Cuộc thương khó đời ta
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN Lễ Lá
Cuộc thương khó đời ta
“Người đi trước kẻ đi sau, reo hò vang dậy: Hoan hô. Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”(Mc 11,9).
Hôm nay là Chúa Nhật Lễ Lá; kỷ niệm việc Đức Giê-su khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem để làm gì?
Theo sách Giáo lý công giáo thì: “Khi đã tới ngày Đức Giê-su được đưa ra khỏi thế gian, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Khi nhất quyết như thế, Đức Giê-su muốn nói là Người lên Giê-ru-sa-lem để sẵn sàng chịu chết ở đó. Người đã loan báo đến 3 lần về cuộc khổ nạn và phục sinh của Người. Khi tiến về Giê-ru-sa-lem, Người nói: Chẳng lẽ một Ngôn Sứ lại chết ngoài thành Giê-ru-sa-lem” (x. GLCG, số 557).
Trong cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, chúng ta thấy Đức Giê-su khải hoàn như Đấng Mê-si-a. Giê-ru-sa-lem, tức dân trong thành này sẽ đón nhận Đấng Mê-si-a của mình như thế nào?
“Trong khi Đức Giê-su trốn tránh mọi ý đồ của dân chúng muốn tôn Người làm vua, thì Người lại chọn thời điểm và chuẩn bị mọi chi tiết chuyến vào Giê-ru-sa-lem, thành phố của “Đa-vít, Cha của Người”, với tư cách là Đấng Mê-si-a. Người được dân chúng hoan hô như con vua Đa-vít, Đấng mang lại ơn cứu độ. Nhưng Vua vinh hiển lại ngồi trên lưng lừa con tiến vào thành. Người không chinh phục Nữ Tử Xi-on bằng mưu mẹo hay bạo lực, nhưng bằng sự khiêm nhường, chứng từ của chân lý. Vì thế ngày hôm nay, thần dân vây quanh Người là trẻ con và những nghèo của Thiên Chúa, tung hô Người như các Thiên Thần đã loan báo Người cho các mục đồng. Lời tung hô : Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa, được Hội Thánh sử dụng trong kinh “Thánh Thánh Thánh”, để mở đầu nghi thức tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa” (x. GLCG, số 559).
Ý nghĩa của việc Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem là gì?
“Việc Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem loan báo Nước Thiên Chúa đến; Nước mà Đức Vua Mê-si-a sắp thực hiện bằng cuộc Vượt Qua từ cái chết đến cuộc Phục Sinh của Người. Hội Thánh long trọng khai mạc Tuần Thánh với việc cử hành biến cố Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem ngày Chúa Nhật Lễ Lá.
Như thế chúng ta biết rõ ràng là Đức Giê-su vào thành Giê-ru-sa-lem để chịu nạn chịu chết. Điều này được mô tả trong Bài đọc 1, Đức Giê-su như là một người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa: “Tôi đã đưa lưng cho cho người ta đánh đòn; giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ”. Thế nhưng : “Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ Tôi. Vì thế, Tôi đã không hổ thẹn; vì thế Tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (x. Is 50,6-7).
Đó là cuộc khổ nạn của Đức Giê-su, người Tôi Tớ Đau Khổ của Chúa. Không chỉ đến đó mà thôi, mà còn chết treo trên thập giá cơ. Người Tôi Tớ Đau Khổ đó là, “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa. Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8).
Đức Giê-su không phải vào Giê-ru-sa-lem chịu nạn chịu chết để mà đau, để mà khổ, để mà chết, nhưng để đem ơn cứu độ đến cho muôn người. Với sự hạ mình và vâng phục thánh ý của Thiên Chúa, Đức Giê-su đã được “Thiên Chúa siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu, trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe Danh Thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ muôn vật phải bái quì và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giê-su Ki-tô là Chúa” (x. Pl 2,9-11).
Đó là bài học lớn lao mà Đức Giê-su để lại cho chúng ta trong cuộc thương khó của mình. Bài học đó chính là sự khiêm nhường và Sự hạ mình. Đây là điều rất khó chấp nhận đối với con người chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta hiểu được giá trị của nó thì chúng ta sẽ dễ chấp nhận. Hôm nay, trong cuộc thương khó, Đức Giê-su đã cho chúng ta thấy giá trị cáo quí và cao cả của sự khiêm nhường và hạ mình này.
Sở dĩ chúng ta sợ khiêm nhường, sợ hạ mình là do chúng ta tưởng làm như vậy sẽ mất giá; sợ người ta chê; sợ người ta khinh khi, cho là ta yếu thế. Lại nữa, tính cao ngạo của chúng ta nổi nên, chúng ta không chấp nhận yếu kém như vậy.
Thật ra, ai cũng yêu thích người hạ mình và khiêm nhường hết. Chẳng ai ưa những kẻ cao ngạo và kiêu ngạo bao giờ, cho dù người đó có giỏi dang cách mấy. Có thể nói, chỉ những người trưởng thành về nhân cách cách thực thụ mới khiêm nhường và hạ mình được. Càng chức trọng quyền cao, họ lại càng khiêm nhường và hạ mình. Đơn cử như Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta.
Người có năng lực thâm hậu; người có đời sống nội tâm sâu sắc mới có thể sống khiêm nhường và hạ mình được. Vì họ chiến thắng được chính bản thân. Hạ mình không phải là nô lệ mà là làm chủ; khiêm nhường không phải là yếu thế mà là yếu tính của một con người thánh thiện. Sống khiêm nhường thì được Thiên Chúa siêu tôn; sống hạ mình thì được Thiên Chúa nâng lên.
Cụ thể để sống khiêm nhường và hạ mình, theo tôi có 3 việc chúng ta phải tập và làm cho được. Đó là Lắng tai nghe như một người môn đệ; Nói năng như một người môn đệ và biết Chịu đòn như người môn đệ.
- Lắng tai nghe như một người môn đệ(x.Is 50,6)
Đây là thái độ lắng tai nghe của một người học trò, một người môn đệ đối với người Thầy của mình. Dù mình có biết cách mấy, nhưng thái độ lắng tai nghe cho thấy sự khiêm cung và hạ mình. Chăm chú lắng tai nghe để ta học hỏi thêm và trắc nghiệm cho những hiểu biết của mình, xem mình nghĩ, mình hiểu đúng hay sai. Đừng có vội cãi; đừng có ta đây là hiểu biết mà lên mặt dạy đời. Đó là thái độ bất kính và kiêu ngạo. Vì “Trò không hơn Thầy; tôi tớ không hơn chủ. Trò được như Thầy; tôi tớ được như chủ đã khá lắm rồi”(x. Mt 10,24).
- Nói năng như một người môn đệ(x. Is 50,6)
Đây là cách nói năng của một người môn đệ; người học trò; người bề dưới. Do đó, nói năng phải lễ phép, lịch sự. Biết thì nói, không biết thì “dựa cột mà nghe”; đừng có nói bừa, nói đại; không coi ai ra gì. Dù mình có biết cách mấy, cũng phải nói năng cho vừa phải; không có thái độ cha chú; không có thái độ ta đây. Mình chỉ nói những gì mình biết, chứ không cho mình biết hết mọi sự. Coi sự biết của mình như “Ếch ngồi đáy giếng” thôi. Nghĩa là sự hiểu biết của mình cũng có giới hạn. Có như thế, ta mới khiêm cung và khiêm hạ được.
- Chịu đòn như một người môn đệ(x.Is 50,6).
Chịu đòn như một người môn đệ là, dám đưa lưng để chịu đòn; dám đưa má cho người ta giựt râu; không che mặt khi bị mắng nhiếc, phỉ nhổ. Chứ không phải chịu đòn như một người nô lệ. Người nô lệ thì bị động, bị người ta đánh; bị người ta bắt nạt; bị người ta chà đạp. Không. Chịu đòn như người môn đệ thì tích cực hơn, dám đưa lưng ra để chịu đòn; dám đưa má cho người ta giựt râu; không che mặt khi bị người ta mắng nhiếc phỉ nhổ. Không phải là mặt ta trơ trẽ, không biết xấu hổ là gì, nhưng ta biết mình không làm gì sai; không làm gì trái mà lại bị hiểu lầm, bị vu khống, bị nói hành, nói xấu.
Trong trường hợp này, mặt ta trơ trơ như đá, nghĩa là ta cứ thản nhiên coi như không có gì. Người ta cứ hiểu lầm; cứ vu khống; cứ nói hành, nói xấu, không xi-nhê gì đối với ta cả. Ta chẳng có việc gì phải xấu hổ; phải bực tức hay phải “thanh minh, thanh nga” gì hết. Việc đâu còn có đó; thời gian sẽ trả lời tất cả. Vả lại, còn có Chúa nữa mà. Có Chúa phù trợ, nên ta biết mình sẽ không phải thẹn thùng, xấu hổ đâu.
Cuộc thương khó của Đức Giê-su đã chứng minh điều đó. “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban Danh Hiệu trổi vượt trên mọi Danh Hiệu. Mọi loài phải tuyên xưng: Đức Giê-su là Chúa”. Cuộc thương khó của đời ta cũng vậy, nếu chúng ta biết khiêm nhường và hạ mình như Đức Giê-su, chúng ta cũng sẽ được Thiên Chúa siêu tôn và tặng ban một danh hiệu. Để khi nghe Danh hiệu đó, mọi người sẽ nói rằng: “chúng ta là con yêu dấu của Thiên Chúa. Chúng ta là môn đệ của Đức Giê-su Ki-tô”.
Vậy, chúng ta hãy noi gương bắt chước bài học khiêm nhường và hạ mình mà Đức Giê-su để lại cho chúng ta trong cuộc thương khó của Người. Chúng ta hãy luôn sống khiêm nhường và hạ mình; luôn luôn có thái độ lắng nghe, nói năng và chịu đòn như một người môn đệ của Đức Giê-su. Đó chính là cuộc thương khó của đời ta. Sống khiêm nhường, ta sẽ được Thiên Chúa siêu tôn. Sống hạ mình, ta sẽ được Thiên Chúa nâng lên. Như thế ta còn sợ, còn xấu hổ hay còn thẹn thùng nữa không!!!!
Lm. Bosco Dương Trung Tín