Nhảy đến nội dung

Đức Giê-su Ki-tô là Vua của chúng ta

CN 34 QN  Đức Ki-tô là vua vũ trụ

Đức Giê-su Ki-tô là VUA của chúng ta

  Đức Giê-su nói: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này : làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng Tôi”(Ga 18,37).

   Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta là Vua nhưng không như các vua trần gian. Ngài là VUA SỰ THẬT. Điều đó có ý nghĩa gì?

Theo sách Giáo lý công giáo thì “Nơi Đức Giê-su Ki-tô, chân lý của Thiên Chúa được bày tỏ toàn vẹn. Đức Giê-su tràn đầy ân sủng và chân lý(x. Ga1,14); là “Ánh sáng thế gian”(x.Ga 8,12); là sự thật. “Ai tin vào Người thì không còn ở trong bóng tối”(x.Ga 12,46). Môn đệ của Đức Giê-su “Ở trong Lời Người”, nhờ đó nhận biết chân lý giải thoát”(x.Ga 8,32) và thánh hóa(x.Ga 14,6). Bước theo Đức Giê-su là sống nhờ “Thánh Thần chân lý”(x. Ga 14,17) mà Cha gởi đến nhân Danh Người(x. Ga 17,17) và Thánh Thần sẽ đưa dẫn đến “chân lý toàn vẹn”(x.Ga 16,13). Đức Giê-su dạy các môn đệ phải yêu mến chân lý vô điều kiện: “Trong lời ăn tiếng nói của anh em, hễ có thì nói có không thì nói không”(x. Mt 5,37)(x. GLCG , số 2466).

   “Yêu mến chân lý vô điều kiện” là ham học hỏi chân lý; ham hiểu biết sự thật; cái gì là chân lý; cái gì là sự thật thì mình đón nhận; mình chấp nhận dù nó đến từ đâu; đến từ người nào, nơi nào một cách khách quan. Không hệ tại người mà ta thích hay điều ta mê; đơn giản đó là chân lý; đó là sự thật nên tôi yêu tôi mến.

   Chân lý, sự thật, có ở trong Kinh Thánh, được gọi là chân lý đức tin; có ở trong cuộc sống, gọi là chân lý sống; có ở trong sự khôn ngoan của con người, gọi là chân lý của nhân loại.

   “Chân lý đức tin”, ta phải lấy đức tin để đón nhận chân lý và sống chân lý đó trong đời sống đức tin và trong đời sống hằng ngày của mình. Chẳng hạn, “hạt giống phải chết đi mới sinh nhiều bông hạt”(x. Ga12,24); “phải qua đau khổ mới tới vinh quang”; “phải chết đi mới được phục sinh”( ba lần tiên báo cuộc thương khó của Đức Giê-su:Mt 16,21; Mt 18,22,-23; Mt 20,18-19); hay “tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì anh em hãy làm cho người ta”(x. Mt 7,12); vv ,.......

    “Phải qua đau khổ mới tới vinh quang”, điều này cũng có nghĩa là muốn có thành công; muốn có kết quả tốt thì ta phải chịu khó học hỏi; chuyên cần luyện tập và kiên trì cho tới cùng. Chứ thấy khó chút là bỏ; cực tí là than; thất bại thì rầu, không làm nữa thì làm sao có thành công; làm sao mà nên thánh được?

    “Chân lý sống”. Chân lý sống của tôi là : “Độc lập, tự do, hạnh phúc”.

    Ai trong chúng ta cũng thích độc lập; ai cũng muốn làm theo ý mình hết; làm theo ý mình thì vui; không làm theo ý mình thì bực. Thế thì, trong bổn phận và trách nhiệm của mình, ta hãy suy nghĩ, đắn đo mà làm theo ý mình muốn và đương nhiên mình sẽ chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Đồng thời, việc của người khác, ta cũng hãy để cho họ quyết định việc của họ; ta đừng xen vào cũng đừng bắt người ta phải làm theo ý mình. Có quan tâm thì góp ý thôi; người ta nghe hay không nghe và việc của người ta.

     Tự do, là ta có quyền lựa chọn những gì mình thích, mình muốn, cách hợp tình hợp lý; được mọi người thừa nhận, chứ không phải tự do là ta muốn làm gì thì làm. Trong cuộc sống, ta có thể cho hoặc không cho; có thể làm hay không làm; tùy ta quyết định xem cái nào tốt hoặc có ích lợi cho mình và cho người khác.

   Quả thật, có độc lập, có tự do thì mới có hạnh phúc. Tự mình muốn, tự mình chọn, tự mình làm và tự mình hưởng thì không có hạnh phúc nào bằng. Ví dụ, tự mình bỏ công bỏ sức ra làm việc, để mình có tiền, mua thứ mình thích để ăn, để sống thì đâu có ai phản đối hay trách móc gì; còn nếu mình bỏ công bỏ sức ra để đi ăn trộm, ăn cắp thì đâu có ai để cho mình yên đâu. Mình nuốt cũng đâu có trôi; có lấy được thì cũng trốn chui, trốn nhủi, chứ đâu có sung sướng gì.

   Ta có nghe nói: “Con ơi nhớ lấy lời cha; một đêm ăn trộm bằng ba đêm làm”. Vâng đúng như vậy, nhưng bị 3 năm bóc lịch thì sao???? Có sướng không !!!

    “Chân lý của con người” đó là kho tàng khôn ngoan của các bậc hiền sĩ để lại, ta cũng có thể tìm tòi và học hỏi để làm giàu kho tàng chân lý của ta.

   Còn đối với sự thật, chân lý sống của tôi là: “Có thì nói có; không thì nói không; nhưng không phải sự thật nào cũng nói”. Vì có những sự thật, ta không nên nói ra. Nói không đúng người, không đúng chỗ, sẽ gây hại hơn là lợi.

   “Khi chân lý được thể hiện trong hành động và lời nói, chúng ta gọi là chân chính, thành thật hay thẳng thắn. Chân lý hoặc chân thật là nhân đức giúp con người thành thật trong các hành vi và lời nói; không gian dối; không giả vờ; không đạo đức giả”(x.GLCG, số 2468).

  Chúng ta là môn đệ của Đức Giê-su, Vua chân lý, chúng ta “chấp nhận sống chân lý, nghĩa là sống đơn sơ và thành thật theo gương mẫu của Chúa”(x. GLCG, số 2470). Nói thật thì hay mất lòng đấy, nhưng có lúc cần thì chúng ta cũng phải nói thẳng, nói thật vì “Thuốc đắng thì giã tật” mà. Sự thật sẽ giải phóng chúng ta; còn nói dối, giả vờ, đạo đức giả thì coi chừng bị tác dụng ngược.

    Hôm nay, Giáo Hội mừng kính Đức Giê-su Ki-tô là Vua vũ trụ; là VUA CHÂN LÝ; là Vua sự thật, chúng ta cũng được mời gọi sống chân lý và sống sự thật trong cuộc sống của mình, để chúng ta nên công dân Nước Trời, nên thần dân của Vua Ki-tô và xác tín rằng Đức Giê-su Ki-tô là VUA của chúng ta.

   Tôi đang sống trong một tỉnh của Nhật Bản có tên là tỉnh OKINAWA. Tôi muốn chơi chữ của những chữ này. Tôi sẽ tách chữ này thành 4 : O-KI-NA-WA. Theo tiếng Nhật O, đọc là Ô sama(王様), có nghĩa là Vua; KI(キリスト), là Ki-tô; Na là Na-da-rét(ナザレ); WA, tiếng Nhật là Watashitachi(私たち), có nghĩa là chúng tôi. Vậy chữ O-KI-NA-WA có nghĩa là Đức Ki-tô thành Na-da-rét là Vua của chúng tôi. (ナザレ・キリストは私たちの王様です)。

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: