Nhảy đến nội dung

Niềm vui trong tâm hồn. Niềm vui trong Chúa.

CN III MV  

Niềm vui trong tâm hồn. Niềm vui trong Chúa.

  Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Vui lên anh em ! (Pl 4,4)

   Chúa nhật thứ ba Mùa Vọng được gọi là Chúa Nhật Vui. Màu áo phụng vụ hôm nay là màu Hồng. Vì màu Hồng là màu của niềm vui mà. Tại sao trong Mùa Vọng, mùa trông đợi Chúa, với sắc màu Tím mà lại có màu hồng của niềm vui? Vì Chúa đã gần đến. Vì Chúa đã đến gần.

   Có 4 tuần Mùa Vọng, tuần thứ III Mùa vọng, được coi là đã đi được ¾ đoạn đường, trong việc chờ Chúa đến trong biến cố Giáng Sinh. Vì thế Giáo Hội mời gọi người tín hữu “Hãy Vui lên” theo lời Thánh Phao-lô kêu gọi trong bài đọc 2.

“Chúa đã gần đến” và “Chúa đã đến gần”, thì cái nào “gần” hơn ? Theo tiếng Việt, thì “đến-gần” sẽ “gần” hơn “gần-đến”. “Đến-gần” có nghĩa là đến rồi, gần rồi, đến sát rồi. Còn “Gần-đến” coi như sắp đến rồi, sắp sửa đến rồi đó. Như vậy, nói “Chúa đến gần” sẽ đúng hơn. “Đến gần” thì mới vui. Khi trông đợi cái gì, mà nó đến gần thì chúng ta sẽ vui mừng, háo hức lắm. Khi chúng ta trông đợi Ngày Giáng Sinh đến, mà Ngày đó “đến gần” rồi thì chúng ta cũng sẽ vui mừng và hào hức. Còn “gần đến” thì chưa kích thích chúng ta vui mừng được đâu.

    Khi có niềm vui, chúng ta sẽ sống hiền hòa, rộng rãi; khi buồn thì hơi khó để sống hiền hòa và rộng rãi. Đó là tâm lý của con người chúng ta. Quả thật, khi vui chúng ta dễ sống hiền hòa và rộng rãi lắm; nói cái gì cũng được; xin cái gì cũng cho hết; rất hiền hòa, rất nhã nhặn và cực kỳ rộng rãi nữa. Còn khi buồn, chúng ta dễ cau có, dễ bực mình; đang “buồn thúi ruột” mà, sẽ dễ nổi khùng, dễ nổi sung lắm.

    “Chúa đã đến gần” là niềm vui của người tín hữu chúng ta. Chúa đã đến gần rồi, nên xí xóa mọi sự; tha thứ tất cả; cho đi tất cả; ban tặng tất cả; thậm chí còn không lo lắng gì cả nữa. Có lo là lo Chúa chưa đến, chứ Chúa đến gần rồi thì còn lo lắng gì nữa. Nói cách khác, Chúa đã đến rồi, Chúa đã đến hơn 2000 năm rồi, chúng ta con lo lắng gì nữa.

    Thánh Phao-lô nói “Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện”(x. Pl 4, 5-6).

    Về việc cứu độ, thì chúng ta, những người tín hữu công giáo, không phải lo lắng gì, cứ nghe, suy gẫm và tuân giữ Lời Chúa Giê-su giảng dạy thì chúng ta không phải lo mất linh hồn; không phải sợ phải vào hỏa ngục; chúng ta an tâm, chúng ta yên trí. Vì Chúa đã nói : “Không phải những ai thưa lạy Chúa, lạy Chúa là được vào Nước Trời, chỉ những người nào thi hành thánh ý của Cha trên trời mới được vào mà thôi”(x. Mt 7,21). Tuân giữ lời Đức Giê-su dạy là thi hành thánh ý của Thiên Chúa.

    Vậy, khi tuân giữ Lời Chúa dạy, chúng ta có niềm vui, niềm vui trong Chúa, niềm vui cứu độ. Niềm vui vì được cứu độ. Niềm vui vì được lên thiên đàng. nếu khi chúng ta đến lúc “gần trời, xa đất”, sắp sửa nhắm mắt xuôi tay, coi như “đến gần” cửa thiên đàng rồi thì chúng ta sẽ vui mừng và mỉm cười mà nhắm mắt. Còn như “Gần đến” cửa thiên đàng, có nghĩa là chúng ta vẫn còn đang sống trên trần gian này, thì chúng ta vẫn còn lo lắng. Trong trường hợp này chúng ta phải làm sao?

   Trong cuộc sống nơi trần gian, chắc chắc sẽ có lúc chúng ta vui, chúng ta buồn; có lúc chúng ta thành công, có lúc thất bại; có lúc chúng ta vất vả, có lúc chúng ta sung sướng; có lúc chúng ta cực nhọc, có lúc chúng ta hạnh phúc; có lúc chúng khỏe mạnh, có lúc chúng ta đau yếu. Trong những hoàn cảnh đó chúng ta sẽ làm gì? Chúng ta sẽ cầu khẩn; chúng ta sẽ van nài; chúng ta sẽ tạ ơn; chúng ta sẽ giãi bày trước Thiên Chúa.

   Khi chúng ta vui; chúng ta thành công; chúng ta sung sướng; chúng ta hạnh phúc; chúng ta khỏe mạnh, chúng ta hãy tạ ơn Chúa. chúng ta sẽ có niềm vui, niềm vui trong Chúa. khi chúng ta buồn; chúng ta thất bại; chúng ta cực nhọc; chúng ta vất vả; chúng ta đau yếu, chúng ta hãy cầu khẩn, chúng ta van nài, chúng ta giãi bày lên Thiên Chúa tất cả. Chúng ta cũng sẽ có được niềm vui, niềm vui của Chúa; niềm vui vì được Chúa an ủi, đỡ nâng và trợ lực.

   Rồi chúng ta còn làm gì nữa? “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”(x. Lc 3,11). Làm như thế chúng ta sẽ có niềm vui khi chia sẻ “cơm áo, gạo tiền” cho người khác.

  “Đừng đòi hỏi những gì quá mức đã ấn định”(x. Lc 3,12). Khi thi hành công vụ, chúng ta đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định. Nghĩa là những gì đã được ấn định, chúng ta cứ thế mà thi hành y chang như vậy, không đòi hỏi gì thêm; không thêm, cũng không bớt trong việc đạo cũng như việc đời. Vì đòi hỏi như thế sẽ làm cho người ta bực mình và không công bằng nữa. Không đòi hỏi gì thêm; cũng không thêm, không bớt làm cho người ta vui, người ta mừng.

   “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng chiếm đoạt của người; hãy bằng lòng với đồng lương của mình”(x. Lc 3, 14).

     Thấy người ta yếu kém, yếu thế, không nên hiếp đáp người ta; không nên bắt nạt người ta; không nên “lấy thịt đè người”. Trái lại, hãy giúp đỡ, nâng đỡ. Đó là người quân tử, đại trượng phu.

     Của cải hay công sức của người ta, chúng ta đừng tìm cách chiếm đoạt. Người ta bỏ công, bỏ sức ra làm thì người có quyền được hưởng, chúng ta không nên “ăn hớt”, xấu lắm. Của người ta cho người nghèo; tiền từ thiện, chúng ta không nên “ăn chặn”, ác lắm. Của ai chúng ta hãy trả lại cho người đó; của ta thì ta cứ việc dùng. Như thế là công minh, liêm chính. Ai cũng thích, cũng vui hết.

   Công sức mình bỏ ra bao nhiêu thì mình hưởng bấy nhiêu. Đồng lương chính là công sức của mình. Mình làm ít mình hưởng ít; mình làm nhiều mình hưởng nhiều. Do đó, mình hãy bằng lòng với đồng lương của mình. Đừng có đi tìm nơi làm ít mà hưởng nhiều; làm ít mà lương cao, vì không bao giờ có việc đó. Có chăng là việc phi pháp và việc xấu xa thôi. Và coi chừng bị lừa.

    Đã có những người bị lừa rồi. Chẳng hạn, chỉ việc ngồi nhà, lên vi tính gõ gõ mấy cái là được mấy triệu; hay chỉ cần nhận dùm hộp quà gởi tiền, sẽ được hưởng 40% số tiền. Nhưng trước hết hãy gởi tiền đóng cước phí cái đã. Thế là “tiền mất tật mang”. Ở đời làm gì có chuyện dễ ăn như thế cơ chứ? Người ta phải vất vả, cực nhọc suốt ngày chỉ được vài trăm ngàn. Huống hồ là vài trăm triệu. Vậy mà có những người, cũng vì lòng tham mà bị lừa !!! Cũng đáng chứ phải không bạn.

    Vậy theo Lời Chúa hôm may, chúng ta hãy vui lên trong Chúa. Chúng ta vui, mọi người cũng vui và Chúa cũng vui nữa. “Vì chúng ta, Chúa sẽ vui mừng hoan hỷ; Chúa sẽ lấy tình thương của Người mà đổi mới chúng ta. Vì chúng ta, Chúa sẽ nhảy múa tưng bừng như trong ngày lễ hội” vậy (x. Xp 3,17).

   Nơi nào có Chúa, nơi đó có niềm vui. Nơi nào có yêu thương, ở đó có niềm vui. Nơi nào có hiền hòa, rộng rãi, nơi đó có niềm vui. Nơi nào có cầu khẩn, có van xin, có tạ ơn, nơi đó có niềm vui. Và người nào có Chúa, người đó có niềm vui; người nào yêu thương, người đó có niềm vui. Người nào sống hiền hòa, rộng rãi, người đó có niềm vui. Người nào cầu khẩn, van xin, tạ ơn, người đó có niềm vui. Niềm vui trong tâm hồn. Niềm vui trong Chúa.

 Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: