Nhảy đến nội dung

Lời Chúa & Suy Niệm Chúa Nhật 3 Mùa Vọng Năm B

LỜI CHÚA (Ga 1, 6-8. 19-28) & SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 MÙA VỌNG NĂM B 202324

Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gio-an (Ga 1, 6-8. 19-28): “...Có người đã được Chúa sai đến, tên là Gio-an. Ông đến như chứng nhân để làm chứng về sự sáng, hầu mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là sự sáng, nhưng ông chỉ làm chứng về sự sáng. Và đây là chứng của Gio-an, khi những người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem sai các vị tư tế và các thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông liền tuyên xưng, ông không chối, ông tuyên xưng rằng: “Tôi không phải là Ðấng Ki-tô”. Họ liền hỏi: “Thế là gì? Ông có phải là Ê-li-a chăng?” Gio-an trả lời: “Tôi không phải là Ê-li-a”. – “Hay ông là một đấng tiên tri?” Gio-an đáp: “Không phải”. Họ liền bảo: “Vậy ông là ai, để chúng tôi trả lời cho những người sai chúng tôi. Ông tự xưng là ai?” Gio-an đáp: “Tôi là tiếng kêu trong hoang địa: Hãy sửa cho ngay đường Chúa đi, như tiên tri I-sai-a đã loan báo”. Và có những người thuộc nhóm biệt phái cũng được sai đến. Họ hỏi Gio-an rằng: “Nếu ông không phải là Ðức Ki-tô, cũng không phải là Ê-li-a hay một tiên tri, vậy tại sao ông làm phép rửa?” Gio-an trả lời: “Tôi làm phép rửa trong nước; nhưng giữa các ngươi, có Ðấng mà các ngươi không biết. Ðấng ấy sẽ đến sau tôi, nhưng chính Ðấng ấy đã có trước tôi và tôi không xứng đáng cởi dây giày cho Người”. Việc này xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sống Gio-đan, nơi Gio-an làm phép rửa…” Ðó là Lời Chúa

Suy Niệm Lời Chúa:

+/ Trong Thần thoại Hy Lạp có một chàng trai tên là Narcisse, con của thần sông và tiên nữ Liriopé. Chàng đẹp trai đến nỗi có quá nhiều nữ thần say mê van xin tình yêu nhưng chàng vẫn một mực lạnh lùng từ chối. Trong số những kẻ thất tình có Echo. Đau khổ vì bị Narcisse từ chối, Echo cầu xin các vị thần và các nữ thần cùng yêu chàng tập hợp lại để trừng phạt chàng. Từ đó, Narcisse sẽ chỉ được phép yêu chính bản thân chàng. Một lần, Narcisse nghỉ ngơi bên bờ suối, chợt nhìn thấy bóng mình dưới nước, chàng ngẩn ra ngắm mình và chợt hiểu vì sao biết bao con tim của các cô gái lại tan vỡ vì mình. Càng ngắm, chàng càng ngưỡng mộ và say đắm cái bóng của mình. Nhưng cứ đụng tay vào nước suối, cái bóng lại tan vỡ. Cuối cùng, chàng chết trong mòn mỏi, với một khối tương tư cái bóng của chính mình.

- Yêu mình và đánh bóng chính mình chính là tự cắt đứt liên hệ với tha nhân. Điều đó dẫn con người đến chổ chết trong cô độc. Thánh Gioan Tẩy Giả đã không đánh bóng chính mình. Ông đã làm mọi việc chỉ để giới thiệu Chúa cho tha nhân.

+/ Tin Mừng hôm nay được trích từ hai đoạn văn khác nhau, một được trích từ Tựa Ngôn của Tin Mừng Gioan, giới thiệu “chức năng chứng nhân” của Gioan Tẩy giả và một chổ khác được trích từ Phần Mở Đầu của Tin Mừng Gioan trình bày “lời chứng” của Gioan Tẩy giả.

Chức năng chứng nhân của Gioan Tẩy giả. Tựa Ngôn là một bài thánh thi về “Ngôi Lời” bị ngắt nhịp hai lần để giới thiệu Gioan Tẩy giả là chứng nhân của Đức Ki-tô. Lần ngắt nhịp thứ nhất được trích dẫn ở đây như phần mở đầu của đoạn Tin Mừng hôm nay. Trong phần mở đầu này, tác giả Tin Mừng thứ tư không đề cập đến sứ điệp của Gioan Tẩy giả cũng như ‎ý nghĩa phép rửa của thánh nhân, nhưng tô đậm chức năng “chứng nhân” của thánh nhân. Đối với Tin Mừng Gioan, “chứng nhân” là chức năng quan trọng bậc nhất như tác giả nhấn mạnh trong thư thứ nhất của mình rằng:…Điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống…Điều chúng tôi đã thấy và đã nghe, chúng tôi loan báo cho cả anh em nữa…

- Lời chứng của Gioan Tẩy giả. Sau khi giới thiệu chức năng chứng nhân của Gioan Tẩy giả, tác giả Tin Mừng Gioan trình bày lời chứng của Gioan Tẩy giả. Gioan Tẩy giả phủ nhận tất cả những gì người ta nghĩ tưởng về ông, để chỉ tập trung lời chứng của mình vào sự hiện diện của Đấng đến sau ông và hiện có mặt ở đây. Ông không phải là Đấng Mê-si-a mà dân chúng đang mong đợi. Ông cũng không phải là Ê-li-a mà truyền thống truyền tụng, theo đó vị ngôn sứ này được rước lên trời và sẽ trở lại trần thế để chuẩn bị cho Đấng Mê-si-a. Ông cũng không phải là ngôn sứ vĩ đại mà Đức Chúa hứa với ông Mô-sê trong sách Đệ Nhị Luật rằng:…Từ giữa anh em, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng…

- Sau khi đã phủ nhận tất cả những nhân vật nổi tiếng mà người ta nghĩ tưởng về mình, Gioan Tẩy giả công bố sứ điệp: Có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Ở đây ám chỉ đến niềm tin dân gian vào một đấng mê-si-a ẩn mình. Thật vậy, sách Tin Mừng thứ tư nhấn mạnh hơn các sách Tin Mừng khác lời loan báo về Đấng Mê-si-a hiện ở giữa họ rồi mà họ không nhận ra.

+/ Ta thử hỏi là tại sao lời chứng của Gioan Tẩy giả vừa phủ nhận về mình vừa khẳng định về Đức Ki-tô mặc lấy một tầm mức quan trọng đến như thế? Để có thể lĩnh hội được Tin Mừng Gioan, chúng ta cần phải giải mã những ẩn ý này. Tin Mừng Gioan vốn giàu có biểu tượng nên luôn luôn hàm chứa hai nghĩa: nghĩa trực tiếp và nghĩa ẩn dụ.

- Nghĩa trực tiếp: Theo nghĩa trực tiếp, chúng ta gặp thấy chìa khóa ở nơi việc dàn dựng Phần Mở Đầu cuộc đời công khai của Đức Giê-su thành một tuần lễ, được gọi “Tuần Lễ Khai Mạc” song đối với “Tuần Lễ Cuối Đời” của Đức Giê-su ở thành thánh Giê-ru-sa-lem. Tuần Lễ Khai Mạc được trình bày thành bảy ngày: ngày thứ hai, thứ ba và thứ tư được phân định với biểu thức thời gian “Hôm sau”, riêng ba ngày sau cùng được bắt đầu với biểu thức “Ngày thứ ba”.

– Ngày thứ nhất: Gioan Tẩy giả làm chứng về chính mình và về Đức Ki-tô trước những chất vấn của các tư tế và các thầy Lê-vi được phái đến từ Giê-ru-sa-lem. Ngày thứ hai: Gioan Tẩy giả làm chứng Đức Giê-su là “Chiên Thiên Chúa” và là Đấng mà Thần Khí ngự xuống vào lúc Ngài chịu phép rửa. Ngày thứ ba: ông An-rê và người môn đệ nặc danh đi theo Đức Giê-su; đoạn ông An-rê rũ em mình là Phê-rô cùng nhập bọn với mình. Ngày thứ tư: Phi-líp-phê và Na-tha-na-en nhập đoàn với các môn đệ đầu tiên.

– Ngày thứ năm và thứ sáu: hành trình về miền Ga-li-lê. Ngày thứ bảy: tiệc cưới Ca-na, ở đó các môn đệ đã “chứng kiến vinh quang của Ngài” và đã “tin vào Ngài”.

- Khi trình bày Phần Mở Đầu cuộc sống công khai của Đức Giê-su như thế, thánh ký thiết lập sự đối xứng với bảy ngày của Công Trình Sáng Tạo, qua đó thánh ký muốn nói rằng Đức Ki-tô giáng trần để thực hiện một cuộc tạo dựng mới, hay đúng hơn, một cuộc tái tạo.

- Nghĩa ẩn dụ: Lời chứng của Gioan tẩy giả được trích dẫn trong Tin Mừng hôm nay được định vị vào ngày thứ nhất trong Tuần Lễ Khai Mạc. Trong công trình sáng tạo thế giới, ngày thứ nhất được đánh dấu bởi việc phân tách Ánh Sáng ra khỏi bóng tối. Do đó, tất cả ‎ý nghĩa sâu xa của đoạn Tin Mừng này chính là Gioan Tẩy giả đến để làm chứng về ánh sáng. Trái lại, các tư tế và các thầy Lê-vi được cử đến và trở về Giê-ru-sa-lem mà không đón nhận phép rửa tỏ bày sự sám hối, vì thế, không rộng mở lòng mình ra để đón nhận ánh sáng. Tuy nhiên, họ đã được loan báo cho biết: Có một Vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết (động từ “biết” theo văn hóa Do thái không chỉ nói lên một sự hiểu biết thuần túy trên mặt trí tuệ, nhưng đặc biệt còn cả trọn tấm lòng nữa). Như vậy, giáo quyền Do thái, ngay từ đầu, vẫn đắm mình trong bóng tối. Sự kiện này sẽ chi phối cách hành xử sau cùng của họ đối với Đức Ki-tô. Việc đối lập của cặp tương phản giữa ánh sáng và bóng tối này hình thành nên một trong những đề tài chủ đạo của Tin Mừng Gioan. Việc đối lập này đã được minh chứng ngay từ trong Tựa Ngôn.

+/ Phái đoàn đến phỏng vấn Gioan Tẩy Giả gồm hai hạng người: Thứ nhất, có các tư tế và người Lêvi. Họ chú ý đến Gioan Tẩy Giả là điều tự nhiên, vì ông là con trai của Dacaria, mà Dacaria là tư tế. Trong Do Thái giáo, điều kiện duy nhất để được chức vụ tư tế là cha truyền con nối. Người nào không phải là hậu duệ của Aharon thì chẳng có thể trở thành tư tế, còn nếu người ấy là con cháu Aharon thì không có gì cản ngăn người ấy trở thành tư tế được. Do đó, dưới mắt các nhà cầm quyền, Gioan Tẩy Giả quả thật là một tư tế, và tự nhiên các tư tế phải tìm hiểu tại sao một tư tế lại hành động bất thường như vậy. Thứ hai, có những người đại diện cho Pharisêu. Rất có thể sau lưng họ có Tòa Công Luận. Một trong các nhiệm vụ của Tòa Công Luận là đối phó với bất cứ ai bị nghi ngờ là ngôn sứ giả. Gioan Tẩy Giả là một nhà truyền giáo được dân chúng theo rất đông. Có lẽ Tòa Công Luận thấy họ có trách nhiệm tra xét con người này xem ông có phải là ngôn sứ giả không.

+/ Tất cả sự việc trên đây cho chúng ta thấy Tôn Giáo chính thống thường nghi ngờ bất cứ việc gì khác thường. Gioan Tẩy Giả đã không theo đúng quan niệm bình thường về một tư tế mà ông cũng không theo đúng quan niệm bình thường về một thầy giảng đạo. Vì vậy, các chức quyền tôn giáo thời đó nhìn ông đầy nghi kỵ.

- Giáo Hội nói chung và người tín hữu chúng ta nói riêng thường rơi vào chỗ nguy hiểm là: hay kết án những cái mới chỉ vì nó mới. Về một phương diện, ít có tổ chức nào khác trên thế gian lại hay chống đối sự thay đổi như Giáo Hội. Giáo Hội thường phủ nhận một giáo sư lỗi lạc và cũng thường khước từ một số công tác tiên phong quan trọng, chỉ vì Giáo Hội muốn được yên thân và nghi ngờ tất cả những gì có vẻ mới.

+/ Để kết thúc suy niệm Lời Chúa hôm nay, và để mọi người có thể liên hệ bản thân, ta hãy nghi nhớ những lời sau đây của các thánh:

- Trích sách Bậc đồng trinh của thánh Am-rô-xi-ô, giám mục:…Chúa Ki-tô mong muốn con như thế nào, thì Người đã chọn con như thế…Hãy giữ Người lại. Hãy xin Người đừng vội ra đi. Hãy nài van Người đừng lìa bỏ. Quả thế, lời Thiên Chúa chạy mau, kẻ nguội lạnh thì không bắt được, người biếng nhác không tài nào nắm giữ. Ước chi khi nghe tiếng Người mời gọi, tâm hồn con mau đến gặp Người, và kiên vững trên đường do lời Thiên Chúa vạch ra, vì lời đó qua đi mau chóng…

- Trích khảo luận Đường lên núi Các-men của thánh Gio-an Thánh Giá, linh mục:…Quả thật, những điều xưa kia Người đã dùng các ngôn sứ phán dạy từng phần, thì nay Người phán dạy tất cả toàn bộ qua chính Con Một của Người khi hoàn toàn ban tặng người Con ấy cho chúng ta. Bởi thế, bây giờ nếu có ai còn muốn thỉnh ý Thiên Chúa điều gì, hoặc muốn xin Người ban cho một thị kiến hoặc một mặc khải nào nữa, xem ra người ấy xúc phạm đến Thiên Chúa, vì họ không hoàn toàn hướng nhìn về một mình Đức Ki-tô, hay vì muốn tìm kiếm một điều gì mới lạ ngoài Đức Ki-tô…Ta đã phán dạy mọi sự qua Lời của Ta; ngươi hãy chăm chú nhìn vào một mình Người thôi, vì nơi Người, Ta đã nói hết mọi sự và mặc khải tất cả cho ngươi. Hơn nữa ngươi sẽ tìm được nơi Người nhiều hơn những gì ngươi có thể ao ước hay cầu xin…Amen

Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga