Nhảy đến nội dung

Thuộc trọn về Chúa

Chúa Nhật II Thường Niên  - Năm C (Jan. 20th 2013)


Thuộc trọn về Chúa   


    Trong các tương quan giữa con người với nhau, tương quan vợ chồng hay tình nghĩa phu thê là tương quan chi phối người ta một cách trọn vẹn và sâu xa hơn cả. Đó cũng là tương quan đầu tiên giữa con người với nhau-tình vợ chồng nên một giữa Ađam và Evà. Chính vì vậy các ngôn sứ trong Cựu Ước thường dùng tương quan vợ chồng làm hình ảnh để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và Dân Người. Điều này được ghi nhận trong bài đọc một trích sách ngôn sứ I-sai-a trong Phụng Vụ hôm nay: “Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về. Như cô dâu là niềm vui của chú rể, ngươi cũng là niềm vui cho Thiên Chúa ngươi thờ” (62:5). Điều này trở thành một thực tại của đức tin khi Ngôi Hai nhập thể làm người. Chính Chúa Giêsu là hôn ước giữa Thiên Chúa và nhân loại vì nơi Người bản tính Thiên Chúa đã kết hợp với bản tính nhân loại. Vì vậy, trong Tân Ước tương quan vợ chồng được dùng để diễn tả liên hệ yêu thương giữa Chúa Kitô và Hội Thánh nói chung và với linh hồn mỗi tín hữu nói riêng. Bí Tích Rửa Tội chính là hôn ước tình yêu giữa Chúa Kitô và linh hồn mỗi tín hữu. Hai tiếng “tôi tin” trong tiếng Latin (credo) được hiểu là “con xin dâng lòng con cho Chúa” để được thuộc trọn về Chúa.


    Việc Chúa Giêsu và các môn đệ của Người hiện diện trong tiệc cưới Cana trong Tin Mừng hôm nay cùng với việc Chúa Giêsu làm phép lạ đầu tiên hóa nước thành rượu theo lời cầu của Đức Mẹ được coi như một cuộc hiển linh, như Tin Mừng ghi nhận Chúa Giêsu “đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người đã tin vào Người” (Ga 2:11). Sự hiện diện của Đức Mẹ được nói đến ngay ở đầu trình thuật của Tin Mừng hôm nay và sau này Đức Mẹ lại hiện diện bên cạnh thập giá Chúa Kitô có một ý nghĩa thật sâu xa và phong phú. Điều đó cho thấy Đức Mẹ luôn gắn bó với Chúa Giêsu, với Hội Thánh và với từng tín hữu. Hơn nữa, việc Tin Mừng Gioan luôn dùng từ ngữ “Mẹ Đức Giêsu” hay “Thân Mẫu của Chúa Giêsu” để nói về Đức Mẹ mà không hề nhắc đến tên Maria của Mẹ có một giá trị thần học sâu xa. Điều đó cho thấy toàn thể con người và cuộc sống của Mẹ thuộc trọn về Chúa Kitô, quy hướng về Chúa Kitô, Mẹ chỉ  sống nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô, trong Chúa Kitô và cho Chúa Kitô. Vì vậy, Mẹ Maria luôn là mẫu gương tuyệt hảo của mọi Kitô hữu.


    Tất cả cố gắng sống đạo của chúng ta phải là một quá trình trở nên những Kitô hữu đích thực theo mẫu gương trọn hảo của Đức Maria, Mẹ Chúa Giêsu trong bốn điểm sau:


    Trước nhất, chúng ta phải sống nhờ Chúa Kitô, nghĩa là nhờ sức mạnh của Thánh Thần Chúa, nhờ ơn thánh Chúa; nghĩa là chúng ta phải tuyệt đối lệ thuộc Chúa và ơn thánh của Người. Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Không có Thầy các con không làm được gì” (Ga 15:5). Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi tín hữu Corintô trong bài đọc hai của Phụng Vụ hôm nay nói đến vài trò tuyệt đối cần thiết của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin (1Cr. 12:4-11). Vì vậy, việc sống theo Thần Khí, cũng là sống theo Chân-Thiện-Mỹ, hay thái độ ngoan ngoãn và mau mắn sống theo ơn Chúa soi sáng phải là mối quan tâm hàng đầu của mọi Kitô hữu.


    Kế đến, chúng ta phải luôn sống với Chúa Kitô hay sống như Chúa Kitô đã sống; nghĩa là, chúng ta phải biết đặt Chúa Kitô làm mẫu gương cho mọi suy nghĩ, chọn lựa, nói năng và hành động của mình. Trước mỗi hành động, chúng ta phải tự hỏi: “Nếu Chúa Kitô ở trong hoàn cảnh của tôi Người sẽ xử sự thế nào?” Đây chính là điều mà Chúa đã truyền dạy các môn đệ: “Các con hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga15:12 ). Đó cũng là điều Thánh Phaolô ân cần khuyên nhủ các tín hữu: “Anh em hãy có nơi anh em tâm tư như đã có nơi Đức Kitô” (Pl 2:5). Điều này được thực hiện qua việc chúng ta chuyên chăm đọc, nghe, ghi nhớ, suy niệm và thực hành Lời Chúa.


    Hơn thế, chúng ta phải luôn sống trong Chúa Kitô, nghĩa là luôn kết hợp mật thiết với Người nhờ ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần, bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ và chuyên chăm sốt sắng lãnh nhận các Bí Tích, đặc biệt nhất là Bí Tích Giao Hòa và Bí Tích Thánh Thể. Sống trong Chúa Kitô còn có nghĩa chúng ta phải là một chi thể sống động của Hội Thánh; nghĩa là chúng ta phải tích cực tham gia vào đời sống và sứ mệnh truyền giáo của Hội Thánh, biết suy nghĩ và hành động với Hội Thánh và trong lòng Hội Thánh. Điều này được thực hiện nhờ việc chuyên chăm học hỏi và thực hành các giáo huấn của Đức Thánh Cha và Hội Thánh, cũng như tích cực tham gia các sinh hoạt của giáo xứ, cộng đoàn và các đoàn thể Công giáo tiến hành.


    Sau hết, chúng ta phải biết sống cho Chúa Kitô hay vì Chúa Kitô;  nghĩa là, chúng ta phải làm mọi việc vì yêu mến Chúa, để làm vui lòng Chúa, theo thánh ý Chúa, vì vinh quang Chúa và phần rỗi các linh hồn. Điều này Chúa Kitô trở thành lý tưởng, thành lẽ sống, thành niềm vui, thành tình yêu duy nhất của lòng chúng ta, thành tất cả trong mọi sự của chúng ta. Đây là điều khiến Thánh Phaolô tuyên bố: “Tình yêu Đức Kitô  thôi thúc chúng tôi, vì chúng tôi nghĩ rằng: nếu một người đã chết thay cho mọi người, thì mọi người đều chết. Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống không còn sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình” (2Cr. 5:14-15).


    Lạy Mẹ Maria là mẫu gương tuyệt hảo của mọi Kitô hữu, xin Mẹ giúp chúng con biết noi gương Mẹ, luôn sống nhờ Chúa Kitô, với Chúa Kitô, trong Chúa Kitô và vì Chúa Kitô, để được thuộc trọn về Chúa và nên những môn đệ đích thực của Người. Amen.