Nhảy đến nội dung

Lời Chúa (Mc 9, 1-9) và suy niệm Chúa Nhật 2 Mùa Chay B

Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giê-su Kitô theo thánh Mar-cô (Mc 9, 1-9): “…Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia”. Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: “Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người”. Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: “Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?...” Ðó là Lời Chúa

Suy Niệm Lời Chúa:

+/ Một linh mục qua nhiều năm coi xứ đã kể một câu chuyện khá dí dỏm và cũng rất sâu sắc như sau: Có một đôi vợ chồng trẻ rất xinh đẹp và sống với nhau cũng rất khéo, trai tài gái sắc. Một ngày nọ, người vợ ăn một nửa trái táo, rồi tặng chồng phần kia. Người chồng vui vẻ đón nhận nói rằng:- Ôi nửa trái táo ân tình, công chúa của lòng anh! Nhưng hai mươi năm sau, cũng đôi vợ chồng ấy, cộng thêm những nét tàn tạ của thời gian. Cũng một trái táo, vợ ăn một nửa, mời chồng phần còn lại. Nhưng người chồng nhăn mặt nói rằng:- Sao lại cho nửa trái táo ăn thừa?

-Tất cả nguyên trạng chỉ khác có nhan sắc. Cũng nửa trái táo dâng tặng nhưng hai mươi năm trước nhận từ tay “người đẹp” là trái táo ân tình. Hai mươi năm sau từ tay “cố tra/già” là trái táo ăn thừa. Nên ta có thể nói rằng:Nếu chỉ dựa vào nhan sắc, người ta sẽ mất hết tất cả với thời gian.

+/ Cuộc biến hình trên núi Tabor của Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay được xếp đặt trước việc tiên báo khổ nạn. Câu chuyện giúp chúng ta hiểu tại sao khi đức Giê-su biến hình, tiếng Chúa Cha từ trời đã phán: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng lời Ngài”.

- Ý Chính là sau khi cho các môn đệ biết về việc Người sắp lên Giê-ru-sa-lem để chịu chết và ngày thứ ba sẽ sống lại, đức Giê-su muốn củng cố lòng tin của các ông đang bị giao động, bằng cách đưa 3 môn đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an lên núi cao. Tại đây, Người biến hình trước mặt các ông, rồi có lời Chúa Cha xác nhận Người là Con yêu dấu. Có Mô-sê và Ê-li-a hiện ra đàm đạo về cuộc khổ nạn người sắp trải qua. Như vậy, việc biến hình cho thấy cuộc khổ nạn của Đức Giê-su là do thánh ý của Chúa Cha và cũng nhằm khích lệ tinh thần của các môn đệ, giúp các ông kiên vững lòng tin khi phải chứng kiến cuộc khổ nạn của người sau này.

+/ Nhà chú giải Kinh thánh William Barclay cho rằng: Ở đây chúng ta đang đối diện với một biến cố trong đời sống Chúa

Giê-su vốn được phủ bằng một tấm màn bí mật. Chúng ta chỉ cố tìm xem đã có chuyện gì xảy ra. Mac-cô bảo rằng việc này xảy ra sáu ngày sau biến cố gần Xêdarê Philípphê, Lu-ca thì nói tám ngày sau. Tuy nhiên, ở đây không hề có sự bất nhất. Cả hai vị đều muốn nói như ngày nay chúng ta nói là “độ chừng một tuần lễ sau”. Cả hai Giáo Hội Đông lẫn Tây phương đều kỷ niệm ngày Chúa Giê-su biến hình vào ngày 06 tháng 08 dương lịch. Vấn đề quan trọng không phải ngày đó đúng hay không, nhưng đó là thời điểm mà chúng ta nên tìm cách ghi nhớ.

- Truyền khẩu nói đến sự biến hình xảy ra trên đỉnh núi Tabor. Giáo Hội phương đông gọi lễ Chúa Biến Hình là lễ Taborion, có lẽ việc chọn núi Tabor được căn cứ vào câu đề cập đến núi Tabor trong Tv 89,12, nhưng đó là một lựa chọn đáng tiếc. Núi Tabor nằm về phía Nam xứ Galilê, còn Xêdarê Philípphê thì ở mãi tận phía bắc. Núi Tabor cao không hơn 300 mét và vào thời Chúa Giê-su có một đồn binh trên đó. Điều có lý hơn là sự việc đã xảy ra trên sườn núi Her-môn một ngọn núi phủ tuyết quanh năm, cao gần 3000 mét, gần Xêdarê Philípphê hơn và khung cảnh cũng yên tĩnh hơn nhiều.

- Chúng ta chỉ biết cúi đầu cung kính khi cố gắng tìm hiểu. Mac-cô bảo áo của Chúa Giê-su trở nên sáng rực. Từ ông dùng để chỉ sự sáng chói của đồng hoặc của vàng được nung chảy, hoặc của thép được đánh bóng, hay ánh sáng chói chang vàng rực của mặt trời. Lúc biến cố ấy kết thúc, có một áng mây che phủ họ. Việc đám mây kéo xuống là một cách nói rằng Đấng Mêsia đã đến, và bất kỳ người Do Thái nào cũng hiểu như vậy.

+/ Sự biến hình có hai ý nghĩa:

1/ Đó là một điều thật quý báu cho Chúa Giê-su. Chúa cần quyết định một số sự việc, ngài đã quyết định lên Giêrusalem và quyết định ấy có nghĩa là đối diện và chấp nhận thập giá. Ngài cần biết cách tuyệt đối rằng mình đã quyết định đúng trước khi tiếp tục dấn bước. Trên đỉnh núi, ngài đã nhận được sự chấp thuận quyết định của Ngài.

(a) Êlia và Môsê đã đến gặp Ngài. Môsê là nhân vật tối cao đã ban bố luật cho dân Israel. Cả hai dân tộc đã chịu ơn ông về luật của Chúa. Êlia là vị ngôn sứ đầu tiên và vĩ đại nhất trong các ngôn sứ. Mọi người luôn luôn nhìn lại ông như một ngôn sứ mang chính lời Chúa đến cho con người. Khi hai nhân vật lỗi lạc nhất đó hội kiến với Chúa Giê-su, có nghĩa là nhà ban bố luật vĩ đại nhất và vị ngôn sứ lỗi lạc nhất đã nói với Chúa Giê-su rằng “Xin cứ tiến lên!”. Nó có nghĩa là hai vị thấy nơi Chúa Giêsu hoàn thành tất cả những gì họ từng mơ ước trong quá khứ. Nó có nghĩa là họ thấy nơi Ngài tất cả những gì mà lịch sử vẫn trông chờ từ lâu và đã hướng về đó với hy vọng tràn đầy. Dường như chính lúc đó Chúa Giêsu được bảo đảm rằng Ngài đang đi đúng đường, và cả lịch sử đều dẫn đến thập giá.

(b) Thiên Chúa Cha phán với Chúa Giê-su. Chúa Giê-su không bao giờ hành động theo ý riêng. Ngài luôn luôn đến với Thiên Chúa Cha và thưa rằng “Cha muốn con phải làm gì đây?” Ngài đặt mọi kế hoạch và dự kiến trước mặt Chúa Cha và Chúa Cha phán với Ngài “Con đang làm đúng điều chính Con yêu dấu Ta phải làm. Hãy tiếp tục đi”. Trên núi Biến Hình, Chúa Giêsu được bảo đảm Ngài không lầm đường. Ngài đã thấy thập giá không những là việc không tránh được và còn là điều vô cùng chính đáng.

2/ Đó là điều quý báu vô cùng cho các môn đệ của Chúa.

(a) Họ đang bị tan nát khi nghe Chúa Giêsu khẳng định rằng Ngài sắp lên Giêrusalem để chịu chết. Điều này dường như tiêu hủy, phủ nhận tất cả những gì họ đã được hiểu về Đấng Mêsia. Họ đang bối rối, ngẩn ngơ, kinh ngạc, chẳng hiểu sự việc thế nào. Những việc xảy ra chẳng những khiến họ rối trí mà còn khiến họ đau lòng. Những gì đã thấy trên núi Biến Hình cho họ một cơ hội để bám chặt lấy ngay khi họ chẳng hiểu gì. Cho dù có thập giá hay không, họ vẫn được nghe chính tiếng nói của Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con Ngài.

(b) Nó khiến họ trở thành các chứng nhân cho sự vinh hiển của Chúa Kitô theo một ý nghĩa đặc biệt. Theo định nghĩa chứng nhân là người thấy, sau đó tỏ bày ra. Lần ấy, trên núi, họ đã được cho thấy vinh hiển của Chúa Kitô. Do đó, khi có cơ hội, họ đã có sẵn câu chuyện đang giấu kín trong lòng để lại kể cho mọi người nghe.

+/ Trích bài giảng của thánh Lêô Cả, giáo hoàng:…Cuộc hiển dung này chủ yếu nhằm cất khỏi lòng các môn đệ cớ vấp phạm do thập giá gây nên, đồng thời giữ cho các ông vững tin, không bị giao động khi thấy Đức Kitô chịu nhục nhã trong cuộc thương khó tự nguyện của Người, vì các ông đã được mặc khải cho biết sự cao cả ẩn tàng của mầu nhiệm thập giá. Nhưng Thiên Chúa đã khôn ngoan dự liệu cho niềm hy vọng của Hội Thánh có nền tảng vững vàng: Người cho Hội Thánh biết toàn thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô sẽ được biến đổi ra sao. Người cũng dự liệu cho các chi thể tin chắc mình sẽ được thông phần vinh quang rực rỡ của Đầu là Đức Kitô. Tuy nhiên, phép lạ đó còn chứa đựng một giáo huấn khác giúp các tông đồ vững tin và đưa các ông đến chỗ hiểu biết hoàn toàn…Cho nên, chớ gì đừng ai sợ phải chịu khổ vì sống công chính, và cũng đừng ai nghi ngờ về phần thưởng Chúa hứa ban, vì có vất vả mới được nghỉ ngơi, có chết mới được sống. Người đã đón nhận mọi tật nguyền thuộc bản tính yếu hèn của chúng ta. Nếu chúng ta kiên trì tuyên xưng và yêu mến Người, chúng ta sẽ chiến thắng như Người đã chiến thắng, sẽ nhận được những gì Người hứa ban.

+/ Theo Thánh Têrêxa thành Lisieux: Sống tình yêu không phải là căng lều trên đỉnh Tabor, mà là cùng với Giêsu ta trèo lên đồi Canvê. Thánh Bernadette cầu nguyện: “Con không xin cho mình khỏi phải đau khổ, nhưng chỉ xin Người đừng bỏ con trong khổ đau. Amen.

Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga