Cái tội “Lực bất tòng tâm”
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
Chúa Nhật V PS Năm B
Cái tội “Lực bất tòng tâm”
“Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm”(1Ga 3,18).
Có thể nói cách yêu thương chân thật nhất là bằng việc làm. Nghĩa là khi yêu thương rồi thì tự dưng muốn làm một cái gì đó cho bõ……yêu, cho bõ thương. Cho nên, qua việc làm ta biết được là có yêu thương thật hay không. Còn yêu thương mà chỉ là đầu môi chót lưỡi, nghĩa là chỉ nói cái miệng, trong lòng thì không yêu thương gì hết. Đó là một sự giả dối.
Khi yêu thương bằng việc làm, bản thân ta biết là ta đang đứng về phía sự thật, đang sống trong sự thật, đang nói thật, đang làm thật và đang yêu thương thật. Như thế ta sẽ “an lòng trước mặt Chúa” (x.1Ga 3,20). Thế nhưng, tại sao thánh Gio-an lại nói: “ Nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta và Người biết mọi sự” ? (x.1Ga 3,20). Ta yêu thật, ta làm thật, ta sống thật, ta nói thật mà, tại sao lòng ta lại cáo tội ta ? Tội gì đây ?
Ở đây ta có thể hiểu, khi yêu thương thật tình thì muốn làm rất nhiều, rất nhiều điều cho người mình yêu, mình thương. Nhưng nhiều khi, con người của ta có giới hạn, ta không có đủ khả năng để thực hiện điều đó, nên lòng ta cảm thấy áy náy, như “cáo tội” ta vậy. Có thể nói tội này là tội “Lực bất tòng tâm”.
Khi đó, ta cứ an tâm, Thiên Chúa biết mọi sự mà. Và chắc người kia cũng biết nữa. Chúa và người kia biết ta đã làm hết sức mình rồi, còn cái khoản kia là ngoài tầm với của ta. Nếu chỉ yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi thôi, thì chắc chắn không có sự áy náy đó. Có yêu thương thật đâu mà áy với náy. Chỉ có ý lừa gạt người ta thôi mà, làm gì có sự áy náy. Khi đó, tasẽ đứng về phía ma quỉ và ta sẽ không an lòng trước Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa biết mọi sự trong lòng ta. “Khi lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, thì chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa” (x.1Ga 3,21). Không những ta mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa để cầu nguyện với Chúa, để kể cho Chúa về người ta yêu, người ta thương, mà ta còn mạnh dạn không xấu hổ đến cùng mọi người, đến cùng người ta thương, ta yêu nữa.
Còn người có lương tâm lươn lẹo, lừa gạt thì không mạnh dạn đến cùng Chúa được và họ cũng chỉ đến với những người họ gạt một lần thôi, nếu người ta biết tỏng tòng tong là họ bị gạt. Nhưng nếu còn tin và chưa biết thì họ vẫn mạnh dạn mà tới lui, không thấy xấu hổ gì. Người ta gọi lương tâm của những người không biết xấu hổ đó là “Lương tâm bị chó ăn mất rồi”. Nghĩa là không còn lương tâm, không còn biết áy náy, không còn biết xấu hổ nữa, khi cứ đi lừa gạt những người “nhẹ dạ, cả tin”.
Khổ một nỗi là họ lại nói rất hay, rất giỏi, rất ngọt, rất mát; họ nói “ngọt như đường cát, mát như đường phèn”; họ nói thật như bịa và nói bịa như thật, nên người nhẹ dạ nghe không thể không tin. Dầu vậy, “Cây kim trong bọc, cũng có ngày lòi ra”, có ngày người ta sẽ biết và khi đó thì họ đã “cao bay xa chạy” rồi.
Thực tế, bây giờ cho ta một bài học sâu sắc về vấn đề này. Những trái cây hay rau xanh mà ta thấy vô cùng ngon, vô cùng mọng, vô cùng xanh mướt hơn bình thường thì ta biết là người ta đã dùng thuốc kích thích, ăn vào có thể gây hại cho cơ thể. Lại nữa, có những thứ nhìn vẻ bề ngoài trông thật đẹp đẽ và bắt mắt, thế mà trong ruột thì hư hết, chẳng ra cái thứ gì.
Mới đây lại thêm “Loại cà phê đen nhánh” nữa. Thì ra là người ta đã dùng than của cục pin trộn vào cà phê. Uống cái này vào thì cơ thể sẽ có vấn đề. Thế mới hay, cái gì mà ta thấy hơn mức bình thường, là ta phải coi chừng…bị lừa. Bề ngoài cái vẻ đẹp lộng lẫy đó; bề ngoài những lời nói bóng bẩy đó, coi chừng bề trong thối nát và xấu xa đấy. Chớ có “nhẹ dạ cả tin” mà ôm sầu, ôm hận.
Còn “Sự thật thì hay mất lòng”; người nói thật thì không trau chuốt, có sao nói vậy, chân chất, chân thật; không lừa dối ai, không làm hại ai. Tại sao họ không bắt chước những người xấu xa kia đi, để được nhiều người khen; được nhiều người ca tụng ? Bởi vì họ thấy rõ kết cục bi thảm và nhục nhã của những người đó. Hơn nữa, họ gắn liền với Chúa, Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống” (x.Ga 14,6).
Họ như cành nho gắn liền với thân nho để sinh hoa trái. “Cành nào sinh trái thì Chúa cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn” (x.Ga 15,2). Đức Giê-su nói rõ: “Anh em đã được thanh sạch nhờ Lời Thầy đã nói với anh em” (x.Ga 15,3). Thế mới hay, những người nào theo Chúa và sống Lời Chúa thì mới trở nên thanh sạch. Nếu chỉ theo Chúa không; chỉ được rửa tội không; chỉ được khấn Dòng không; chỉ được chịu chức không mà không sống Lời Chúa thì chắc chắn sẽ không nên thanh sạch, không nên thánh nên thiện được.
Quả thực Chúa không hiện ra, cầm dao hay cầm kéo mà cắt tỉa con người của ta, nhưng Chúa dùng chính Lời của Chúa mà cắt tỉa con người của ta. Như người thợ cắt tỉa cây nho, cho cây nho sinh nhiều hoa trái hoặc nghệ nhân cắt tỉa bon-sai, tạo dáng cho cây đẹp thế nào thì Lời Chúa cũng cắt, cũng tỉa con người và tính tình của ta như vậy, để ta sinh nhiều hoa trái tốt đẹp và ta nên thánh nên thiện. Vì “tự cành nho không thể sinh hoa kết trái” được, phải gắn liền với cây. Ta cũng vậy, ta cũng phải gắn liền với Chúa và sống Lời Chúa.
Chính việc sống Lời Chúa dạy mà ta dần dần bỏ đi những tính hư nết xấu; bỏ đi những gì là giả hình, giả dối để ta sống chân thật; sống thật, nói thật và làm thật. Chứ ta mà nghe Lời Chúa, cứ như “vịt nghe sấm”, nghe tai này sang tai kia, thì ta thế nào thì vẫn là thế đó, không đổi thay chút nào; cáo vẫn hoàn cáo, không thể thành chiên được. Có lễ vàng, lễ ngọc; có sống lâu trăm tuổi thì cũng thế thôi, không nên thánh nên thiện chút nào đâu.
Ta phải sống sao để khi nhìn vào ta Chúa nói như đã nói với thánh tông đồ Na-tha-na-en: “Đây là người Í-ra-en đích thật, nơi ông không có gì gian dối” (x.Ga 1,47). Đây là người Công Giáo đích thật; đây là người Tu Sĩ đích thật; đây là người Linh Mục đích thật, nơi ngươi không có gì gian dối. Đó là điều làm cho Thiên Chúa được tôn vinh; đó là hoa, là trái tốt lành; đó là người môn đệ đích thực của Chúa (x. Ga 15,8)
Là người môn đệ, là người con của Chúa, ta phải sinh nhiều hoa trái. Hoa trái đó là sự thánh thiện, là sự thật; là sống thật, là làm thật, là thương thật, là yêu thật; là nói thật trong khả năng và với hết những gì mình có. Khi đó ta không cón áy náy, lương tâm ta không còn cắn rứt. Nếu có ai hiểu lầm mà cáo tội ta, cho ta là thế này, thế kia; là không thương thật; là không yêu thật, vì có thấy CHO cái gì đâu; đâu có CHIỀU cái gì đâu, thì ta cũng không nên buồn sầu và áy náy làm chi.
Rõ ràng là thánh Gio-an nói, yêu thương bằng việc làm, chứ không phải là CHO hay CHIỀU. Người nào mà cứ đòi CHO hay CHIỀU, thì ta biết là họ không yêu thương gì ta đâu, họ chỉ yêu tiền, thương của thôi; còn bao nhiêu việc ta làm họ không để ý tới, thì ta stop là vừa. Ta cũng chẳng nên áy náy hay thương tiếc chi, vì họ đã lợi dụng và chà đạp lên lòng yêu thương chân thật của ta.
Vậy không yêu không thương thì thôi, chứ khi yêu và thương thì ta đừng yêu thương bằng đầu môi chót lưỡi, hãy yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. Ta sẽ sinh nhiều hoa trái tốt lành, đem lại niềm vui và hạnh phúc cho người khác và ta cũng trở nên môn đệ đích thực của Chúa. Ta sẽ luôn an lòng và mạnh dạn đến cùng Chúa và mọi người. Vì ta đã sống thật, làm thật và nói thật. Ta sẽ không sợ phải mắc tội gì hết. Ta chỉ có cái tội “Lực bất tòng tâm” thôi.
Lm. Bosco Dương Trung tín