Nhảy đến nội dung

Cầu nguyện sốt sắng và chu đáo là sám hối

Chúa Nhật 2 MC 

Cầu nguyện sốt sắng và chu đáo là Sám Hối

“Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” (Lc 9,28-29).

Bài Phúc Âm về việc Chúa biến hình trong Mùa Chay, trước khi chịu khổ nạn của Đức Giê-su là để cho ta đừng thất vọng về việc cứu độ của Đức Giê-su, khi Ngài chịu khổ nạn và bị giết chết. Ngoài ra, theo tôi, Bài Phúc Âm này, còn cho chúng ta một bài học về sự cầu nguyện. Trong đoạn văn trên, có viết rõ ràng: “Đang khi cầu nguyện” thì bỗng nhiên dung mạo Chúa biến đổi và y phục Người trở nên trắng tinh.

Sự biến hình của Đức Giê-su là một mô phạm cho chúng ta đang sống trong Mùa Chay. Mùa Chay là mùa sám hối ăn năn. Đúng vậy. Nhưng sám hối ăn năn để làm gì, nếu không phải là để mỗi người chúng ta cũng biến đổi. Chúng ta biến đổi để nên con người mới; nên con người tốt lành và thánh thiện.

Tuần trước tôi đã nói về năm con đường sám hối của thánh Gio-an Kim khẩu và giải thích về còn đường thứ năm là sống khiêm nhường. Tuần này tôi sẽ tiếp tục khai triển con đường thứ ba, đó là việc cầu nguyện. Thánh Gio-an Kim khẩu có nói về việc này như sau: “Bạn có muốn học cách sám hối thứ ba không ? Hãy hết lòng cầu nguyện cho chu đáo và sốt sắng”. Rất ngắn gọn. Thế nhưng, không phải cầu nguyện thường thường, chơi chơi mà phải “hết lòng cầu nguyện cho chu đáo và sốt sắng” cơ.

Ta cùng tìm hiểu về cách cầu nguyện này trong sách Giáo Lý Công Giáo.

Trong đời sống của người tín hữu công giáo, cầu nguyện là một việc hết sức bình thường nhưng cũng như hết sức quan trọng. Có thể nói việc “chuyên môn” của người tín hữu công giáo là việc cầu nguyện. Là người tín hữu công giáo không thể không biết đến việc cầu nguyện. Và việc cầu nguyện này sẽ nuôi dưỡng đời sống đức tin của họ.

Vậy cầu nguyện là gì ? “Cầu nguyện là sống với một tâm hồn đã được Thiên Chúa đổi mới”. Như vậy, cầu nguyện là SỐNG, chứ không phải là đọc hay làm cái gì khác. Cái SỐNG đó là sống với một tâm hồn được Thiên Chúa đổi mới. Con người và tâm hồn ta đã được Thiên Chúa đổi mới qua bí tích Thánh Tẩy. Con người của ta đã trở thành con Thiên Chúa và tâm hồn ta đã trở thành Đền Thờ của Thiên Chúa ngự. Bởi đó mà người tín hữu công giáo không thể không cầu nguyện trong cuộc sống hằng ngày của mình.

Việc cầu nguyện đó “phải làm cho đời sống chúng ta sinh động mọi lúc”. Nghĩa là ta nhờ việc cầu nguyện mà làm cho đời sống hằng ngày của mình sinh động, sống động: như hy vọng, hăng say, nhiệt thành, nhiệt tình, tích cực, ….

Dù vậy, người tín hữu công giáo cũng là con người như ai, phải làm việc vất vả, phải lo cơm áo, gạo tiền, nên nhiều khi ta quên “Đấng là sự sống và là tất cả đối với chúng ta”. Vậy thì ta phải làm sao? Các bậc thầy linh đạo nói rằng: Cầu nguyện là “nhớ đến Chúa”; “là thường xuyên hướng tâm hồn lên Chúa” và mạnh hơn nữa là “Phải nhớ đến Chúa nhiều hơn nhịp thở của mình”. Do đó, phải có “những giờ phút cao điểm” để ta có thể sống đời cầu nguyện của mình”. (x. GLCG, số 2697)

“Truyền thống của Hội Thánh đề ra cho các tín hữu những dịp cầu nguyện để nuôi dưỡng đời sống nội tâm. Nhịp cầu nguyện hằng ngày là: kinh sáng và kinh tối; trước hoặc sau bữa ăn; các Giờ Kinh Phụng Vụ. Hằng tuần, người Ki-tô hữu phải thánh hóa ngày Chúa Nhật chủ yếu bằng kinh nguyện, mà trọng tâm là Thánh Lễ. Hằng năm, theo chu kỳ phụng vụ và các đại lễ là những nhịp căn bản cho đời sống cầu nguyện của Ki-tô hữu” (x. GLCG, số 2698).

Theo những điều Hội Thánh dạy trên, thì hằng ngày ta phải đọc kinh sáng tối; trước và sau bữa ăn. Điều này có quá khó không? Thưa rằng không.

Nếu không có nhiều thì giờ, thì mỗi sáng khi thức dậy, ta hãy tạ ơn Chúa và xin Chúa chúc phúc cho công việc làm trong ngày của ta. Chỉ mất có 30 giây. Buổi tối trước khi đi ngủ, ta cũng hãy tạ ơn Chúa và xin chúa tha thứ những lỗi lầm trong ngày. Cũng chỉ hết có 30 giây. Trước hoặc sau bữa ăn, ta có thể làm dấu Thánh Giá thôi cũng được, không cần phải đọc kinh này kinh kia mới được. Chẳng lẽ có bấy nhiêu mà ta không làm được; không cầu nguyện được sao? Được quá đi chứ !!!

Nếu có thì giờ hay có dịp mà đọc chung với người khác thì càng tốt, nhất là tham gia đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ với Tu Sĩ, Giáo Sĩ. Ngày nay nhiều nhà thờ hay nhiều tu viện, có tổ chức cho người tín hữu công giáo cùng đọc Các Giờ Kinh Phụng Vụ với Giáo Hội.

Hằng tuần, người tín hữu công giáo, tích cực tham dự Thánh Lễ ngày Chúa Nhật. Và hằng năm thì sống theo chu kỳ phụng vụ như Mùa Vọng; Mùa Giáng Sinh; hiện thời là Mùa Chay; Mùa Phục Sinh; cùng với việc tham dự các ngày lễ trọng trong năm.

Tất cả những việc đó là những nhịp, những cơ hội căn bản để cho người tín hữu công giáo sống đời cầu nguyện.

Theo truyền thống Ki-tô giáo, có ba hình thức cầu nguyện quan trọng. Đó là khẩu nguyện, suy gẫm và chiêm niệm.(x. GLCG, số 2721).

Khẩu nguyện là gì? “Dựa vào bản tính con người có xác có hồn, khẩu nguyện kết hợp thái độ bên ngoài với tâm tình bên trong theo gương Đức Giê-su, Đấng cầu nguyện với Thiên Chúa Cha và dạy các môn đệ kinh Lạy Cha” (x. GLCG, số 2722).

Nói đơn giản đó là việc ta đọc kinh. Thế nhưng ta phải đọc với tất cả tâm hồn; đọc hết lòng hết sức và đặt tâm trí ta vào từng câu, từng ý, chứ không phải đọc như con vẹt hay đọc như máy castette, vô hồn, vô cảm.

Suy gẫm là gì? “Suy gẫm là tìm hiểu trong khi cầu nguyện, bằng cách vận dụng khả năng suy tư, trí tưởng tượng, cảm xúc và ước muốn. Nhờ suy gẫm, chúng ta hấp thụ được đề tài trong đức tin và đối chiếu với thực tại cuộc sống”(x.GLCG, số 2723).

Suy gẫm là vận dụng trí óc, để suy, để gẫm về một thực tại đức tin nào đó; về một câu Lời Chúa nào đó; hay về một điều mình tin, để tìm ra cái lý, cái lẽ điều mình tin chứ không phải tin mù quáng. Con người chúng ta cao quí hơn các vật khác nhờ biết suy tư mà. Đó là một khả năng cao quí Chúa ban, ta hãy dùng vào việc suy gẫm; dùng vào việc cầu nguyện. Có như thế đức tin của ta mới vững vàng, phong phú và sinh động. Con người chúng ta khi cầu nguyện mà không đọc, không suy thì chỉ có ngủ thôi. Nhất là khi suy gẫm thì ta sẽ tỉnh thức luôn, không thể ngủ được.

Chiêm niệm là gì? “Chiêm niệm là hình thức đơn sơ của kinh nguyện; là lấy đức tin mà chiêm ngắm Đức Giê-su; là lắng nghe Lời Chúa; là yêu mến Chúa trong thinh lặng. Chiêm niệm cho ta hiệp nhất với Đức Ki-tô trong  kinh nguyện của Đức Ki-tô theo mức độ chúng ta tham dự vào mầu nhiệm của Người” (x. GLCG, số 2724).

Chiêm niệm là hình thức đơn sơ của kinh nguyện, vì đó là “tâm tình của người nghèo khó và khiêm tốn phó thác cho thánh ý yêu thương của Chúa Cha, trong sự hiệp nhất ngày càng sâu xa với Con yêu dấu của Người”.

Chiêm niệm là lấy đức tin mà chiêm ngắm Đức Giê-su, Người đang làm gì, đang nói gì; đang có tâm tình gì,…..qua sách Tin Mừng.

Chiêm niệm là lắng nghe Lời Chúa. Đây không phải là ta nghe đọc Tin Mừng, mà là lắng nghe Chúa nói với ta tự cõi lòng. Nghĩa là ta cảm như Chúa đang nói với ta; hay ta được thôi thúc phải làm một điều đó.

Chiêm niệm là yêu mến Chúa trong thinh lặng. Chỉ trong thinh lặng, ta mới cảm được tình yêu vô bờ bến của Chúa; đồng thời ta yêu mến Chúa vì tình yêu vô bờ đó.

Ngoài ra, theo tôi, tất cả những gì mình muốn nói, mình muốn chia sẻ; những gì mình lo lắng; những gì mình hoài mong, như vui buồn, sướng khổ, thành công; thất bại, vv….ta hãy nói với Chúa như một người bạn. Chúa sẽ là người bạn tốt nhất trên trần gian này, mà ta không sợ phản bội; hơn nữa Chúa sẽ giúp đỡ, nâng đỡ ta trong cơn khốn cùng, cũng như ban ơn khôn ngoan giúp ta giải quyết mọi vấn đề, mọi khó khăn trong cuộc sống. Điều đó gọi là cầu nguyện riêng. Muốn nói gì với Chúa thì cứ việc. Nói với Chúa còn hơn nói với người khác. Chúa tuyệt đối giữ bí mật cho ta.

Đó là đời sống cầu nguyện của người tín hữu công giáo. Tôi không nói trống là “người tín hữu”, vì nói như thể, có thể là người Tin Lành; người Chính Thống hay người Anh Giáo hoặc các Tôn giáo khác. Chắc chắc rằng cách cầu nguyện của họ sẽ khác với chúng ta, là những người Công Giáo Rô-ma. Ta hãy xem lại đời sống cầu nguyện của ta, xem ta có cầu nguyện theo như Giáo Hội chỉ dạy chưa? Nếu chưa, thì ta hãy làm ngay đi. Vì có cầu nguyện như thế, ta mới nên giống Đức Giê-su, tâm hồn ta sẽ được đổi mới và con người của ta sẽ trở nên tốt lành và thánh thiện.

Đó chẳng phải là một cách SÁM HỐI sao !

Quả thực, sống đời cầu nguyện như thế là ĂN NĂN SÁM HỐI đó.

Cầu nguyện như thế mới gọi là chu đáo và sốt sắng.

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: