Thiên Chúa muốn chúng ta được hạnh phúc
- CN, 16/02/2025 - 13:56
- Lm Nguyễn Ngọc Nga
LỜI CHÚA (Gr 17, 5-8;1 Cr 15,12-16.20;Lc 6, 17. 20-26) VÀ SUY NIỆM CN6TNC
Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 6, 17. 20-26): "...Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống cùng với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế.
“Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì chính cha ông họ cũng từng đối xử như vậy với các tiên tri giả...” Ðó là Lời Chúa
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Quốc vương Thổ nhĩ kỳ là Abdurahman III cai trị một vương quốc giàu có nhất thế giới trong suốt 49 năm, vào khoảng thế kỷ 10. Lợi tức của nhà vua lên tới 336 triệu mỹ kim. Nhà vua có 6321 bà vợ được tuyển chọn trong số những thiếu nữ xinh đẹp nhất của vương quốc, và sinh được 618 đứa con. Tài sản của nhà vua trị giá khoảng 3 tỷ mỹ kim. Ấy thế mà sau khi chết người ta đọc thấy trong cuốn nhật ký của nhà vua một đoạn như sau: Trong suốt cuộc đời dài và đầy danh vọng này, tôi đã đếm được những ngày tôi hoàn toàn hạnh phúc chỉ vỏn vẹn có 14 ngày mà thôi.
-Nghe qua câu chuyện này, chúng ta dành ít phút suy niệm về Hạnh Phúc. Chỉ có Mátthêu và Luca tường thuật lại các mối phúc. Tuy hai ông có lẽ cùng truy cứu chung một nguồn, nhưng mỗi người lại khai thác dữ liệu một cách độc đáo, khiến cho hai bản viết, bên cạnh những nét tương đồng rõ rệt, vẫn có những dị biệt tỏ tường, về nội dung và con số các mối phúc, cũng như về cấu trúc, thể văn và ý hướng. Nội dung các mối phúc theo thánh Luca rất khác với nội dung Bài giảng trên Núi của thánh Mátthêu.
-Đức Giêsu lên núi, nơi Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa, trước khi chọn lấy mười hai ông trong số các tông đồ, nghĩa là kẻ được sai đi. Giờ đây Người đóng vai một Môsê mới, xuống núi, mang theo sứ điệp của Thiên Chúa và dừng lại ở một chỗ đất bằng, đối diện với đông đảo môn đệ của Người, và đoàn lũ dân chúng, tiêu biểu cho những con người đến từ khắp miền Giuđê, Giêrusalem lẫn lộn với những người từ những miền dân ngoại thuộc miền duyên hải Tyrô là Siđôn.
-Những lời Người tuyên bố là các mối phúc, được dành cho hết mọi người. Cộng đoàn các môn đệ của Người, một khi đã lãnh hội và sống các mối phúc ấy sẽ phải làm chứng về các mối phúc ấy cho mọi người.
– Con số các mối phúc trong Matthêu là chín. Còn trong Luca chỉ có bốn. Điểm khác biệt nữa là: Luca cho thêm vào bốn “mối hoạ” đặt rất song hành với bốn “mối phúc”; đây không phải là những lời nguyền rủa, mà chỉ là những lời thiết tha kêu gọi những “người bất hạnh” ăn năn hối cải khi họ lỡ bước lao mình vào con đường sa đoạ.
-Thánh Matthêu trình bày các mối phúc ấy ở ngôi thứ ba số nhiều và nhắm những thái độ nội tâm: Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó.
-Còn Luca lại diễn tả ở ngôi thứ hai số nhiều và chỉ ra những loại người trong xã hội, mà “bây giờ” đang thực sự phải nghèo khổ, phải đói, phải khóc, bị nguyền rủa hay bị ngược đãi: Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói.
-Nếu mối phúc không phải có ý khuyến khích đương sự chịu đựng, luồn cúi, vì hy vọng ở thế giới bên kia. Những mối phúc ấy tỏ cho biết rằng triều đại cứu thế đang được khai mở trong con người Đức Giêsu.
+/ Thiên Chúa muốn chúng ta được hạnh phúc. Một từ khác chỉ về sự hạnh phúc trong Thánh Kinh là ”chúc phúc”. Chúng ta được hạnh phúc khi chúng ta được Thiên Chúa chúc phúc. Thánh Vịnh tuyên bố rằng để được chúc phúc là: được giống như cây trồng bên suối nước trong, được sinh hoa quả bốn mùa, và lá của nó không bao giờ tàn úa, hình ảnh này đề nghị một sức mạnh to lớn và sự sống mãnh liệt. Chúng ta sẽ được hạnh phúc với sức mạnh và sự sống của Thiên Chúa, nếu chúng ta theo đường lối mà Chúa đã chỉ định cho chúng ta.
-Đức Kitô đã đặt con người đối diện với một chọn lựa căn bản: sống theo những giá trị của thế gian (theo đuổi tiền bạc, lạc thú, sự nổi danh, quyền lực, địa vị) hoặc sống theo những giá trị của Nước Trời (sự nghèo khó tâm linh, sự trong sạch của tâm hồn, khả năng bày tỏ lòng thương xót, chịu đựng đau khổ vì công lý.
- Theo chân Đức Giêsu, Các mối phúc-mối hoạ là mạc khải có tính tiên tri thúc giục ta hoán cải những quan niệm phàm trần của ta về hạnh phúc, nghèo đói và than khóc, theo ánh sáng của mầu nhiệm được tỏ ra ở trong mầu nhiệm Đức Giêsu, nơi Người, mầu nhiệm về con người được soi sáng.
– Ở đây, người ta khám phá ra mầu nhiệm về Thiên Chúa đầy lòng xót thương những kẻ nghèo khổ. Thực vậy, những người này, được tuyên bố là “người hạnh phúc”, bởi vì Thiên Chúa quan tâm tới họ. Vì người quan tâm tới họ, không phải vì họ có công trạng gì, nhưng vì chính hoàn cảnh của họ: nghèo khổ, phải đói, phải khóc, bị ngược đãi. Đây chính là mầu nhiệm khơi nguồn cho hiến chương Nước Trời.
– Chúng ta cũng được đưa vào chính trung tâm mầu niệm Đức Giêsu, mà ngay từ bài giảng khai mạc ở hội đường Nadarét, Người đã hé mở cho thấy trước số phận Con người sẽ phải chịu: số phận một người bị hiểu lầm, bị chối bỏ.
-Vì vậy, chân lý của Thiên Chúa về các mối phúc, không tỏ ra tách biệt với số phận của con người. Hơn nữa chân lý ấy còn có một nền tảng vững chắc là tin vào lòng trung tín của Thiên Chúa, như vẫn được biểu lộ ra trong con người Đức Giêsu. Những kẻ nghèo khổ, đói khát, khóc than là những người có phúc, bởi lẽ, trong Đức Giêsu, Thiên Chúa đã hành động quyết liệt để bênh vực họ, khi con Người sống lại từ trong kẻ chết.
- Vào năm 1918, tại Mỹ đã xảy ra một trận dịch cúm tàn sát bao nhiêu sinh mạng. Các bác sĩ và y tá tối tăm mặt mũi vì công việc, tình cảnh trong các dưỡng đường, bệnh viện thật là thảm hại. Trong lúc dầu sôi lửa bỏng ấy, các thành viên của một hội thượng lưu ở New York quyết đem sức lực ra giúp đồng bào. Họ giàu có và đã lớn tuổi, có thể chỉ ký một ngân phiếu để giúp bệnh nhân là xong. Nhưng không, họ không những đã bỏ tiền ra mà còn tình nguyện khoác áo blouse trắng tới bệnh viện cọ sàn, săn sóc tắm rửa cho các bệnh nhân, vỗ về những gia đình đau khổ mà không ngại mệt nhọc, cũng không sợ lây bệnh cho chính bản thân.
-Giàu có mà hành xử như các thành viên của hội thượng lưu ở New York trong câu chuyện trên còn được Chúa chúc phúc. Họ được hưởng hạnh phúc đời này lẫn đời sau. Bí quyết của họ rất đơn giản, đó chính là biết chia sẻ và trao ban.
-Sau cùng, Tin Mừng hôm nay trình bày bốn lời chúc phúc cho những kẻ nghèo đói, khóc than, bị oán ghét, khai trừ, sỉ vả, kèm theo bốn lời nguyền rủa những người giàu có, no nê, vui cười, được mọi người ca tụng. Đó là những phản đề đối chiếu giữa người nghèo và kẻ giàu, giữa người đói khát và kẻ no đầy. Đó là hai giai cấp trong xã hội luôn đối chọi nhau mà Tin Mừng muốn mô tả để người tín hữu Kitô chọn lựa. Amen.
Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga