Bệnh Tật và Bí Tích xức dầu
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 6 QN Bệnh Tật và Bí Tích xức dầu
Người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giê-su, anh ta quì xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch” (Mc 1,40).
Hôm nay, chúng ta cùng tìm hiểu về bệnh tật.
Là người, ai trong chúng ta, ai cũng có bệnh hết; không bệnh này cũng bệnh kia. Có khác chăng là nặng hay nhẹ, ít hay nhiều thôi. Nhưng có cùng một điểm, đó là bệnh nào thì cũng làm cho chúng ta đau cả.
Bệnh tật trong đời sống con người. “Bệnh tật và đau khổ là những thử thách nặng nề nhất trong cuộc sống con người. Khi lâm bệnh, con người cảm nghiệm sự bất lực, giới hạn và sự hữu hạn của mình. Bệnh tật khiến con người ý thức về cái chết nhiều hơn” (x.GLCG, số 1500).
Quả vậy, khi chúng ta khỏe thì chúng ta muốn làm gì thì làm và cảm thấy mình “quyền năng” lắm. Thế nhưng, chỉ cần một cơn gió độc thoảng qua, làm cho con người chúng ta bủn rủn tay chân; muốn nhấc cánh tay lên cũng không nổi; ăn cũng chẳng thấy ngon. Còn trẻ thì hung hăng, hoạt bát lắm, nhưng khi về già đi cũng không nổi, làm cái gì cũng phải nhờ đến người khác. Nghĩ cũng lạ, con người chúng ta khi mới sinh, ăn cũng phải nhờ mẹ đút; đi cũng phải có mẹ dắt; rồi đến khi già, muốn đi cũng phải có người dắt; ăn cũng phải có người đút. Khi vào đời làm người chúng ta thế nào thì khi ra khỏi đời, con người chúng ta cũng vậy. Điều đó, cho thấy sự giới hạn và bất lực của phận người chúng ta.
“Bệnh tật, có thể làm cho con người xao xuyến, yếm thế, đôi khi đưa tới tuyệt vọng và nổi loạn chống lại Thiên Chúa; nhưng cũng có thể làm cho con người chín chắn hơn, giúp họ nhận ra điều phụ thuộc trong cuộc sống để quay về với những điều chính yếu. Thường bệnh tật hối thúc con người tìm kiếm Thiên Chúa và quay về với Người” (x. GLCG, số 1501).
Có hai thái độ đối với bệnh tật. Một là thái độ xao xuyến, tuyệt vọng và nổi loại chống lại Thiên Chúa. Họ than trách; có khi họ nguyền rủa Thiên Chúa nữa, mặc dù trong cuộc sống họ chẳng tin tưởng gì ở Thiên Chúa cả. Thế nhưng, khi lâm bệnh, họ lại nghĩ đến Chúa. Điều đó, chứng minh họ biết có Thiên Chúa, nhưng họ không cần, họ không tin tưởng, họ không cậy trông; đến khi lâm bệnh thì điều đó mới tỏ lộ ra và họ coi Chúa như là “người” đem đến bệnh tật cho họ.
Thái độ thứ hai là thái độ của người tin tưởng vào Chúa; khi lâm bệnh họ nhận ra thân phận hèn yếu của mình và cần đến Chúa. Họ nhận ra rằng, Chúa mới là quan trọng chứ không phải tiền của hay danh vọng. Chúa là Đấng mà họ phải tin tưởng và cậy trông.
Đó là bệnh tật trong cuộc sống con người. Còn trước mặt Chúa thì sao?
“Cựu Ước nhìn bệnh tật trong tương quan với Thiên Chúa. Con người than thở với Thiên Chúa về bệnh tật và xin Người cứu chữa, vì Chúa là Chúa của sự sống và sự chết. Bệnh tật trở thành con đường hoán cải và Thiên Chúa có tha thì bệnh mới lành. Dân Ít-ra-en có kinh nghiệm rằng bệnh tật liên hệ cách bí nhiệm với tội lỗi và sự dữ. Trung thành giữ luật Chúa sẽ được Người hoàn lại sự sống, “vì Ta là Chúa và là lương y của ngươi”(x. Xh 15,26)(x. GLCG, số 1502).
Xưa cũng như nay, người ta vẫn nghĩ, ai bị bệnh, đó là do Chúa phạt. Xưa, do con người còn thiếu hiểu biết, thì có thể châm chước; nay mà nghĩ như thế thì không được rồi. Thiên Chúa không dựng nên bệnh tật. Sở dĩ ta có bệnh là do thân phận thụ tạo của ta thôi. Nên mắc bệnh thì ta phải đi bệnh viện để các bác sĩ chữa cho, không cần xin Chúa chữa nữa. Vì Chúa đã ban cho con người sự khôn ngoan, biết tìm ra các phương thuốc, cũng như các phương thức để chữa bệnh. Có thể nói, Chúa chữa bệnh qua các các bác sĩ. Điều cần là tinh thần, là lòng tin của ta vào Chúa. Tinh thần ta có ổn định thì việc chữa bệnh sẽ thuận lợi và có kết quả hơn. Một người mà buồn rầu, tuyệt vọng thì khó chữa hơn là người tin tưởng và hy vọng.
“Đức Ki-tô cảm thương người bệnh tật và chữa lành kẻ yếu đau. Đó là dấu chỉ tỏ tường Thiên Chúa viếng thăn dân Người và Nước Trời đã gần kề. Người cảm thương và đồng hóa với họ : “Ta đau yếu, các ngươi đã chăm nom”. Lòng yêu thương Đức Ki-tô dành cho những người đau yếu, luôn thôi thúc các tín hữu đón nhận tất cả những người đau khổ về thể xác lẫn tinh thần. Tình yêu này là nguồn mọi cố gắng không ngừng để nâng đỡ những anh em đau khổ”(x. GLCG, số 1503).
Điều này, trong thực tế, chúng ta thấy rõ. Khi một người thân nào bị bệnh, phải nhập viện hay đi mổ, thì chúng ta sẽ dành thì giờ để đến thăm hỏi, chia sẻ, nâng đỡ, giúp đỡ, dù rằng chúng ta bận rộn hay cả một thời gian dài không gặp mặt.
“Xúc động trước bao cảnh khổ đau, Đức Giê-su không những để cho bệnh nhân chạm đến Người, nhưng còn nhận lấy đau khổ của họ làm của mình: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh tật của ta”. Khi chịu nạn và chịu chết trên thánh giá, Đức Ki-tô đã đem lại một ý nghĩa mới cho đau khổ: “Đau khổ giúp chúng ta nên đồng hình đồng dạng với Đức Ki-tô và liên kết chúng ta với cuộc khổ nạn của độ của Người”(x. GLCG, số 1505).
Ý nghĩa mới, đó là những đau đớn thể xác có giá trị khi chúng ta hiến dâng lên Chúa cùng với những đau khổ của Đức Giê-su. Chúng ta dâng những đau đớn thể xác đó, để đền tội cho mình và cho người khác; để sau này chúng ta đỡ phải đền tội ở trong luyện ngục; hay ta dâng những đau đớn đó làm của lễ hy sinh để cầu cho những người chúng ta muốn cầu, như cầu cho gia đình, con cái; anh chị em, bạn bè, người thân còn sống hay đã qua đời. Nếu chúng ta biết đau khổ có một giá trị to lớn như thế thì chúng ta sẽ dễ chấp nhận cũng như biết lợi dụng để sinh ích cho mình và cho người khác. Bằng không, thì đau vẫn hoàn đau và khổ vẫn hoàn khổ, chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa hết.
“Hãy chữa lành bệnh nhân”(x. Mt 10,8). Hội Thánh lãnh nhận sứ vụ này nơi Chúa và cố gắng thực hiện qua việc chăm sóc bệnh nhân và cầu nguyện cho họ”.(x. GLCG, số 1509). Và “Hội Thánh tin và tuyên xưng trong 7 bí tích, có một bí tích để nâng đỡ người bệnh tật là bí tích xức dầu bệnh nhân” (x. GLCG, số 1511).
“Bằng việc xức dầu thánh và lời cầu nguyện của Linh Mục, toàn thể Hội Thánh phó thác các bệnh nhân cho Chúa Ki-tô đau khổ và vinh hiển để Người an ủi và cứu rỗi họ. Hơn nữa Hội Thánh còn thúc giục họ sẵn sàng kết hợp với Chúa Ki-tô đau khổ và chịu chết để mưu ích cho Dân Thiên Chúa”.(x.GLCG, số 1499).
“Bí tích xức dầu nhằm mục đích ban ơn riêng cho người tín hữu đang bị thử thách vì bệnh nặng hay già yếu”(x.GLCG, số 1527).
“Thời gian thích hợp để lành bí tích xức dầu thánh là khi người tín hữu bắt đầu lâm cơn nguy tử vì bệnh hay già yếu” hay “Mỗi khi lâm trọng bệnh, người ki-tô hữu có thể lành nhận bí tích xức dầu và khi bệnh tình trở nên nguy kịch, có thể nhận lại bí tích này” (x. GLCG, số 1528-1529).
“Chỉ các tư tế (Giám Mục hay Linh Mục) mới có thể ban bí tích xức dầu. Các ngài xử dụng dầu do Giám Mục thánh hiến, hay trong hợp khẩn cấp, do chính thừa tác viên thánh hiến”(x.GLCG, số 1530).
“Nghi thức chính yếu của bí tích này là xức dầu trên trán và trên tay của bệnh nhân”(x.GLCG, số 1531). Khi đó Linh Mục đọc : “Nhờ việc xức dầu thánh này và nhờ lòng từ bi nhân hậu của Chúa, xin Chúa dùng ơn Chúa Thánh Thần mà giúp đỡ con, để Người giải thoát con khỏi mọi tội lỗi, cứu chữa và thương làm cho con được thuyên giảm. Amen”.
“Ơn riêng của bi tích xức dầu có những hiệu quả sau đây: (x. GLCG, số 1532)
- Kết hiệp bệnh nhân với Đức Ki-tô chịu khổ nạn, vì ích lợi cho họ và cho toàn thể Hội Thánh.
- Được ơn sức mạnh, bình an và can đảm đón nhận theo tinh thần Ki-tô giáo những đau khổ do bệnh tật hay tuổi già.
- Tha tội trong trường hợp không xưng tội được. (Nếu người hấp hối có thể xưng tội thì Linh Mục giải tội riêng, bằng không ngài ban ơn xá giải như sau: “Tôi dùng quyền Tòa Thánh đã ủy cho tôi để ban ơn đại xá và ơn tha thứ mọi tội lỗi cho con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”).
- Hồi phục sức khỏe nếu hữu ích cho phần rỗi.
- Chuẩn bị vào đời sống vĩnh cửu.
Bởi đó, khi chúng ta bệnh hay trong gia đình có người bệnh, chúng ta hãy dâng người đó lên cho Chúa và cầu xin như người bệnh phong hôm nay: “Nếu Chúa muốn, thì chữa lành con”. Nếu Chúa muốn thì tốt, chúng ta tạ ơn Chúa; nếu không thì chúng ta cũng tạ ơn Chúa luôn. Và nhất là chúng ta hãy lo sao cho người bệnh hay già yếu lãnh nhận bí tích xức dầu. Nếu chúng ta có bệnh tật gì, có đau đớn gì, chúng ta hãy dâng lên Chúa, kết hợp với sự đau khổ của Đức Ki-tô để đền tội và cầu cho mọi người hay cho chính bản thân mình, đừng bỏ qua dịp rất tốt để lập công trước mặt Chúa.
Lm. Bosco Dương Trung Tín