong sứ vụ cứu thế của mình : “Lương thực nuôi sống Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy và hoàn tất tốt đẹp công trình của Người” (x. Ga 4,34) (GLCG, số 606)
Lễ hy sinh của Đức Giê-su trên thập giá, “vừa là hy tế Vượt Qua, hoàn tất việc cứu độ chung cuộc, vì Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (x. Ga 1,29); vừa là hy tế của giao ước mới, cho con người hiệp thông lại với Thiên Chúa, bằng cách giao hòa con người với Thiên Chúa, nhờ Máu được đổ ra cho muôn người được tha tội” (x. GLCG, số 613).
Cái chết trên “thánh giá là hy tế duy nhất của Đức Ki-tô, Đấng là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người(x. 1Tm 2,5). Nhưng khi nhập thể, Con Thiên Chúa đã kết hợp với tất cả mọi người, nên đã ban cho mọi người khả năng được thông phần vào mầu nhiệm Vượt Qua cách nào đó thì chỉ một mình Thiên Chúa biết mà thôi” (x. GLCG, số 618).
Trong Thánh Lễ, trước khi Rước Lễ, chúng ta hát hay đọc kinh Lạy Chiên Thiên Chúa: Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian xin thương xót chúng con. Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin ban bình an cho chúng con.
Và sau đó, chủ tế giơ cao Mình Thánh và đọc : “Đây Chiên Thiên Chúa; Đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời dự tiệc Chiên Thiên Chúa”.
Chúng ta thưa : “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào linh hồn con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh”.
Câu thưa này, được nói theo ý của viên đại đội trưởng đến xin chữa người đầy tớ của mình : “Thưa Ngài, tôi chẳng đáng rước Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời, là đầy tớ tôi sẽ lành bệnh” (x. Mt 8,8). Đức Giê-su đã nói : “Tôi không thấy một người Ít-ra-en nào có lòng tin như vậy”(x. Mt 8,10).
Điều này ngụ ý, chúng ta cũng phải có lòng tin, khi rước Thánh Thể; phải có lòng khiêm tốn để nhận ơn tha tội và phải có cả lòng khiêm tốn và lòng tin, thì chúng ta mới diễm phúc dự tiệc Chiên Thiên Chúa ở đời này cũng như ở đời sau.
Trong phụng vụ tiếng Nhật, thì họ lại dùng câu của thánh Phê-rô : “Lạy Chúa, bỏ Ngài chúng con biết đến với ai, Thầy mới có lời ban sự sống đời đời” (x. Ga, 6,8).
Vậy Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa; là Chiên Vượt Qua của chúng ta, chúng ta hãy noi gương hai môn đệ đầu tiên là An-rê và Gio-an mà theo Đức Giê-su; ở lại với Đức Giê-su và đón rước Đức Giê-su qua rước Thánh Thể, chúng ta sẽ được lành mạnh cả hồn lẫn xác, nghĩa là được tha tội, được nhận dồi dào ân sủng, để sống vui, sống khỏe và sống thánh thiện. (Lm. Bosco Dương Trung Tín)