Trong Quyền Lực Thánh Thần
- T7, 07/12/2024 - 15:56
- Lm Phạm Quốc Hưng
Chúa Nhật III Thường Niên - Năm C (Jan. 27th 2013)
Trong Quyền Lực Thánh Thần
Tin Mừng hôm nay thuật về việc “Chúa Giêsu trở về Galilê trong quyền lực Thánh Thần và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh” (Lc 4:14-15). Đây là một biến cố xảy ra trong những ngày đầu của sứ mệnh rao giảng Tin Mừng công khai của Chúa Giêsu. Đoạn sách ngôn sứ Isaia mà Chúa Giêsu mở ra đọc trong hội đường trong Tin Mừng hôm nay đã tóm tắt sứ mệnh của Người, như chính Người xác định sau đó: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù được thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng” (Lc 4:18-19).
Ở đây, chúng ta thấy một đặc nét chính yếu nơi toàn thể con người và hoạt động của Chúa Giêsu: Người là Đấng luôn được đầy tràn Thánh Thần, luôn hoạt động “trong quyền lực Thánh Thần”, được Thánh Thần ngự trên, được Thánh Thần xức dầu và sai đi rao giảng Tin Mừng, thi ân bố đức cho mọi người, mọi nơi. Tiếng “Kitô” có nghĩa là “Đấng được xức dầu”. Trong Cựu Ước, có ba loại người được xức dầu là các vua chúa, các ngôn sứ và các tư tế. Chúa Kitô chính là Đấng được xức dầu hoan lạc của Thánh Thần để trở thành Đấng Cứu Thế của nhân loại.
Toàn bộ Thánh Kinh đều chứng minh về điều này!
Thật vậy, trong mùa Vọng và mùa Giáng Sinh vừa qua, chúng ta nhiều lần được nghe đọc đoạn sách ngôn sứ Isaia nói về Đấng Mêsia như một con người được đầy tràn Thánh Thần với ơn bảy nguồn của Người như sau: “Ngày ấy, từ gốc Giêsê sẽ đâm ra một chồi, và từ rễ nó sẽ đơm lên một bông hoa. Trên bông hoa ấy, thần linh của Thiên Chúa sẽ ngự xuống, tức thần khôn ngoan và sáng suốt, thần chỉ dẫn và sức mạnh, thần hiểu biết và đạo đức, và thần ấy sẽ làm cho Ngài biết kính sợ Thiên Chúa” (Is 11:1-3).
Chính việc nhập thể của Chúa Giêsu cũng là hoa trái của hoạt động của Chúa Thánh Thần với sự cộng tác của Mẹ Maria. Điều này đã được Thiên Thần Gabriel xác định khi trả lời Đức Maria trong biến cố truyền tin: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sẽ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và sẽ được gọi là Con Thiên Chúa” (Lc 1:35).
Cũng vậy, chính Chúa Cha đã muốn dùng sự ngự trị của Thánh Thần nơi Chúa Giêsu làm dấu chỉ để Thánh Gioan Tiền Hô nhận biết và giới thiệu Chúa Giêsu là Đấng Mêsia cho dân chúng, như chính thánh nhân đã khẳng định: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim câu từ trời xuống và ngự trên Người. Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng đã sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: Ngươi thấy Thần Khí ngự trên ai, thì Người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần. Tôi đã thấy, nên xin chứng thật rằng Người đã Đấng Thiên Chúa tuyển chọn” (Ga 1:32-34).
Tin Mừng thuật lại sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa của Gioan, Người được đầy Thánh Thần; và suốt bốn mươi ngày Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ (Lc 4:2). Trong suốt đời công khai giảng đạo của Người, Chúa Giêsu xác định mọi phép lạ Người thực hiện đều nhờ quyền năng Thánh Thần mà Người gọi là “ngón tay Thiên Chúa”; và sự hoạt động của Thánh Thần nơi Người là dấu chỉ của sự xuất hiện của Nước Thiên Chúa hiện diện giữa nhân loại (Lc 11:20). Để cho thấy sự cao trọng của Thánh Thần, Chúa Giêsu còn tuyên bố: “Bất cứ ai nói phạm đến Con Người, thì còn được tha; nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì sẽ chẳng được tha” (Lc 12:10). Khi nói chuyện với người đàn bà Samari bên giếng nước, Chúa Giêsu còn xác định việc thờ phượng Thiên Chúa đích thực, bổn phận cao quý nhất của con người, không hệ ở nơi chốn nhưng phải là việc thờ phượng “trong Thần Khí và sự thật” (Ga 4:24).
Cũng vậy, khi giảng dạy về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu đã tuyên bố rằng chính Chúa Thánh Thần là nguyên lý đem lại sự sống thần linh và mọi lời của Người đều chứa đựng Thần Khí: “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là Thần Khí và là sự sống” (Ga 6:63). Như chính Chúa Giêsu đã giảng dạy và hành động nhờ quyền năng của Thánh Thần, các môn đệ của Người cũng sẽ được Thánh Thần trợ giúp khi phải đối đáp với người đời (Lc 12:11).
Chúa Giêsu đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc nhân loại của Người bằng Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh mà Thánh Kinh nói đều do Thánh Thần hướng dẫn. Rồi để tiếp tục sứ mạng cứu độ nhân loại nơi các Tông Đồ là những được Người tuyển chọn nhờ Thánh Thần (Cv 1:2) để làm nền tảng của Hội Thánh, sau khi sống lại Chúa Giêsu đã ban tặng các ông Thánh Thần: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:23). Trước đó, Người cũng đã hứa ban Thánh Thần cho các ông để dẫn các ông đến sự thật toàn vẹn (Ga 16:5-15).
Trước lúc lên trời, Chúa Giêsu lại hứa ban cho các môn đệ sức mạnh của Thánh Thần để các ông trở thành chứng nhân của Người tại Giêrusalem và khắp cùng trái đất (Cv 1:8). Điều này đã được thực hiện trong ngày Lễ Hiện Xuống (Cv 2:1-36).
Từ Lễ Hiện Xuống, Chúa Giêsu tiếp tục sứ mạng cứu độ nhân loại qua Hội Thánh của Người nhờ cùng một quyền năng Thánh Thần. Trong bài đọc hai của Phụng Vụ hôm nay, Thánh Phaolô nói đến Chúa Thánh Thần là nguyên lý hoạt động và mối dây hiệp nhất của tất cả các hoạt động, những ân điển và vai trò khác nhau của các thành viên trong Hội Thánh. Chính nhờ Chúa Thánh Thần mà mọi tín hữu Chúa Kitô được hiệp nhất với Chúa Kitô và hiệp nhất với nhau, như các chi thể hiệp nhất với Đầu và làm thành một thân xác duy nhất là Hội Thánh, hay Nhiệm Thể Chúa Kitô (1Cor 12:12-30). Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Galat còn nói rằng tất cả mọi nhân đức hay sự thánh thiện nơi các tín hữu chính là hoa trái của Thánh Thần nơi họ (Gal 5:22-23).
Trong lịch sử Hội Thánh, chúng ta chứng kiến bao hoạt động bác ái lớn lao nhằm cứu giúp những người nghèo đói, bao hoạt động rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, bao chương trình giáo dục cho những người kém may mắn, bao cuộc đấu tranh cho công lý trong xã hội. Tất cả những chương trình tốt lành thánh hảo này đều là sự nối dài sứ mệnh của Chúa Kitô trong Hội Thánh nơi những Kitô hữu đích thực, nơi các thánh, cũng là những người được đầy tràn Thánh Thần. Chúng ta có thể nhắc đến một Chân Phước Calcutta với Dòng Thừa Sai Bác Ai phục vụ những người cùng khổ tại Calcutta, một Thánh Anphong Maria Liguori lập Dòng Chúa Cứu Thế để rao giảng Tin Mừng cho những người tất bạt, một Thánh Phanxicô Xaviê rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc Á Đông, một Gioan Bosco với Dòng Salesian giúp giáo dục giới trẻ.
Thật vậy, nếu sự hiện diện của Thần Khí và hoạt động của Người là đặc nét chính yếu nơi con người, cuộc sống và sứ mạng của Chúa Kitô, thì đó cũng phải là đặc nét phải có nơi từng tín hữu Chúa Kitô. Thánh Phaolô tuyên bố: “Ai không có Thần Khí Đức Kitô, kẻ ấy không thuộc về Người” (Rm 8:9). Và “phàm ai được Thần Khí dẫn đưa thì họ là con cái Thiên Chúa” (Rm 8:14).
Vì vậy, tất cả cố gắng sống đạo của chúng ta là phải hướng đến việc nỗ lực sống theo ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, hay sống theo Thần Khí. Thánh Gioan Vianney dạy chúng ta phải xa lánh tội lỗi, thực hành các nhân đức nhất là ba nhân đức tin, cậy, mến, và chuyên chăm cầu nguyện để trở thành những người sống theo Thần Khí. Đức Hồng Y Mercier có lời nguyện gọi là “Bí quyết nên thánh” sau đây để nói lên sự quan trọng tuyệt đối của Chúa Thánh Thần trong đời sống đức tin: “Lạy Chúa Thánh Thần, Hồn của hồn con, con thờ lạy Chúa. Xin soi sáng con, xin dẫn dắt con, xin thêm sức con, xin an ủi con. Xin dạy con biết việc con phải làm, và xin truyền khiến con thực hiện. Con hứa sẽ vâng phục trong hết mọi việc Chúa cho phép xảy đến với con. Một chỉ xin cho con được biết thánh ý Ngài. Amen”
Ave Maria, xin Mẹ dạy con biết sống theo Thần Khí, sống đẹp lòng Chúa. Amen.