Lời Chúa (Ga 20, 19-23) Và Suy Niệm Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Nguyễn Ngọc Nga
Lời Chúa (Ga 20, 19-23) Và Suy Niệm Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan (Ga 20, 19-23): “...Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con!" Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con! Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại…" Đó là Lời Chúa
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Thánh Sy-ri-lô, giám mục A-lê-xan-ri-a giảng rằng:…Thời gian thuận tiện nhất để Thần Khí được sai đến và ngự xuống trên chúng ta là lúc Đức Ki-tô, Đấng cứu độ chúng ta ra đi…khi đến thời Người cần phải về với Cha trên trời, làm sao Người lại không phải nhờ Thần Khí, ở với những kẻ tôn thờ Người và nhờ đức tin, ngự trong lòng chúng ta, để khi có chính Người trong chúng ta, chúng ta tin tưởng kêu lên : Áp-ba, Cha ơi ! Có vậy, chúng ta mới dễ dàng theo đuổi mọi nhân đức, lại còn mạnh mẽ và bất khuất trước mưu thâm chước độc của ma quỷ và những lời lăng nhục của người đời, vì chúng ta có Thần Khí vạn năng...
+/ Đức thượng phụ Ignatius of Laodicea đã nói rằng: không có Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa thật xa lạ, Đức Giêsu chỉ đơn giản là nhân vật độc đáo của lịch sử, Tin mừng chỉ là một cuốn sách cổ, Giáo hội cũng chỉ là một tổ chức như bao tổ chức khác, quyền lực là để thống trị, truyền giáo chỉ là tuyên truyền, phụng vụ chỉ là một hoài cổ, công việc của người kitô hữu chỉ là nô lệ; nhưng với Chúa Thánh Thần, Đức Kitô đã phục sinh và đang hiện diện, Tin mừng là nguồn mạch của sự sống, Giáo hội là sự hiệp nhất trong đời sống của Chúa Ba Ngôi, quyền lực là để phục vụ và giúp con người đạt được sự tự do toàn vẹn nơi Thiên Chúa, sứ mạng truyền giáo được khơi nguồn sức sống nơi chính Chúa Thánh Thần, phụng vụ là tưởng nhớ và nếm thử đời sống sung mãn của ân sủng nơi Thiên Chúa, công việc của người kitô hữu thì được thánh hóa…
+/ Các lời nói trên đem chúng ta đến Lời Chúa lễ Chúa Thánh Thần chúa nhật hôm nay. Các bài Lời Chúa lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống:
- Ga 20, 19-23 là Tin Mừng Gio-an tường thuật việc Đức Giê-su trao ban Thánh Thần cho các môn đệ ngay khi Ngài sống lại. Vào buổi chiều Phục Sinh, Đức Giê-su hiện ra ở giữa các môn đệ của Ngài, thổi hơi trên họ và nói: “Anh em hãy lãnh nhận Thánh Thần”. Chắc chắn những ân ban Thánh Thần chỉ bày tỏ
2/4 - LỜI CHÚA (Ga 20, 19-23) VÀ SUY NIỆM LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM 2024
sau này; tuy nhiên, thánh Gioan nhấn mạnh rằng biến cố Vượt Qua là biến cố từ đó Giáo Hội được khai sinh. Thánh Thần ở với Giáo Hội ngay từ ngày đầu tiên của biến cố Phục Sinh.
- Cv 2, 1-11, Trong sách Công Vụ Tông Đồ, thánh Lu-ca tường thuật Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các Tông Đồ, Đức Trinh Nữ, vài người phụ nữ và vài anh em của Đức Giêsu, khi họ cùng nhau tề tựu trong phòng Tiệc Ly. Biến cố này rất gần với biến cố Xi-nai mà lễ Ngũ Tuần Do-thái tưởng niệm vào đúng ngày này.
- 1 Cr 12, 3b-7, 12-13, Trong thư gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô nhắc nhở rằng những đặc sủng khác nhau làm chứng sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần. Những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, những người ấy đón nhận những ân ban Thánh Thần, vì chỉ có một Thánh Thần để hình thành nên một thân thể.
+/ Chúa Thánh Thần có vai trò rất quan trọng trong thế giới này và trong mỗi con người chúng ta. Để hiểu được vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần trong thế giới này, chúng ta có thể thấy ba biểu tượng nổi bật nói về Chúa Thánh Thần, đó là: Lửa, Nước và Khí.
- Trước tiên là Lửa. Lửa mang lại cho chúng ta hơi ấm. Vào mùa đông người ta cần có lửa để sưởi ấm. Nếu mùa đông giá buốt mà không có lửa, thì chúng ta sẽ bị chết lạnh. Lửa rất cần thiết trong đời sống con người. Lửa dùng để nuôi sống con người. Mặc khác, Lửa không chỉ mang lại sự sống và giá trị vật chất mà còn mang ý nghĩa giá trị tinh thần cho con người. Đó là ngọn lửa của Chúa Thánh Thần cho các tông đồ thuật lại trong tin Mừng hôm nay.
- Sách Công vụ Tông Đồ thuật lại rằng: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào căn nhà nơi mọi người đang tụ họp. Họ thấy xuất hiện những hình lưỡi lửa tản ra đậu trên từng người. Ai nấy lòng tràn ngập ơn Chúa Thánh Thần, họ bắt đầu nói nhiều thứ tiếng lạ khác nhau và trên đầu các ông có hình lưỡi lửa.” Đó chính là Chúa Thánh Thần, Ngài đã ban cho các tông đồ ngọn lửa đức tin, ngọn lửa của niềm vui, và ngọn lửa bình an và hoan lạc để các ngài can đảm ra đi rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng khắp nơi trên thế giới.
- Kế đến là Nước. Nước mang lại sự sống cho các sinh vật trên trái đất này. Nếu không có nước, con người và sinh vật không thể sống được trên trái đất này. Chúng ta có thể nhịn đói, nhưng không thể nhịn khát được. Cũng vậy trong đời sống thiêng liêng, chúng ta múc lấy nguồn nước ân thiêng từ nơi Chúa Thánh Thần khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức.
- Sau cùng là Khí. Mỗi ngày chúng ta sống được là nhờ hít thở không khí, mà Thánh Thần là Thần Khí ban sự sống cho chúng ta. Trong Kinh Thánh đã diễn tả. Khi Thiên Chúa tạo dựng con người, thì Ngài lấy đất nắn thành hình người, rồi Ngài hà hơi vào lỗ mũi và ban cho con người sự sống. Chúng ta sống được là nhờ hít thở không khí. Chúa Thánh Thần là thần khí dưỡng nuôi chúng ta. Do đó, chúng ta mới nói rằng sự sống hay chết là do Chúa. Một biểu tượng khác, chúng ta có thể cảm nhận được hoạt đông của Chúa Thánh Thần trong cuộc sống, đó là gió. Con mắt thường chúng ta không nhìn thấy gió, nhưng chúng ta có thể cảm nhận được gió qua sự rung chuyển của cây, hoặc qua cảm giác mát lạnh của gió.
- Tóm lại, ba biểu tượng: Lửa, Nước và Khí, chúng ta có thể hiểu được vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần là rất quan trọng trong thế giới này và trong mỗi con người chúng ta.
- Lời thánh Phaolô dạy: hoa quả của Chúa Thần Khí là bác ái, hoan lạc,bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. Đó là cách ta sống theo Thần Khí. Còn tính xác thịt gây ra, đó là: dâm ô, phóng đãng, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, chè chén và những thứ khác giống như vậy.
+/ Hiệp nhất trong đa dạng. Giáo Hội ngày nay là một Giáo Hội đa dạng: đủ thứ linh đạo, đủ loại dòng tu, đủ cách làm tông đồ, quá nhiều hội nhóm, quá nhiều khuynh hướng, quá nhiều ý kiến. Sự đa dạng này thể hiện một sức sống phong phú. Nhưng miễn là đa dạng đừng dẫn tới chia rẽ và chống đối phá hại nhau. Miễn sao đa dạng mà vẫn hiệp nhất. Muốn được như vậy, chúng ta phải lưu ý tới những giáo huấn rất sâu sắc của Thánh Phaolô trong bài đọc 2 hôm nay:
- Mỗi người, mỗi nhóm hãy ý thức rằng “đặc sủng” của mình là ơn ban của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là tài sản hay tài năng riêng của mình./- Ðừng khó chịu, trái lại hãy vui mừng khi thấy những người khác, nhóm khác cũng được ban cho những đặc sủng khác. Ðó là dấu Chúa Thánh Thần yêu thương Giáo Hội.
- Tận dụng “đặc sủng” Chúa Thánh Thần ban để góp phần mình vào việc xây dựng Giáo Hội, đồng thời ý thức rằng đó chỉ là một phần nhỏ mình góp cho Giáo Hội nên vẫn tôn trọng phần góp của người khác và hy vọng Giáo Hội được nhiều người khác góp phần xây dựng hơn nữa.Amen.