Nhảy đến nội dung

Lời Chúa (Ga 2, 13-25) Và Suy Niệm Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm B

Lời Chúa (Ga 2, 13-25) Và Suy Niệm Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm B

Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (Ga 2, 13-25): “…Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giê-su lên Giê-ru-sa-lem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”. Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: “Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi”. Bầy giờ người Do-thái bảo Người rằng: “Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy”. Chúa Giê-su trả lời: “Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại”. Người Do-thái đáp lại: “Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?” Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói. Trong thời gian Người ở lại Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giê-su không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta…” Ðó là Lời Chúa

Suy Niệm Lời Chúa:

+/ Đền thờ Giêrusalem đầu tiên được vua Salomon xây dựng rất đồ xộ, vĩ đại và cũng rất nguy nga, tráng lệ, đây là một công trình quý giá vào bậc nhất thời bấy giờ, phải huy động mỗi ngày cả trăm ngàn công nhân và bảy năm mới hoàn thành. Đối với người Do Thái, đền thờ là trung tâm tôn giáo của dân tộc, vừa cụ thể hóa sự hiện diện uy nghiêm của Thiên Chúa vừa chính thức hóa việc phụng tự của cả dân tộc, bởi đó, đền thờ là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện cho muôn dân, và không ngừng mang tính chất linh thiêng thánh thiện. Nhưng dần đà người ta đã ngang nhiên biến một phần của nơi thánh thiện ấy thành nơi buôn bán và trao đổi tiền bạc, dĩ nhiên với lý do tốt đẹp bên ngoài là để phục vụ việc tế tự.

-Quang cảnh ấy đã làm Chúa Giêsu khó chịu, nổi giận, Ngài yêu cầu mọi người trả lại cho đền thờ sự thánh thiêng phải có.

+/ Bài Tin Mừng Với Ý Chính: Với lòng nhiệt thành yêu mến Thiên Chúa, đức Giê-su không thể chấp nhận được cảnh tượng bát nháo diễn ra nơi Đền Thờ của Chúa Cha. Người đã biểu lộ uy quyền của Con Thiên Chúa bằng việc dùng roi xua đuổi bọn con buôn cùng với tiền bạc, chiên bò, chim câu ra khỏi Đền Thờ. Người tẩy uế Đền Thờ của Chúa Cha và khẳng định rằng: Từ nay việc thờ phượng đẹp lòng Thiên Chúa sẽ phải được cử hành mãi mãi trong Đền Thờ Mới là thân xác Phục Sinh của Người và trong lòng các tín hữu, thay sự thờ phượng tạm thời trong Đền Thờ Giê-ru-sa-lem bằng gỗ đá.

+/ Mùa Chay là thời gian thuận tiện để đổi mới đời sống đạo đức của chúng ta. Hôm nay Hội Thánh chọn bài Tin Mừng đề cập đến việc đức Giê-su biểu lộ uy quyền, khi dùng giây thừng làm roi, mà xua đuổi bọn con buôn cùng với bàn đổi tiền, chiên bò và chim câu của chúng ra khỏi Đền Thờ Giê-ru-sa-lem.

1) Cuộc thanh tẩy Đền Thờ của Đức Giê-su như Tin Mừng Gio-an thuật lại cho thấy: Việc lạm dụng Đền Thờ để tìm tư lợi là làm mất sự trang nghiêm của nơi thờ phượng và làm ô uế Đền Thờ là một trọng tội cần phải được cấp thời chấn chỉnh. Đức Giê-su đòi người ta trả lại chức năng thực sự của Đền thờ khi nói: “Đừng biến nhà Cha Tôi thành nơi buôn bán”.

-Qua hành động này, đức Giê-su cũng gián tiếp bác bỏ lối thờ phượng Thiên Chúa hình thức bề ngoài, đúng như ngôn sứ I-sai-a đã tuyên sấm lời đức Chúa quở trách dân Do thái: Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.

-Đức Giê-su cũng muốn các Nhà thờ hôm nay phải thật sự là nơi thờ phượng Thiên Chúa trong “thần khí và sự thật”. Người muốn nhà thờ phải là nơi để con người gặp gỡ thờ phượng Thiên Chúa và gặp nhau. 

2) Thân xác ta cũng là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Để trả lời những kẻ chất vấn lấy quyền nào để ra tay xua đuổi bọn con buôn ra khỏi Đền Thờ, đức Giê-su đã trả lời như sau: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi, nội ba ngày Tôi sẽ xây dựng lại” . Qua đó, Người ám chỉ Người chính là Đấng Thiên Sai và thân thể của Người giống như Đền Thờ, sẽ bị tàn phá do người đời, nhưng đến ngày thứ ba sẽ từ cõi chết trỗi dậy.

- Ngoài ra thân xác mỗi người chúng ta cũng là Đền Thờ của Thiên Chúa như thánh Phao-lô dạy: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao?. Do đó, chúng ta phải tôn trọng Đền Thờ của Chúa Ba Ngôi là thân xác chúng ta, như lời Chúa Giê-su: “Ai yêu mến Thầy và tuân giữ lời Thầy, thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy và Chúng Ta (tức Ba Ngôi Thiên Chúa) sẽ đến ngự trong người ấy”.

3) Hình phạt dành cho những kẻ làm ô uế Đền Thờ. Những ai làm cho Đền Thờ thân xác mình và Đền Thờ là anh em khác ra ô uế thì đức Giê-su đã lên án những kẻ làm cớ vấp phạm, phạm tội: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã. Thà buộc cối đá lớn vào cổ nó và xô xuống biển, còn lợi cho nó hơn là để nó làm cớ cho một trong những kẻ bé nhỏ này vấp ngã”.

- Thánh Phao-lô cũng quả quyết về hình phạt dành cho những kẻ này: “Ai phá hủy Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ hủy diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em”.

+/ Trích sách của thánh Thê-ô-phi-lô, giám mục An-ti-ô-khi-a, gửi cho Au-tô-li-cô:…Như tấm gương ngời sáng thế nào thì con người cũng phải có tâm hồn trong sạch như vậy. Nếu tấm gương bị ố, người soi sẽ không thể thấy rõ mặt mình. Cũng vậy, con người tâm hồn mù loà không thể xem thấy Thiên Chúa…Hỡi con người, nếu bạn hiểu những điều ấy mà sống cho trong sạch, thánh thiện và công chính, bạn sẽ được thấy Thiên Chúa.

4) Nên tập nhân đức hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giê-su cách nào?. Nguyên nhân làm cho người ta ra ô uế là do lòng của mình: “Vì tự lòng phát xuất những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cắp, làm chứng gian và vu khống. Đó mới là những cái làm cho con người ra ô uế”.

- Tập nhân đức hiền lành bằng sự nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân: Khi nghe kẻ khác nói xấu mình, chúng ta đừng vội phản ứng đi tìm gặp người nói xấu mình vì dễ sinh ra xung đột, nhưng hãy dâng lên Chúa một lời nguyện tắt, xin Chúa ban ơn nhẫn nhục chịu đựng. Tiếp đến phải xét mình và tu sửa nếu thực sự có lỗi. Tập khiêm nhường từ trong suy nghĩ đến lời nói và việc làm, để chống lại thói xấu tự ái cao và kiêu ngạo tự mãn. Cần tập xét đoán ý tốt cho người khác. Tâp khen ngợi khích lệ hơn là la mắng. Tập đi bước trước để chào hỏi, và mau mắn phục vụ. Năng đến thăm nhà nhau để gây tình thân thiện giữa cộng đoàn với nhau. Nhờ đó Mùa Chay sẽ trở thành cơ hội thuận lợi giúp chúng ta nên tốt hơn như lời Chúa Giê-su mời gọi: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” .  

+/ Mùa chay mời gọi ta làm nhiều việc lành và cầu nguyện nhiều, trích khảo luận về Việc cầu nguyện của linh mục Te-tu-li-a-nô:...phải lấy đức tin mà nuôi dưỡng, lấy chân lý mà soi sáng, lấy lòng trong trắng mà giữ cho vẹn toàn, lấy đức khiết tịnh mà thanh tẩy, lấy tình yêu mà làm cho hoàn hảo…Lời cầu nguyện của người Ki-tô hữu còn công hiệu hơn biết chừng nào! Mặc dù lời cầu nguyện này không tạo ra hiệu quả là có một vị thiên thần đứng giữa làm mưa tắt lửa, không bịt miệng sư tử, không đem đến cho người đang đói lả bữa cơm của người thợ gặt, không cất hết cảm giác khi phải chịu đau khổ ; thế nhưng, lời cầu nguyện này huấn luyện người ta biết nhẫn nhục chịu đựng lúc gặp đớn đau, khổ sở, buồn phiền. Lời cầu nguyện này có sức mạnh làm tăng thêm ơn thánh, giúp người ta tin rằng khi biết chịu đau khổ vì danh Thiên Chúa, họ biết Chúa ban gì cho mình…Xưa kia lời cầu nguyện có thể gieo tai giáng hoạ, phá tan các đạo quân thù nghịch, chặn đứng những cơn mưa hữu ích. Còn ngày nay, lời cầu nguyện của người công chính làm Chúa nguôi cơn thịnh nộ, canh phòng cho kẻ thù, cầu xin cho những người bách hại. Có chi là lạ, nếu như lời cầu nguyện có sức buộc trời phải đổ mưa, như đã làm cho trời đổ lửa ? Chỉ có lời cầu nguyện mới thắng được Thiên Chúa ; thế nhưng Đức Ki-tô không muốn cho lời cầu nguyện gây ra bất cứ sự dữ nào, mà lại muốn cho lời cầu nguyện có khả năng đem lại phúc lành. Vì thế, lời cầu nguyện không biết làm gì khác hơn là kêu gọi linh hồn người quá cố ra khỏi chốn tử vong, cho kẻ tàn tật được phục hồi, chữa lành những người yếu đau, giải thoát những người bị quỷ ám, mở cửa cho người bị giam cầm, tháo xiềng xích cho người vô tội. Ngoài ra, lời cầu nguyện còn tẩy xoá tội lỗi, xua đuổi các cơn cám dỗ, dập tắt các cuộc bách hại, ủi an người nhát đảm, khích lệ kẻ can trường, đưa người tha hương trở về, dẹp yên sóng gió, làm tê liệt quân trộm cắp, nuôi dưỡng kẻ nghèo, kềm hãm người giàu, vực dậy người gục ngã, níu lại người chao đảo, giữ vững người đang đứng…Amen.

Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga