Lời Chúa (Mc 16, 15-20) Và Suy Niệm Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên Năm B
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Nguyễn Ngọc Nga
LỜI CHÚA (Mc 16, 15-20) VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT CHÚA THĂNG THIÊN NĂM B
Lời Chúa, Bài kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mac-cô (Mc 16, 15-20): “…Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”. Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời giảng dạy bằng những phép lạ kèm theo…” Ðó là Lời Chúa
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Trong tập sách “Hành trình vá Truyền giáo”, cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) kể câu chuyện “thiên đàng” sau đây: “Ở trong tỉnh Phú Yên có một người giáo dân rất tốt, nổi tiếng, tên là Em-ma-nu-el. Ông chăm sóc thân xác và linh hồn giáo dân cũng như lương dân và ông thường khuyên họ tin theo đạo thật. Khi tôi đến ít lâu thì ông mắc bệnh hiểm nghèo làm cho giáo dân lo lắng sợ mất một bó đuốc soi sáng cho cả giáo đoàn. Ngày đêm họ ở cạnh ông. Một ngày kia giáo dân vây quanh giường ông, vì ông quá kiệt sức, làm cho người ta tưởng ông tắt thở. Sau mấy giờ ông hồi tỉnh và mọi người rất bỡ ngỡ khi biết qua miệng ông nói đó là một cơn ngất trí. Ông nói Chúa đã cho ông thấy thiên đàng, nơi có nhiều sự tuyệt vời ông không thể nào tả hết được, ở đó có mấy giáo dân ông quen biết khi ông còn sống đã làm gương sáng nhân đức, nhưng ông không kể tên riêng ai cả…Ông chẳng còn thiết ăn uống ngủ nghỉ và có chăng nữa thì chỉ bất đắc dĩ, ông nóng lòng sốt ruột trẩy về thiên quốc. Như vậy, người ông héo hon dần và tắt thở sau mấy tháng trong một niềm hân hoan lạ lùng, đến nỗi lúc ông sắp chết, người ta thấy nơi khuôn mặt ông và toàn thân ông có những cử động và rung chuyển sung sướng chưa bao giờ thấy nơi ông.
- Thật ra những người biết cõi trời quí giá đến thế nào thì không còn thèm tất cả những gì là đẹp đẽ nhất ở dưới đất.
+ / BÀI đọc 2 (Ep 4, 1-13) là đoạn trích mở đầu của phần thứ hai, trong đó thánh Phao-lô nhấn mạnh cuộc Siêu Thăng của Đức Ki-tô.
- Sách Tin Mừng Lu-ca kết thúc với cuộc Thăng Thiên của Đức Ki tô rằng:…Người rời khỏi các ông và được đưa lên trời…, trong khi sách Công Vụ mở ra với hai lần gợi lên cùng một biến cố rằng:…cho tới ngày Người được rước lên trời…và Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa…
- Như vậy, qua kiểu trình bày văn chương này: “ở phần cuối” sách Tin Mừng Lu-ca và “ở phần đầu” sách Công Vụ, cuộc Thăng Thiên của Chúa được trình bày vừa là đích điểm sự hiện diện hữu hình của Thiên Chúa và vừa khởi điểm sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa ở giữa loài người; đồng thời, vừa hoàn tất sứ mạng trần thế của Đức Giê-su và vừa khởi đầu sứ mạng của các Tông Đồ.
+/ Theo cách trình bày của thánh Lu-ca như trên, chúng ta có thể phân biệt hai cuộc Thăng Thiên: - Cuộc Thăng Thiên thứ nhất không ai có thể chứng kiến, đó là việc Đức Giê-su “được đem lên trời” ngay sau khi Ngài sống lại. Đây là một cuộc đoàn tụ Ba Ngôi, biến cố thần linh tuyệt mức. Đó cũng là cuộc tôn vinh của Đức Giê-su bên cạnh Chúa Cha, cuộc tôn vinh mà Ngài đã nguyện xin trong lời cầu nguyện của Ngài, trước khi bước vào cuộc Khổ Nạn. - Cuộc Thăng Thiên thứ hai là việc Đức Giê-su lên trời hữu hình trước mắt các Tông Đồ. Biến cố này chủ yếu liên quan đến chúng ta: chính nhân tính, cùng với Đức Ki-tô, sẽ chiếm chỗ trong vinh quang Thiên Chúa. Cuộc Thăng Thiên này loan báo cuộc thăng thiên của chúng ta.
+/ Lý do của cuộc Thăng Thiên hữu hình. Vào cuộc gặp gỡ sau cùng với các môn đệ, Đức Giê-su Phục Sinh chỉ cần loan báo cho các ông rằng Ngài sẽ không tỏ mình ra nữa, đoạn nói lời từ biệt với các ông, cuối cùng biến mất như Ngài đã nhiều lần làm như vậy trong suốt bốn mươi ngày sau biến cố Phục Sinh.
+/ Tại sao Đức Giê-su đã chọn cuộc ra đi khỏi thế giới này một cách ngoạn mục như thế, dù thoáng qua và kín đáo? Chúng ta gặp thấy câu trả lời qua cách thức mà Đức Giê-su, trong suốt cuộc đời công khai của Ngài, đã trình bày cuộc sống tiền hữu và cuộc Nhập Thể của Ngài.
- Trước hết, Ngài lên trời theo cách thức như vậy nhằm chỉ rõ Ngài dưới danh xưng “Con Người”, nhân vật này, theo thị kiến của ngôn sứ Đa-ni-en nói là: ngự giá mây trời mà đến. Trong cuộc nói chuyện với ông Ni-cô-đê-mô Đức Giê-su xác định: Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.
+/ TIN MỪNG (Mc 16: 15-20). Đây là đoạn kết Tin Mừng Mác-cô. Biến cố Thăng Thiên tưởng niệm hai biến cố lên trời của Đức Giê-su: Cuộc Siêu Thăng của Ngài ngay khi Ngài sống lại và cuộc Thăng Thiên hữu hình của Ngài trước mắt các Tông Đồ.
- Như Tin Mừng Lu-ca, Tin Mừng Mác-cô định vị hai biến cố vào cùng một ngày: cả hai thánh ký đều đặt biến cố Thăng Thiên vào buổi chiều Phục Sinh. Đây là cách thức thâu tóm hai biến cố trong cùng một quan điểm thần học.
- Tuy nhiên, sách Công Vụ lại đặt biến cố Thăng Thiên vào “bốn mươi ngày sau”, sau nhiều lần Đấng Phục Sinh đã hiện ra, dạy dỗ các môn đệ của Ngài.
+/ Lệnh lên đường loan báo Tin Mừng. Biến cố Thăng Thiên đánh dấu việc kết thúc sứ vụ trần thế của Đức Giê-su và việc khởi đầu sứ mạng của các Tông Đồ.
- Tin và không tin. Thế chọn lựa đôi ngã: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” . Tất cả lời rao giảng tông đồ quả quyết rằng Đức Giê-su là Đấng Cứu Độ duy nhất, không ai có thể đạt được sự sống siêu nhiên mà không qua Ngài. Chỉ Giáo Hội được trao quyền truyền đạt sự sống siêu nhiên này nhờ các Bí Tích, trước hết bí tích Thánh Tẩy. Lập trường không khoan nhượng này được giải thích do việc các Tông Đồ ngỏ lời với người Do thái, những người này từ chối tin vào Đức Ki-tô và chỉ thấy ơn cứu độ nhờ Lề Luật.
- Dấu lạ. Đức Giê-su kể ra một loạt dấu lạ mà “những ai có lòng tin vào danh Ngài” có thể thực hiện. Ở đây, Chúa Giê-su không chỉ ngỏ lời với các Tông Đồ, nhưng còn với những ai tiếp nối sau các Tông Đồ: Họ sẽ trừ được quỷ, họ sẽ nói được những tiếng mới lạ.
Từ “dấu lạ” có một tầm mức rộng lớn hơn và sâu xa hơn từ “phép lạ”. Phép lạ hàm chứa một sự ngạc nhiên, một sự thán phục, trong khi dấu lạ hàm chứa một giáo huấn, một mặc khải chứ không luôn luôn là một điều kỳ diệu. Như nước và máu chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Giê-su là một dấu lạ về sự sinh hạ của Giáo Hội; cuộc Tử Nạn của Đức Giê-su tự nó là dấu lạ về tình yêu tận mức của Thiên Chúa đối với nhân loại; muôn vàn ân huệ của Chúa Thành Thần, dù kín đáo, cũng là những dấu lạ không kém.
+/ Mệnh lệnh hay chúc thư của Chúa Giê-su trước khi Ngài lên trời là đã để lại một “chúc thư” hay sứ vụ quan trọng cho các Tông Đồ nói riêng và mỗi chúng ta nói chung: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa.
Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.” .
- Sứ vụ này Ngài cũng muốn truyền lại sứ vụ đặc biệt này cho tất cả mọi người nhằm mở mang Tin Mừng của Đức Giê-su đến tất cả mọi hang cùng ngõ hẻm để hết thảy toàn thể vũ trụ này được hưởng ơn cứu độ.
- Nói rõ hơn như Đức Thánh Cha Phan-xi-cô, trong Tông Huấn Niềm Vui Tin Mừng là những ai đã chịu bí tích Thánh Tẩy đều có trách nhiệm Loan Báo Tin Mừng hay truyền giáo. Chính Công Đồng Vaticanô II khẳng định trong sắc lệnh truyền giáo (AG, 2) rằng: “Hành trình lữ thứ của Giáo Hội tự bản chất là một cuộc truyền giáo”.
- Như vậy, là Ki-tô hữu, chúng ta cố gắng dấn thân đi đến với tha nhân, đó là sứ mạng.
+/ Đức Giê-su lên Trời nhưng Ngài vẫn ở với nhân loại cho đến tận thế, nghĩa là: - Trước tiên, Đức Giê-su gửi Thánh Thần đến cho các Tông đồ. Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.
- Điều đặc biệt là Đức Giê-su muốn ban Thịt Máu của Ngài cho các môn đệ nói riêng và mỗi chúng ta nói chung. Chính câu nói Thầy sẽ ở cùng anh em mỗi ngày cho đến tận thế là ý muốn nói rằng từ nay Ngài không thể hiện diện bằng xương bằng thịt nữa, nhưng sẽ hiện diện bằng cách thức khác, đó là Ngài trở nên Bí Tích Thánh Thể để nuôi sống mỗi người.
- Từ nay, chúng ta không còn cô đơn hay mồ côi nữa, vì có Chúa Thánh Thần luôn ở cùng ta, đặc biệt, có Đức Giê-su là Bí Tích Thánh Thể ở bên cạnh ta, nơi nhà chầu, và nhất là ở trong cung lòng của mỗi chúng ta khi chúng ta rước Ngài.
- Sau cùng, mầu nhiệm Đức Giê-su lên Trời không chỉ là niềm hy vọng chắc chắn về đời sống vĩnh cửu cho những ai có niềm tin vững chắc, mà còn nhắc nhở chúng ta về bổn phận và trách nhiệm tiếp nối sứ vụ loan báo Tin mừng của những ai đã lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy. Đặc biệt, mầu nhiệm Chúa lên Trời không làm cho chúng ta mất Chúa, xa lìa đời đời, nhưng hy vọng tràn trề sẽ được về Thiên Đàng mai sau. Amen