Nhảy đến nội dung

Chia Sẻ Lời Chúa Chúa Nhật 27tn2024-Đức Mẹ Mân Côi

LỜI CHÚA (Lc 1, 26-38)& CHIA SẺ LỜI CHÚA CHÚA NHẬT 27TN2024-ĐỨC MẸ MÂN CÔI

+/ Mỗi khi tháng Mười về, những người con thảo của Đức Mẹ lại rộn ràng với những lời kinh mân côi để cùng tôn vinh Mẹ và cùng Mẹ suy ngắm cuộc đời Chúa Cứu thế. Mỗi lời kinh kính mừng Maria được sánh ví như một đóa hồng dâng kính Đức Mẹ. Mân Côi hay Môi Khôi, Mân Côi hay Văn Côi là cách đọc khác nhau của hai chữ Hán mà sách Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của phiên âm là môi khôi, còn Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh phiên âm là Mân Côi. Cách đọc đúng theo âm Hán Việt hiện đại là môi côi. Tiếng La-tinh là Rosarium, tiếng Bồ và tiếng Ý là Rosario, tiếng Pháp là Rosaire, tiếng Anh là Rosary, có 3 nghĩa như sau:

Một tràng, một chuỗi, một xâu hoa hồng (Rosa, Rose = Hoa Hồng). Một xâu chuỗi hạt trai, hạt đá quý để đeo quanh cổ người phụ nữ; Một vườn Hoa Hồng.

- Ở Việt Nam, chuỗi Rosarium được người miền Bắc gọi là Chuỗi Mân Côi, riêng người miền Nam và miền Trung lại gọi là Chuỗi Môi Khôi. Ngoài mấy cách gọi thông thường của từng địa phương nêu trên, các cha Dòng Đa-minh thuộc nhánh Ly-on nước Pháp còn gọi là Chuỗi Mân Côi. Cách gọi này hiện nay được khá nhiều người dùng, nhất là các tu sĩ và giới trẻ, đặt thành nhiều bài hát hay viết các bài suy niệm.

+/ Như thế, chuỗi hạt mân côi là kết tinh của những mầu nhiệm trong cuộc đời Đức Mẹ và Chúa Giêsu. Vào thời của lịch sử Giáo Hội thế kỷ 13, Giáo Hội gặp nhiều khủng hoảng, nhất là từ những nguy cơ đến từ một bè lạc giáo có tên là Albigeois ở miền nam nước Pháp. Năm 1213, Đức Mẹ đã hiện đến với Thánh Đaminh và trao cho ngài một cỗ tràng hạt. Đức mẹ hứa, nếu các tín hữu siêng năng lần hạt thì Giáo Hội sẽ được an bình trở lại. Thánh Đaminh vâng lời Đức Mẹ, nhiệt thành kêu gọi mọi người đọc kinh Mân Côi và đúng như lời Đức Mẹ hứa, bè lạc giáo đã tan rã và Giáo Hội được hưng thịnh. Ngày lễ Đức Mẹ Mân Côi, ngày 7-10 hằng năm cũng được Đức giáo hoàng Piô 5 thiết lập để ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo với quân Thổ Nhĩ Kỳ (theo đạo Hồi Giáo) tại trận Lepanto ngày 7-10-1571. Chiến thắng này có được là nhờ các tín hữu lần hạt Mân Côi trong ngày giao chiến.

- Một câu chuyện kể rằng Thánh Đaminh đã có sáng kiến kết 150 bông hoa hồng thành một chuỗi dài, tượng trưng cho 150 thánh vịnh. Ngài đã dùng những cánh hồng thơm ngát, nén chặt như ép khuôn và làm thành từng hạt hình tròn, nối liền với nhau thành một tràng hạt. Từ đó, tràng hạt được gọi là chuỗi Mân Côi, tức chuỗi hoa hồng.

+/ Cầu Nguyện Bằng Chuỗi Mân Côi. Suốt tháng mười này và trong đời sống, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi một cách sốt sắng, vừa hợp với truyền thống, vừa sát với thời sự.

- Chuỗi Mân côi đốt lên lửa mến. Lịch sử cho thấy kinh Mân côi được thành hình do động lực sùng kính Đức Mẹ. Nhiều người tín hữu đã là những tông đồ của Đức Mẹ. Với lòng xác tín, hăng hái, nhiệt thành rao giảng, truyền bá kinh Mân côi. Trước hết là trong các cơ sở Dòng, sau là tại các giáo xứ của nhiều giáo phận bên Âu Châu xưa và Á Châu hôm nay.

- Phong trào đọc kinh Mân côi đã được tổ chức thành các hiệp hội. Các người trong hiệp hội liên đới với nhau bằng chia sẻ đời sống thiêng liêng. Nhận thấy phong trào kinh Mân côi đem lại nhiều kết quả lớn lao và mau lẹ cho đời sống đức tin, Toà Thánh đã công nhận, khuyến khích và ban nhiều ân xá.

- Năm 1475, tại Cologne, chính hoàng đế nước Đức là Fredéric 3, hoàng hậu và hoàng tử đã xin ghi tên vào hội Mân Côi. Nhờ vậy, chuỗi này thêm lan rộng uy tín. Lý do lan rộng chính là tính cách Kinh Thánh và bình dân của chuỗi Mân côi. Các lời kinh của chuỗi Mân côi đều được đúc kết từ Kinh Thánh.

- Chuỗi Mân côi được sắp xếp một cách bình dị, dễ đọc, dễ hiểu, hợp với bình dân. Miệng đọc kinh, lòng suy gẫm, tay lần chuỗi hạt, đó là một hình thức đạo đức bình dân ở nhiều tôn giáo truyền thống như Phật Giáo, Hồi Giáo. Với hình thức đạo đức này, kinh Mân Côi đã đốt lên lửa mến trong các tâm hồn. Nhiều tâm hồn trước kia nguội lạnh đã được ơn trở về.

- Chuỗi Mân côi thắp sáng niềm hy vọng cứu độ. Lịch sử cho thấy khi khấn cầu ơn nọ ơn kia, nhiều người đã dựa vào chuỗi Mân Côi như một nguồn để tìm sức mạnh cậy trông.

- Năm 1629, trước cơn dịch tả nguy hiểm lan rộng trên nước Ý, tu sĩ Timoteo Ricci đã lập ra Rosa Liên, tức chuỗi Mân Côi liên tiếp. Thầy tính rằng: Mỗi năm có 8640 giờ. Căn cứ vào đó, thầy làm ra 8640 tấm vé. Mỗi vé ghi tháng, ngày, giờ. Rồi cho rút thăm. Ai được vé nào thì cam kết đọc chuỗi Mân Côi tháng ngày giờ đó. Mục đích có ý xin ơn chết lành cho những người hấp hối, xin ơn trở lại cho những người tội lỗi, xin ơn bình an cho các dân tộc. Từ sáng kiến đó, phong trào kinh Mân Côi liên tiếp được thành lập và lan rộng. Năm 1657, Đức Giáo Hoàng Alexandre 7 chấp nhận phong trào đạo đức này, và ban cho nhiều ân xá.

- Năm 1826, trước nhu cầu truyền giáo cho các vùng xa xôi, bà Pauline Jaricot, thành Lyon nước Pháp đã có sáng kiến lập ra phong trào Kinh Mân côi sống. Cứ 10 nguời thì thành một nhóm nhỏ. Mỗi người trong nhóm cam kết đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Hơn nữa, mỗi người trong nhóm sẽ tìm thêm 5 người. Năm người này cũng hứa đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Và cứ thế nhân lên số người đọc kinh Kính Mừng. Mỗi tháng, bà Pauline phổ biến cho các nhóm một bản suy gẫm Lời Chúa, hướng về truyền giáo.

- Đầu thế kỷ 20, trước tình hình suy giảm Đức Tin tại nước Pháp, cha Joseph Eyquem lập ra những hội Mân Côi. Sinh hoạt của những người theo hội này cũng là đọc 10 kinh Kính Mừng mỗi ngày. Ngoài ra, họ họp nhau mỗi tháng một lần. Cuộc họp không tổ chức ở nhà thờ, nhưng ở nhà tư, lúc ở nhà này, khi ở nhà khác. Cuộc họp gồm đủ mọi thành phần, những tín hữu bình thường, những người ly dị, những người rối vợ rối chồng, những người xa tránh các bí tích. Họ cầu nguyện, trao đổi, chia sẻ và giúp đỡ nhau vượt qua các thử thách.

+/ Nói chung, khi gặp những khó khăn nguy hiểm, cả trong đạo lẫn ngoài đời, người ta đã chạy đến với Đức Mẹ. Họ khẩn cầu Mẹ bằng chuỗi Mân Côi. Và thực sự chuỗi này đã đem lại cho các tâm hồn những hy vọng lành thánh.

-Chuỗi hạt Mân côi 200 hạt, 150 hạt, 50 hạt hay 10 hạt, được dùng để đếm số Kinh Kính mừng là lời ca tụng Đức kitô không ngừng. Điều thuận lợi của chuỗi Mân côi là lần hạt ở đâu cũng được. Ta không buộc phải đọc 50 Kinh Mân côi một lần mà có thể đọc bao nhiêu tuỳ vào thời gian ta có. Ta cũng có thể vừa làm việc vừa đọc Kinh Mân côi, không nhất thiết phải có tràng hạt trên tay. Ta cũng có thể thì thầm bất cứ lúc nào: khi chờ xe bên đường, lúc đi học, khi giải trí, khi đau bệnh, thay vì đưa mắt nhìn chung quanh, thay vì nghe những chuyện phiếm, ta cũng có thể lần hạt. Dù bận bịu đến đâu ta cũng có thể lần hạt. Đó là cách cầu nguyện mà triết gia Jacques Maritain gọi là chiêm niệm bên vệ đường.

Lạy nữ vương rất thánh Mân Côi, xin dạy chúng con biết yêu mến tràng Chuỗi Mân côi, siêng năng lần hạt trong mỗi ngày sống và xin Mẹ khẩn cầu cho chúng con bên tòa Chúa. Amen

Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga