Nhảy đến nội dung

CN 21 QN Hội Thánh nào được Đức Giê-su thiết lập ?

CN 21 QN  

Hội Thánh nào được Đức Giê-su thiết lập

   “Anh là Phê-rô, nghĩa là Đá. Trên Đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy”(Mt 16,18).

  Chúng ta cùng tìm hiểu về Hội Thánh mà Đức Giê-su xây dựng nhé.

  Theo sách Giáo Lý công Giáo thì: “Trong ngôn ngữ Ki-tô giáo, thuật ngữ “Hội Thánh” chỉ cộng đoàn phụng vụ, nhưng cũng chỉ cộng đoàn địa phương hay cộng đoàn tín hữu trên toàn thế giới. Thực ra ba nghĩa này không tách rời nhau. Hội Thánh là dân được Thiên Chúa qui tụ từ khắp cả hoàn cầu. Hội Thánh hiện diện trong những công đoàn địa phương và thể hiện như một cộng đoàn phụng vụ, đặc biệt là cộng đoàn Thánh Lễ. Hội Thánh sống nhờ Lời Chúa và Mình Thánh Chúa Ki-tô và nhờ đó Hội Thánh trở thành Thân Thể Chúa Ki-tô”(x. GLCG, số 752).

  Theo đó, chúng ta hiểu rằng, Hội Thánh của Đức Giê-su thiết lập chính là Dân được Thiên Chúa qui tụ, trên khắp hoàn cầu; cũng như trong một Giáo Phận hay trong một Giáo Xứ. Mà ngày nay chúng ta được nghe là Giáo Hội Hoàn Vũ; Giáo hội Địa Phương(Giáo phận) và Cộng Đoàn đang tham dự Thánh Lễ của một Giáo Xứ.

   Mặc dù là phân chia thành ba, nhưng thực chất chỉ có một Hội Thánh; một Giáo Hội do chính Đức Giê-su thiết lập mà thôi. Hội Thánh đó hiện diện nơi Giáo Hội Hoàn Vũ; hiện diện nơi Giáo Hội Địa Phương, tức là nơi các Giáo Phận và hiện diện nơi các Giáo Xứ. Hội Thánh đó được gọi là Hội Thánh Công Giáo hay Giáo Hội Công Giáo.

   Theo sách Tự Điển Công Giáo 500 mục từ, của Ủy ban Giáo Lý Đức Tin, Ban từ vựng công Giáo, giải thích chữ “Hội Thánh” và chữ “Giáo Hội” như sau. “Hội Thánh” là Cộng Đoàn được đặt nền tảng trên sự thánh thiện và thuộc về Thiên Chúa(x. Mục từ Giáo Hội, tr 131). Còn “Giáo Hội” là Đoàn thể của một tôn giáo(x. Mục từ Hội Thánh, tr 168). Trong sách Giáo Lý Công Giáo dùng từ Hội Thánh, chứ không dùng từ Giáo Hội.

   Tôi thấy dùng từ Hội Thánh thì chính xác hơn. Vì nếu dùng từ Giáo Hội thì Hội Thánh cũng như các Giáo Hội khác, mà các Giáo Hội khác có khi không đặt nền tảng trên sự thánh thiện, mà đặt trên lợi nhuận đời này và thuộc về con người.

   Hội Thánh của chúng ta được chính Đức Ki-tô thiết lập: “Chúa Giê-su thiết lập mội cộng đoàn có cơ cấu và cộng đoàn này sẽ tồn tại cho đến lúc Nước Trời được hoàn thành. Trước hết Người tuyển chọn nhóm Mười Hai với Phê-rô làm thủ lãnh. Đại diện cho 12 chi tộc Ít-ra-en, nhóm Mười Hai là nền tảng của Giê-ru-sa-lem mới. Nhóm Mười Hai và các môn đệ khác tham dự vào sứ mạng của Chúa Ki-tô; vào quyền năng và cả số phận của Người”(x. GLCG, số 765).

   Qua đó, chúng ta thấy Hội Thánh không phải là Nước Trời. Hội Thánh chỉ dẫn cho chúng ta vào Nước Trời thôi. Hội Thánh đó có cơ cấu, có nghĩa là có phẩm trật từ trên xuống dưới. Trên hết là Đức Giáo Hoàng; sau đó là các Giám Mục, Linh Mục, Phó Tế, Tu Sĩ và Giáo Dân.

   Hội Thánh của chúng ta, vừa hữu hình, vừa thiêng liêng: “Hội Thánh đồng thời là “Xã hội có tổ chức theo phẩm trật và là Nhiệm Thể Chúa Ki-tô”; “Tập họp hữu hình và thiêng liêng”; “Hội Thánh dưới đất và Hội Thánh được trang bị những ân sủng trên trời”. Những chiều kích này cấu thành một thực thể phức tạp, duy nhất, được tạo nên do hai yếu tố nhân loại và thần linh kết thành”(x. GLCG, số 771).

   Theo đó, “Xã hội có tổ chức” là hữu hình; Nhiệm Thể Chúa Ki-tô là thiêng liêng. “Tập họp” có các tín hữu là hữu hình; tập hợp trên toàn thế giới là thiêng liêng. “Hội Thánh dưới đất” là hữu hình; “Hội Thánh được trang bị những ân sủng” là thiêng liêng. Hữu hình có nghĩa là thấy được; còn thiêng liêng là không thấy được.

   Hội Thánh do Đức Giê-su thiết lập là Bí Tích phổ quát của ơn cứu độ: “Trong Đức Ki-tô, Hội Thánh là Bí Tích nghĩa là dấu chỉ và dụng cụ của sự kết hiệp mật thiết giữa Con Người và Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại. Mục đích đầu tiên của Hội Thánh là trở thành bí tích của sự kết hợp mật thiết giữa Con Người với Thiên Chúa. Vì sự hiệp thông giữa con người với nhau bắt nguồn từ sự kết hợp với Thiên Chúa, nên Hội Thánh cũng là bí tích hiệp nhất của nhân loại. Trong Hội Thánh, sự hiệp nhất đó đã bắt đầu, vì Hội Thánh qui tụ những người “thuộc mọi quốc gia; mọi chủng tộc; mọi dân tộc; mọi ngôn ngữ”; đồng thời Hội Thánh là “dấu chỉ và khí cụ” thực hiện trọn vẹn sự hiệp nhất còn phải đạt đến”(x. GLCG, số 775).

   Ngoài ra, Hội Thánh còn là Dân Thiên Chúa; là Thân Thể Chúa Ki-tô; là Hiền Thê của Chúa Ki-tô; là Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Hội Thánh của chúng ta có thuộc tính là Duy Nhất, Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền.

   Duy Nhất có nghĩa là chỉ có Một. Thánh Thiện có nghĩa là giúp chúng ta nên thánh; Tông Truyền là dựa trên nền tảng các Tông Đồ. Công Giáo là “Phổ quát” theo nghĩa “toàn diện” hay “toàn vẹn”. Hội Thánh là Công Giáo theo hai nghĩa: Một là “Hội Thánh là Công Giáo vì Đức Ki-tô hiện diện trong Hội Thánh”(x. GLCG, số 830); hai là “Hội Thánh là Công Giáo vì được Đức Ki-tô sai đến với toàn thể nhân loại”(x. GLCG, số 831).

  Cho nên, gọi Hội Thánh do Đức Giê-su thiết lập là Hội Thánh Công Giáo hay Giáo Hội Công Giáo La Mã. Điều đó làm Giáo Hội Công Giáo phân biệt với Giáo Hội Chính Thống; Giáo Hội Tin Lành; Giáo Hội Anh Giáo. Ba Giáo Hội này tách ra từ Giáo Hội Công Giáo và có cơ cấu và phẩm trật riêng, không phục tùng Đức Giáo Hoàng. Giáo Hội Chính Thống tách ra năm 1054; Giáo Hội Tin Lành tách ra năm 1517 và Anh Giáo tách ra khoảng năm 1534.

    Theo tôi, để nói lên sự duy nhất của Hội Thánh, nên nói Hội Thánh Công Giáo hay Giáo Hội Công Giáo TẠI Việt Nam; Giáo Hội Công Giáo TẠI Nhật Bản,... chứ không nói tắt là Giáo Hội Công Giáo Việt Nam; Giáo Hội Công Giáo Nhật Bản,... vì nói tắt như vậy dễ hiểu lầm là có nhiều Giáo Hội Công Giáo.

   Và người tín hữu cũng vậy, không nên nói là TÍN HỮU KI-TÔ, vì đây là danh xưng dành chung cho những người được rửa tội trong cả 4 Giáo Hội trên. Chúng ta phải được gọi là Tín Hữu Công Giáo mới chính xác. Chúng ta là những tín đồ của Hội Thánh Công Giáo; mà Hội Thánh này được chính Đức Giê-su thiết lập, trên Đá; trên Niềm Tin mà Phê-rô đã tuyên xưng: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”(x. Mt 16, 16); nên đây là Phương Tiện an toàn nhất; chắc chắn nhất; có đầy đủ phương cách nhất để đưa chúng ta về bến thiên đàng cách bình an.

   Chúng ta không sợ lạc đường, cũng không sợ bị tai nạn; cũng không sợ bị hư xe dọc đường đâu. Vì chúng ta có Chúa Cha là Chủ Xe, nên là Xe Xịn; có Đức Giê-su làm Tài Xế, nên an toàn; có Chúa Thánh Thần là Đèn Soi, nên không lạc đường; có Lời Chúa là Nước uống; có Thánh Thể là lương thực; có Luật Chúa là Luật đi đường; có bạn đồng hành là Đức Mẹ, các thánh và các anh chị em tín hữu công giáo.

   Do vậy chúng ta hãy trung thành và kiên trì cho đến cùng trong Hội Thánh Công Giáo, chúng ta sẽ được cứu độ. Ở đời này chúng ta được bình an và đời sau chúng ta được hạnh phúc trên thiên đàng.

   Vậy, Hội Thánh do Đức Giê-su thiết lập là Hội Thánh Công Giáo. Hội Thánh Công Giáo tại Việt Nam; Hội Thánh Công Giáo tại Nhật Bản,...           

 Lm Công Giáo. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: