Nhảy đến nội dung

Thông điệp Giáng Sinh

Thông điệp Giáng Sinh trong thông điệp Laudato Sí:

“Sống với nhau như anh chị em”

  “Vũ trụ đang khai mở trong Thiên Chúa, Đấng bao phủ đầy tràn. Như thế có một mầu nhiệm trong một trang giấy, trên một con đường, trong sương mai, trên gương mặt của người nghèo” (số 233). Theo tôi mầu nhiệm đó là mầu nhiệm nhập thể của Con Thiên Chúa. Mầu nhiệm Giáng Sinh. Mầu nhiệm Con Thiên Chúa làm người : “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang mà Chúa Cha ban cho Người, là con Một đầy tràn ân sủng và sự thật” (x. Ga 1,14).

  “Theo kinh nghiệm ki-tô giáo, tất cả thụ tạo của vũ trụ vật chất sẽ tìm thấy ý nghĩa đích thực trong Ngôi Lời Nhập Thể, chỉ vì Con Thiên Chúa đã hội nhập trong con người của mình một phần của vũ trụ vật thể, nơi mà Người đưa vào một mầm giống chuyển đổi dứt khoát : “Ki-tô giáo không phủ nhận vật chất, thân xác nhưng đánh giá cao trong hành động phụng vụ, trong đó thân xác con người cho thấy bản chất sâu xa của mình là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần và được kết hợp với Chúa Giê-su, Đấng vì muốn cứu độ trần gian đã đón nhận một thân xác” (số 235).

   Thánh Bonaventura dạy : “Chiêm niệm chỉ đạt đến đỉnh cao, khi con người cảm nghiệm hiệu quả hồng ân Thiên Chúa trong chính mình, hay khi con người càng hiểu rõ để gặp gỡ Thiên Chúa trong mọi thụ tạo bên ngoài”.

  1. Qua vạn vật, con người chúng ta nhận ra Thiên Chúa(số 234)

   Thánh Gio-an Thánh Giá thì nói : “Những gì tốt đẹp trong vạn vật và trong kinh nghiệm của thế giới sẽ gặp nhau trong Thiên Chúa hay nói rõ hơn, mỗi sự vật cao vời là chính Thiên Chúa, cũng như tất cả những gì tuyệt vời đều kết hợp trong Thiên Chúa”.

   Như thế, “Nếu người nào đó kinh ngạc trước sự vĩ đại của một ngọn núi, thì họ không thể tách ngọn núi ra khỏi Thiên Chúa và nhận thực, sự kinh ngạc nội tâm mà họ cảm nghiệm phải hướng về Chúa. “Những ngọn núi được dâng lên cao, chúng thật màu mỡ, rộng, đẹp, mát mẻ, đầy bóng mát. Đối với tôi những ngọn núi này là (hình ảnh) Đấng Yêu Thương của tôi”. Và “những thung lũng xa xôi thật êm ả, dễ thương, thoáng và đầy bóng mát, đầy nước ngọt, với biết bao cây cối. Với tiếng hót của các loài chim đang trú ngụ. Chúng tạo nên sự mát mẻ và yên nghỉ nhờ sự yên tĩnh và thinh lặng đang có. Đối với tôi, những thung lũng này là (hình ảnh) Đấng yêu thương tôi”.

   Như thế, khi chiêm ngắm vụ trụ vạn vật, con người chúng ta phải nhận ra Đấng dựng nên tất cả là Đấng yêu thương con người chúng ta.

  1. Qua các bí tích, người tín hữu chúng ta nhận ra Thiên Chúa(số 235-237).

  Các bí tích là một cách thức ưu tuyển, trong đó thiên nhiên được Thiên Chúa đón lấy và trở thành trung gian cho đời sống siêu nhiên. Qua diễn tiến của phụng vụ, chúng ta được mời gọi ôm lấy thế giới trên một bình diện khác. Nước, dầu, lửa và màu sắc được đón nhận với các biểu trưng của chúng và được đưa vào những lời ca tụng.

   Như bàn tay chúc lành của Linh Mục. Bàn tay chúc lành đó “là công cụ của tình yêu Thiên Chúa và phản ánh sự gần gũi của Đức Ki-tô, Đấng đến để đồng hành với chúng ta trên đường đời”. Linh Mục chúc là Chúa Ki-tô chúc lành mà.

   Rồi Nước được dùng để rửa tội là nước tự nhiên đã được làm phép. Nước rất cần cho sự sống con người và rửa sạch mọi vết nhơ, thì “Nước được xối trên thân xác là dấu chỉ cho một đời sống mới”. Đời sống làm con Chúa. Điều đó có nghĩa là “Chúng ta không thoát ra khỏi thế gian, cũng không phủ nhận thiên nhiên, khi chúng ta muốn gặp gỡ Thiên Chúa”.

   Quan trọng nhất là bí tích Thánh Thể (số 236).

    “Sáng tạo tìm được ý nghĩa cao cả nhất của mình trong bí tích Thánh Thể. Hồng ân hướng đến sự biểu lộ theo cách khả giác, đạt được cách biểu lộ khác thường khi Thiên Chúa làm người, trở thành lương thực cho thụ tạo. Nơi đỉnh cao của mầu nhiệm Nhập Thể, Chúa đã muốn tiến vào nơi sâu thẳm của chúng ta qua một chút vật chất. Không phải từ trên cao xuống, nhưng từ thâm sâu tiến ra, để chúng ta gặp gỡ Người trong thế giới chúng ta”. Đó là một chút bột, “đã gột nên hồ”; một chút bột nhào vào chút nước và nướng trên lửa, làm nên một tấm bánh và tấm bánh đó, khi được truyền phép sẽ trở thành Mình Đức Ki-tô.

   “Trong bí tích Thánh Thể, sự viên mãn được hiện thực; đó là trung tâm đời sống của vũ trụ, điểm xuất phát tràn đầy của tình yêu và cuộc sống vô hạn. Kết hợp với Ngôi Con Nhập Thể đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, toàn thể vũ trụ tạ ơn Thiên Chúa. Thật vậy, bí tích Thánh Thể tự tại là một hành động tình yêu mang tính vũ trụ: Vâng, mang tính vũ trụ! Vì ngay cả khi được cử hành trên bàn thờ nhỏ trong một nhà thờ vùng quê, chúng ta vẫn luôn cử hành với một ý nghĩa xác tín trên bàn thờ thế giới”.

   “Bí tích Thánh Thể kết hợp trời với đất, ôm trọn và thẩm thấu vào tất cả sáng tạo. Thế giới xuất phát từ bàn tay của Thiên Chúa và sẽ quay về với Thiên Chúa trong một sự thờ phượng thánh thiện và tròn đầy. Trong bí tích Thánh Thể, cả sáng tạo hướng đến việc thần hóa, đến các việc thánh, đến sự kết hợp với Đấng Sáng Tạo. Vì thế. Bí tích Thánh Thể cũng là nguồn ánh sáng và động lực để việc chăm sóc môi trường và mời gọi chúng ta trở thành những người gìn giữ toàn thể sáng tạo”.

   “Ngày Chúa Nhật. Việc tham dự vào bí tích Thánh Thể nghĩa là tham dự Thánh Lễ vào ngày Chúa Nhật, mang một ý nghĩa đặc biệt. Ngày này, cũng giống như ngày Sa-bát của người Do Thái là ngày thanh tẩy những liên hệ của con người với Thiên Chúa, với chính mình, với người khác và với cả thế giới”.

   “Ngày Chúa nhật là ngày Phục Sinh, ngày đầu tiên của sáng tạo mới, mà những hoa trái đầu tiên là nhân loại được phục sinh của Chúa, gia sản bảo đảm cho việc chuyển đổi cuối cùng của tất cả thực tại đã được sáng tạo. Ngoài ra, ngày này cũng công bố sự yên nghĩ vĩnh cửu của con người trong Thiên Chúa”.

  “Trong cách thức này, linh đạo ki-tô giáo hội nhập cả giá trị của sự nghỉ ngơi và lễ lạc. Con người thường đưa sự nghỉ ngơi chiêm niệm vào bình diện những điều vô ích và không cần thiết và quên rằng công việc mà họ thực hiện mang một tính chất quan trọng: đó là ý nghĩa của đời mình”.

   Mình sống ở đời này để làm gì? Chẳng lẽ mình sống ở đời này chỉ để làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi và ......chết? Đó không là ý nghĩa của cuộc đời con người. Đó chỉ là những việc cần thiết để con người chúng ta sống ở đời này thôi. Nói cách khác, khi sống ở đời con người chúng ta phải làm việc, phải ăn, phải uống, phải nghỉ ngơi và ....phải chết. Thế nhưng, qua những việc đó con người chúng ta phải nên thánh và nên thiện như Cha chúng trên trời: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”(x. Mt 5,48). Nói cách khác là con người chúng ta khi sống trên đời, chúng ta phải hoàn thiện con người của mình. Nên người trưởng thành về nhân bản cũng như trưởng thành về đức tin.

   Người trưởng thành về nhân bản là người sống trọn với bốn nhân đức nhân bản, mà tôi gọi là nhân đức đối nhân : “Các nhân đức nhân bản là những xu hướng bền vững của của lý trí và ý chí, để điều chỉnh các hành vi, điều tiết những đam mê và hướng dẫn các ăn nết ở theo lý trí và đức tin. Có bốn đức tính căn bản là khôn ngoan, công bình, can đảm và tiết độ”(x. GLCG số 1836).

  Người trưởng thành về đức tin là người sống trọn với ba nhân đức đối thần là đức tin, đức cậy và đức mến. “Các nhân đức đối thần giúp người tín hữu ki-tô sống với Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa là căn nguyên và đối tượng của các nhân đức đối thần: Đấng được nhận biết nhờ đức tin; được cậy trông và yêu mến vì chính Người” (x. GLCG số 1840). “Ba nhân đức này định hìnhlàm sinh động mọi nhân đức luân lý” (x. GLCG số 1841).

 “Chúng ta được mời gọi đưa vào hành động của chúng ta một chiều kích đón nhận cách nhưng không, khác với việc không làm gì cả. Đó là một cách thức hoạt động, là một phần yếu tính của chúng ta. Với cách thức này, hoạt động của con người không chỉ tránh khỏi sự hoạt động trống rỗng, mà cũng không khao khát bạo lực và cô độc, chỉ chạy theo lợi lộc cá nhân. Thật vậy, việc nghỉ ngơi là một sự nới rộng cái nhìn, giúp nhận ra cách mới mẻ quyền lợi của người khác. Như thế ngày nghỉ, ngày Chúa Nhật, mà bí tích Thánh Thể là trung tâm, chiếu tỏa trên cả tuần lễ và thúc đẩy chúng ta lo chăm sóc cho thiên nhiên và người nghèo”.

   Bởi đó, trong tâm tình của mùa Giáng Sinh, chúng ta cùng các Thiên Thần tung hô:          

           

                              “Vinh danh Thiên Chúa trên trời,

                     Bình an dưới thế cho “mọi loài” Chúa thương”(x. Lc 2,14).

Và dâng lời cầu nguyện:

  “Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa luôn hiện diện trong vũ trụ và ngay trong những thụ tạo bé nhỏ nhất của Chúa. Chúa đã phủ đầy lòng ưu ái trên tất cả những gì hiện hữu.

    Xin gieo vào lòng chúng ta sức mạnh của tình yêu Chúa, để chúng con bảo vệ cuộc sống và vẻ đẹp muôn loài. Xin đổ tràn bình an của Chúa vào lòng chúng con, để chúng con có thể sống như anh em, chị em với nhau, không tác hại bất cứ người nào, vật nào”. (Trích Lời kinh cho trái đất chúng ta).

  Chúc mừng Giáng Sinh !!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!

 Chúc mừng Trái Đất !!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!

 Chúc mừng vũ trụ !!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!

  Chúc mừng vạn vật !!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!!

 Lm. Bosco Dương Trung Tín

(Sưu tầm và suy niệm về Thông điệp Ladato Sí, của Đức Giáo Phan-xi-cô,

trong bản dịch của Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh; từ số 233-237)

Tác giả: