Nhảy đến nội dung

Niềm Tin và Hy Vọng của ta

CN VI PS

Niềm Tin và Hy Vọng của ta

  “Thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác”(1P 3,17).

Điều này, có nghĩa là thà chịu khổ vì làm việc lành, hơn là chịu khổ vì làm việc ác. Làm việc ác, chịu khổ, chịu nhục; bị bắt, bị tù đày, điều này cũng bình thường thôi, đâu có gì phải nói. Đó là bị phạt, để đền tội; để không còn gây hại cho ai nữa. Còn làm việc lành mà chịu khổ, chịu nhục; bị khinh khi, bị vu khống, điều đó mới đáng nể, đáng nói.

   Hai cái khổ, hai cái nhục như nhau, nhưng vì hai lý do khác nhau nên cũng khác nhau một trời một vực. Một cái là tích cực, một cái là tiêu cực. Cái khổ vì làm việc lành là tích cực; cái khổ vì làm việc ác là tiêu cực. Một cái đáng được thưởng; một cái đáng bị phạt. Cái khổ vì làm việc lành thì đáng được thưởng; còn cái khổ vì làm việc ác thì đáng bị phạt. Do đó mà nói: “thà” chịu khổ vì làm việc lành, hơn là chịu khổ vì làm việc ác.

    Chính Đức Giê-su là gương mẫu cho chúng ta về điều này: “Chính Đức Ki-tô đã chịu chết một lần vì tội lỗi, - Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương- hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh”(x. 1P 3,18).

   Theo sách Giáo Lý Công Giáo thì: “Khi cử chính Con Một Người đến trong thân phận tôi đòi - thân phận loài người sa đọa và phải chết vì tội lỗi - Thiên Chúa vì chúng ta, đã coi Đức Ki-tô, - Đấng không hề biết tội là gì- như hiện thân của tội lỗi, để trong Người, chúng ta được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa”(x. GLCG, số 602).

  “Đức Ki-tô, Đấng không hề BIẾT tội là gì”. Cái BIẾT đây là cái BIẾT Thần Học; không có nghĩa là Ngài không biết, không hiểu về tội lỗi mà là Ngài không có tội; không hề phạm tội. Vì chúng ta; vì để cứu độ chúng ta, Thiên Chúa đã coi Đức Ki-tô như là hiện thân của tội lỗi. Nói cho dễ hiểu là Đức Ki-tô gánh lấy hết mọi tội lỗi của con người chúng ta. Do đó Ngài trở thành “tội nhân”. Để nhờ Người chúng ta được tha tội; để trong Người, chúng ta trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Đó là ý định cứu độ của Thiên Chúa: “Ý định cứu độ của Thiên Chúa là giải thoát con người khỏi nô lệ tội lỗi nhờ cái chết của Người Tôi Tớ; Đấng Công Chính”(x. GLCG, số 601).

   “Vì không phạm tội, Đức Giê-su không bao giờ bị Thiên Chúa ruồng bỏ. Đức Giê-su đã đón nhận chúng ta trong tình yêu cứu chuộc hằng liên kết Người với Chúa Cha, cho đến độ Người xem như bị tách lìa khỏi Thiên Chúa vì tội lỗi chúng ta, nên Người thay chúng ta mà thốt lên trên thập giá: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Chúa nỡ bỏ Con!”. Vì đã muốn liên kết Đức Ki-tô với chúng ta là những tội lỗi, nên Thiên Chúa “đã chẳng dung tha Chính Con Một của Người vì hết thảy chúng ta”, để chúng ta được hòa giải với Người nhờ cái chết của Con Một Người”(x. GLCG, số 603).

   “Khi trao nộp Con của Người vì tội lỗi chúng ta, Thiên Chúa cho thấy ý định yêu thương của Người đi trước mọi công trạng của chúng ta”(x. GLCG, số 604). “Tình thương này không loại trừ một ai. Hội Thánh nối gót các Tông Đồ dạy rằng: Đức Ki-tô đã chết cho hết thảy mọi người không trừ một ai. Trước kia, hiện nay cũng như sau này, không có một ai mà Đức Giê-su không chết cho họ”(x. GLCG, số 605).

   Qua đó, chúng ta mới thấy, không chỉ Đức Ki-tô mà cả Thiên Chúa nữa, một cách nào đó: “thà” chịu khổ vì làm việc lành, hơn là chịu khổ vì làm việc ác. Thiên Chúa và Đức Ki-tô, đã chấp nhận “chịu khổ”, “chịu nhục”; “chịu thất bại”, vì làm việc lành; vì để cứu chúng ta khỏi khổ, khỏi nhục, khỏi thất bại, khỏi chết muôn đời.

   Đó là niềm tin và hy vọng của Hội Thánh; và cũng là niềm tin và hy vọng của mỗi người chúng ta nữa. Chúng ta tin vào tình thương Thiên Chúa; chúng ta hy vọng vào cái chết của Đức Ki-tô, để chúng ta được cứu độ. Vậy, chúng ta phải làm gì để niềm tin và hy vọng đó trở thành hiện thực đây?

   Thứ nhất, chúng ta hãy: “Tôn Đức Ki-tô làm Chúa ngự trị trong lòng chúng ta”. Có nghĩa là trong tâm hồn của chúng ta chỉ có Đức Ki-tô là Chúa mà thôi. Vì Ngài đã chết cho chúng ta. Ngài đáng là Chúa cho chúng ta tôn thờ và tuân phục mãi mãi. Có nghĩa là chúng ta noi gương Ngài, mà “Thà chịu khổ vì làm việc lành, chứ không chịu khổ vì làm việc ác”.

  Thứ hai, chúng ta hãy: “Luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta”. Có thể, có những người cho rằng niềm tin của chúng ta là hão huyền; niềm hy vọng của chúng ta là vớ vẩn. Làm việc lành mà chịu khổ thì làm việc lành làm chi? Hão huyền quá!!! Chịu khổ để được thưởng sao? Thật là vớ vẩn !!!

    Vâng. Chúng ta phải trả lời cho họ về niềm tin và niềm hy vọng của chúng ta, “cách hiền hòa và với sự kính trọng”.Cách hiền hòa, tại sao thế? Vì nhiều khi làm việc lành mà phải chịu khổ, bị nhục, chúng ta dễ nổi sung lên lắm, nên chúng ta phải bình tĩnh mà trả lời cách hiền hòa. Nếu chúng ta xác tín với niềm tin của mình, thì chúng ta sẽ bình thản trả lời thôi.

Ví dụ như người ta thường nói: “Yêu thì khổ, không yêu thì lỗ. Thà chịu khổ hơn bị lỗ”. Có nghĩa là biết yêu là khổ mà vẫn cứ yêu; dám chấp nhận chịu khổ để yêu, chứ không chịu lỗ để cô đơn, còm cõi. Người nào dám nói thế là người đã xác tín vào tình yêu. Yêu là khổ đấy, nhưng hạnh phúc. Khổ thì ít mà hạnh phúc thì ...đầy tràn. Lại nữa, đâu có ai yêu để mà khổ bao giờ đâu hè !!!!!!!!

   Tại sao chúng ta lại phải trả lời với sự kính trọng? Vì chuyện này không phải là chuyện đùa, chuyện chơi mà là một chuyên hết sức nghiêm túc và có thật. Thứ nhất là chúng ta kính trọng, là kính trọng sự hy sinh của Đức Ki-tô. Thứ hai là kính trọng công sức con người bỏ ra để làm việc đó và giá trị của việc làm đó.

   Như với ví dụ trên, chúng ta không thể cho rằng những người YÊU say đắm kia là khờ, là dại; chúng ta phỉ báng, chúng ta chê bai; chúng ta chế giễu. Hoặc là cho rằng Thiên Chúa đã điên rồi; Đức Ki-tô đã mất trí rồi. Không. “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban chính Con Một”(x. Ga 3,16). Còn Đức Ki-tô thì: “Đã yêu thương họ đến cùng”(x. Ga 13,1). Và những người dám hy sinh thân phận, tiền tài, của cải và danh vọng để YÊU, thì họ là người hạnh phúc nhất trên đời, chứ không bị thua lỗ và bị xấu hổ như ta nghĩ.

    Vậy, chúng ta hãy “giữ lương tâm ngay thẳng”, có nghĩa là hãy nắm giữ xác tín của mình và sống chết vì niềm tin và niềm hy vọng của mình, để những người phỉ báng, chê bai, vu khống hay chỉ trích chúng ta phải câm miệng, phải xấu hổ; thấy chúng ta được bình an và hạnh phúc thì họ phải “chảy nước miếng”. “Thà chịu khổ vì làm việc lành”; “thà chịu khổ để được YÊU chứ không chịu lỗ”, đó phải là niềm Xác Tín; là Niềm Tin và Hy Vọng của mỗi người chúng ta.

Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: