Nhảy đến nội dung

Vâng lời vì yêu

Chúa Nhật V Thường Niên  - Năm C (Feb. 10th 2013)


Vâng lời vì yêu   


    Trong Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật tuần trước, chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu đã đồng hóa ơn gọi và số phận của Người với các ngôn sứ, vì Người chính là Ngôi Lời của Thiên Chúa, Đấng luôn hiện diện trong mọi sứ điệp của tất cả các ngôn sứ để chuyển thông thánh ý Thiên Chúa cho con người, để mời gọi con người hướng lòng lên Thiên Chúa và sống theo các đòi hỏi của Thiên Chúa. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn chính là “con đường hoàn hảo nhất”(1Cor. 12:31), là mẫu gương của đức yêu thương tuyệt hảo như Thánh Phaolô nói đến trong “bài ca đức ái” trong Thư thứ nhất gửi Tín Hữu Corintô. Điều này có thể khiến chúng ta tưởng rằng Lời Chúa là những gì tuy thật cao siêu linh thánh nhưng lại xa rời thực tại đời sống, hay có thể gây trở ngại hoặc phiền toái cho đời sống thực tế của chúng ta. Đây là một sự lầm tưởng lớn lao vẫn xảy ra trong mọi thời đại. Đây cũng là lý do khiến các ngôn sứ thường bị khước từ và bách hại. Đây cũng là lý do Lời Chúa và giáo huấn của Hội Thánh không được đón nhận và thực hành!


Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta cho thấy rằng Lời Chúa Giêsu không phải chỉ là thuần thiêng, nghĩa là chỉ giới hạn trong lãnh vực siêu nhiên, nhưng còn mang tính cách thực tế, nghĩa là gần gũi và gắn liền với đời sống tự nhiên con người, khi thuật về thuật về việc Thánh Phêrô, sau khi “đã cực nhọc suốt đêm mà không được gì hết” (Lc 5:5) nhưng nhờ vâng theo lời Chúa Giêsu để “đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá”(Lc 5:4), nên đã “bắt được rất nhiều cá; lưới các ông hầu như bị rách” (Lc 5:6). Chúa Giêsu yêu mến và cứu độ con người chúng ta cách toàn diện, cả hồn lẫn xác. Nhưng có một điều Người đòi hỏi nơi chúng ta để Người ban phúc cho chúng ta: đó là lòng tin yêu của ta dành cho Người, để đón nhận và thực hành các lời dạy của Người, như được ghi nhận trong Thánh Kinh và giáo huấn của Hội Thánh.


    Thật vậy, với những người làm nghề đánh cá như Phêrô, mức độ đời sống vật chất của họ gắn liền với thành quả của công việc chài lưới, với số cá họ bắt được. Cá là tiền, là bạc, là cơm no áo ấm, là tất cả những gì mà tiền bạc có thể mua được! Ngoài việc cầu cho trời êm biển lặng, họ dựa vào sức lực, tài năng, kinh nghiệm và sự chịu khó của bản thân mình để chài lưới đánh cá.  Đối với một người đánh cá chuyên nghiệp như Phêrô, sau một đêm cực nhọc mà chẳng đánh bắt được gì, quả là một thất bại ê chề, một nỗi buồn lo tê tái! Ở đây, Phêrô đã học được sự bất lực của mình trước sự nghiệt ngã của thực tế của biển đời! Chính trong giây phút này, giây phút Phêrô nhận ra sự bất lực của mình, lại là giây phút ông nhận biết quyền năng của Chúa Giêsu và mãnh lực của Lời Người!


    Phêrô có thực sự tin rằng Chúa Giêsu, tuy là một bậc thầy đáng kính đáng mến với đời sống khiêm nhu khả ái và những lời giảng dạy cao siêu, nhưng vốn chỉ là một người thợ mộc thành Nazareth và chưa hề có kinh nghiệm với biển khơi, biết cách giúp ông bắt được nhiều cá không? Có lẽ Phêrô không xác tín điều này đâu!  Nhưng Phêrô vẫn vâng theo lời Chúa Giêsu để thả lưới, vì ông mến Chúa, nể Chúa và không muốn làm mất lòng Chúa. Ông thà chấp nhận cực nhọc thêm một chuyến ra khơi nữa mà chưa hẳn sẽ kiếm được gì, hơn là làm mất lòng Chúa.


    Rồi mẻ cá lạ đã làm Phêrô và mọi người bỡ ngỡ! Phêrô cảm nghĩ gì khi ông “sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi” (Lc 5:8). Các nhà chú giải Thánh Kinh thường cho rằng lời thú tội của Phêrô ở đây là hệ quả của việc ông cảm nghiệm sự hiện diện đầy uy nghi thánh thiện của Thiên Chúa nơi Đức Kitô qua mẻ cá lạ. Đây cũng là cảm nghiệm của tất cả những ai được Chúa tỏ mình, như cảm nghiệm của ngôn sứ Isaia trong bài đọc một hôm nay khi ông thưa cùng Chúa: “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Người là Chúa các đạo binh” (Is 6:5).  Trước sự hiện diện của Thiên Chúa toàn thánh, không ai cảm thấy mình thanh sạch cả!


    Nhưng chắc hẳn còn một lý do nữa khiến Phêrô nói thế; đó là sự ngờ vực hay yếu tin của ông trước lời Chúa Giêsu truyền dạy ông ra khơi thả lưới. Chính lòng mến phục của ông dành cho Chúa Giêsu đã giúp vượt thắng sự ngờ vực và yếu tin để thực hành lời Chúa truyền dạy và được chứng kiến mẻ cá lạ. Một khi đức tin được củng cố, ông không quyến luyến với lợi nhuận mà mẻ cá lạ sẽ mang lại, nhưng “đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người” (Lc 5:11), để trở thành “kẻ chinh phục người ta” (Lc 6:10). Ở đây, Phêrô và các môn đệ đã có một chọn lựa và quyết định khôn ngoan và sáng suốt khi chọn Chúa Giêsu trên tất cả mọi sự!


Vâng theo lời Chúa với lòng tin yêu và từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa mãi mãi là sự chọn lựa, là quyết định, và là chương trình hành động của tất cả các thánh trong lịch sử Hội Thánh. Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII, Đấng Kế Vị Thánh Phêrô và có công khai mở Công Đồng Vaticanô II, chắc hẳn đã từng chiêm ngắm gương vâng lời vì yêu của Thánh Phêrô, nên đã chọn câu “vâng lời và bình an” làm tôn chỉ cho đời mục tử của ngài. Và ngài đã nên thánh như lòng mong ước.


    Sự hiện diện của Hội Thánh Công Giáo trên khắp thế giới hôm nay với bao nhiêu ngôi thánh đường, bao nhiêu tu viện, bao nhiêu công trình nghệ thuật, bao nhiêu công cuộc từ thiện bác ái, bao nhiêu gương hy sinh xả kỷ tuyệt vời của các thánh đều là kết quả của những sự chọn lựa và quyết định vâng theo Lời Chúa với lòng tin yêu, từ bỏ mọi sự để theo Chúa, để chọn Chúa, để được Chúa biến đổi thành những kẻ chinh phục con người bằng tình yêu cứu thế nơi các tín hữu đích thực của Chúa Kitô!
    Với trình thuật Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận biết rằng: Như Người đã bước xuống chiếc thuyền của Phêrô, Người cũng muốn bước vào con thuyền của đời sống chúng ta; và như Phêrô đã nhờ vâng theo lời Chúa nên đã được chứng kiến mẻ cá lạ và từ bỏ mọi sự để theo Người và trở thành tông đồ của Người, chúng ta cũng sẽ chứng kiến biết bao điều huyền diệu trong cuộc đời chúng ta nhờ tin yêu và vâng theo lời Chúa và trở thành những môn đệ chân thành của Người.


    Trái lại, nếu vắng bóng Chúa Giêsu trong con thuyền cuộc đời hay từ khước vâng theo lời Chúa để bước theo Chúa trong tin yêu, chúng ta sẽ mãi mãi ở lại trong sự mệt mỏi chán ngán trước sự hạn hẹp của sức mình, những sự nghiệt ngã của biển đời đen bạc, những sự phù phiếm của trần gian, những sự gian dối của tình đời! Bao vấn nạn trong đời sống cá nhân, gia đình, cộng đoàn, xã hội và Giáo Hội trên thế giới hôm nay chẳng qua chỉ là kết quả tất nhiên của việc đánh mất hay suy giảm lòng kính sợ tin yêu đối với Thiên Chúa, việc khước từ sự hiện diện của Chúa Giêsu, việc bất phục Lời Chúa và giáo huấn tốt lành chân thực của Hội Thánh.


    Ave Maria, xin Mẹ giúp con luôn biết đón tiếp Chúa Giêsu Con Mẹ vào con thuyền của đời con, biết hết lòng tin yêu và vâng theo lời Chúa, biết mau mắn từ bỏ mọi sự để theo Người, để được trở nên những môn đệ của Người, những kẻ chinh phục tha nhân bằng tình yêu của Tin Mừng cứu độ. Amen.