Nhảy đến nội dung

Tâm Tư Chúa Kitô

TÂM TƯ CHÚA KITÔ

Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR

Trái Tim Chúa Giêsu là hiện thân của Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Đó cũng là biểu tượng của trọn cả con người của Chúa Giêsu với trót cả thiên tính và nhân tính của Người. Vì thế, cũng chính nơi Trái Tim Chúa Giêsu con người tìm được phương thế để đón nhận và đáp trả cách trọn hảo tình yêu Thiên Chúa.

Thánh Phaolô đã chỉ ra cho chúng ta bí quyết sống trọn vẹn đức tin Kitô; nghĩa là, sống trọn vẹn giao ước tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, nơi việc chúng ta phải sống như Chúa Kitô đã sống, phải trở nên giống Ngài, phải nên một với Ngài, phải có được tâm tư như đã có nơi Chúa Kitô. Nói khác đi, để trở nên một Kitô hữu đích thực, ta phải “mặc lấy Chúa Kitô”, phải có được nơi mình Trái Tim của chính Chúa Giêsu. Nhờ vậy, ta mới có được cách suy nghĩ, cảm xúc, phán đoán, chọn lựa, nói năng và hành động của chính Chúa Giêsu trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân, với chính mình và với vạn vật.

Vì vậy, Thánh Tâm Chúa Giêsu hay tâm tư Chúa Kitô phải là đối tượng tuyệt đối để chúng ta chiêm ngắm, mến yêu và hiệp nhất trong mọi nơi, mọi lúc.

Thánh ca: Tâm Tư Chúa Kitô (Philip 2:5-11)

Con người, cuộc đời, hoạt động và tâm tư Chúa Giêsu Kitô có thể nói là đã được tóm gọn trong đoạn thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philip 2:5-11 như sau:

5. Anh em hãy có nơi anh em tâm tư như đã có trong Đức Kitô Giêsu:

6. Ngài, phận là phận của một vì Thiên Chúa, nhưng Ngài đã

không nghĩ phải giằng cho được

chức vị đồng hàng cùng Thiên Chúa.

7. Song Ngài đã hủy mình ra không,

là lĩnh lấy thân phận tôi đòi,

trở thành giống hẳn người ta;

đem thân đội lốt người phàm,

8. Ngài đã hạ mình thấp hèn,

trở thành vâng phục cho đến chết,

và là cái chết thập giá!

9. Bởi vậy, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài!

và ban cho Ngài Danh hiệu

vượt quá mọi danh hiệu,

10. Hầu trước Danh hiệu của Đức Giêsu,

mọi gối đều phải quì xuống bái lạy,

chốn hoằng thiên, trên địa cầu, dưới gầm đất,

11. và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng:

GIÊSU KITÔ LÀ CHÚA,

mà làm vinh quang cho Thiên Chúa Cha.

Có thể nói đoạn Thánh Thư này chứa đựng toàn bộ khoa Kitô học. Thật vậy, đoạn thư này vừa xác nhận thiên tính Chúa Giêsu vừa xác nhận nhân tính của Người, vừa trình bày mầu nhiệm Nhập Thể Làm Người của Đức Kitô vừa trình bày mầu nhiệm Thập Giá Cứu Chuộc của Người, vừa cho thấy tâm tình vâng phục của Chúa Cứu Thế đối với Chúa Cha, vừa cho thấy tình yêu thẳm sâu của Người dành cho nhân loại, vừa vạch ra cái giá đau khổ Chúa Kitô phải chịu để thực thi thánh ý Chúa Cha, và vừa làm sáng tỏ vinh quang tột bậc Người đã được Chúa Cha ban tặng.

Tâm tư Chúa Kitô theo Thánh Claude de la Colombiere:

Theo Thánh Claude de la Colombiere, linh hướng của Thánh Margarita Alacoque, Tông Đồ Thánh Tâm, những tâm tình hay nhân đức chính yếu cần được nhận biết, chiêm ngắm và noi theo nơi tâm tư Chúa Kitô là:

Trước tiên và trên hết là lòng yêu mến thiết tha của Người đối với Chúa Cha Hằng Hữu. Lòng yêu mến này được liên kết với sự tôn kính thẳm sâu và một sự khiêm nhường hết sức có thể.

Thứ đến là sự nhẫn nại vô cùng, một nỗi đau đớn và một niềm thống hối tột cùng vì mọi tội lỗi của nhân loại mà Người đã nhận lấy vào chính mình. Nơi Người, lòng tin cậy của một người con thảo được liên kết với sự hổ ngươi của một tội phạm nặng nề.

Sau nữa là một sự cảm thương rất thực của Người đối với các khổ sở của con người chúng ta, một tình thương bao la dành cho ta dù ta có là gì đi nữa, một sự an tĩnh không đổi dời của linh hồn dựa trên sự đầu phục thánh ý Chúa cách hoàn hảo đến nỗi không gì làm xáo trộn được.

Tìm hiểu Thánh Ca “Tâm Tư Chúa Kitô”

Điều cần phải ghi nhận ở đây là chiều kích hàng dọc, nghĩa là tương quan đời đời đối với Chúa Cha nơi Chúa Kitô hay bản vị thần linh của Người, giữ vị thế căn bản và ưu việt trong mọi sinh hoạt của Đức Kitô. Tất cả mọi hoạt động hay tâm tình của Chúa Kitô dành cho con người đều bắt nguồn và dựa trên tương quan của Người dành cho Chúa Cha. Có lẽ đó là lý do lời nguyện đầu tiên trong Kinh Cầu Trái Tim Chúa Giêsu là lời nguyện: “Trái Tim Chúa Giêsu Con Đức Chúa Cha Hằng Có Đời Đời”.

Câu 5: Tâm tư Chúa Kitô phải là mẫu mực và căn nguyên cho đời sống mỗi tín hữu. Điều này phải được hiểu là Kitô giáo không phải được xây dựng trên một hệ thống tín lý hay luân lý, cũng chẳng phải được đặt nền tảng trên một Cuốn Sách dù là Sách Thánh như một số giáo phái chủ trương, nhưng được dựa trên một bản vị, một Con Người là Thiên Chúa Nhập Thể, trên chính Chúa Giêsu Kitô, trên Tình Yêu của Thánh Tâm Người.

Câu 6: Xác định bản tính và bản vị thần linh của Chúa Giêsu. Người không phải tranh giành địa vị Thiên Chúa vì tự bản chất Người luôn là Thiên Chúa. Khác với các thần dữ và tổ tiên loài người là những kẻ đòi tiếm quyền Thiên Chúa. Nơi Đức Kitô, tuyệt đối không có hình bóng của sự kiêu ngạo và ganh tị.

Câu 7: KENOSIS hay việc “hủy mình ra không” là một chủ đề lớn trong Kitô học. Việc hủy mình này không phải chỉ được hiểu trong ý nghĩa Cuộc Thương Khó và Cái Chết của Đức Kitô, nhưng về căn bản phải được hiểu là chính biến cố Nhập Thể nơi Người. Vì tự bản chất, con người chỉ là hư vô.

Khi làm người, Đức Kitô đã mang lấy chính sự hư vô ấy của ta và chia sẻ trọn vẹn mọi sự hèn kém phát sinh tự bản chất hư vô ấy của con người, để trở nên Thượng Tế và Hiến Lễ Chuộc Tội cho nhân loại: “Quả thế, Thượng Tế ta có không phải là người không thể cảm thông với nỗi yếu hèn của ta, song là Đấng đã dãi dầu thử thách, muôn sự đều tương tợ, trừ phi là tội” (Heb 4:15). Đây chính là một bằng chứng hùng hồn của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta: tình yêu hiệp nhất. Thiên Chúa đã nên một với ta ngay cả trong việc mang lấy nơi mình cái gốc hư vô của ta.

Nhưng Chúa Kitô là người cách hoàn hảo hơn bất cứ ai cũng chính vì sự “hủy mình ra không” cách hoàn hảo của Người. Khi hủy mình ra không, Chúa Kitô đã có thể đón nhận trọn vẹn ân nghĩa của Chúa Cha và trở nên tràn đầy ơn cứu độ. Người đã chỉ cho ta thấy tất cả sự cao trọng của con người không hệ tại sự tự tôn phong của họ, nhưng hệ ở ân nghĩa của Chúa ban cho họ. Nói khác, con người chỉ tìm được giá trị đích thực của mình trong liên hệ yêu thương với Thiên Chúa mà thôi. Đồng thời, Chúa Kitô cũng cho ta thấy nguyên tắc mất để được, chết để sống, đã được thực hiện cách đầy đủ nơi cuộc sống của chính Người.

Trong tập sách giáo lý dùng cho các khóa học về Thánh Tâm Chúa Giêsu, Cha Giacôbê Đào Hữu Thọ, CSsR đã đưa ra nhận xét sau về sự độc đáo của tâm tư Chúa Kitô:

“Con người chỉ có một đường tu đức thánh thiện, là chấp nhận vô điều kiện những gì Thiên Chúa muốn ban cho mình, như Đức Giêsu Kitô đã làm...

“Đạo hiếu của Ngài tuyệt đối độc hữu. Ngài độc quyền sở hữu Một Tấm Lòng, một tâm tình hiếu thảo tột độ và vô biên. Ngôi Con từ đời đời bắt nguồn tự Cha, đời đời hướng về Cha. Ngôi Con đó, một khi Nhập Thể, Ngài truyền lòng hiếu đời đời của Ngài vào trong nhân tính Ngài mặc. Cho nên tâm tình hiếu thảo đời đời của Ngài diễn qua con người phàm nơi Ngài. Vậy nên, Tâm Tư hay Tấm Lòng của Đức Giêsu Kitô, tất nhiên phải là Tâm Tư hay Tấm Lòng Một Chiều: chiều Cha. Bỏ ngỏ cho Cha là thế...

“Đức Giêsu Kitô đã đầu phục Thiên Chúa Cha một cách tuyệt diệu như thế đó! Tuyệt tuyệt diệu! Chỉ có một Thiên Chúa Ngôi Lời Nhập Thể mới thấu triệt tột mức và đồng thời trong hiển thức, trong sự tự do hoàn hảo, đã chấp nhận được cái chân vô của một thụ tạo, trước cái chân hữu của Thiên Chúa, và để cho chân hữu ấy ngập lụt mình...

“Tấm Lòng Đức Giêsu Kitô thật độc đáo.

“Tấm Lòng Đức Giêsu Kitô là tấm lòng Bỏ Ngỏ tuyệt đối.

“Tấm Lòng Đức Giêsu Kitô là tấm lòng ý thức được trọn vẹn cái CHÂN VÔ của mình và mở toang hoang ra đón nhận cái CHÂN HỮU của Thiên Chúa.

“Tấm Lòng Đức Giêsu Kitô là tấm lòng Người Con hiếu thảo vô biên của Cha Hằng Có.

“Trên trời dưới đất chỉ có Một Tấm Lòng nầy. Đời đời cũng chỉ có Một Tấm Lòng này. Thiên Chúa toàn năng, toàn thiện, toàn minh cũng chỉ tạo dựng nên được Một Tấm Lòng này...Vì Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, Chết-Sống Lại, chỉ có Một mà thôi, trong kế hoạch tình yêu của Thiên Chúa. Và Đức Giêsu Kitô là thực tại cánh chung đại cuộc tạo thành, thực tại viên mãn chấm dứt đại cuộc này...”

Sự từ bỏ hay “hủy mình ra không” vì thế đã trở thành đòi hỏi căn bản cho bất cứ ai muốn bước theo Chúa Kitô: “Nếu ai muốn đi sau Ta thì hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy khổ giá mình mỗi ngày và hãy theo Ta!” (Lc 9:23).

Câu 8: Chỉ ra đức khiêm nhường và vâng phục là hai nhân đức nền tảng nơi Đức Kitô.

Khiêm nhường đích thực ở đây là nhìn nhận căn gốc hư vô của bản tính là thụ tạo của mình và quy hướng mọi sự tốt lành về Thiên Chúa như Nguồn Mạch mọi sự thiện hảo nơi mình: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, Con không thể làm điều gì tự mình, nhưng mọi sự đều vì đã trông thấy Cha làm, thì Con cũng làm như thế nữa” (Jn 5:19) “..và tự Ta, Ta không làm gì; nhưng Cha đã dạy Ta làm sao, Ta nói vậy” (Jn 8:28).

Sự khiêm nhường như thế sẽ dẫn đến thái độ vâng phục thánh ý Thiên Chúa cách hoàn hảo. Sự vâng phục này là cốt lõi của việc biểu lộ tình yêu của con người dành cho Thiên Chúa. Tất cả sứ mạng của Chúa Kitô được gói trọn trong câu này: “Bởi đó lúc vào trần gian Ngài nói: Hi sinh cùng lễ vật Người đã chẳng màng, nhưng Người đã nắn lên thân xác cho con, Các lễ toàn thiêu cùng tạ tội, Người đã chẳng đoái. Bấy giờ, con nói: Này con đến,--trong cuốn sách đã viết về con--để thi hành ý muốn Người, lạy Thiên Chúa” (Heb 10:5-7).

Thánh Tôma Aquinô: “Vâng phục là dấu đích thực của khiêm nhường”. Cả hai nhân đức này được biểu lộ cách tuyệt hảo nơi Chúa Kitô Chịu Đóng Đinh Thập Giá. Bằng khiêm nhường và vâng phục, Đức Kitô đã cứu chuộc nhân loại sa ngã vì tội kiêu ngạo và bất phục. Đồng thời, chính trên Thánh Giá Người đã thể hiện một tình yêu thẳm cho Chúa Cha và một tình yêu tận tuyệt đối với con người: “Không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu” (Jn 15:13).

Chúa Giêsu Kitô không phải chỉ là mẫu gương tuyệt hảo của đức khiêm nhường và vâng phục, nhưng Người chính là Hiện Thân của Đức Khiêm Nhường và Vâng Phục. Mọi nhân đức, mọi sự thánh thiện, cũng như đức khiêm nhường và vâng phục đích thực nơi mỗi người phải được đo lường trong tương quan với Chúa Kitô. Càng đầy Chúa Kitô nơi mình, sự khiêm nhường và vâng phục Thiên Chúa hay sự thánh thiện càng gia tăng. Như trong Kinh Vinh Danh, Giáo Hội tuyên tín: “Chỉ có Chúa là Đấng Thánh”. Vì vậy, không có sự thánh thiện ngoài Chúa Kitô. Đó là lý do tại sao Thánh Gioan Tiền Hô tuyên bố: “Ngài phải tiến, còn tôi phải suy giảm” (Jn 3:30).

Câu 9-11: Khi Chúa Kitô đã hoàn tất sứ vụ của Người bằng con đường khiêm nhường và vâng phục, mến yêu và tự hiến của Thập Giá, Thiên Chúa đã siêu tôn Đức Kitô khi tặng ban cho Người Danh Hiệu của chính Thiên Chúa, Đấng là Chúa Tể Muôn Loài Muôn Vật, và bắt muôn người muôn vật phải phục tùng Người. Chúa Kitô đã, đang và sẽ mãi mãi là Vua Vũ Trụ. Người còn muốn làm Vua Lòng của mỗi người chúng ta qua việc chúng ta dành cho Người tình yêu tuyệt đối và sâu thẳm nhất của tâm hồn chúng ta.

Trong Kinh Cầu Trái Tim Chúa Giêsu, Hội Thánh xác định: “Trái Tim Chúa Giêsu là Vua lòng mọi người và là chốn phải hướng về thay thảy”. Chúa Giêsu muốn chúng ta cùng chia sẻ vinh quang tuyệt vời của chính Người qua việc noi gương khiêm nhượng, vâng phục và bỏ mình tự hiến theo con đường Thánh Giá của Người để chiến thắng ma quỷ, thế gian và xác thịt: “Vì phàm kẻ nào nhắc mình lên sẽ bị hạ xuống, và kẻ hạ mình xuống sẽ được nhắc lên” (Lc 14:11) và “Ai thắng, Ta sẽ cho ngự với Ta trên ngai của Ta; cũng như Ta đã thắng và Ta đã ngự với Cha Ta trên ngai của Người” (Rev 4:21).

Kết luận:

Việc sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu cách chân thực phải dẫn ta đến việc có được nơi mình tâm tư như đã có nơi chính Chúa Giêsu, được kết hợp mật thiết với Trái Tim Người. Đó mới là sự thánh thiện đích thực. Sự thánh thiện này không dựa trên tài năng, đức độ, công nghiệp của bản thân ta, nhưng dựa trên mức độ ta nhìn nhận căn gốc hư vô của mình và mở lòng đón nhận tất cả như hồng ân Chúa ban, để cho Chúa hoàn toàn làm chủ và hướng dẫn con người và cuộc sống của mình. Nhờ vậy, Thiên Chúa sẽ thực hiện nơi ta những điều kỳ diệu vượt quá điều ta có thể mơ ước và cầu xin, đúng theo Thánh ý và chương trình yêu thương Người dành sẵn cho ta từ đời đời, như Người đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô. Tâm hồn ta từ đó sẽ cảm nhận sự tự do, niềm vui và bình an của những người con cái Chúa, của những người thực sự thuộc về Chúa Kitô, thuộc về Thánh Tâm Chí Thánh của Người.