Ba lần chào Mẹ
- T7, 07/12/2024 - 16:17
- Lm Phạm Quốc Hưng
BA LẦN CHÀO MẸ
Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR
Hỡi Sứ Thần Thiên Chúa Gabriel,
Khi người xuống truyền tin cho Thánh Nữ,
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú?
Nguời có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời,
Để ca tụng-bằng hoa hương sáng láng,
Bằng tràng hạt, bằng sao mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh?
Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý,
Trượng phu lời và tông đồ triết lý.
Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh,
Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh…
Từ thuở nhỏ, tôi đã say mê đọc những vần thơ trên của Hàn Mạc Tử, những vần thơ ca tụng giây phút thần diệu nhất trong lịch sử vũ trụ: giây phút truyền tin, giây phút trời đất giao duyên, giây phút Tình Trời ngỏ lời và Tình Người đáp lời, giây phút Thiên Chúa làm Người nơi Chúa Giêsu Kitô trong cung lòng Mẹ Maria, tuyệt phẩm của Chúa Toàn Năng, Toàn Chân, Toàn Thiện, Toàn Mỹ, Toàn Tri, Toàn Ái.
Giáo Hội đã đang và sẽ mãi mãi ghi nhớ và rao truyền mầu nhiệm Nhập Thể được thực hiện nơi giây phút thần diệu ấy, trong sự tôn thờ tri ân sâu thẳm đối với Chúa Ba Ngôi và niềm sùng kính thẳm sâu dành cho Đức Maria.
Và chính Mẹ Maria cũng vui mừng biết bao và sẵn sàng chuyển ban những ơn phúc tuyệt hảo nhất cho những ai muốn cùng Mẹ ôn lại và sống mầu nhiệm tình yêu của giây phút Truyền Tin thần kỳ ấy. Linh mục hùng biện Lacordaire, OP viết: “Mỗi lần môi miệng của một người nào nhắc lại lời chào Kính mừng Maria của thần sứ báo tin Maria Trinh Nữ thụ thai làm Mẹ, thì lòng dạ Trinh Nữ lại rung lên cảm động khôn xiết, nhớ đến giây phút có một không hai, chưa từng xảy ra trên trời dưới đất; và đồng thời, cả thiên đàng lẫn trần gian cùng tràn ngập nỗi vui mừng hạnh phúc ấy của Maria-Trinh Nữ”.
Với những ai thực hiện việc thành thực sùng kính Đức Mẹ theo phương pháp tận hiến cho Mẹ đã được Thánh Luy Maria Môngphô trình bày và cổ võ, Lễ Truyền Tin là một lễ đáng họ ghi nhớ hơn cả, và mầu nhiệm Truyền Tin là một mầu nhiệm được đặt làm nền tảng và trung tâm trong đời sống tâm linh của họ. Đúng hơn, mầu nhiệm Truyền Tin phải là mầu nhiệm nền tảng và trung tâm trong đời sống của mọi Kitô hữu đích thực. Đó là lý do Đức Thánh Cha Phaolô VI trong Tông Huấn Về Lòng Sùng Kính Đức Mẹ đã khuyên nhủ các tín hữu giữ truyền thống mỗi ngày ba lần sáng, trưa và chiều tối dâng lời chào Mẹ bằng Kinh Truyền Tin như sau:
-Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.
-Và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.
*Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
-Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.
-Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.
*Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
-Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.
-Và ở cùng chúng tôi.
*Kính mừng Maria đầy ơn phúc…
-Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời xin cầu cho chúng con.
-Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con, là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền mà biết thật Chúa Kitô là Con Chúa đã xuống thế làm người, thì xin vì công ơn Con Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại, được đến nơi vinh hiển cũng vì công nghiệp Chúa Kitô là Chúa chúng con. Amen.
Trong tác phẩm Thành Thực Sùng Kính Đức Maria, Thánh Môngphô đưa ra hai lý do khiến ta phải tôn kính mầu nhiệm Truyền Tin cách đặc biệt: “Thứ nhất, để tôn kính và noi gương Chúa Con đã làm người tù, nô lệ trong cung lòng Trinh Nữ và sau đó lệ thuộc Maria trong tất cả, để làm vinh danh Chúa và cứu rỗi các linh hồn; thứ hai, để tạ ơn Chúa Cha, vì các ơn vô giá đã ban cho Mẹ, đặc biệt là ơn được làm Mẹ Chúa Trời, qua mầu nhiệm Truyền Tin” (số # 234).
Trong năm nay, Năm Thánh Thể 2005, Thứ Sáu Tuần Thánh-ngày kỷ niệm Chúa Giêsu chịu chết trên Thánh Giá để chuộc tội nhân loại- trùng vào ngày 25/03, ngày hàng năm Giáo Hội mừng Lễ Truyền Tin, kỷ niệm Chúa Giêsu bắt đầu làm Thai Nhi trong lòng Đức Mẹ; vì vậy, Lễ Truyền Tin được dời vào Thứ Hai sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh ngày 04/04. Việc trùng hợp này khiến tôi nhớ đến lời Đức Cha Fulton J. Sheen: “Ai trong chúng ta cũng sinh ra để sống; riêng Chúa Giêsu, Ngài sinh ra để chịu chết vì chúng ta” và cảm thấy sự phong phú khôn lường của mầu nhiệm này cũng như nỗi khao khát phải noi gương Chúa Giêsu và Mẹ Maria để sống mầu nhiệm Truyền Tin cách trọn vẹn hơn.
Để thêm lòng sốt sắng và có thêm ý lực tu đức, mỗi khi đọc Kinh Truyền Tin chúng ta có thể suy niệm như sau:
Khi đọc Kinh Kính Mừng thứ nhất sau lời nguyện “Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria, và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần”, ta xin Chúa cho được noi gương Chúa Giêsu Thai Nhi để dâng mình tận hiến cho Đức Mẹ, luôn luôn kết hợp với Đức Mẹ trong mọi việc để nhờ Mẹ, với Mẹ, trong Mẹ và vì Mẹ mà yêu mến và kết hợp với Chúa cách hoàn hảo hơn.
Việc đầu tiên và cũng là bí quyết Chúa Giêsu đã làm để chu toàn thánh ý Chúa Cha và cứu chuộc nhân loại là dâng mình cho Đức Mẹ, chấp nhận lệ thuộc Mẹ trong mọi sự. Cũng vậy, chúng ta không thể nên thánh, không thể nên giống Chúa Giêsu cách hoàn hảo nếu không biết dâng mình cho Mẹ và lệ thuộc Đức Mẹ trong mọi sự như một thai nhi trong cung lòng Mẹ. Điều này được giải thích trong tác phẩm Quyển Sách Vàng như sau:
“Đứa con tuỳ thuộc Mẹ triệt để hơn cả là khi nó còn là bào thai trong lòng mẹ, nó sống bằng sự sống của mẹ, nó nhờ mẹ mà thở, rời khỏi mẹ là chết, mẹ nó chết nó cũng chết theo. Đó mới là hình ảnh đúng về sự tín hữu lệ thuộc Đức Mẹ trong đời sống siêu nhiên.
“Lý do là trong đời sống siêu nhiên bao lâu còn ở đời này tín hữu vẫn còn ở trong tình trạng ân sủng chứ chưa được hiển phúc. Mà ân sủng là hạt giống của hiển phúc: gratia semen gloriae. Hạt giống thì còn đang nảy nở, đang phát triển chứ chưa thành cây. Con người bao lâu đang nảy nở, đang phát triển như hạt giống thì còn là bào thai, thì còn ở trong lòng mẹ mà lệ thuộc mẹ triệt để. Vậy về sự sống siêu nhiên chúng ta còn đang nảy nở, đang phát triển cho tới giờ chết mới thành nhân, nghĩa là còn bào thai trong lòng Đức Mẹ. Vì thế, Đức Hồng Y Suenens nói: Tất cả những kẻ được chọn lên Thiên Đàng đều thành hình trong Đức Mẹ và vẫn ở ẩn trong lòng Đức Mẹ suốt thời gian thành hình, nghĩa là suốt đời sống của họ ở thế gian.
“Tín hữu lệ thuộc Đức Mẹ như bào thai lệ thuộc mẹ nó, sự kiện này ta biết hay không nó vẫn có, vì đó là ý định của Thiên Chúa. Nhưng nếu người tín hữu ý thức để tùy phục Đức Mẹ, thì sẽ thêm muôn phần hữu ích cho họ. Chỉ khi nào người ta sống đầy đủ tinh thần tận hiện, người ta mới thực hiện sự lệ thuộc Đức Mẹ như bào thai trong lòng mẹ. Trước việc gì cũng nguyện Cùng với Mẹ con làm để mến Chúa đó là tận hiến hoàn toàn đầy đủ.”
Khi đọc Kinh Kính Mừng thứ hai sau lời nguyện “Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời; tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền”, ta xin Chúa cho được noi gương Mẹ Maria để luôn đón nhận Lời Chúa và vâng phục thánh ý Chúa trong mọi nơi, mọi lúc để chương trình yêu thương của Chúa được nên trọn nơi ta như đã nên trọn nơi chính Mẹ. Như vậy, ta có thể trở nên một “Kitô khác”, để Chúa Giêsu tiếp tục mầu nhiệm Nhập Thể nơi con người và cuộc sống của chính ta.
Chương trình yêu thương của Chúa dành cho Mẹ Maria và cũng là dành cho từng người chúng ta được tóm gọn trong lời Thiên Thần Gabrien nói với Mẹ trong Ngày Truyền Tin “Và này, nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai, và sinh con, và người sẽ gọi tên Ngài là Giêsu” (Lc 1:31).
1. nơi lòng dạ, người sẽ thụ thai: Ta sẽ noi gương Mẹvà nhờ Mẹ giúp ta biết luôn đón nhận, tin yêu và suy niệm Lời Chúa và các giáo huấn của Mẹ Hội Thánh trong lòng. Ta sẽ phạm tội “ngừa thai Lời Chúa” khi biếng nhác hay tránh né việc đọc, nghe hay suy niệm Lời Chúa và các chân lý đức tin để khỏi phải đáp ứng những đòi hỏi của Lời Chúa và đức tin, những đòi hỏi giúp ta sống như con cái Thiên Chúa.
2. và sinh con: Ta sẽ noi gương Mẹ và nhờ Mẹ giúp ta thực hành Lời Chúa và tuân giữ các giới răn của Ngài qua các việc chuyên chăm cầu nguyện, hy sinh và bác ái và thực hành các nhân đức, để mọi người nhận biết sự hiện diện của Chúa nơi ta. Mỗi tội ta phạm đều là một hình thức “phá thai Lời Chúa” khi bóp chết Lời Chúa qua việc không để cho sức mạnh của Lời Chúa, của Lề Luật Chúa hướng dẫn đời ta. Tội phá thai thường gặp ngày nay là tội giết chết Lời Chúa: “Chớ giết người” (Xh 20:13).
3. và người sẽ gọi tên Ngài là Giêsu: Ta sẽ noi gương Mẹ và nhờ Mẹ giúp ta quy hướng tất cả về Chúa Giêsu, nhìn nhận Ngài là Thiên Chúa ta, Đấng Cứu Độ ta và mọi sự của ta. Như Mẹ, niềm vui, hạnh phúc và giá trị đích thật của ta là được tin yêu Chúa, kết hợp với Chúa, chuyên chăm kêu cầu Thánh Danh Giêsu và thuộc trọn về Chúa.
Khi đọc Kinh Kính Mừng thứ ba sau lời nguyện “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai
xuống thế làm người, và ở cùng chúng tôi”, như Mẹ Maria hằng ghi nhớ và tôn thờ Chúa Giêsu ngự trong trong lòng Mẹ suốt thời gian Mẹ cưu mang Ngài như Mặt Nhật hay Nhà Tạm Đầu Tiên trên thế giới, và sau đó Mẹ hằng gắn bó với Chúa Giêsu từ khi Ngài sinh ra nơi máng cỏ cho đến lúc chết trên Thánh Giá như một môn đệ đầu tiên và tuyệt hảo, ta sẽ hằng ghi nhớ Sự Hiện Diện Đích Thực của Chúa Giêsu nơi Bí Tích Thánh Thể và đặt Chúa Giêsu Thánh Thể làm trung tâm đời sống qua việc chuyên chăm sốt sắng tham dự Thánh Lễ và các giờ Chầu Thánh Thể, năng viếng Thánh Thể và Rước Lễ thiêng liêng.
Mỗi lần tham dự Thánh Lễ, ta sẽ cùng Mẹ ý thức rằng khi linh mục đọc lời truyền phép thì Chúa Giêsu ngự xuống trên bàn thờ nơi Bánh Thánh như giây phút Ngài đã ngự xuống trong lòng Đức Mẹ trong biến cố Truyền Tin năm xưa, hay như lúc Chúa đang hấp hối trên Thánh Giá chịu chết để cứu chuộc chúng ta. Cũng vậy, ta sẽ cố gắng giữ mình trong sạch để được thường xuyên kết hợp với Chúa và như Mẹ Maria, trở nên như Mặt Nhật và Nhà Tạm sống động của Chúa.
Khi suy niệm về mầu nhiệm Nhập Thể, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II viết trong Thông Điệp Đấng Cứu Chuộc Nhân Thế: “Qua việc Nhập Thể, Chúa Giêsu đã tự liên kết và đồng hóa với từng người trong nhân loại”. Thực tại này đòi chúng ta phải nhìn nhận, trân trọng và bênh vực sự sống và phẩm giá của mọi người từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên; đồng thời, ta phải tích cực góp phần vào việc ngăn chận và đập tan nền “văn hóa sự chết” và xây dựng nền “văn minh tình thương” dựa trên các nguyên tắc của Tin Mừng Sự Sống. Chiến khí thần diệu dùng trong mặt trận này không gì khác hơn là cầu nguyện, chay tịnh và bác ái; nhất là gia tăng lòng sùng kính Chúa Giêsu ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể, biệt kính Mẹ Maria chuyên chăm lần Chuỗi Mân Côi và hết lòng yêu mến vâng phục mọi giáo huấn Hội Thánh.
Thánh Carôlô Bôrômêô (1538-1584), Tổng Giám Mục Milan và là Bổn Mạng Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II, là một người rất yêu quý truyền thống đọc Kinh Truyền Tin. Hễ nghe chuông kinh Truyền Tin sáng, trưa, chiều tối và bất cứ ở đâu, dù trên ngựa, trên xe, dù đường bùn lầy, ngài cũng xuống ngựa, xuống xe quỳ xuống đọc kinh sốt sắng. Ngài dạy dân chúng cúi đầu tỏ lòng tôn kính khi nghe Danh Thánh Maria và tổ chức kính Đức Mẹ mỗi Thứ Bảy đầu tháng. Ngài đã đặt tượng Đức Mẹ ở cửa các nhà thờ để giáo dân ra vào tôn kính và đặt Đức Mẹ làm bổn mạng các dòng tu trong Tổng Giáo Phận. Nhờ nêu gương và đã cổ động lòng sùng kính Đức Mẹ, thánh nhân đã góp phần cải thiện canh tân đời sống đức tin của đàn chiên do ngài coi sóc.
Đức Mẹ đã thương che chở ngài cách đặc biệt. Một buổi tối khi ngài đang đọc kinh chung với các tín hữu trong nhà thờ, một tên du đãng đã nổ súng bắn ngài. Nghe tiếng súng nổ, mọi người ngừng đọc kinh. Ngài bình tĩnh ra lệnh vẫn tiếp tục đọc kinh. Khi đọc xong kinh, ngài đứng dậy và mọi người thấy viên đạn xé nát áo ngoài của ngài và rơi xuống chân ngài. Mọi người cất tiếng hát ngợi khen cảm tạ Đức Mẹ đã gìn giữ ngài cách nhiệm lạ.
Noi gương Thánh Corôlô, Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II cũng rất yêu quý việc đọc Kinh Truyền Tin với các tín hữu. Tương tự như thánh Bổn Mạng, vào ngày 13/05/1981, kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần đầu ở Fatima (năm 1917), Đức Thánh Cha cũng bị ám sát tại Công Trường Thánh Phêrô nhưng thoát chết. Một năm sau, ngày 13/05/1982, ngài đã đến kính Đức Mẹ tại Fatima và đã gắn vào triều thiên trên tượng Đức Mẹ viên đạn đã bắn vào ngài để tỏ lòng biết ơn Mẹ đã cứu ngài thoát chết cách lạ lùng.
Nguyện xin Chúa và Mẹ cho chúng con noi gương các thánh, trung thành ba lần chào Mẹ mỗi ngày bằng Kinh Truyền Tin và nhờ Mẹ giúp chúng con sống mầu nhiệm Nhập Thể cách trọn vẹn để chúng con được tận hưởng niềm vui có Chúa và Mẹ trong đời, hôm nay, ngày mai và mãi mãi. Amen.
(Mar. 05, 2005)
PS: Bài này đã được đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số tháng 4/2005 và in trong tập sách Có Mẹ Trong Đời. Nay nhân lễ Thánh Carôlô Bôrômêô Nov. 4, 2020, xin ra mắt độc giả Thanhlinh.net HP