Dự tiệc của Chúa
- T7, 07/12/2024 - 05:33
- Lm Phạm Quốc Hưng
Chúa Nhật XX Thường Niên (Aug 19-2012)
Dự tiệc của Chúa
Một trong những câu nói của người Mỹ mà tôi thường nhớ đến là: “You can love without loving, but you cannot love without giving”; nghĩa là: “bạn có thể cho mà không yêu, nhưng bạn không thể yêu mà không cho”. Đây là quy luật của tình yêu. Và một trong những quà tặng chúng ta hay dành cho người thân yêu là những món ăn được ưa chuộng, nhất là trong những dịp đặc biệt. Đó là lý do những bánh mứt được gửi tặng vào dịp đầu xuân; những hộp chocolate với hình trái tim được bày bán vào Lễ Tình Yêu; những món ăn đặc sản được gửi tặng sau mỗi lần chúng ta đi du lịch hay hành hương đó đây. Quý nhất vẫn là được đồng bàn cùng ăn uống với người thân yêu vào những dịp đặc biệt: tiệc mừng sinh nhật, tiệc cưới, giỗ chạp, ra trường, mừng xuân.
Đây cũng chính là cách thức Thiên Chúa bày tỏ tình yêu của Người dành cho chúng ta. Thật vậy, Tin Mừng theo Thánh Gioan viết: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một cho thế gian, để những ai tin vào Người thì không phải hư mất nhưng được sống đời đời” (Ga 3:16). Như Chúa Giêsu chính là quà tặng Chúa Cha trao ban cho nhân loại để họ được ơn cứu độ là sự sống đời đời, Bí Tích Thánh Thể chính là món quà tự thân Chúa Giêsu ban tặng từng người chúng ta để chúng ta được sống đời đời nhờ hiệp thông với Người nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Và Bí Tích Thánh Thể cũng được ban tặng cho chúng ta dưới hình thức một của ăn và trong khung cảnh của Bữa Tiệc Ly.
“Sự khôn ngoan” được nói đến trong bài đọc một trích sách Châm Ngôn trong Phụng Vụ hôm nay là hình ảnh của Chúa Giêsu, Đấng được gọi là “Đức Khôn Ngoan vĩnh hằng” hay “Đức Khôn Ngoan nhập thể”; và “bảy cột trụ” được Đức Khôn Ngoan dựng để dọn tiệc chính là bảy ơn Chúa Thánh Thần được trao ban cho những người tin vào Người. Chỉ khi được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần nhờ đức tin đích thực, người ta mới có thể “nếm thử và nhìn coi cho biết Chúa thiện hảo dường bao” (Tv 33:9a) như lời đáp ca trong Phụng Vụ hôm nay.
Lời mời gọi của Đức Khôn Ngoan trong bài đọc một hôm nay: “Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta, và uống rượu ta đã pha cho các ngươi. Các ngươi hãy bỏ sự ngây dại đi, thì sẽ được sống, và hãy bước theo đường lối khôn ngoan” (Cn 9:1-6) như một lời báo trước về chính những lời Chúa Giêsu tuyên bố về Bí Tích Thánh Thể trong Tin Mừng hôm nay: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. Cũng như Cha, là Đấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta” (Ga 6:53-57).
Như hậu quả của tội lỗi là hận thù, chia rẽ, tối tăm và ngu dốt; hoa trái của ân sủng là yêu thương, hiệp nhất, ánh sáng và khôn ngoan. Nguyên tổ phạm tội vì ăn trái cấm; người tin vào Chúa Kitô được cứu độ nhờ ăn Bánh Hằng Sống.
Như Lời Chúa không phải chỉ là Kinh Thánh nhưng là chính Chúa Giêsu, Ngôi Lời của Chúa Cha; cũng vậy, Bánh Hằng Sống không phải chỉ là Bí Tích Thánh Thể nhưng là chính Chúa Giêsu, Đấng ban Sự Sống Đời Đời. Vì vậy, việc “ăn thịt và uống máu” Chúa để được sống đời đời ở đây không được giới hạn trong những việc sùng kính Bí Tích Thánh Thể như chuyên chăm tham dự Thánh Lễ, Rước Lễ, Chầu Thánh Thể hay viếng Nhà Tạm mà thôi-dù đây phải là việc sùng kính chiếm vị trí ưu tiên và trung tâm trong đời sống đức tin.
Nhưng việc “ăn thịt và uống máu” Chúa để nên một với Chúa Giêsu còn phải bao gồm việc sốt sắng chuyên chăm đọc, nghe, ghi nhớ, suy niệm và thực hành Lời Chúa trong Kinh Thánh và giáo huấn của Hội Thánh, để “có được tâm tư như đã có nơi Đức Kitô” (Phil 2:5) . Đó còn là việc sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để thực hành đức tin, cậy, mến và làm trổ sinh các hoa trái của Thần Khí là bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ, khiêm nhường, trong sạch và quảng tâm.
Đó là lý do lời cầu “Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày” trong Kinh Lạy Cha được giải thích với ý nghĩa đặc biệt cho người Công giáo trong Bản Toát Yếu Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo như sau: “Vì người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn nhờ mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra (Mt 4:4), lời cầu xin này cũng bao hàm cả cơn đói khát Lời Thiên Chúa và đói khát Mình Thánh Chúa trong Bí Tích Thánh Thể, cũng như đói khát Chúa Thánh Thần. Chúng ta cầu xin những điều này với lòng tin tưởng tuyệt đối cho ngày hôm nay, ngày hôm nay của Thiên Chúa, và những điều này được ban cho chúng ta đặc biệt trong Bí Tích Thánh Thể, một sự tham dự trước vào bàn tiệc trong Vương Quốc sẽ đến” (# 593).
Tuy nhiên, như Công Đồng Vaticanô II xác định Bí Tích Thánh Thể chính là tột đỉnh và nguồn mạch của đời sống đức tin Công Giáo. Thật vậy, Bí Tích Thánh Thể chính hoa trái của mầu nhiệm Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa Kitô và là món quà quý nhất, là tột đỉnh, là tổng hợp của tất cả tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Điều này được Thánh Anphong Ligurio diễn tả cách tuyệt vời trong tác phẩm Dẫn Đường Mến Chúa như sau: “Công Đồng Triđentinô dạy: Trong Phép Thánh Thể Chúa yêu ta tận tình, không có cách nào yêu ta hơn được nữa…Thánh Tôma gọi Phép Thánh Thể là Phép Yêu Mến, là tang chứng tình yêu. Là Phép Tình Yêu vì tình yêu thúc giục Chúa lập phép ấy. Là tang chứng tình yêu vì Chúa muốn cho ta tin chắc rằng: Chúa yêu ta thật tình vì đã có tang chứng tỏ tường. Hình như Chúa phán rằng: Hỡi chúng con, khi nào chúng con còn hồ nghi không biết Cha có thương chúng con thật chăng, thì chúng con hãy suy, Cha đã phó mình cho chúng con trong Phép Thánh Thể. Đã có sẵn của cầm quý hóa dường ấy trong tay chúng con lẽ gì mà còn hồ nghi không biết Cha có mến chúng con hay không?"
“Cha Thánh Bênađô gọi Phép Thánh Thể là nơi chứa mọi sự yêu mến, mọi ơn lành Chúa làm cho ta xưa nay: vì Phép Thánh Thể mà Chúa dựng nên ta, vì Phép Thánh Thể mà Chúa cứu chuộc ta, vì Phép Thánh Thể mà Chúa sắm Nước Thiên Đàng cho ta. Phép Thánh Thể không phải là một dấu yêu thương mà thôi, nhưng còn là của cầm Chúa đoan ước trước cùng ta rằng sẽ có ngày Chúa đưa ta về Thiên Đàng, còn bây giờ hãy chịu lấy Phép Thánh Thể đã”.
Vì vậy, thái độ của chúng ta đối với Bí Tích Thánh Thể sẽ là yếu tố xác định niềm tin và lòng mến chúng ta đối với Thiên Chúa. Đó là điều Thánh Phaolô đã nhắc nhở tín hữu Êphêsô trong bài đọc hai hôm nay: “Anh em thân mến, anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan: biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu thế nào là thánh ý Chúa. Anh em chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần, cùng nhau hát lên những thánh vịnh, những ca vãn và những bài ca đạo đức và hết lòng ca tụng Chúa. Hãy luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Ep 5:15-20).
Chúa Giêsu là Đấng ban sự sống đời đời đang hiện diện giữa chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể ân cần tha thiết mời gọi chúng ta đến với Người để được kết hợp với Người và tận hưởng mọi ân huệ thần thiêng. Khước từ lời mời gọi đầy yêu thương của Người hay đến với Người cách chiếu lệ khô khan chắc hẳn là một sự dại dột hết chỗ nói! Những ai biết khôn ngoan sốt sắng chuyên chăm đến với Chúa Giêsu Thánh Thể với đầy lòng xác tín và mến yêu chắc hẳn sẽ cảm thấy thật ngọt ngào và thấm thía khi dâng lên Chúa lời nguyện nhập lễ trong Phụng Vụ hôm nay: “Lạy Chúa, Chúa dành muôn ân huệ thiêng liêng cho những người mến Chúa, xin đổ tràn tình yêu nồng nhiệt xuống tâm hồn chúng con, giúp chúng con một niềm mến Chúa trong mọi sự và hơn mọi loài, hầu được hưởng gia nghiệp Chúa hứa, là gia nghiệp cao quý hơn những gì lòng người dám ước mong”.
Lạy Mẹ Maria là Tòa Đấng Khôn Ngoan, xin Mẹ giúp chúng con biết khôn ngoan chuyên chăm sốt sắng tham dự Thánh Lễ để được tận hưởng chính Chúa Giêsu là Nguồn Sự Sống, Ân Sủng và Tình Yêu. Amen.
Lm Phạm Quốc Hưng