Nhảy đến nội dung

Sẵn sàng mỗi ngày là học được chữ ngờ

CN I MV

Sẵn sàng mỗi ngày là học được chữ ngờ

  “Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, Con Người sẽ đến”(Mt 24,44).

  Bắt đầu từ hôm nay, Giáo Hội Công Giáo bước vào Năm Phụng Vụ Mới năm 2023, với Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng. “Hàng năm, khi cử hành Phụng Vụ Mùa Vọng, Hội Thánh hiện tại hóa niềm mong đợi Đấng Mê-si-a: khi hiệp thông với việc chuẩn bị lâu dài cho Đấng Cứu Thế đến lần thứ nhất, các tín hữu (cũng) làm bừng sáng niềm khát khao mong mỏi Người đến lần thứ hai”(x.GLCG, số 524).

   Như vậy, Phụng Vụ Mùa Vọng mang hai ý nghĩa. Ý nghĩa Thứ nhất là chuẩn bị gần cho việc Mừng Chúa Giáng Sinh và ý nghĩa thứ hai là chuẩn bị xa cho việc mừng Chúa đến lần thứ hai, trong ngày tận thế. Không biết chúng ta có còn sống khi Chúa đến lần thứ hai không, nhưng chắc chắn một điều là chúng ta sẽ đến với Chúa; sẽ về với Chúa.

   Mùa Vọng là mùa của mong chờ, chúng ta mong chờ Chúa đến. Mùa Vọng cũng là mùa của hy vọng, chúng ta hy vọng được sống bình an và hạnh phúc, cả ở đời này lẫn đời sau. Quả thật, Chúa đến lần thứ nhất cho chúng ta được bình an ở đời này và Chúa đến lần thứ hai cho chúng ta được hạnh phúc ở đời sau. Để được điều này, chúng ta nhất quyết là  luôn luôn phải sẵn sàng. Vì sao? Vì Chúa đến cách bất ngờ. Bất ngờ như kẻ trộm.

   Kẻ trộm thì chúng ta biết quá rồi. Bây giờ chỉ lỡ đễnh hay chểnh mảng 1,2 giây là mất Iphone; mất xe SH như chơi. Thế mà nhiều người không cảnh giác, trong đó có người tín hữu chúng ta. Đó là do không thực hành Lời Chúa thôi.

   Chúng ta nghĩ, chả lẽ Chúa chơi xấu chúng ta sao? Kẻ trộm thì chúng chơi xấu ta chứ Chúa thì không chơi xấu chúng ta đâu. Chúa chơi xấu chúng ta để làm gì? Chúa thèm lấy gì của chúng ta cơ chứ? Bọn trộm cắp, vì chúng thiếu tiền, thiếu của để sống, nên chúng luôn rình rập, để khi chúng ta sơ hở là chúng chôm chỉa. Còn Chúa, Chúa luôn đầy đủ và dư tràn mà, Chúa đâu có rình rập hay chơi xấu chúng ta làm chi. Vậy, tại sao Chúa lại đến cách bất ngờ?

   Chúa đến cách bất ngờ là để chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng. Điều này tốt cho chúng ta bội phần, cả đời này lẫn đời sau. Người ta hay nói: “Đời mà, đâu ai học được chữ NGỜ”. Người luôn luôn biết chuẩn bị sẵn sàng là người “học được chữ ngờ” đó. Nói chính xác, người nghe và thực hành Lời Chúa sẽ là người học được “chữ ngờ” đó.

   Thực tế, cho thấy, người nào khi làm bất cứ việc gì to hay nhỏ; hay dù có chơi thể thao cho khỏe mà luôn biết chuẩn bị và sẵn sàng sẽ thu được nhiều thành công; còn người không biết chuẩn bị và chỉ chờ sung rụng thì sẽ không thu được thành công nào. Chuẩn bị, có nghĩa là khi làm một việc gì đó, những việc cần làm; những phương án cần có; những cái cần thiết ta phải suy tính và lập trình, để khi có những bất trắc xảy ra, ta có cách để đối phó và giải quyết.

   Người càng có nhiều kiến thức; càng có nhiều kinh nghiệm sống bao nhiêu thì càng có nhiều cách để đối phó và giải quyết bấy nhiêu. Đời mà, “thượng vàng hạ cám”, chẳng biết đâu mà lần; không chuẩn bị, không tỉnh thức; không sẵn sàng, có ngày mất của, mất mạng như chơi.

   Sách Giảng Viên có nói: “Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới; đừng chờ cho năm tháng qua đi”, kẻo “tôi chẳng có được một niềm vui nào”; đừng chờ đến khi bụi đất lại trở về đất bụi, khi phàm nhân trả lại cho Thiên Chúa hơi thở Người đã ban cho mình”(x. Gv 12, 1 và 7).

   Chờ đợi mà ngủ quên thì sao? Thì sẽ trớt quớt; sẽ lỡ một chuyến tàu; lỡ một cơ hội. Chờ đợi mà không chuẩn bị thì sao? Thì sẽ không có được gì hết. Chờ đợi mà không sẵn sàng thì sao? Thì sẽ trở tay không kịp. Vậy chúng ta phải chuẩn bị thế nào? Sẵn sàng làm sao? Và tỉnh thức ra sao? Chúng ta phải chuẩn bị, sẵn sàng và tỉnh thức mỗi ngày.

   Theo Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, mỗi ngày chúng ta phải lên Đền Thờ hay tại tư gia, đọc và nghe Lời Chúa, “để Người dạy cho chúng ta biết lối của Người và để chúng ta bước theo đường Người chỉ vẽ” và chúng ta cùng đi, cùng sống “nhờ ánh sáng Chúa soi đường”(x. Is 2,3; 5).

   Mỗi ngày chúng ta phải “loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu”(x. Rm 13, 12).

  Mỗi ngày chúng ta phải “ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày”, bằng cách “không chè chén say sưa; không chơi bời dâm đãng; cũng không cãi cọ, ghen tương”(x. Rm 13, 13).

   Nói cách khác, là mỗi ngày chúng ta sống điều mà chúng ta tuyên xưng trong bí tích rửa tội. Chúng ta cùng ôn lại những điều đó, vì khi chúng ta chịu phép rửa tội, chúng ta còn bé quá, chưa biết gì. Đây là cơ hội để chúng ta nhớ lại và thực hành.

   Trong phần “Từ bỏ”, “Để sống trong tự do của con cái Chúa, anh chị em có từ bỏ tội lỗi không? Để khỏi làm nô lệ tội lỗi, anh chị em có từ bỏ những quyến rũ bất chính không? Anh chị em có từ bỏ ma quỉ là kẻ gây ra và cầm đầu tội lỗi không?”. Chúng ta đã thưa: “Thưa từ bỏ”. Nếu chúng ta sống được sự từ bỏ này, là chúng ta đã loại bỏ những việc làm đen tối; những ý nghĩ đen tối; những thủ đoạn gian ác rồi đấy.

    Khi nhận lấy Áo Trắng: “Con đã trở nên vật tạo mới và đã mặc lấy Chúa Ki-tô. Chiếc áo trắng này là dấu chỉ tước vị của con. Nhờ lời chỉ bảo và gương lành của thân nhân giúp đỡ, con hãy mang nó tinh tuyền mãi cho đến cõi trường sinh”. Đặc biệt, nhờ nghe và sống Lời Chúa, chúng ta sẽ nên thánh nên thiện như chiếc Áo Trắng cho đến cõi đời sau.

  Khi nhận lấy Ánh Sáng: “Hãy nhận lấy ánh sáng Chúa Ki-tô. Con hãy luôn sống như con cái sự sáng và bền vững trong đức tin. Nhờ đó, khi Chúa đến, chúng ta được ra nghinh đón Người với toàn thể các thánh trên trời”. Đó là Ánh Sáng của đức tin; Ánh Sáng của Lời Chúa. chúng ta cùng đi, cùng sống nhờ Ánh Sáng của đức tin và của Lời Chúa soi đường.

   Khi được sức dầu thánh: “Thiên Chúa toàn năng là Cha của Đức Giê-su Ki-tô, đã giải thoát con khỏi tội và tái sinh con bởi Nước và Thánh Thần, chính Người xức dầu cứu độ cho con, để sau khi nhập đoàn với Dân Người, con mãi mãi làm chi thể của Đức Ki-tô là Tư Tế, Tiên Tri và Vương Đế đến cõi sống đời đời”.

Mỗi ngày chúng ta hãy sống chức năng Tư Tế của mình, khi dâng những việc lành phúc đức, chứ đừng chè chén say sưa; chúng ta sống chức năng Tiên Tri của mình, khi nói và sống Tin Mừng, chứ đừng cãi cọ, ghen  tương; chúng ta sống chức năng Vương Đế của mình, khi quản lý và lo cho thân xác và linh hồn của mình được ăn uống, nghỉ ngơi đầy đủ, chứ đừng chơi bời, dâm đãng.

   Nếu mỗi ngày chúng ta sống được như thế, là chúng ta đang sẵn sàng rồi đấy. Sống mỗi ngày như vậy, chúng ta sẽ học được chữ NGỜ; làm chủ được sự bất ngờ và chiến thắng được điều bất ngờ xảy đến. Chúng ta sẽ sống vui, sống khỏe; sống bình an và sống hạnh phúc cả ở đời này lẫn đời sau.

        Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: