Nhảy đến nội dung

Bình an dưới thế

Lễ Giáng Sinh (Dec 25, 2011)

BÌNH AN DƯỚI THẾ

Bình an đích thực là nguyện ước sâu thẳm nhất nơi lòng người. Đó cũng là điều người ta thường cầu chúc cho nhau. Đây cũng chính là Tin Mừng được các thiên thần ca vang loan báo trong đêm Giáng Sinh:“Vinh danh Thiên Chúa trên trời-Bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Lc 2:14). Vì “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời” (Ga 3:16).

Người Con ấy là chính Chúa Giêsu Hài Đồng, Đấng đem lại sự bình an đích thực-cũng chính là ơn cứu độ- cho mọi người và mỗi người chúng ta.

Điều này được Thánh Phaolô diễn giải  trong thư gửi tín hữu Êphêsô: “Thật vậy, chính Người là bình an của chúng ta: Người đã liên kết đôi bên, dân Do thái và dân ngoại thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù ghét; Người đã hủy bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hòa bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân Người. Nhờ thập giá, Người đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét. Người đã đến loan Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Thật vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất mà đến cùng Chúa Cha” (2:14-18).

Mọi cố gắng mừng lễ Giáng Sinh của chúng ta sẽ trở nên vô nghĩa hay phù phiếm, nếu chúng ta không thực tâm khao khát và đón nhận được sự bình an đích thực-món quà quý nhất mà  Thiên Chúa muốn ban tặng cho chúng ta nơi Chúa Hài Đồng.

Làm thế nào để chúng ta có thể đón nhận món quà bình an mà Thiên Chúa đã ưu ái ban tặng chúng ta? Hay nói khác đi, làm thế nào để chúng ta được Chúa Giêsu ngự đến và ở lại trong tâm hồn chúng ta để chúng ta tận hưởng sự bình an của Người?

Chân Phước Têrêsa Calcutta-người đã từng được Giải Thưởng Hòa Bình Nobel- chia sẻ với chúng ta một linh đạo đơn sơ gồm năm bước như sau để đạt đến bình an:

“Hoa trái của thinh lặng là cầu nguyện;

“Hoa trái của cầu nguyện là đức tin;

“Hoa trái của đức tin là yêu thương;

“Hoa trái của yêu thương là phục vụ;

“Hoa trái của phục vụ là bình an.”

Mẹ Têrêsa còn dạy các nữ tu của Dòng Thừa Sai Bác Ai do Mẹ sáng lập đọc Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi trong lúc Hiệp lễ để được Chúa biến đổi nên những sứ giả và khí cụ bình an của Chúa: “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa…”

Chân Phước Giáo Hoàng Gioan XXIII cũng là một người đã từng được Giải Thưởng Hòa Bình Nobel. Khẩu hiệu Giáo Hoàng của ngài là “Vâng lời và bình an”.  Ngài đã thực sự trở thành một sứ giả và khí cụ bình an của Chúa trong thời đại chúng ta. Ngay từ hồi còn là một thiếu niên ở Tiểu Chủng Viện, ngài đã định tâm ghi nhớ và suốt đời thực hiện bốn nguyên tắc để đạt đến bình an như tác giả sách Gương Chúa Giêsu khuyên dạy như sau:

Con hãy chuyên lo làm theo ý người khác hơn là ý con.

Con hãy chọn cho con phần kém thay phần hơn luôn.

Con hãy luôn luôn tìm chỗ cuối rốt và tùng phục người khác.

Con hãy ước mong và cầu nguyện luôn cho ý Chúa được thực hiện đầy đủ trong con (Q. III, Ch. 23).

Bình an đích thực-bình an của Chúa Kitô-bao giờ cũng được xây dựng trên sự thật, tình thương và công lý, như Thánh Vịnh Gia xác định: “Sự công chính và nền hòa bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại của Người” (72:7). Sự bình an nội tâm không thể có nơi một tâm hồn gian ác tội lỗi; cũng vậy, nền hòa bình đích thực không thể được trong một xã hội hay một thế giới còn đầy bất công hay đàn áp. Vì thế, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã để lại một khẩu hiệu bất hủ: “Muốn có hòa bình hãy hoạt động cho công lý”.

Lạy Mẹ Maria là Nữ Vương ban sự bình an, xin Mẹ dạy chúng con luôn biết khao khát sự bình an đích thực mà Chúa Hài Đồng đã mang lại cho chúng con trong Đêm Thánh vô cùng. Xin Mẹ cũng giúp chúng con biết trở nên những sứ giả và khí cụ bình an của Chúa cho mọi người xung quanh. Amen.

Lm Phạm Quốc Hưng