Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Lớn lên trong Lời Chúa: Phần phụ lục

Tác giả: 
Lm Võ Tá Khánh

LỚN LÊN TRONG LỜI CHÚA

(Chuyện Trường Cao đẳng Giáo lý Trực tuyến)

PHẦN PHỤ LỤC

 

Phụ lục 1

HƯỚNG SƯ PHẠM DẬY MEN

Loạt bài Lớn lên trong Lời Chúa khi gửi đến một số giám mục, linh mục và giáo dân xin ý kiến, gồm chín bài như chín chương, với ba bài thực tập xen giữa sáu bài khác mà không được báo trước, khiến người đọc ngạc nhiên. Bố cục hỗn độn, vì ba bài thực tập còn kèm theo ba phụ lục, tạo nên cảm giác rất khó chịu cho độc giả. Lắng nghe các phản hồi, chúng tôi quyết định chuyển tất cả phần phức tạp này thành những phụ lục, trừ một phụ lục được nâng thành bài thứ tư hiện nay, trong đó nhắc tới nội dung từng phụ lục và chỗ đứng của chúng.

 

KHÔNG PHẢI TRƯỜNG TỪ CHƯƠNG CŨNG KHÔNG NHẮM THỰC NGHIỆM

Sáng Thứ Bảy trước Chúa nhật về ơn gọi, tôi vừa sắp xếp xong các phụ lục thì được cha Tổng đại diện rủ đi thăm một trường Đại học cùng với một cha khác nữa. Hai vị hiệu trưởng và hiệu phó đích thân đưa chúng tôi đi thăm cơ sở thực nghiệm thủy canh của trường. Khi quay lại văn phòng hiệu trưởng uống trà nói chuyện, tôi được biết trường dự định phát huy tới gần ba mươi ngành, trong đó chỉ một khoa duy nhất có liên quan chút xíu tới văn chương là khoa tiếng Anh, còn tất cả những khoa khác đều dạy khoa học tự nhiên, ngay cả môn tiếng Anh cũng dạy theo thực nghiệm để sinh viên khi ra trường có thể kiếm việc làm ngay. Ngược hẳn 1800 so với việc đào tạo từ chương của nhà Nguyễn thời ông Nguyễn Trường Tộ đề nghị cải cách.

 

Buổi đi thăm bất ngờ đã giúp tôi tìm ra cách diễn tả chính xác cho mô hình trường huấn luyện trực tuyến đang đề nghị. Điểm chính yếu của chương trình huấn luyện là tính thực tập, vâng, không phải thực nghiệm nhưng là thực tập. Mô hình không mang tính thực nghiệm, tức là không đào tạo nhân viên đáp ứng cho những nhu cầu cụ thể (như viên chức Hội đồng giáo xứ, giáo lý viên, phụ trách các đoàn thể) nhưng nó mang tính thực tập nhằm đào luyện những tâm hồn tông đồ. Chữ thực tập ở đây diễn nghĩa chữ “thao” trong từ “linh thao” của Thánh I Nhã, có nghĩa là (những bài tập) “thao luyện về đời sống tâm linh” hoặc “thao luyện dưới ơn Chúa Thánh Linh”.

 

Hiểu như thế, loạt phụ lục này chính là những mẩu minh họa vừa diễn giải giúp hiểu phần thực tập sẽ chiếm tầm quan trọng lớn trong mô hình, đồng thời cũng gợi hứng để người đọc tập thử, cho thấy việc thực tập này là có thể được, không quá khó.

 

NHƯNG LÀ TRƯỜNG THỰC TẬP

Giữa thế kỷ XIX, ông Nguyễn Trường Tộ (1830-1871) đem hết tâm huyết ra viết các bản điều trần nhưng người ta không tin hoặc tin mà không dám làm thử. Đang khi đó, tại Nhật, ông Fukuzawa Yukichi (1834-1901) [1] không viết điều trần nhưng viết sách, viết báo và mở lớp truyền đạt cái nhìn và tâm huyết của ông cho người đương thời. Kết qua, ông đã khiến cả nước Nhật nghe theo và có được cuộc cải cách vượt bậc.

 

Loạt bài của tôi nhằm ngỏ lời với những Fukuzawa trẻ trung và đầy năng lực trong Giáo hội Việt Nam, và để công việc đạt được những ơn Chúa đang dọn sẵn, xin được nói thêm rằng mô hình trường trực tuyến này không phải là trường sư phạm thực hành (học cách dạy cho người khác) nhưng là trường sư phạm thực tập, đúng hơn nữa, là trạm gây men, nhân giống cây trồng, thể nghiệm nơi chính mình rồi làm lây lan cho người khác, và cứ thế…

 

Ở đây thực tập là chính. Tại các chủng viện, giảng viên môn tu đức học dạy cho chủng sinh biết lịch sử, những phương hướng và đặc trưng của các linh hạnh khác nhau trong Giáo hội, chẳng khác nào giảng về các trường phái bơi lội. Người chú ý nghe có thể lặp lại rất hay nhiều chuyện về bơi lội dù bản thân chưa hề bơi thử bao giờ. Để tránh tình trạng ấy, ở phần huấn luyện về đời sống tâm linh nói đây, tôi đề nghị Ban Giảng huấn nhường chỗ cho những nhà đào tạo của các Dòng. Người tu sĩ Dòng Tên biết cách giúp người khác suy niệm tròn sáu mươi phút, đang khi đó, người đi theo đường chân phước Charles de Foucauld biết rằng, dù chỉ rảnh được 5 phút vẫn có thể tập trung trí lòng để suy niệm. Trong tuần linh thao I Nhã, người tĩnh tâm thinh lặng từ phút mở đầu cho tới phút kết thúc, còn trong tuần tĩnh tâm của Dòng Don Bosco, các tu sĩ vẫn chơi bóng reo hò ầm ĩ rồi vào nhà cơm vẫn nói chuyện đùa giỡn như thường. Trong linh thao I Nhã, người ta suy niệm về tội và cử hành bí tích sám hối xong rồi mới tập trung chiêm ngắm Đức Kitô và bước theo Ngài; còn trong cuộc tĩnh tâm của Dòng Cát Minh và nhiều Dòng khác, việc xưng tội lại đặt ở cuối chương trình… Không phải mãi đến nay, từ những năm cuối thế kỷ XX, trong nội san gia đình Phan Sinh, các tu sĩ đã được nhắc nhở tiết kiệm từng giọt nước và khi gom rác phải chú ý xem đó là rác có thể phân hủy hoặc không, nhờ đó họ có những kinh nghiệm thiêng liêng về môi sinh rất hồn nhiên mà người khác không có…

 

Hiện nay mỗi Dòng đều có trang mạng của mình, ngoài phần thông tin còn có những chương trình học hỏi. Ước gì phần thực tập về nẻo thánh riêng của từng Dòng ngày càng được tăng cường và biên soạn thật dễ hiểu, để khi trường trực tuyến hình thành, mảng thực tập theo từng Dòng đã có sẵn…

 

Khi những linh hạnh phong phú ấy cùng chen nhau đua nở trong lòng Giáo hội, phô bày trước mặt mọi người một sự hiệp nhất trong đa dạng, thì đó sẽ là một hình mẫu giúp các học viên biết đón nhận và tôn trọng sự khác biệt của mọi người.

 

THỰC TẬP TỪ MÁI TRƯỜNG GIA ĐÌNH

Các học viên cũng có thể chia sẻ đóng góp với nhau về những kinh nghiệm thực tập mình đã học được ở gia đình, từ việc ghi dấu thánh giá trước bữa ăn, cầu nguyện dâng ngày khi vừa thức dậy, đọc kinh Cúi xin Chúa sáng soi đầu giờ học, nguyện tắt, cầu nguyện dâng mình trước khi ngủ, mỗi lần có việc tới khuôn viên nhà thờ là vào viếng Chúa ngay, những thói quen được tổng hợp nơi bài ca tâm niệm của thiếu nhi Công giáo:

 

Là thiếu nhi Công giáo,

Làm con Chúa, phúc thay.

Mỗi sáng em dâng ngày

Trong tâm tình cảm tạ.

Nguyện yêu người mến Chúa,

Sống xứng là con Cha.

Luôn ăn mặc nết na

Biết kính nhường, lễ phép.

Hướng mắt nhìn cao đẹp,

Xem phim tốt, sách hay.

Phục vụ cứ liền tay,

Giữ tâm hồn trong trắng.

Sống thật thà ngay thẳng,

Thân ái với mọi người… [2]

 

Có một thói quen mới, được Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh, mà trước khi tập cho các bạn trẻ, mỗi chúng ta cần tập cho chính mình: Luôn có quyển Tân ước nhỏ trong túi áo hoặc túi xách. Ta cũng có thể chép các sách Tân ước vào điện thoại cảm ứng nhưng quyển sách bằng giấy vẫn luôn giàu tác dụng gợi hứng hơn.

 

Với tinh thần Công giáo, học viên mở rộng vòng tay đón tiếp mọi người, mở rộng tâm trí đón nhận những giá trị tốt lành cao đẹp từ mọi phía, không những thuộc những luồng linh hạnh Kitô giáo khác nhau mà cả đến những kinh nghiệm tâm linh thuộc các tôn giáo khác, miễn là không ngược với đức tin Công giáo. Chẳng hạn những thói quen và những suy niệm khởi đầu của các bạn trẻ mới vào chùa tập tu trong quyển “Tì ni nhật dụng thiết yếu”, có những chỉ dẫn cụ thể như sau:

 

1. THỨC DẬY BUỔI KHUYA

Sớm khuya ngủ vừa tỉnh giấc

Cầu cho tất cả chúng sanh

Có được tầm nhìn tuệ giác

Thấu soi khắp cả mười phương.

4. MẶC ÁO

Khi khoác y vào cơ thể

Cầu cho tất cả chúng sanh

Đạt được căn lành, cội đức

Bờ kia đến được thật nhanh.

8. VÀO NHÀ VỆ SINH

Khi đưa phẩn uế ra ngoài

Cầu cho tất cả mọi loài

Bỏ tham, si mê, giận tức

Dứt sạch tội lỗi nhiều đời.

9. RỬA SẠCH    

Vệ sinh xong rồi dùng nước

Cầu cho tất cả chúng sinh

Thực tập pháp môn siêu xuất

Cõi lành đến được thật nhanh.[3]

 

CON ĐƯỜNG DẬY MEN

Trong việc đào luyện hồn tông đồ, có một điều cần kíp bậc nhất và cũng khó nhất là khả năng làm việc chung. Dù mỗi học viên ở một góc trời, Ban Giảng huấn sẽ nghiên cứu làm sao để gợi ý cho học viên thích thú thực tập làm việc chung. Chẳng hạn kinh nghiệm hàng đội tự trị của Hướng Đạo, kinh nghiệm Workshop, những thói quen hợp tác, chương trình Docat, cách riêng là mời gọi học viên tự nêu sáng kiến…

 

Như thế, hướng huấn luyện cần có của trường Cao đẳng Giáo lý là luyện cho học viên trở thành men làm chất xúc tác Tin mừng cho môi trường mình phục vụ. Những “mùa men Phục sinh” của các bạn trẻ Thanh Hóa là một thể hiện đại trà của ý tưởng ấy. Cụ thể hơn còn có những lớp vừa dạy nghề vừa đào tạo tông đồ bạn trẻ. Mỗi bạn trẻ vừa được học một nghề đến nơi đến chốn để mưu sinh, vừa được đào sâu giáo lý, vừa qua một khóa học cầu nguyện rồi thực tập cầu nguyện hằng ngày. Khi về lại giáo xứ, bạn trẻ trở nên vừa đầy tự tin trong nghiệp vụ vừa sống đạo rất tốt vừa biết cách giúp người khác về cả ba mặt: nghề nghiệp, giáo lý và đời sống cầu nguyện…

 


Phụ lục 2
SUY NIỆM LỜI CHÚA

 

Kinh nghiệm thứ năm là suy niệm Lời Chúa.

Từ câu hỏi được đề ra ở bài đầu về người trí thức Công giáo, để tránh cho nhau những ảo tưởng chủ quan (có thể nói là não trạng Ngộ đạo), ta đã đi từ khái niệm “có học” sang “học thêm” tại những chương trình trực tuyến (bài 2) tới khái niệm “tầm đạo”, tiếp cận với Lời Chúa theo những kinh nghiệm của các truyền thống Công giáo (bài 3). Nói tới các truyền thống Công giáo, tức là nói tới những nét đặc thù và phong phú riêng của Giáo hội Công giáo.

 

Nơi biến chuyển của Giáo hội thế kỷ XVI, cả phía Tin Lành và phía Công giáo đều lấy Kinh thánh làm nền tảng cho việc canh tân đời sống tâm linh, tuy nhiên một bên theo hướng phân tích (mổ xẻ, tìm hiểu), một bên theo hướng tổng hợp (suy niệm và cảm nhận). Cách chú trọng phân tích bản văn của người Tin Lành dần dần phát triển thành một khoa học sâu sắc. Về phía Công giáo, tới đầu thế kỷ XX, được Đức Thánh Giáo hoàng Piô X cổ võ, khoa chú giải Công giáo cũng đã tiến rất nhanh. Việc nghiên cứu của cả Tin Lành và Công giáo ngày càng đạt được những gặp gỡ lý thú, đầy khích lệ.

 

Phân tích bản văn Kinh thánh để hiểu Lời Chúa là điều tốt nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu ta biết dùng sự hiểu biết ấy để gặp Chúa. Ở một trường Cao đẳng Giáo lý, ta cần chọn hướng tổng hợp. Học hỏi theo kiểu phân tích càng lúc càng mênh mông vô tận và có nguy cơ lạc vào những tiểu tiết không cần thiết, đang khi đó sự tập trung vào Chúa Kitô qua suy niệm và chiêm ngắm sẽ có tác dụng hội tụ, giúp ta gặp Chúa sâu xa tận cõi lòng.

 

SUY NIỆM LỜI CHÚA ĐỂ GẶP CHÚA

Việc đề cao Kinh thánh theo hướng tổng hợp nổi bật nơi việc suy niệm Lời Chúa tập trung vào Đức Kitô, tiêu biểu là chương trình cầu nguyện trong sách Linh Thao của Thánh I Nhã và các chỉ dẫn về tâm nguyện trong các tác phẩm của Thánh nữ Têrêxa Avila và Thánh Gioan Thánh Giá. Việc suy niệm theo Linh Thao giúp ta nhìn thẳng vào ý định của Thiên Chúa trên lịch sử nhân loại, trên đời mỗi người và nơi mỗi ngày ta đang sống (kinh nghiệm 6 và 7). Việc tâm nguyện theo các Thánh dòng Cát Minh giúp khám phá hành động của Thiên Chúa trên tâm hồn và trên cuộc đời mỗi người chúng ta (kinh nghiệm 8 và 9). Bạn đừng sợ loạt bài này sẽ biến bạn thành tu sĩ. Nhiều lắm, nó sẽ giúp bạn chạy đua với các “cư sĩ Phật giáo”, tức là những “người có học tầm đạo” trong hàng ngũ anh chị em Phật tử quanh ta, những người “tu tại gia”, bên Công giáo chúng ta gọi là những thành viên “tại thế” hay “dòng ba” của các Hội Dòng. Bạn yên tâm, bạn vẫn ở trong số những người anh em bé nhỏ của Chúa, dù “có học” tới đâu vẫn luôn miệt mài khiêm tốn “tầm đạo”. Các tu sĩ tầm đạo theo cách của họ, còn các hạt men giữa đời, tham gia vào việc xây dựng trần thế, hài hòa với thiên nhiên và vũ trụ trong cõi lòng hân hoan vì có Chúa ở cùng. Đó là đỉnh cao của đời sống tâm linh chờ ta cuối cuộc hành trình, theo tinh thần chiêm niệm của vị Thánh an bần lạc đạo, Thánh Phanxicô Nghèo ở Assisi (kinh nghiệm 10).

https://i.imgur.com/lKJylyz.jpg

Sau công đồng Vaticanô II, trong Hội thánh Công giáo, không những ta thấy việc nghiên cứu Kinh thánh được đề cao, mà còn thấy cả hai hướng phân tích và tổng hợp đồng quy kỳ diệu nơi việc trình bày giáo lý theo lịch sử cứu rỗi, việc phân bố toàn bộ nội dung Kinh thánh trong phụng vụ theo các chu kỳ bài đọc thánh lễ Chúa nhật và ngày thường.

 

Cụ thể, trước khi đọc tiếp xin mời bạn theo dõi một trong những YouTube “Gợi ý tĩnh tâm Tuần Thánh: Đi vào cuộc Thương khó với Chúa” mới đây của cha Giuse Cao Gia An, Dòng Tên, tại Vaticannews.[4]

 

TỪ MỖI TUẦN ĐẾN MỖI NGÀY

Có gặp Chúa trong thinh lặng suy niệm, ta mới dễ gặp Chúa giữa cuộc sống. Bạn trẻ cần phải đích thân khám phá Chúa Giêsu và ngây ngất trước tình yêu Ngài mới có thể trở thành nhà truyền giáo sinh viên và vào đời như nhà truyền giáo kỹ sư, bác sĩ,…

 

Thường thì khi một người trưởng thành đến học giáo lý Đạo Chúa, tôi mời gọi họ bắt đầu xây dựng ngay quỹ thời gian cho hồn đạo. “Từ hôm nay, sau bữa tối, bạn nhớ dành chút thời giờ lắng nghe tiếng Chúa trong cõi lòng. Bắt đầu mỗi ngày năm phút, về sau thấy thích ngần nào, bạn sẽ tăng dần lên ngần ấy: mười phút, hai mươi phút, nửa giờ hoặc hơn nữa tùy ý”. Thường thì tôi không phải thất vọng. Đã có những người đến với khẳng định chắc nịch: “Tôi chỉ chiều theo ý gia đình bạn gái tôi để học cho biết chứ không có ý định theo đạo đâu ạ!”, thế nhưng sau một thời gian họ đã hăm hở chia sẻ Tin mừng với bạn bè. Khoảng lặng gặp Chúa đổi hẳn một tâm hồn vô tín khiến hồn đạo trong họ nẩy sinh. Cái lặng vì cách ly hiện nay, thoạt đầu hơi bất đắc dĩ nhưng rồi khi ta đón nhận với lòng biết ơn Thiên Chúa, những hạt giống Lời Chúa từng bị nhiều thứ “ưu tiên” trong cuộc sống đè bẹp lại có cơ hội lách len, thoát khỏi gai góc và vươn lên, nẩy nở hằng mấy chục, một trăm.

 

Bài học của cha Nguyễn Cao Siêu, SJ, tại http://www.kinhthanhvn.net/ mỗi tuần mới có một lần. Nếu trong bước đầu bạn cần thêm những gợi ý để suy niệm hằng ngày, bạn có thể tìm ở nhiều trang Web các Giáo phận. Cụ thể như ở trang Hội đồng Giám mục Việt Nam hoặc trang Giáo phận Long Xuyên, bạn có thể vào:

https://www.hdgmvietnam.com/  Góc Suy Niệm, mục Lời Chúa Hằng Ngày.

http://gplongxuyen.org/ Góc Lời Chúa Mỗi Ngày. 

Tuy nhiên, những gợi ý ấy chỉ cần cho bạn ở thời gian đầu. Khi đã quen với những bước thực hành, bạn sẽ đọc một đoạn Lời Chúa trong sách Kinh thánh và tự dọn bài suy niệm.

 

BẮT ĐẦU TỪ HÔM NAY

Giữa việc cầu nguyện bằng kinh và nguyện ngắm có một gạch nối rất đẹp là việc lần chuỗi đọc chậm, cụ thể như chuỗi Mân côi hay chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót. Bạn vẫn thường đọc các chuỗi này, có khi là hằng ngày theo nhịp chung chung của cộng đoàn. Giờ đây (các) bạn hãy đọc thật chậm, nhỏ tiếng và có nhiều khoảng lặng. Đang khi miệng đọc, bạn nâng tâm trí lên tưởng niệm sự kiện của ơn cứu rỗi được nhắc đến, hoặc suy niệm theo ý từng câu kinh. Bạn sẽ thấy trí lòng mình được chìm đắm trong rung cảm, và bạn sẽ hiểu tại sao việc lần chuỗi vẫn được gọi là một việc chiêm ngắm. Cũng từ đó, bạn sẽ dễ tiến vào cầu nguyện trong thinh lặng.

 

Với các dự tòng, tôi đã đề nghị bắt đầu năm phút mỗi ngày, về sau sẽ tăng dần lên. Giờ đây tôi xin được đề nghị cùng một điều ấy với những người có học. Những người Công giáo có học hiện nay trên đất nước mình không thiếu, nhưng để thành trí thức Công giáo, họ còn phải đánh thức cái hồn đạo nơi mình bằng những cảm nghiệm sâu xa qua việc suy niệm Lời Chúa.

 

Nếu đã quen cầu nguyện thinh lặng mỗi ngày mười phút, hai mươi phút hoặc hơn nữa, bạn hãy cứ duy trì như thế để rồi sẽ tiến dần. Còn nếu chưa có thói quen cầu nguyện thinh lặng, ngay hôm nay bạn có thể bắt đầu thử năm phút, vào lúc bạn muốn, ở nơi bạn muốn và theo cách bạn nghĩ là tốt nhất.

 

Bạn xin ơn Chúa Thánh Thần, thờ lạy Chúa đang hiện diện, đọc lại những câu quan trọng của bài Tin mừng rồi suy niệm theo một trong hai cách ở phụ lục 3 dưới đây.

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Gp Qui Nhơn

 

Phụ lục 3
CÁC BƯỚC CỦA MỘT GIỜ TÂM NGUYỆN

Những ai muốn nguyện ngắm theo Linh Thao của các cha Dòng Tên, có thể tìm trên mạng, ví dụ: https://www.facebook.com/pg/linhthaotrongcuocsong/posts/ hoặc: http://linhthao.net/luutru/424

Bạn cũng có thể tự khám phá ba bước nguyện ngắm của các cha thuộc tu hội Xuân Bích qua ba cụm từ: Chúa trước mặt, Chúa trong lòng, Chúa trên tay.

Hoặc phương pháp của thánh Phanxicô Salêsiô, có thể xem tại

https://www.vanthoconggiao.net/2020/04/mot-phuong-phap-suy-niem-ngan-gon-va-don-gian.html

 

Trong phụ lục này, chúng tôi xin mời bạn tiếp cận với một kinh nghiệm của dòng Cát Minh.

Tuy nhiên, dù bạn cầu nguyện theo cách nào, khi có điều kiện (chẳng hạn trong những ngày cách ly yên tĩnh này), sau giờ cầu nguyện bạn nên có phút nhìn lại việc cầu nguyện. Đây là kinh nghiệm đơn giản sẽ giúp bạn tiến dần theo các kinh nghiệm 6, 7, 8, 9 và 10. Kinh nghiệm nhìn lại việc cầu nguyện được giới thiệu nơi những dòng cuối của phụ lục này.

 

CÁC BƯỚC TÂM NGUYỆN THEO THÁNH NỮ TÊRÊXA AVILA

Thánh Têrêxa đã không viết một lược đồ thực tập cho giờ tâm nguyện, tức là giờ cầu nguyện lắng đọng chủ động, nhưng trong giáo huấn của ngài chúng ta có thể tìm được đủ những yếu tố cho một lược đồ như thế. Tuy nhiên trước khi nói tới một lược đồ nguyện ngắm, ta cần nói tới một hướng sống hằng ngày với những bước thực hành.

 

1. Hướng sống hằng ngày: sống hiện diện trước Thiên Chúa

Giữa cuộc sống hằng ngày, ta cần giữ cho lòng được lắng đọng, chú tâm làm tròn bổn phận với tình yêu mến như thể thấy Chúa đang nhìn mình. Điều này rất quan trọng, vì ai không biết chú tâm chu toàn các bổn phận khác trong ngày thì cũng không thể tập trung chú ý vào bổn phận thờ phượng Thiên Chúa. Hai đàng bổ sung cho nhau: Sự chú tâm chu toàn ý Chúa qua việc bổn phận, không chạy theo những chuyện không cần thiết, sẽ giúp cho lòng được bình an dễ gặp Chúa và việc sống thân mật với Chúa sẽ đem lại ánh sáng và sức mạnh giúp làm tròn bổn phận. Giữa cuộc sống thường ngày, ta cần giữ vững ba điều quan trọng: “Thứ nhất là yêu thương nhau, thứ hai là buông bỏ, tức là thoát khỏi mọi dính líu với thụ tạo và thứ ba là khiêm nhường thực tình; điều thứ ba này tuy đặt ở cuối nhưng lại là chính yếu và bao gồm tất cả” (Đht 4,4). Trong cả ba điều này, ta phải thật kiên quyết (Đht 21,2).

Thánh nữ Têrêxa liên tục nhấn mạnh sự khiêm nhường. Với đức khiêm nhường, ta chuyên tâm chu toàn phận sự của mình, không âu lo về việc người khác. Cần xin ơn Chúa Thánh Thần và vận dụng phương pháp xem-xét-làm để chu toàn bổn phận thật tốt. Khiêm nhường cũng còn là nhớ mình là không trước mặt Thiên Chúa, yêu thích bị bỏ quên và vui lòng chịu sỉ nhục.

 

Buông bỏ là không màng thụ tạo, làm chủ giác quan từ trong những điều nhỏ, sống nghèo khó, khước từ ý riêng (Đht 12,3) và vâng lời. Ma quỷ thường núp dưới những chiêu bài tốt lành để dẫn dụ ta mở cánh cửa ý riêng, chạy theo những điều tốt ảo. Ta cần biết buông bỏ những điều tốt không cần thiết để đóng chặt cửa phía đối phương, và quảng đại chăm lo việc bổn phận để mở rộng cửa về phía Thiên Chúa.

 

Yêu thương là nghĩ tốt cho người khác và mau mắn phục vụ. Nói chung là vui vẻ làm tròn bổn phận hằng ngày với lòng tin, cậy và yêu mến. Những thái độ ấy sẽ giúp ta giữ được sự thinh lặng nội tâm sâu xa để hiệp nhất với Thiên Chúa (Đời 8,9).

 

2. Chuẩn bị xa

Nhịp cầu giữa đời sống hoạt động và tâm nguyện là khẩu nguyện, tức là nguyện Các Giờ Kinh Phụng Vụ hoặc các kinh khác. Mỗi khi bắt đầu đọc kinh, ta cần nhớ mình đang đến với Thiên Chúa và đang đối thoại với Ngài.

 

Đọc Lời Chúa và các sách về đời sống tâm linh là cách chuẩn bị rất hữu hiệu, giúp ta dễ đi vào tâm nguyện. Ta nên đọc theo cách gọi là “gậm nhấm thiên thư”, tức là đọc chậm, vừa đọc vừa suy và vừa thưa chuyện với Thiên Chúa. Không riêng các đan sĩ, mọi Kitô hữu đều nên có giờ đọc sách hằng ngày, nhất là những người mới bước vào đời sống cầu nguyện. Những khi gặp khô khan lâu ngày thì lúc nguyện ngắm ta cũng nên dùng sách để nâng đỡ sự yếu kém của mình (Đời 4,8-9; Đht 26,9-10).

 

Việc gậm nhấm thiên thư sẽ giúp lòng ta thường xuyên nghĩ về Chúa Cha và Chúa Giêsu Kitô. Ta cũng nên dựa vào mùa phụng vụ và cả dựa trên tâm tình cá nhân để hướng lòng đến những cảnh phù hợp trong cuộc đời Chúa và dùng những cảnh ấy để tập trung khi tiến vào tâm nguyện (Đht 26,4-5; Đời 13,12-14).

 

3. Bắt đầu giờ nguyện ngắm

Mở đầu giờ nguyện ngắm, ta ý thức Thiên Chúa đang hiện diện trong lâu đài tâm hồn ta (Đht 28,9-10; 29,4) và trút bỏ hết mọi sự để đạt được sự lắng đọng (Đht 26,1). Cụ thể là nên khẳng định lại ba điều quan trọng đã nói trên đây:

 

- Yêu thương: Trước sự hiện diện của Thiên Chúa, ta muốn điều tốt cho mọi người, cầu nguyện cho mọi người, cả người thân và kẻ thù. Ta hiểu tốt và nghĩ tốt cho tất cả mọi người, cách riêng là những người đang sống chung một mái nhà và những người đang làm việc chung với ta. Ăn năn thống hối, nếu đã có điều gì lỗi bác ái. Ta giữ tâm tình khiêm nhường đối với tất cả mọi người và giục lòng mến Chúa. Đây là bước chủ động đầu tiên. Khi lòng thực sự an hoà với mọi người, ta dễ đạt được sự lắng đọng.

 

- Khiêm nhường trước mặt Chúa: Ta giữ lòng khao khát hiệp nhất với Thiên Chúa, thế nhưng trước mặt Thiên Chúa, ta chỉ hoàn toàn là không, hoàn toàn bất xứng và bất lực trên đường đến với Ngài. Do đó, ta xin Chúa Thánh Thần lấp đầy sự bất xứng và bất lực của ta, xin Ngài soi sáng cho biết cách cầu nguyện. Đây là thái độ đức tin.

 

- Buông bỏ: Mục tiêu giờ tâm nguyện là hiệp nhất với Thiên Chúa. Do đó ta nên chọn tập trung vào đề tài nào dễ giúp kết hiệp với Chúa hơn, ví dụ một cảnh trong mầu nhiệm thương khó. Khi ta bắt đầu tập trung vào đề tài, thường những nỗi âu lo và những bận tâm về công việc sẽ kéo đến trong tâm trí ta. Ta gạt bỏ hết và phó thác tất cả cho Thiên Chúa. Đây là thái độ đức trông cậy. Tiếp đó, có thể lại bị chia trí, nhưng ta sẽ kiên quyết gạt bỏ mọi sự để thiết lập sự lắng đọng, tức sự thinh lặng nội tâm cho bằng được. Thường thì sau những cố gắng ban đầu, ta sẽ được Thiên Chúa ban ơn để giữ cho lòng được lắng đọng.

 

4. Đối thoại

“Tâm nguyện không gì khác hơn là một cuộc trao đổi thân tình và là cuộc đàm đạo thường xuyên một mình mình với Đấng mà ta biết là rất yêu thương ta” (Đời 8,5). Sau khi hồi tâm lắng đọng, ta tập trung vào  nội dung đã chọn và hình ảnh thích hợp về Chúa Giêsu như nói ở số 2 trên đây và đối thoại với Chúa “như một người cha, một người anh, một người chủ hay một người bạn lòng” (Đht 28,3), bằng những lời tự đáy lòng (Đht 26,6.9; 22,1.3). Theo gương thánh nữ Têrêxa Avila, ta nên thưa với Chúa:

 

- về điều Chúa muốn nói với ta qua đề tài

- về vẻ đẹp của Chúa, về tình Chúa yêu thương ta

- về nỗi khốn cùng của bản thân ta và của mọi người

- về ý Chúa muốn cho những người được cứu rỗi và nỗi khắc khoải của ta trước ơn cứu rỗi của mọi người.

 

(Những nỗi khốn cùng của bản thân ta và của mọi người, những gánh nặng của cuộc đời, những điều rất thường trực trong đời sống giáo dân, không riêng những công việc mà cả những gánh nặng khác như sức khỏe của người thân, chuyện buồn vui của con cái… có thể chi phối ta, khiến ta chia trí. Nếu cần, hãy dành một phút nghĩ tới chúng rồi phó thác cho Chúa, và buông bỏ hết để mặc Chúa lo, ngay cả bản thân cũng để tùy Chúa yêu thương, chăm sóc và định đoạt. Hãy để Chúa biến ta thành Abraham trong những điều nhỏ).

 

5. Chú tâm trìu mến

Tiếp đó, những lời đối thoại sẽ thưa dần, nhường chỗ cho một cái nhìn chú tâm trìu mến (Đht 24,6; 26,3; 31,5.7). “Giờ đây tôi không xin chị em phải luôn nghĩ đến Người, cũng không xin chị em suy tư nhiều, cũng không đòi chị em phải có tư tưởng cao siêu tế nhị, tôi chỉ xin chị em có một điều: Nhìn ngắm Người, vậy ai cấm chị em hướng mắt nhìn Chúa, mặc dầu chỉ trong giây lát, nếu chị em không nhìn lâu hơn được? Chị em nhìn những cái xấu xa được, mà không thể nhìn đối tượng cực đẹp được sao?” (Đht 26,3).

 

“Hãy hướng nhìn lên Đấng chịu đóng đinh, rồi các chị sẽ thấy không còn gì khác là quan trọng cả” (7M 4,8)

Cái nhìn ấy là cái nhìn của ba nhân đức hướng thần: tin, cậy, mến. “Điều quan trọng là đừng suy luận nhiều nhưng là yêu mến nhiều” (4M 1,7).

 

6. Kết thúc

Ta cần kiên trì cho đến cùng. “Chút ít thời giờ chúng ta đã muốn dâng hiến Chúa thì hãy dâng hiến với một tinh thần tự do, thoát ly khỏi mọi sự, và với một ý chí quyết tâm sẽ không bao giờ đòi lại nữa cho dầu có gặp nhiều khổ cực, hoặc chống đối hoặc khô khan” (Đht 23,2). “Đừng ngừng lại giữa đường, hãy chiến đấu đến chết để đạt được mục tiêu, vì chị em vào đây không ngoài mục đích là để chiến đấu, luôn luôn tiến đức với sự quyết tâm thà chết hơn là bỏ dở không đạt tới đích (Đht 20,2)”.

 

“Lúc khởi đầu và kết thúc cầu nguyện, dầu được chiêm niệm cao siêu đến đâu chăng nữa, luôn luôn hãy nhận biết mình là ai... Hãy nghĩ đến sự hèn hạ của mình nhiều lần, vì sự cầu nguyện vẫn đi đôi với đức khiêm nhường và luôn soi sáng để chúng ta nhận biết sự yếu kém của chúng ta” (Đht 39,5).

 

Với tâm tình ấy, ta sẽ gói ghém giờ cầu nguyện lại trong những lời tâm sự tha thiết với Chúa. Sau giờ cầu nguyện, ta cần cố gắng giữ cho lòng luôn được dành riêng cho Chúa và thỉnh thoảng lại thốt lên đôi lời đối thoại với Chúa (Đht 31,7).

 

7. Kiểm điểm giờ nguyện ngắm

Khi đã cầu nguyện xong, nên dành dăm bảy phút nhìn lại giờ nguyện ngắm để rút kinh nghiệm. Thánh nữ Têrêxa luôn nhắc lại quy tắc “xem quả biết cây”. Một giờ nguyện ngắm tốt không tuỳ thuộc nơi sự sốt sắng nhưng tuỳ thuộc nơi sự biến đổi của lòng ta, giúp ta sống đời thường cách thật tốt đẹp trong yêu thương, khiêm nhường và buông bỏ (7M 4,14-15).

 

Viết tắt tác phẩm Thánh nữ Têrêxa Avila:

Đời:            Đời tôi hay là Tiểu sử tự thuật

Đht:            Đường hoàn thiện

1M, 2M:      Mức ở lại 1, Mức ở lại 2… trong sách Lâu đài nội tâm

 

XÉT MINH KIỂM ĐIỂM

KIỂM ĐIỂM GIỜ NGUYỆN NGẮM

Sau khi nguyện ngắm, kiểm điểm các chi tiết sau đây và ghi lại:

1. Tư thế: Ngồi, quỳ

2. Tập trung nghiêm túc (đánh giá bằng A, B, C): Vd. Đầu giờ: A, Giữa giờ: B, Cuối giờ: A.

3. Cảm nghiệm từ nội dung: Được những ánh sáng và những ơn biến đổi nào?

4. Lo ra chia trí về điều gì?

5. Có lúc nào bị lạc đề và lạc hướng? Hướng nào? Tại sao? Có lúc nào đã tránh né tiếng Chúa? Điều gì? Cách nào? Có điều gì đã tưởng lầm, nguyện ngắm xong rồi mới thấy là bị lừa, cần rút kinh nghiệm?

 

NHẬN ĐỊNH CUỐI NGÀY

Ngày: …………………………

1. Có những kinh nghiệm mới nào về nguyện ngắm?

2. Có những kinh nghiệm mới nào về thinh lặng nội tâm? Có điều gì làm giảm sút thinh lặng nội tâm?

3. Bận tâm về điều gì khiế mình bị chi phố? Có những kinh nghiệm mới nào về ứng xử quảng đại?

4. Kinh nghiệm thường xuyên nhớ Chúa đang hiện diện?

5. Tập trung vào Chúa hơn hay là bị lạc hướng? Nếu đã tập trung hơn, nhờ đâu?

6. Nếu đã bị lạc hướng, tại sao? Đã để cho mình bị lừa như thế nào? Tại sao bị lừa?        

Việc kiểm điểm giờ nguyện ngắm sẽ giúp bạn tiếp cận với kinh nghiệm lý thú ở phụ lục 4 là tìm ý Chúa và nhận rõ ý Chúa.

 

Phụ lục 4
TẤM GƯƠNG SOI LÒNG

Sẽ hết sức ích lợi nếu nguyện ngắm xong bạn biết nhìn lại những biến chuyển nội tâm trong giờ cầu nguyện. Đây là một thực tập quan trọng khi làm linh thao, một tấm gương tròn nằm gọn trong lòng bàn tay, hết sức hữu ích, có thể giúp bạn soi thấu lòng tin và lòng mến của bạn. Tôi không nghĩ là bạn sẽ thực hiện được thường xuyên, vì chính tôi cũng không làm được thường xuyên, nhưng tôi mong bạn sẽ làm thử một vài lần để biết công dụng của tấm gương tròn vẫn nằm sẵn trong túi, và mỗi khi cần, bạn sẽ sực nhớ đến nó và lấy ra soi. Mà có lẽ, giữa những lúc bị cách ly, bạn sẽ làm thử không chỉ một lần và sẽ thấy đây là một kinh nghiệm quý, thỉnh thoảng cần lặp lại.

 

1. TẤM GƯƠNG SOI LÒNG

Không riêng sau khi nguyện ngắm hay sau một thánh lễ, cả sau giờ cầu nguyện đầu ngày hay cuối ngày (quen gọi là kinh sáng, kinh tối), nếu có điều kiện, bạn nên nhìn lại để soi thấu lòng mình. Hãy thử một vài lần để nghiệm ra hiệu năng của việc nội quan này. Bạn sẽ thấy nó rất ích lợi, không quá khó nhưng thật lý thú, rồi dần dần bạn sẽ có được thói quen phản tỉnh để sống trong sự hiện diện đầy ưu ái và nhắc nhở của Chúa.

 

Tôi xin nhắc lại là bạn không bị buộc phải làm nhưng bạn nên thử một vài lần để nếm xem bữa tiệc Chúa luôn luôn dọn sẵn, và sẽ thấy lời mời gọi Chúa nói trong Kh 3,20 là đang nói với bạn hôm nay.

 

Chẳng hạn tối nay, sau những phút cầu nguyện chung với cả nhà, bạn dành 5 phút nhìn lại nội tâm mình: Trong khoảnh khắc cầu nguyện ấy, bạn giữ được sự tập trung từ đầu đến cuối, hay chỉ một phần ba ở đầu, ở giữa hay ở cuối? Bạn có thể rút kinh nghiệm gì? Bạn có gặp Chúa, có nghe Chúa nói, có cảm nghiệm điều gì? Có lúc bạn đã chú ý tới ý nghĩa từng câu từng chữ mình đọc và đã thật sự nói với Chúa đôi điều? Những câu hỏi kiểm điểm này sẽ giúp bạn thấy chỉ cần ý thức sự hiện diện của Chúa là mọi sự đổi thay. Cũng là chuỗi kính Lòng Chúa Thương Xót nhưng giờ đây bạn sẽ hướng mắt lên Chúa Cha và Chúa Giêsu, đọc chậm từng từ, như thổn thức, thở than “bằng những tiếng rên siết khôn tả” trong Chúa Thánh Thần (x. Rm 8,26).

 

Điểm chính ở đây là kiểm lại xem khi đến với Chúa ta có “chú tâm trìu mến”, có “cầm lòng cầm trí” hay nói cách khác, có trân trọng sự hiện diện của Chúa hay không? 

 

Mỗi khi đi xưng tội, nhìn nhận mình đã lo ra chia trí nhiều lần, có thể ta nghĩ đó là chuyện không tránh được cho nên không lấy làm điều. Thế nhưng giờ đây, nghiêm túc nhìn lại sau khi cầu nguyện, ta mới nghiệm ra mình chưa thật sự nhận Thiên Chúa làm kho tàng của mình. Nếu xác tín việc sống thân mật với Ngài là kho tàng, chắc hẳn ta đã quyết tâm bán hết những gì mình có để mua cho bằng được kho tàng ấy (Mt 13,44).

 

Việc kiểm điểm này cần làm trong đối thoại với Chúa, như Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Tôi xin hết mọi Kitô hữu đừng quên thưa chuyện với Chúa là Đấng yêu thương ta để thành tâm xét mình mỗi ngày” (Vui mừng hoan hỉ, 69).

 

Thuở bé, nói đến xét mình ta chỉ nghĩ ngay tới việc nhìn lại xem đã có gì sai sót trong ý nghĩ, lời nói và việc làm. Ta dựa theo các kinh Mười điều răn của Chúa, Năm điều răn Hội thánh để lục lọi xem đã lầm lỗi những gì. Với kinh Tiến Đức (Cải tội bảy mối có bảy đức), ta được mời gọi đi xa hơn, để nhận ra những gốc rễ đàng sau những lầm lỗi. Giờ đây, với việc xét mình sau giờ nguyện ngắm, ta còn tiến xa hơn nữa.

 

Ta có một tấm gương hé lộ cho thấy ta có thật tình yêu mến Chúa hết lòng hay chăng, và nhận ra đâu là chướng ngại ngăn cản mình hiệp nhất với Chúa. Rồi ta sẽ nghiệm ra rằng cả nơi những việc cao quý như đọc kinh cầu nguyện, nếu chỉ làm cho xong như một cái máy, ta cũng chỉ gặp thụ tạo chứ không gặp được Chúa; ngược lại, cả những việc bị coi là “phàm tục” như mua bán hoặc ân ái vợ chồng, nếu được làm trong ý thức có Chúa đang hiện diện, trong sự chú tâm trìu mến Chúa thì đó vẫn là những phương tiện để nên thánh.

 

Nhờ xét mình như vậy, bạn sẽ nhận ra mình thường dễ bỏ lỡ bữa tiệc của Thiên Chúa vì điều gì? Điều gì chi phối lòng bạn? (x. Mt 22, 1-14).

 

2. XÉT MÌNH CÓ GÌ MỚI

Thánh I Nhã đề ra cho ta những phương cách “để xa bỏ những quyến luyến lệch lạc và sau đó tìm kiếm ý Chúa trong cách xếp đặt cuộc đời để mưu ích cho linh hồn mình” (LT 1). Phương cách đầu tiên là xét mình và kiểm điểm nguyện ngắm.

 

Kiểm điểm lại, cũng có khi điều phá hỏng sự tập trung của giờ nguyện ngắm là một trong bảy nết xấu làm đầu, tuy nhiên, thường thì nguyên nhân gây chia trí là những điều tốt chứ không xấu. Sau dăm bảy ngày, đem đối chiếu những kết quả kiểm điểm nguyện ngắm và kiểm điểm cuối ngày, ta sẽ thấy :

 

- Những điều tốt mà ta chỉ quyến luyến đúng chừng mực, thì khi ta cầu nguyện, chúng không đến quấy rầy ta. Trong trường hợp này, sự quyến luyến rất chính đáng.

 

- Còn những điều tốt mà ta quyến luyến hơi quá đáng, nhiều hay ít, thì khi ta cầu nguyện, chúng luôn đến quấy rầy ta. Ở đây, nhìn kỹ lại ta sẽ nhận ra chỗ lệch lạc nơi quyến luyến này, và thường thì một trong bảy mối tội đầu (hoặc gọn hơn, một trong ba điều độc hại là tham, sân, si) đang giật dây, tạo nên sự lệch lạc, tức sự quá đáng.

 

- Vì thế, ta chưa thể chăm chú lắng nghe, chưa thể chăm chú nhìn lên Chúa; ta bị giằng co vừa muốn hướng về Chúa vừa hướng về thụ tạo.

 

Như thế, việc kiểm điểm nguyện ngắm là một bản trắc nghiệm hữu hiệu để biết ta đã thật sự yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, hết linh hồn và hết trí khôn chưa, hoặc nói theo Thánh I Nhã, ta đã xác tín nguyên lý làm nền tảng cho đời ta chưa? Nguyên lý làm nền tảng ấy là:

“Con người được dựng nên để ngợi khen, tôn kính và phụng sự Thiên Chúa, và nhờ đó cứu rỗi linh hồn mình. Mọi loài khác dưới đất cũng được tạo dựng cho con người, để giúp họ đạt tới cùng đích Đấng Tạo Hóa đặt cho họ.”

Bởi thế người ta chỉ được sử dụng thụ tạo theo mức độ chúng giúp đạt tới cứu cánh và phải gạt bỏ khi chúng làm cản trở. Do đó, cần phải giữ cho mình được bình tâm  đối với mọi thụ tạo trong tất cả những gì nằm trong sự tự do của ta và không bị cấm, đến nỗi chúng ta không ước muốn sức khỏe hơn bệnh tật, giàu sang hơn nghèo khổ, danh vọng hơn nhục nhã, sống lâu hơn chết yểu và tương tự thế đối với mọi sự khác, nhưng chỉ ước muốn và lựa chọn cái gì dẫn đưa chúng ta tới cứu cánh của mình hơn cả” ( LT 23).

 

Việc kiểm điểm nguyện ngắm nhằm giúp ta rút kinh nghiệm để những lần nguyện ngắm về sau sẽ sống với Chúa triệt để hơn, và hơn nữa, để ngay nơi mọi việc lớn nhỏ của đời thường, ta luôn sống theo nguyên lý nền tảng. Hiểu như thế, nếu bạn không bao giờ có điều kiện tham dự tĩnh tâm linh thao cũng chẳng hề gì, chỉ cần biết thật lòng xét mình sau mỗi giờ khẩu nguyện hoặc tâm nguyện là có thể xa bỏ những quyến luyến lệch lạc để chỉnh đốn đời sống theo ý Chúa.

 

Nếu ta quyến luyến một thụ tạo đúng mức để dùng nó như phương tiện giúp đạt đến điều Chúa muốn cho ta, thì đó là sự quyến luyến chính đáng. Nếu ta coi trọng một thụ tạo, xem nó như là mục đích, và đảo ngược mục đích thành phương tiện, thì sự quyến luyến trở thành lệch lạc (x. LT 169).

 

Thánh Gioan Thánh Giá là học trò các cha Dòng Tên, đã đóng góp thêm một điều quan trọng, nhấn mạnh tới những nguy hiểm khi ta đã biết là lệch lạc mà vẫn cố tình chiều theo. Ngài gọi đây là những mê thích.

 

3. BÌNH TÂM VÀ BUÔNG BỎ

Trong Đường lên núi Cát Minh quyển I, ngài lặp lại hai chữ mê thích 243 lần, trong ba quyển tiếp theo, thêm 140 lần nữa, nhưng không định nghĩa nó là gì và cũng không gắn thêm tính từ lệch lạc. Để bạn đỡ lúng túng, tôi xin mạn phép đưa ra câu tóm tắt như sau : Mê thích là sự tha thiết khi ta đã biết một quyến luyến nào đó là không ổn mà vẫn cứ theo đuổi hoặc dung dưỡng nó.

 

Chính vì ta cố tình chiều theo cho nên, dù mê thích chỉ mong manh như một sợi tơ, nó vẫn trói được ta như một sợi thừng. Mọi mê thích lớn hay nhỏ đều vừa ngăn cản ta hiệp nhất với Thiên Chúa (ngăn cản sự hiện diện của Thánh Thần Thiên Chúa) vừa gây nên nơi linh hồn ta năm thiệt hại: bị mệt mỏi, bị khổ não, bị tối tăm và mù quáng, bị hoen ố, cùng bị nguội lạnh và suy yếu (x. 1 Đường lên núi Cát Minh, 6-10).

 

Mê thích thật đáng sợ. Thế nhưng Thánh Gioan Thánh Giá lại cũng tiết lộ cho ta một bí mật rất bất ngờ: Ta càng chiều theo mê thích, nó càng lớn mạnh rất nhanh, nhưng chỉ cần ta phớt lờ mê thích, không kể gì đến nó là lập tức nó mất hết tác dụng. Điều quan trọng là lòng ta quyết hướng về Thiên Chúa hay hướng về thụ tạo. Rượu bia, thuốc lá, ma túy, sex, tin giả, game, internet có vẻ là những hấp lực không gì cản nổi, thế nhưng thật ra, chỉ cần ta nói “không” là lập tức chúng nó chạy trốn. Nếu bạn chưa dám nói không thì còn một bí mật khác: Hãy quyết tâm yêu Chúa hơn, tin Chúa hơn, phó thác vào Chúa hơn thì bạn sẽ có can đảm để nói. Bí mật thứ ba: Vừa khi mới thoáng có ý nghĩ nghiêng chiều lệch lạc, hãy cương quyết dập tắt ngay, thì bạn luôn luôn thắng. Một bí mật khác: Hãy bắt đầu bằng sự làm chủ các giác quan bên ngoài. Ngày nào bạn còn làm chủ các giác quan và trí tưởng tượng, ngày ấy bạn còn chiến thắng.

 

Ta thấy Thánh Gioan Thánh Giá dạy ta cùng một điều với sự “xa bỏ những quyến luyến lệch lạc” của Thánh I Nhã (x. LT 23). Cách trình bày của hai vị hoàn toàn khác nhau cả về hình thức và nội dung nhưng sẽ dẫn đến cùng một đích điểm, hai bên hỗ trợ lẫn nhau rất hữu hiệu. Sự bình tâm của Thánh I Nhã cũng như cái “Lương tâm ngay thẳng và cõi lòng trong sáng” trong câu kết bộ luật nguyên thủy của dòng Cát Minh đều nhằm giúp ta được hoàn toàn tự do với mọi thụ tạo để chỉ hướng về Thiên Chúa.

 

Tới đây, bạn hiểu tại sao, ngay ở bài đầu, tôi đã chuyển khái niệm “trí thức Công giáo” sang cụm từ dài “người có học, có tinh thần đức tin và có lòng với Chúa và Hội thánh”. Bởi lẽ, muốn trung thành với đức tin thì đến một lúc nào đó người ta phải buông bỏ cả điều mà mình tưởng là mình biết, như R. Tagore có nói ở một chỗ nào đó: “Theo Kinh thánh thì không thể vừa được nếm quả cây tri thức, lại vừa được sống trên cõi địa đàng”.

 

Khi nào thì cần buông bỏ?

Một khi có được lương tâm ngay thẳng và tấm lòng trong sáng hay sự bình tâm triệt để, ta sẽ thấy ngay đâu là điều Chúa muốn cho ta và ta cần buông bỏ những gì. Thế nhưng vẫn còn những lúc lòng ta chưa hoàn toàn bình tâm. Trong trường hợp này Thánh I Nhã sẽ giúp ta bằng kinh nghiệm đặc biệt của ngài.

 

Trong bài chia sẻ mở đầu những gợi ý giúp tĩnh tâm sống cuộc Thương khó với Chúa năm nay, Cha Giuse Cao Gia An, Dòng Tên, nhắc thính giả đang khi nghe giảng hãy theo dõi xem trong lòng có biến chuyển gì không. Ngay hôm nay, vào lúc thinh lặng cuối ngày, vào phút kiểm điểm sau giờ nguyện ngắm, bạn hãy nhìn lại xem những biến chuyển nội tâm trong ngày hoặc trong giờ vừa qua. Như thế, bạn bắt đầu làm quen với việc phân định, tức là khả năng bén nhạy trước những thúc giục nội tâm khác nhau của Chúa Thánh Thần và của thần dữ.

 

Việc phản tỉnh nhìn xem nội tâm như thế được gọi là một nội quan, có thể so sánh nhưng cũng hoàn toàn khác với việc chụp ảnh các bộ phận bên trong cơ thể được gọi là nội soi. Việc học hỏi giáo lý nâng cao đem lại cho ta các quan điểm Kitô giáo về con người, xã hội, vũ trụ, lịch sử. Việc xét mình trong đối thoại với Thiên Chúa giúp ta được thức dậy dưới ánh sáng Chúa Thánh Thần, trong sự khiêm nhường của đức tin và đức mến, không bị lạc vào hai não trạng trái nghịch với sự thánh thiện là não trạng Pelagio và Ngộ đạo (x. Tông huấn « Vui mừng Hoan hỉ » của Đức Thánh Cha Phanxicô).

Mời bạn xem tiếp phụ lục 5.

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Gp Qui Nhơn

 

Phụ lục 5
ĐIỀU TỐT THẬT VÀ ĐIỀU TỐT GIẢ

 

Khi cuộc sống cả thành phố thình lình bị cách ly và phong tỏa, ai cũng tự động buông bỏ rất nhiều điều trước kia vẫn tưởng là rất quan trọng và cần thiết. Mạng sống trở thành thước đo gạn lọc mọi thứ. Mạng sống đời đời của ta cũng thế: “Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26)  Buông bỏ tội lỗi và điều xấu là chuyện đương nhiên, ta không cần nhắc tới. Ở đây ta chỉ bàn về việc buông bỏ những điều tốt đã là cớ cho ta “quyến luyến lệch lạc” và “mê thích”. Tại chương đầu quyển I Đường Lên Núi Cát Minh, Thánh Gioan Thánh Giá đã nói ngay tới hai sự buông bỏ, trên hai bình diện giác quan và tâm linh.

 

Trong tĩnh tâm và nguyện ngắm, ta buông bỏ những tư tưởng và hình ảnh không đưa ta đến gần Chúa… Về giữa cuộc sống thường ngày, ta buông bỏ những lời không hay, những xét đoán vội vã, những thành kiến, những tích cóp không cần thiết… Nói chung, nhờ “xem quả biết cây”, ta nhận dạng được những “cây xấu”, những điều tốt không hợp tình hợp cảnh hoặc không đúng chừng mực, những điều tốt cần buông bỏ.

 

Xét lại giờ nguyện ngắm và kiểm điểm cuối ngày, sau khi đã nhận dạng phân biệt rõ điều tốt thật với điều tốt giả, bạn có thể thăm dò xa hơn để biết những điều tốt thật và điều tốt giả ấy đã bắt đầu như thế nào. Nhờ đó, bạn sẽ nhận ra đường đi nước bước khác nhau của ơn Chúa và của cám dỗ.

 

Kinh nghiệm đầu tiên mà Thánh I Nhã nắm bắt được dưới đây giúp ta hiểu rõ điều vừa nói, để áp dụng thử cho bản thân và sau đó để chúng ta cùng bàn tiếp dự phóng Trường Cao Đẳng Giáo Lý trực tuyến.

 

NHẬN RA HẠT GIỐNG CỎ DẠI

Trong hồi ký “Những Bước Ðường Theo Chúa”, Thánh I Nhã kể lại việc nhận ra và theo dõi những tâm trạng tốt (+) và những tâm trạng xấu (-) rồi đối chiếu so sánh để thấy rõ ý nghĩa của chúng (&).

“Hồi ấy, khi đọc về cuộc đời Chúa Giêsu và các thánh, thỉnh thoảng anh suy nghĩ và tự nhủ: (+) “Giả như tôi làm những điều thánh Phanxicô và thánh Ðaminh đã làm thì sao?” Anh cũng nghĩ đến nhiều điều cho là tốt và luôn luôn nhắm đến những việc khó khăn và nhọc nhằn. Khi tự đề ra cho mình những việc ấy, anh có cảm giác là sẽ dễ thực hiện. Trong suốt thời gian suy tính như vậy, anh vẫn tự nhủ: “Thánh Ðaminh đã làm điều này, vậy tôi cũng phải làm; thánh Phanxicô đã làm điều kia, vậy tôi cũng phải làm.” Cả những suy nghĩ ấy cũng kéo dài một lúc lâu, (-) rồi bị những ý tưởng khác cắt ngang, và tâm trí anh lại quay về với những ý tưởng trần tục đã nói trên; những ý tưởng này cũng kéo dài một lúc lâu. (&) Những ý tưởng rất khác biệt như vậy lần lượt nối tiếp nhau trong một thời gian lâu dài. Dầu là những kỳ tích thế gian mà anh ước ao đạt được hay những kỳ tích mà trí tưởng tượng gợi lên để anh làm cho Thiên Chúa, anh luôn luôn dành thời giờ để suy nghĩ về những điều hiện đến trong trí, cho đến khi mệt, anh mới bỏ điều này để nghĩ sang điều khác.

 

Dầu vậy, có sự khác biệt này: (-) khi nghĩ đến những chuyện thế gian, anh rất thích thú; nhưng khi mệt mỏi, thôi không nghĩ nữa, lại thấy trống rỗng và buồn chán; (+) trái lại, khi nghĩ về việc đi chân đất đến Giêrusalem, chỉ ăn rau cỏ, và làm những việc khổ chế như các thánh đã làm, chẳng những ngay lúc ấy anh cảm thấy an ủi, mà cả sau khi thôi không nghĩ đến nữa vẫn thấy vui và thích. (&) Lúc đầu anh không để ý điều ấy nên không dừng lại để suy xét về sự khác biệt. Một hôm, mắt anh phần nào mở ra: anh bắt đầu ngạc nhiên về sự khác biệt này, nên khởi sự suy tư. Kinh nghiệm cho anh thấy (-) có những ý tưởng khiến anh buồn, (+) có những ý tưởng giúp anh vui. (&) Dần dần anh nhận ra các tác nhân khác nhau tác động nơi mình, tác động của ma quỉ và tác động của Thiên Chúa.

 

Ðó là lần đầu tiên anh suy tư về những điều thuộc về Thiên Chúa. Sau này, khi tập Linh Thao, anh sẽ khởi từ đây để rút ra những ánh sáng đầu tiên về các tác nhân khác nhau.” (Sđd, chương “Được mời gọi phục vụ Đức Kitô”, số 7-8)

 

Công danh sự nghiệp, (+) xét như là điều kiện thuận lợi để phục vụ công ích vốn là chuyện bình thường, không có gì xấu nhưng (-) khi chúng được đề ra như miếng mồi lôi ta ra khỏi Thiên Chúa thì chúng trở thành xấu. Từ kinh nghiệm sống ấy, Thánh I Nhã đã đúc kết được một quy tắc quan trọng giúp nhận rõ những thúc giục nội tâm khác nhau, bắt nguồn từ thần dữ (-) hay thần lành (+), để phân biệt một bên là ham thích chủ quan (-), một bên là ý Thiên Chúa (+) (Linh Thao, số 328-336):

 

Đối với những người đang tiến tới, thần lành soi dẫn linh hồn cách êm ái, nhẹ nhàng và dịu ngọt, như giọt nước thấm vào miếng bọt biển; còn thần dữ thì thúc đẩy cách chát chúa, ồn ào và sôi động, như giọt nước rơi trên đá. Với những người sa sút, thì các thần nói trên hành động ngược lại. Lý do là tùy theo tình trạng của linh hồn trái ngược hay hòa hợp với các thần nói trên, vì khi trái ngược, thì các thần xâm nhập cách ồn ào, dễ cảm thấy và nhận ra, còn khi hòa hợp thì các thần ấy xâm nhập lặng lẽ như vào nhà mình, cửa mở” (Thánh I Nhã, LT 335, Quy tắc VII).

 

HAI SỰ THÚC GIỤC

Quy tắc ấy được áp dụng cho đời sống tâm linh và việc cầu nguyện khi ta kiểm điểm giờ nguyện ngắm, đồng thời cũng có thể áp dụng cho mọi việc đời thường khi ta tổng kết cuối ngày.

Quy tắc ấy nói về cách thúc giục của đôi bên đối với những người đang tiến tới (còn với những người sa sút, thì các thần nói trên hành động ngược lại), nhờ đó mà ta có thể nhận biết đúng nguồn của sự thúc giục.

 

Bạn đang thành tâm tiến bước trên đường lành (Đừng quên rằng đối với những người sa sút, các tín hiệu sẽ ngược lại). Tối nay, khi kiểm điểm cuối ngày, bạn hãy nhớ lại những câu nói và những phản ứng có âm hưởng đáng kể trong ngày. Dựa trên âm hưởng tích cực (+) hay tiêu cực (-) của chúng, bạn sẽ nhận dạng chúng là điều tốt thật (+) hay điều tốt giả (-).

 

Tiếp đó, bạn đi ngược lên để nhớ lại tâm trạng của mình trước khi nói hay làm những điều ấy. Liền trước câu nói hay phản ứng tích cực (+), bạn có tâm trạng êm ái, nhẹ nhàng và dịu ngọt, như giọt nước thấm vào miếng bọt biển; ngược lại, liền trước câu nói hay phản ứng tiêu cực (-) bạn có tâm trạng chát chúa, ồn ào và sôi động, như giọt nước rơi trên đá. (Xin lưu ý, có lắm điều tốt bạn đã nói hay đã làm cách đột xuất, như thể đương nhiên phải làm, không cần cân nhắc gì cả thì cũng chẳng kịp có tâm trạng nào báo trước. Điều này tương tự với những an ủi không có nguyên do, được nói tới trong LT 336).

 

Để dễ hiểu hơn, chúng ta hãy mổ xẻ một kinh nghiệm có chung giữa bạn và tôi: Cảm nghĩ của chúng ta về điều đang dự phóng, tức là về chương trình Trường Cao Đẳng Giáo Lý Trực Tuyến. Nếu bạn đã cho rằng đó chỉ là chuyện viển vông và không nghĩ gì đến thì không cần bàn nữa. Còn nếu đã có nghĩ đến, bạn thử nhớ lại xem tâm trạng có chi tiết nào khiến bạn sôi nổi hưng phấn (-) và có chi tiết nào khiến bạn ưu tư cân nhắc (+). Mời bạn ghi nhận và đối chiếu với kinh nghiệm của tôi.

 

Thoạt đầu tôi sôi nổi nghĩ đến viễn cảnh đầy lạc quan, sẽ có những học viện các Dòng hưởng ứng chương trình này, không ít. Ít lâu sau, tôi nhận ra đó chỉ là ảo tưởng (-). Tôi gạt bỏ hết và tập trung hẳn vào một câu hỏi: Nếu đề án được một cấp thẩm quyền quan tâm, trong thực tế phải làm gì? (+) Đang khi suy nghĩ, hễ điều gì thấy hào hứng là tôi gạt ngay (-), chỉ giữ lại những gì khiến mình phải cau mày suy nghĩ (+). Kết quả, còn lại nội dung hiện có nơi phần ba của bài 5: “Những kỷ niệm về một ngôi trường sẽ có”.

 

Như thế, bạn bắt đầu phân biệt được hai sự thúc giục khác nhau, một bên của ảo tưởng (-) và một bên của sự thật (+). Những ngày sắp tới đây, bạn hãy thăm dò như thế trước những thực tế của đời bạn. Rồi bạn sẽ thấy, giữa lúc bạn đang chí thú hướng về sự thiện, nếu có cảm hứng nói hay làm một điều tốt mà lòng quá háo hức sôi nổi, bạn cứ theo dõi thử và sẽ thấy thường đó đúng là tín hiệu cho thấy điều tốt ấy chỉ là một điều chủ quan, sẽ đưa tới hậu quả không tốt.

 

Thưa bạn đọc, cuộc thực tập “như thể chuyện đùa” này chạm đến điều mà gần đây các văn kiện về huấn luyện của Tòa thánh nhấn mạnh nhiều: Khả năng phân định. Khả năng phân định của người tín hữu Kitô không những tùy thuộc cái nhìn đức tin mà còn tùy thuộc lòng yêu mến Chúa và Hội thánh. Nếu thiếu khả năng phân định, người ta sẽ biến phần việc mình phụ trách thành công cuộc nhân loại, không còn là công cuộc của Thiên Chúa. Khi có được một trường trực tuyến, thách đố lớn cần vượt qua là làm sao huấn luyện được khả năng phân định, nếu không, dù học viên thu hoạch được nhiều hiểu biết đến đâu họ vẫn chưa xứng danh là trí thức Công giáo.

 

Trong loạt bài này, chúng tôi chỉ nêu một vài nét minh họa để giúp độc giả có được những khái niệm ban đầu và một cái nhìn tổng quát về phân định. Muốn tìm hiểu rõ hơn, xin tìm đọc những bài viết trên các trang truyền thông Dòng Tên, quyển “Phân định thiêng liêng” của Dòng Tên mới do Nhà sách Đức Bà Hòa Bình ấn hành tháng 3-2020, hoặc cũng có thể đọc hai quyển sách của chúng tôi, tựa đề “Phân định giữa đời thường” và “Sổ tay kinh nghiệm tĩnh tâm - Con lại thuộc về Chúa” [5] cũng do Nhà sách Đức Bà Hòa Bình ấn hành.

 

Khác với sự phân định nơi các tôn giáo khác, sự phân định Kitô giáo nhằm tìm ý Chúa, không chỉ nhằm phân biệt lành dữ mà còn nhằm phân biệt điều tốt thật với điều tốt giả, phân biệt ý Chúa với điều ưa thích chủ quan. Nó đặt ra vấn đề phải nhận rõ và vượt thắng được những cám dỗ làm điều tốt.

 

CÁM DỖ LÀM ĐIỀU TỐT

Khi ta đã quyết tâm tiến bước trên đường lành, thần dữ thôi cám dỗ ta làm điều xấu; chúng quay sang xúi giục ta làm những điều có vẻ rất tốt nhưng thật ra lại không hợp ý Thiên Chúa. Tiêu biểu nhất về cám dỗ làm điều tốt là chuyện những người được nhắc tới trong Mt 7,21-23. Họ đã nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ, toàn là những điều tốt nhưng do thiếu phân định, họ chỉ làm điều tốt mình thích chứ không làm điều tốt Chúa muốn cho họ, do đó họ bị Chúa kết án là “làm điều gian ác”.

 

Hướng đến kỷ niệm 500 năm Tin mừng đến trên quê hương Việt, trước khi nhìn tới, có lẽ ta cần nhìn lại khoảng 100 gần đây, lượng giá xem giới Công giáo Việt Nam có những ưu điểm nào cần phát huy và những khuyết điểm nào cần rút kinh nghiệm? Năm 2010, khi Đức Hồng y GB Phạm Minh Mẫn chuẩn bị mở Đại Hội Dân Chúa, trang mạng daihoidanchua.net đã tiếp nhận được khá nhiều thư góp ý, đủ để Ban Tổ chức soạn được một tài liệu làm việc giàu ý nghĩa. Ngày nay cũng thế, nếu có một diễn đàn chung, chắc hẳn sẽ tiếp nhận được nhiều đóng góp.

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Gp Qui Nhơn

 

Phụ lục 6 CUỘC THANH TẨY TRƯỜNG KỲ

“Hãy trở về với nội tâm và giữ thinh lặng, đó là nơi Chúa nói với chúng ta. Hãy sống sự nghèo khó với một cường độ thật mạnh. Vì cuối cùng, hàng loạt các thông điệp mà chỉ như mưa không ướt đất thì cũng không mang lại hoa trái gì” (Đức Cha Gómez Cantero).

 

Mục tiêu đã đề ra cho Trường Cao đẳng Giáo lý trực tuyến là rèn luyện những người có học, có cái nhìn đức tin và có lòng đạo. Giữa ba tiêu chí ấy, bạn không thấy bóng dáng của sự hoàn thiện luân lý mà nếu có, chắc bạn sẽ cảm thấy hơi lo vì nó chạm đến nỗ lực của sức người . Tiêu chí có lòng đạo có thể dẫn chúng ta đi còn xa hơn sự hoàn thiện luân lý gấp bội, cả đến thí mạng sống vì người mình yêu mến, vẫn không làm ta sợ vì đây là việc của ơn Chúa. Phụ lục này muốn hé mở cho bạn thấy một chiều kích khá bất ngờ tại Trường Cao đẳng Giáo lý, là về nội dung thứ hai và thứ ba, chính Thiên Chúa huấn luyện ta chứ không phải con người. Chính tình yêu mến là bí quyết giúp ta khỏi bị suy thoái xuống tình trạng tục hóa.

 

1. CẠM BẪY VÀ PHƯƠNG TIỆN

Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự làm phương tiện cho con người hưởng dùng mà phụng sự Ngài và tiến đến hiệp nhất với Ngài. Thế nhưng tội nguyên tổ đã khiến lòng người thay đổi, do đó, mọi vật đồng thời cũng có thể thành nguy cơ khiến ta xa lìa Thiên Chúa. Vật chất tiền bạc có thể giúp người này thành quảng đại vị tha, đóng góp thật nhiều cho ích chung, nhưng cũng có thể khiến người khác thành bủn xỉn, keo kiệt và ích kỷ. Quyền bính và thế lực có thể khiến vua Saul và vua Salômôn mất lòng Chúa nhưng lại có thể giúp vua Đavít và vua Luy sau này ở Pháp hay vua Stêphanô ở Hungari trở nên những vị thánh. Đang khi thử thách khiến bao người rơi vào tuyệt vọng thì lại khiến cho ông Giuse (con ông Giacóp) và ông Môsê thành những vĩ nhân. Với những người khó tính, chuyện gì cũng có thể khiến họ nhăn nhó; ngược lại, với những người lạc quan, mọi chuyện đều có thể đem lại niềm vui.

 

Cùng lúc, mọi sự có thể thành nguy cơ hoặc vận may, thành cạm bẫy hoặc phương tiện. Ngoại cảnh vốn vô thưởng vô phạt nhưng sẽ tùy theo lòng người mà trở thành phúc hay họa. Với những người không màng thụ tạo, chỉ tha thiết sống đẹp lòng Thiên Chúa, ngoại cảnh dù hấp dẫn lôi cuốn tới đâu vẫn không thể khiến họ mất tự do. Còn với những người hay chiều theo mê thích, một chút vật chất đủ khiến lòng họ thành tối tăm và bị đảo lộn. Như đã nói ở phụ lục 4, mê thích là sự tha thiết trong một linh hồn khi linh hồn ấy đã biết một quyến luyến nào đó là không ổn mà vẫn cứ theo đuổi hoặc dung dưỡng nó.

 

Vì thế, muốn được tự do hướng về Thiên Chúa tận cõi lòng và được hiệp nhất với Ngài trong cùng một lòng muốn và trong tình yêu, người tín hữu cần biết thanh tẩy cả giác quan và cõi lòng khỏi mọi mê thích.

 

2. TỰ THANH TẨY

ĐÊM ĐEN DIỄM PHÚC

Người ta thường nhắc tới "đêm đen" như biểu tượng của thử thách, nhưng trong Đường Lên Đỉnh Cát Minh, quyển I, Thánh Gioan Thánh Giá lại dùng để chỉ việc thanh tẩy chủ động. Ngài gọi sự diệt trừ các mê thích là sự thanh tẩy bằng đêm dày, vì lúc ấy linh hồn dường như cảm thấy chìm trong tăm tối. Thế nhưng chính sự tăm tối ấy lại là hoàn cảnh thuận lợi cho linh hồn trốn thoát khỏi mọi sự để chạy đến với Đấng Yêu Mến:

Nhờ một đêm dày đặc,

Nồng nàn yêu thương và âu lo,

Ôi vận may diễm phúc!

Tôi đã ra đi không bị để ý,

Mái nhà tôi đã thật yên hàn.

 

Ở đây, đêm có nghĩa là sự thanh tẩy bằng buông bỏ. Thánh Gioan Thánh Giá gọi cuộc thanh tẩy này là đêm. Để được tự do, thoát khỏi mọi ràng buộc, linh hồn cần biết lợi dụng "đêm dày" như một cơ hội tốt để ra đi. Đêm dày, tức là khi mọi mê thích đã bị chế ngự và thiếp ngủ, căn nhà của mọi mê thích là các giác quan đã được bình an. Nếu đêm chưa chịu buông xuống thì chỉ còn cách là nhắm mắt bịt tai, bỏ lại phía sau tất cả và can đảm chạy trốn.

Để tiến đến hiệp nhất với Thiên Chúa, linh hồn cần trải qua cuộc thanh tẩy trường kỳ.

 

THANH TẨY GIÁC QUAN BÊN NGOÀI

Với những người mới bước vào đường tâm linh, còn liên tục bị cám dỗ làm điều xấu, cần chú tâm thanh tẩy và làm chủ các giác quan bên ngoài. Cần đóng các giác quan lại trước những mời mọc của thế gian. Bởi lẽ giác quan là cửa sổ của linh hồn, nếu để hớ hênh, linh hồn rất dễ bị thương, bị tê liệt và có thể bị lún sâu trong não trạng chủ bại. Kinh nghiệm cho thấy ta càng chiều theo mê thích, nó càng mạnh, ngược lại, ta càng phớt lờ nó, nó càng yếu, dù đó là rượu bia, thuốc lá hay hình ảnh xấu. Thế gian thiết kế đủ thứ cạm bẫy để lôi cuốn ta và chận bắt linh hồn ta làm nô lệ, nhưng chỉ cần ta không màng đến chúng là chúng bó tay. Cần thanh tẩy và làm chủ các giác quan: mắt nhìn, tai nghe, miệng nói, kể cả đụng chạm, ăn uống và nếm cảm… Ma quỷ bày cho ta những cách nguỵ biện rất tài tình để che giấu những dính bén lệch lạc. Đừng dại dột chiều theo một mê thích nào, dù chỉ nhỏ như sợi tơ, nó vẫn trói buộc được lòng ta. "Một con chim đã bị cột thì cột bằng một sợi chỉ mảnh mai hay bằng một sợi dây lớn có khác gì mấy? Dù sợi chỉ có mảnh mai đến đâu, bao lâu con chim chưa giựt đứt được để bay lên thì vẫn còn bị cột như cột bằng sợi dây lớn." (1Lên 11,4). Ta cần xin Chúa Thánh Thần giúp ta phát hiện và cắt đứt những sợi tơ ấy.

 

THANH TẨY QUAN NĂNG BÊN TRONG

Với những người đã tiến khá xa trên đường tâm linh, thay vì cám dỗ làm điều xấu, ma quỷ tìm cách cám dỗ họ làm những điều tốt lệch lạc. Những cám dỗ làm điều tốt này khó phát hiện và khó vượt thắng vì chúng nương theo những lệch lạc chủ quan nơi ba quan năng bên trong của ta là trí năng, ký ức và lòng muốn (ý chí).

 

Ở bước đầu (giai đoạn luân lý), do ảnh hưởng của tội nguyên tổ và môi trường xã hội ô nhiễm, cả ba quan năng đều dễ hướng về điều xấu, bị cám dỗ chiều theo điều xấu và bị kẹt trong điều xấu. Trí năng còn ngu muội, dốt nát, tò mò tìm hiểu những điều không nên, những điều tốt không cần thiết hoặc không dành cho mình; nó cũng có thể quá ham hiểu biết thụ tạo đến quên Thiên Chúa. Ký ức thì ghi nhớ và vẽ vời những điều xấu; xét đoán, in trí. Lòng muốn dễ nghiêng về điều xấu.

 

Khi đã tiến khá xa (giai đoạn hướng thần), ta lại dễ lấy trí khôn chật hẹp của con người để đo lường và phê phán các mầu nhiệm của Thiên Chúa; nhìn Thiên Chúa và công cuộc của Ngài theo quan điểm riêng (x. não trạng ngộ đạo). Ký ức dễ ghi nhớ, lo lắng hoặc vẽ vời những điều tốt không cần thiết hoặc không dành cho mình; lo bị người khác xét đoán, âu lo sợ hãi, thêu dệt những dự phóng ảo tưởng, tự mãn về thành tích. Còn lòng muốn thì ao ước chiếm hữu hoặc thực hiện những điều tốt không cần thiết hoặc không dành cho mình (x. não trạng Pelagio).

 

Muốn thanh tẩy được ba quan năng ấy, ta cần phát huy ba nhân đức căn bản là khiêm nhường, buông bỏ và yêu thương, đồng thời khẩn nài Thiên Chúa ban thêm ba nhân đức hướng thần là tin, cậy và mến. Nhờ đó ta sẽ có được thinh lặng nội tâm, nghĩa là thinh lặng từ trong trí năng, ký ức, óc tưởng tượng, cho đến lòng muốn, để hoàn toàn hướng về Thiên Chúa. Ta mất thinh lặng nội tâm khi chạy theo sự đánh giá của thế gian. Để tìm lại thinh lặng nội tâm, ta sẽ gạt bỏ mối bận tâm về sự khen chê của người đời, và chỉ tập trung sống dưới cái nhìn của Thiên Chúa, sống hiện diện trước Thiên Chúa, trong tâm tình yêu mến Ngài. Như em học sinh ngoan, không đếm xỉa gì tới những phê phán hão huyền của đám trẻ lêu lổng, chỉ chú tâm học hành vì yêu mến cha mẹ và vì giá trị của chính mình. "Tình yêu không cốt ở những rung cảm mãnh liệt nhưng cốt ở chỗ triệt để buông bỏ và chịu đau khổ vì người mình yêu." (Thánh Gioan Thánh Giá). Tình yêu chính là sức mạnh và là hướng đi của sự thinh lặng nội tâm.

 

3. ĐÓN NHẬN THANH TẨY

THANH TẨY BẰNG THỬ THÁCH

Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh. Chuẩn mực hoàn thiện không do loài người tự định đoạt nhưng do chính Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đề ra định mức và giành quyền thanh tẩy những kẻ Ngài muốn ban cho ơn hiệp nhất với Ngài.

 

Thiên Chúa đã chạm đến các ngôn sứ, có thể bằng lửa hồng, để thanh tẩy họ trước khi trao sứ mạng (x. Is 6,5-7; Gr 1,9; Đn 10,15-16). Ngài yêu cầu con người phải tự lột bỏ trước khi đi vào đối thoại với Ngài (x. Xh 3,5).

 

Cuộc thanh tẩy thụ động (nghĩa là do Chúa chứ không do sức người) có thể diễn ra hoặc trên tâm linh, với những thử thách đức tin, hoặc trên đời sống hoạt động, với những thất bại, sỉ nhục và bị bỏ rơi…

 

Cuộc thanh tẩy tâm linh (cũng gọi là đêm tâm linh) là môi trường đào luyện một tình yêu hết sức thuần khiết. Những linh hồn nồng nàn yêu Chúa sẽ rất khao khát được qua đêm ấy. Do đó, dù đây là một cuộc thanh tẩy hoàn toàn thụ động, là một ơn ban không và là một công cuộc của chính Thiên Chúa chứ không thuộc về nỗ lực của con người, ta cần tích cực đưa tay ra để cho Thiên Chúa dẫn dắt chứ không ngồi khoanh tay chờ.

 

Ta cần xin Chúa Thánh Thần dạy cho biết quảng đại đón nhận tác động sáng tạo của Thiên Chúa (và cũng là sự thanh tẩy của Thiên Chúa, nhìn từ phía con người là một sự thanh tẩy thụ động). Có những người không biết Thiên Chúa, không đặt vấn đề đi tìm ý Chúa, và không nghĩ rằng mục tiêu đời người là để thực hiện dự phóng của Thiên Chúa và để được hiệp nhất sâu xa với Ngài, do đó họ chỉ coi việc xây dựng đời sống tâm linh như một nỗ lực nhân loại và một sự nghiệp cá nhân chứ không như một công cuộc của Thiên Chúa. Những người ấy sẽ không thấy cần phải có một cuộc thanh tẩy do Thiên Chúa (x. não trạng Pelagio). Còn đối với những ai mưu tìm công cuộc của Thiên Chúa nơi bản thân và khao khát sống hiệp nhất với Thiên Chúa, sẽ thấy ngay rằng chính cuộc thanh tẩy thụ động mới đóng vai trò quyết định, bởi lẽ, ngoài Thiên Chúa, không ai khác có thể đưa ta tới chỗ hiệp nhất với Ngài.

 

THANH TẨY Ở NGƯỠNG CỬA THIÊN ĐÀNG

Thiên Chúa là Đấng Chí Thánh, cho nên ta phải thanh tẩy trường kỳ mới có thể tiến đến hiệp nhất với Ngài. Việc thanh tẩy ấy nếu chưa xong ở đời này sẽ được hoàn tất ở đời sau. Luyện ngục không phải là sự trừng phạt nhưng là sự thanh tẩy Thiên Chúa dành cho những kẻ Ngài yêu mến. Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo về "luyện ngục" đem lại cho ta niềm hy vọng mãnh liệt:

"Với cái chết, sự chọn lựa trong cuộc đời của chúng ta trở nên chung cuộc, dứt khoát. Sau nhiều khả năng lựa chọn đa dạng suốt dọc dài cuộc đời, sự chọn lựa của chúng ta giờ đây có một hình thù nhất định.

 

Có những con người mà mọi thứ trong đời họ đều là dối trá, và cũng có những con người đã sống cho thù hận và đè bẹp mọi thứ tình yêu trong lòng họ. Những diện mạo đáng lo ngại như thế có thể thấy được nơi một số nhân vật nhất định trong lịch sử của chúng ta. Nơi họ, mọi sự đã hết thuốc chữa và sự tàn lụi điều thiện trong họ không thể nào đảo ngược lại: kết thúc của họ là Hỏa ngục. Mặt khác, cũng có thể có những người hoàn toàn trong sạch, toàn bộ cuộc đời hoàn toàn được thấm nhuần Thiên Chúa, và hành trình của họ đến với Chúa chỉ là mang thêm sự viên mãn vốn họ đã có sẵn (và họ được tiến thẳng vào thiên đàng).

 

Cả hai trường hợp ấy đều không là bình thường trong đời sống nhân loại. Phần đông người ta (dù còn vướng mắc tội lỗi), tận thẳm sâu cõi lòng, vẫn còn một sự cởi mở tối hậu bên trong dành cho sự thật, cho tình yêu, và cho Thiên Chúa… Cái gì sẽ xảy ra cho các cá nhân này khi họ đến trước Tòa Phán Xét? Theo Thánh Phaolô, đời sống Kitô được xây dựng trên một nền tảng chung là Đức Giêsu Kitô. Nền tảng này trường tồn. "Người ta có thể dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ, rơm mà xây trên nền đó. Nhưng công việc của mỗi người sẽ được phơi bày ra ánh sáng. Thật thế, Ngày của Chúa sẽ cho thấy công việc đó, vì Ngày ấy tỏ rạng trong lửa; chính lửa này sẽ thử nghiệm giá trị công việc của mỗi người. Công việc xây dựng của ai tồn tại trên nền, thì người ấy sẽ được lĩnh thưởng. Còn công việc của ai bị thiêu huỷ, thì người ấy sẽ phải thiệt. Tuy nhiên, bản thân người ấy sẽ được cứu, nhưng như thể băng qua lửa." (1 Cr 3,12-15).

 

Một vài thần học gia mới đây có ý kiến cho rằng lửa vừa thiêu đốt vừa cứu chuộc ấy chính là Chúa Kitô, vị Thẩm Phán và là Đấng Cứu Thế. Cuộc gặp gỡ với Ngài là hành động phán xét chung cuộc. Trước ánh mắt Ngài tất cả những gì là giả trá sẽ tan biến. Sự gặp gỡ Ngài vừa thiêu đốt chúng ta, vừa cải biến chúng ta và giải thoát chúng ta, khiến chúng ta trở nên con người chính thật của mình. Tất cả những gì chúng ta xây dựng trong đời có thể chỉ là rơm rạ, rỗng tuếch và sụp đổ. Vậy mà trong cái đau đớn của cuộc gặp gỡ này, khi những dơ bẩn và bệnh hoạn của cuộc đời được phơi bày ra trước mắt chúng ta, thì ơn cứu rỗi nằm ngay ở đó. Cái nhìn của Chúa và sự va chạm của trái tim Ngài chữa lành chúng ta qua một biến cải chắc chắn là đau đớn "như đi qua lửa"… Nhưng đó là một sự đau đớn được chúc lành, trong đó quyền lực cực thánh của tình yêu Người xuyên thấu chúng ta như một ngọn lửa, giúp chúng ta trở nên hoàn toàn là chính mình và nhờ đó hoàn toàn thuộc về Chúa. Bằng cách này sự tương quan giữa công lý và ân sủng cũng trở nên rõ ràng…

 

Vào lúc chung thẩm chúng ta cảm nhận và hấp thụ quyền lực vô biên của tình yêu Ngài trên tất cả sự dữ trong thế gian và trong chúng ta. Nỗi đau của tình yêu trở nên ơn cứu rỗi và niềm vui của chúng ta. Rõ ràng là chúng ta không thể đo lường "thời gian" của sự thiêu đốt biến cải này bằng những đơn vị đo lường thời gian của trần thế. "Giờ phút" biến cải trong cuộc gặp gỡ này vượt quá ước tính thế gian. Đó là thời khắc của con tim, đó là thời gian của cuộc "vượt qua", để tiến đến hiệp thông với Thiên Chúa trong Nhiệm Thể Chúa Kitô." (ĐGH Bênêđictô 16, Thông điệp Spe salvi, số 45-47).

 

4. CUỐI CUỘC HÀNH TRÌNH

Khi theo đuổi mục tiêu tự nhiên là sống tự do trước sức ép của xã hội tiêu thụ, ta cũng nhận được phần nào kết quả siêu nhiên là sự hiệp nhất với Thiên Chúa, và khi theo đuổi mục tiêu siêu nhiên thì cũng đã bảo đảm được mục tiêu tự nhiên. Cuối cùng, tất cả sẽ đạt tới một tột đỉnh. Phải chờ khi tác phẩm hoàn thành, ta mới thấy rõ ý nghĩa và giá trị của từng nhát búa hay đường dao của điêu khắc gia. Phải về đến đích rồi, ta mới thấy rõ mỗi bước trên đường đi đều cần thiết. Còn chính đang lúc đi đường, đang lúc bị thử thách, ta thường khó chấp nhận những cái gay go khốn khổ. Chỉ khi nào có thinh lặng nội tâm sâu xa, ta mới hiểu được giá trị của thử thách và hân hoan đón nhận nó. Thiếu thinh lặng nội tâm, ta sẽ quên mất căn tính của mình và sẽ khó mà nhớ ra đâu là giá trị thật của mình.

Những buông bỏ trên hành trình cuộc đời lắm lúc thật gay go, như thể phải chết đi sống lại, đến nỗi thánh Gioan Thánh Giá gọi nó là đêm đen dày đặc. Tuy nhiên, khi trong lòng đã có được một tình yêu nồng nàn, đêm dày sẽ trở thành vận may diễm phúc.

Không một ánh sáng và kẻ dẫn đường nào khác

Ngoài chút sáng cháy trong tim.

Chút sáng ấy đã hướng dẫn tôi

Chắc chắn hơn ánh sáng giữa trưa,

Dẫn đến nơi có người đợi tôi

Người mà tôi biết rõ,

Đợi ở phía không ai lai vãng.

 

 

Phụ lục 7
PHÚC ÂM HÓA THEO CÁCH CỦA TRẺ EM

 

Xin trở lại bài toán ban đầu: Tuổi thơ.

Trong lúc chờ các cấp thẩm quyền quyết định mở Trường Cao đẳng Giáo lý trực tuyến, có một điều cần làm ngay là chính bạn hãy mở ngay tại nhà một lớp học một thầy một trò cho một cháu thiếu niên nhi đồng của nhà mình hay của lối xóm. Đó là một lớp tiểu học Giáo lý tại chỗ, vừa dạy giáo lý vừa huấn luyện tinh thần đức tin và hồn tông đồ. Bạn đã đọc hết sáu phụ lục, hẳn bạn có thể tự nghĩ ra cách giúp cho trẻ thơ. Dù vậy, tôi xin nói thêm đôi điều.

 

Trước hết, trẻ em chẳng thể nào hiểu được phúc âm hóa là gì, ta cần diễn nôm ra là “làm cho mọi sự thấm nhuần tinh thần Tin mừng”, là ‘làm dậy men Tin mừng” như mẹ đem bột nổi nhồi vào bột để làm bánh. Tục hóa cũng sẽ bị hiểu lầm là chuyện gì đó tục tĩu. Ô, không phải thế, ở đây Giáo hội muốn nói đến thói ham tiền, coi tiền bạc là nhất. Muốn thắng thói ham tiền, ta cần thấm nhuần tinh thần nghèo khó của Tin mừng. Muốn cho chính bản thân được dậy men Tin mừng, ta cần có những thói quen tốt.

 

NHỮNG THÓI QUEN

Với năm ngón tay bạn đếm được năm chữ quan trọng của cuộc sống hằng ngày: nhân, nghĩa, lễ, trí và tín. Nhân là yêu thương, nghĩa là có tinh thần trách nhiệm, lễ là biết kính trọng mọi người, trí là biết suy nghĩ cân nhắc và tín là biết giữ lời hứa.

 

Ở một chỗ nào đó, chúng ta đã bàn chuyện cần sắm cho mỗi trẻ em một quyển Tân ước nhỏ, dạy các em mở đọc Tin mừng mỗi ngày, chú tâm khi lắng nghe Lời Chúa, biết năng nguyện tắt, vào viếng Chúa khi đi học giáo lý, sống chân thật và vâng lời, rồi còn dạy các em biết ấn định giờ đọc sách mỗi ngày. Ở phụ lục 1, bạn đã biết bài ca tâm niệm của các em thiếu nhi Công giáo với nhiều điều các em cần nhớ.

 

Với năm ngón tay bạn có thể xếp được tất cả những điều ấy vào năm chữ nói trên cho gọn. Bốn chữ đầu, bạn có thể tìm thấy nhiều cách thực tập nơi những bài học luyện tính tốt. Riêng chữ tín là chuyện gay go cho thời buổi này, cần nói thêm một tí.

 

CHỮ TÍN: ĐIỀU NHỎ NGAY LÚC NÀY Ở ĐÂY

Có hai thực tập giữa đời thường:

- Đã hứa là giữ lời, điều gì không chắc có làm được chăng, tuyệt đối đừng hứa.

- Chu toàn điều nhỏ với lòng yêu mến lớn:

Làm xong từng việc một

Có việc trước việc sau

Mỗi việc đều thật tốt

Toàn thể sẽ tiến mau.

Điều ấy sẽ không khó nếu ta nhớ luôn có Chúa đang âu yếm nhìn ta, để nâng đỡ, khích lệ và khen thưởng. Nếu thấy khó tập trung, thỉnh thoảng hãy tập hít sâu thở chậm một vài hơi theo cách “tạ ơn theo hơi thở” dưới đây.

TẠ ƠN THEO HƠI THỞ

Bất cứ một bài tập nào cũng có một giây phút cầu nguyện. Để thực hành các bài tập đó, cần phải học hoặc ôn lại cách giữ mình thinh lặng, cách tập trung, cách hồi tâm ít là trong một giây lát.

Bạn có thể vận dụng chính hơi thở của bạn để tiến vào thinh lặng. Mời bạn thực tập như sau:

Ngay tại lớp học này, ngay tại chỗ bạn đang ngồi,

Bạn ngồi thẳng lưng,

Mặt hơi ngẩng lên, mắt nhắm hay mở cũng được, miệng hơi mỉm cười,

Xin Chúa Thánh Thần hoà vào hơi thở bạn,

- Bạn hít vào thật sâu, vừa hít vào vừa nhớ đến Chúa Cha và thầm nguyện trong trí: “Cha đang cho con tất cả”

- Bạn thở ra thật chậm, vừa thở ra vừa thầm nguyện: “Xin Cha nhận lấy con đây”.

 

Ä Nếu cầu nguyện với Chúa Giê-su thì nói: “Chúa đang cho con tất cả, xin Chúa nhận lấy con đây”.

Việc hít vào và thở ra như vậy, gọi là “tạ ơn theo hơi thở”. Bạn thử làm 5 lần hoặc 10 lần xem sao. Đây là bài tập căn bản, vì sẽ được tận dụng thường xuyên.

Mỗi ngày bạn thực tập bài “Tạ ơn theo hơi thở” nhiều lần và tối về, nhìn lại những lần thực tập ấy xem kết quả ra sao.

 

Khi lặp lại bài tập này ở nhà, xin bạn lưu ý:

Thời gian đầu nên chọn một nơi nào đó tương đối yên tĩnh, có thể là một góc vườn, hoặc ngay tại góc học tập của bạn, hoặc ngay tại phòng khách gia đình, vào một giờ yên tĩnh. Về sau đã quen, bạn có thể thực tập bất cứ tại đâu và bất cứ lúc nào.

 

Dù ngồi hay đứng, bạn nên giữ thẳng lưng. Nếu ngồi, có thể ngồi ghế, ngồi xếp bằng hoặc ngồi toà sen: Hai bàn tay nên để ngửa, đặt lên nhau. Nếu đứng, nên để hai tay buông thẳng, ngón trỏ khép nhẹ vào ngón cái. Những chi tiết này giúp bạn dễ tập trung trong tư thế nghỉ ngơi.

(Trích “Bước theo Thầy Giêsu” - trong Chương trình Giáo lý Phổ thông Gp. Nha Trang, Nxb Thuận Hóa, 1997, trang 9-10).

 

PHÉP NHÂN MỘT THẦY MỘT TRÒ

Chính Chúa Giêsu đã đề ra công thức dậy men (x. Mt 13,33). Công thức này không gì khác hơn là phép nhân một thầy một trò, chia sẻ cho một người khác để họ có cùng một kinh nghiệm và suy nghĩ như mình. Nếu bạn nắm vững bảy phụ lục nơi loạt bài này và chia sẻ được cho một người khác, phép nhân sẽ bắt đầu xảy ra. Nghe thì dễ nhưng thực hiện không dễ. Các bài học và bài tập có vẻ khá đơn giản, tuy nhiên phải mất cả một năm, học viên của bạn mới có thể bày lại cho người khác, tức là tự mở lấy lớp học một thầy một trò. Hãy thử và hẹn nhau, bất cứ ai được huấn luyện xong, mỗi năm đều mở lớp mới với một học viên mới.

 

Hiện nay là năm 2020. Sang năm, 2021, các bạn thành hai người. Năm 2022, bốn người. Năm 2023, tám người. Năm 2024, mười sáu người. Bạn hãy nhân tiếp. Tới lúc kỷ niệm 500 năm Tin mừng đến trên quê hương đất Việt, năm 2033, nhóm thầy trò của bạn đã lên tới 4.304 người - bằng tổng số các linh mục triều của 27 giáo phận hiện nay, năm 2020. 

 

Bạn cứ tiếp tục phép nhân đôi vừa dễ vừa khó ấy, đến năm 2047, lúc dân số Việt Nam khoảng chừng 120 triệu, thì tổng số thầy trò của bạn đã vượt trên 140 triệu chính xác là 141.033.472.

 

Nào, hạt men của Chúa, bạn thấy chuyện lớp học một thầy một trò là nghiêm túc đấy chứ? Vậy thì, với ơn Chúa, mỗi chúng ta hãy bắt đầu mở lớp học một thầy một trò ngay từ hôm nay.

 

Qui Nhơn ngày 07/5/2020

Lm Trăng Thập Tự Võ Tá Khánh
Gp Qui Nhơn

 

[1] https://sachkhuyenhoc.blogspot.com/p/fukuzawa-yukichi-vai-net-ve-than-va-su.html

[2] Xem trọn bài trong Kinh Nguyện Gia Đình và Gia Lễ Công Giáo, Nxb Hồng Đức, 2018, trang 204-206.

[3] Xem trọn bài trong Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu - Thực tập luật nghi hằng ngày (cho người mới tu), tại http://www.daophatngaynay.com/vn/kinh-dien/luat/12101-Ty-Ni-Nhat-Dung-Thiet-Yeu-Thuc-tap-luat-nghi-hang-ngay-cho-nguoi-moi-tu-.html

[4] Mời xem https://www.vaticannews.va/vi/church/news/2020-04/goi-y-cau-nguyen-voi-cuoc-thuong-kho-cua-cgs.html

 

[5] Có thể tải xuống từ:

https://www.dropbox.com/s/is0z7x9z4gnjn2x/So_tay_kinh_nghiem_tinh_tam_TTT.pdf

https://www.dropbox.com/s/k1sxj2pug00jqf4/phan_dinh_giua_doi_thuong_TTT_2019.pdf

==========