Nhảy đến nội dung

Chiên Vượt Qua của chúng ta

Chúa Nhật Phục Sinh 2018   

Chiên Vượt Qua của chúng ta

Quả vậy Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng ta

(x.1Cor 5,7a).

Chiên Vượt Qua là con chiên được ăn trong lễ Vượt Qua của người Do-thái. Theo sách Xuất Hành chương 12, 1-8 và 11-14, Bài này được đọc trong ngày thứ Năm trong Thánh Lễ Tiệc Ly. Theo đó, đây là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa. Trong cuộc lễ này, mỗi nhà sẽ bắt một con chiên đực, khoảng một tuổi. Rồi vào xế chiều ngày 14, toàn thể cộng đồng Ít-ra-en sát tế, lấy máu bôi lên khung cửa. Còn thịt sẽ ăn ngay trong đêm đó, nướng lên ăn với bánh không men và rau đắng. Vết máu bôi trên khung cửa là dấu hiệu cho biết đó là nhà của dân Ít-ra-en, thấy máu Thiên Thần Chúa sẽ Vượt Qua, không giết hại các con đầu lòng của người cũng như xúc vật. Bởi đó mà cuộc lễ này có tên là lễ Vượt Qua.

Theo thánh Phao-lô, thì Đức Ki-tô chính là Chiên Vượt Qua đó. Chiên Vượt Qua của dân Do-thái xưa, chính là hình ảnh của Đức Ki-tô. Chính nhờ máu của Ngài đổ ra trên thập giá, Máu đó bôi trên trán chúng ta khi chúng ta chịu phép rửa tội. Thấy Máu đó, thấy dấu hiệu đó, Thiên Chúa cũng sẽ không tiêu diệt chúng ta.

Lễ Vượt Qua của người Do-thái được mừng trong 8 ngày liên tục, ăn với bánh không men. Ngày nay, ta còn gọi lễ Vượt Qua là lễ Phục Sinh và Giáo Hội cũng mừng liên tục trong 8 ngày, gọi là tuần Bát Nhật Phục Sinh. Ngày xưa dân Do-thái làm nô lệ ở Ai-cập, coi như đã chết. Nhưng sau khi ăn lễ Vượt Qua, dân Do-thái được giải phóng và được Mô-sê đưa vào đất hứa. Điều đó coi như một sự phục sinh. Đối với chúng ta ngày nay, lễ Vượt Qua là lễ Phục Sinh của Đức Ki-tô, Ngài là Mô-sê mới, sẽ dẫn đưa chúng ta từ sự nô lệ cho thế gian đến sự tự do của con cái Chúa qua phép rửa và dẫn đưa chúng ta về quê trời. Bởi đó mà thánh Phao-lô gọi Đức Ki-tô là Chiên Vượt Qua của chúng ta.

Vậy chúng ta sẽ làm gì để ăn mừng Lễ Vượt Qua, ăn mừng đại lễ Phục Sinh đây?

Thánh Phao-lô nói: “Anh em hãy loại bỏ men cũ, là lòng gian tà, độc ác, nhưng hãy lấy bánh không men, là lòng tinh tuyền và chân thật mà ăn mừng Đại Lễ”(x.1Cor 5,8).

Bánh không men là bánh không cho men vào. Không có men thì bánh sẽ giữ được lâu, nhưng ăn lại không ngon. Làm bánh thì dứt khoát phải có men, ăn nó mới ngon, nhưng lại không giữa được lâu. Dầu vậy, người ta cũng chỉ bỏ một chút men thôi chứ không cho nhiều. Một chút men nhưng cũng làm dậy cả một khối bột.

Điều đó cũng có nghĩa là một chút men gian tà, một chút men độc ác cũng làm cho cả con người, cả hồn lẫn xác của ta, cả cuộc sống của ta nên gian tà, nên độc ác. Thánh Phao-lô kêu gọi chúng ta hãy loại bỏ men xấu đó đi. Bởi đó những gì là gian, là tà; những gì là độc, là ác ta hãy loại bỏ khỏi tâm hồn và trí óc của ta.

Gian là ăn gian, làm gian, nói gian; tà là trái, là xấu. Độc là những gì làm hại người khác; Ác là những gì làm cho người khác phải khổ, phải đau, phải buồn, phải sầu. Tất cả những thứ đó ta hãy bỏ đi.

Rồi ta hãy lấy bánh không men là lòng tinh tuyền và chân thật để ăn mừng Đại Lễ. Bánh không men nói lên sự tinh tuyền, không có tạp chất. Trên ta đã nói về men xấu; ở đây ta cũng có thể nói về men tốt. Men tốt là lòng tinh tuyền và chân thật. Một chút men tinh tuyền; một chút men chân thật cũng làm dậy cả con người, cả hồn lẫn xác của ta; cả cuộc sống của ta nên tinh tuyền và chân thật nữa.

Người có lòng tinh tuyền là người đơn sơ, hồn nhiên, trong sáng; làm gì hay nói gì đều có lòng tốt; chỉ muốn giúp đỡ và hy sinh cho người khác. Sự chân thật là có sao nói vậy; không vòng vo tam quốc; không có ý đồ xấu; trước sau như một; trong ngoài như nhau. Đó là điều thánh Phao-lô kêu gọi chúng ta hãy mang lấy mà ăn mừng Đại Lễ.

Tại sao, ta lại mang men tinh tuyền và chân thật để ăn mừng Đại Lễ vậy ? Vì Đức Ki-tô đã chịu hiến tế làm Chiên Vượt Qua của chúng ta, Người “xuất thân từ Na-da-rét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc đến đó”(x.Cv 10,38).

Người có lòng tinh tuyền và chân thật thì cũng “đi tới đâu là thi ân giáng phúc tới đó”. Còn người có lòng gian tà, độc ác thì “đi tới đâu là gây lộn xộn, gây rắc rối và làm hại người ta đến đó” thôi. Như thế thì không thích hợp để ăn mừng Đại Lễ Phục Sinh rồi.

Đức Ki-tô đó, đã bị treo trên cây gỗ mà giết đi, nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Người trỗi dậy và cho xuất hiện tỏ tường,… trước mặt chúng tôi, những kẻ được cùng ăn, cùng uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại”(x.Cv 10, 39-41). Thế đấy, cùng ăn, cùng uống với Chúa Phục Sinh, nghĩa là ăn mừng Đại Lễ Phục Sinh ta phải có lòng tinh tuyền và chân thật.

Vậy, nếu quả thật, trước đây, ta đã có lòng gian tà, độc ác, thì ta hãy loại bỏ chúng khỏi con người của ta; thay vào đó là lòng tinh tuyền, chân thật.

Thánh Phao-lô nói: “Anh em hãy loại bỏ men cũ để thành bột mới, vì anh em là bánh không men”(x.1Cor 5,7b).

Nghe cũng hơi lạ. Bỏ “men cũ” để thành “bột mới”. Thế nhưng áp dụng vào con người của ta thì không lạ chút nào. Rất chính xác nữa là khác. Nếu ta loại bỏ men cũ là những gian tà, độc ác, thì ta sẽ thành bột mới, thành con người mới.

Trước đây đi tới đâu là ta gây họa đến đó thì nay đi tới đâu ta làm ơn, làm phúc đến đó. Trước đây ta ăn gian nói dối, thì nay ta ăn thật, nói đúng. Trước đây ta kiêu căng, ngạo mạn, thì nay ta biết trên, biết dưới và biết bỏ mình, sống khiêm nhường. Trước đây ta hay la cà, nói hành, nói xấu, thì nay ta ở yên và lo chu toàn các việc bổn phận của ta. Đó chẳng phải là những việc làm thiết thực và làm cho ta thành con người mới sao ? Một con người thế thì rất thích hợp để ăn mừng Đại Lễ Vượt Qua, ăn Chiên Vượt Qua là Đức Ki-tô, Chiên Vượt Qua của chúng ta.

Vậy ta hãy chuẩn bị tâm hồn, biết loại bỏ những gì là gian tà và độc ác khỏi con người của ta, ta sẽ trở thành con người mới; con người được Phục Sinh với Đức Ki-tô, một con người có lòng tinh tuyền và chân thật, để ta xứng hợp mà ăn mừng Đại Lễ Vượt Qua, ăn mừng Đại Lễ Phục Sinh của Chúa; ăn Chiên Vượt Qua là Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: