Nhảy đến nội dung

TIN MỪNG  trong đại dịch Co-ro-na

CN III MC                

TIN MỪNG  trong đại dịch Co-ro-na

  Người phụ nữ thưa : “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Đức Giê-su nói : “Đấng ấy chính là Tôi, người đang nói với chị đây” (Ga 4, 25-26).

   Hôm nay, trong bài Tin Mừng, nói về cuộc nói chuyện giữa Đức Giê-su và người phụ nữ xứ Sa-ma-ri-a. Nội dung của cuộc nói chuyện đó là việc xin nước để uống trong khi đi đường. Thế nhưng từ việc xin nước thông thường đó, dẫn đến nhiều vấn đề trong cuộc sống bình thường cũng như trong đời sống tôn giáo.

   Như từ việc xin nước uống đến việc xin nước thần thiêng; từ nước bình thường đến nước hằng sống : “Xin chị cho tôi chút nước” (x.Ga 4,7) và “Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống?”(x. Ga 4,11). Đức Giê-su nói : “Ai uống nước này sẽ lại khát, còn ai uống nước tôi cho sẽ không khát bao giờ nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”(x. Ga 4, 13-14).

  Rồi đến việc thờ phượng. “Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa ở trên núi này.....hoặc Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa” (x. Ga 4,20). Đức Giê-su nói : “Thiên Chúa là Thần Khí, những kẻ thờ phượng Thiên Chúa phải thờ phượng trong Thần Khí và sự thật” (x.Ga 4, 24).

   Và cuối cùng thì từ một con người bình thường, người phụ nữ đã nhận ra Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a : “Đến mà xem, có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm, ông ấy không phải là Đức Ki-tô sao? (x. Ga 4,29).

   Thế đấy, nói chuyện, đối thoại hay gặp gỡ Thiên Chúa là việc quan trọng và cần thiết cho người tín hữu Ki-tô chúng ta trong mùa chay này. Chúng ta cùng tìm hiểu và đào sâu việc này qua số 3 sứ điệp mùa chay năm 2020 của Đức Thánh Cha Phan-xi-cô.

  Thánh ý say mê của Thiên Chúa muốn đối thoại với con cái Người.

      “Không bao giờ nên coi việc Thiên Chúa, một lần nữa, muốn dành cho chúng ta một thời gian thuận lợi để chúng ta hoán cải như một điều đương nhiên. Cơ hội mới này phải đánh thức trong chúng ta một cảm thức biết ơn và khuấy động chúng ta khỏi cơn lười biếng của chúng ta. Mặc dù đôi khi có sự hiện diện bi thảm của tội ác trong cuộc sống của chúng ta và trong cuộc sống của Giáo hội và thế giới, cơ hội để thay đổi đường đi của chúng ta này nói lên thánh ý bất di bất dịch của Thiên Chúa không làm gián đoạn cuộc đối thoại cứu rỗi của Người với chúng ta. Nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh, Đấng không biết gì đến tội lỗi, thế nhưng, vì lợi ích của chúng ta, đã bị biến thành tội lỗi (x. 2Cr 5:21), thánh ý cứu rỗi này đã khiến Chúa Cha đặt lên vai Con của Người sức nặng của tội lỗi chúng ta, như trong kiểu phát biểu của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, “biến Thiên Chúa chống lại chính Người (Deus Caritas Est, 12). Vì Thiên Chúa cũng yêu cả các kẻ thù của Người nữa (x. Mt 5: 43-48).”

    Tiêu đề của số 3 này là “Thánh ý say mê của Thiên Chúa muốn đối thoại với con cái Người”Điều  này có nghĩa là Thiên Chúa lúc nào cũng muôn nói chuyện với con người chúng ta. Đó là một cơ hội tốt cho chúng ta gặp gỡ Chúa; một cơ hội thuận tiện để chúng ta hoán cải; để chúng ta ăn năn sám hối. Nó không là một điều đương nhiên mà chúng ta phải ý thức và cố gắng làm mới có. Có khi chúng ta sợ hãi vì những lỗi lầm của bản thân, cũng như của Giáo Hội, của Xã Hội; cũng có khi vì sự lười biếng của chúng ta nữa. Thế nhưng  không vì thế mà Chúa không muốn nói chuyện với con người chúng ta. Chúa vẫn muốn, vì đó là chương trình cứu độ của Chúa : “thánh ý cứu rỗi này đã khiến Chúa Cha đặt lên vai Con của Người sức nặng của tội lỗi chúng ta”.

      “Cuộc đối thoại mà Thiên Chúa muốn thiết lập với mỗi chúng ta qua mầu nhiệm Vượt qua của Con Người không liên quan gì đến cuộc trò chuyện trống rỗng, giống như cuộc trò truyện vốn được gán cho các cư dân cổ xưa của Athens, những người “dành thì giờ của mình không làm gì cả, ngoài việc kể hay nghe một điều gì đó mới lạ” (Công vụ 17:21).

   Nhiều khi chúng ta nghĩ không biết nói gì với Chúa đây? Rất dẽ dàng thưa các bạn. Chúng ta nói chuyện với Chúa như nói với một người bạn. Tất cả những gì trong cuộc sống của chúng ta mà chúng ta đang lo lắng, từ nghề nghiệp, ơn gọi, gia đình, xã hội đến việc ăn uống, mua sắm; con cái, việc học hành, công việc làm ăn, những thành công, những thất bại; những niềm vui, những nỗi buồn; những gì của hiện tại; những gì của tương lai, vv......

    Rồi trong đời sống đức tin, tôn giáo; việc thờ phượng Thiên Chúa; việc đi lễ đi lạy; việc đọc kinh này kinh kia; sống đức tin thế nào trong thời buổi hiện tại; trong đại dịch vi-rút CO-RO-NA, đó có phải là sự trừng phạt của Chúa không? Nói chung là tất cả....tất cả....Như vậy là có rất nhiều điều chúng ta có thế nói với Chúa. Cái khó là Chúa không “trả lời trả vốn” với chúng ta cả, dường như là độc thoại và điều đó làm cho chúng ta thấy nhàm chán không muốn nói chuyện với Chúa.

    Không. Nói chuyện với Chúa không nhàm chán đâu. Theo tôi thì khi nói chuyện với Chúa ta chắc ăn 100% một điều là Chúa không nói lại với bất cứ ai; hoàn toàn riêng tư, hoàn toàn bí mật giữa Chúa và ta. Điều đó cho chúng ta một sự an tâm và an toàn. Rồi chúng ta có thể nói với chuyện với Chúa bất cứ sự gì và bất cứ nơi đâu.

   Còn việc Chúa không trả lời với ta thì sao? Chúa không trả lời với ta như những con người bình thường, nhưng Chúa nói với chúng ta qua Lời Chúa. Chúa đã nói hết với chúng ta qua Thánh Kinh và qua Đức Giê-su Ki-tô rồi. Nếu chúng ta đã đọc và suy gẫm lời Chúa thì từng vấn nạn, từng vấn đề của chúng ta đã có lời giải đáp. Việc của chúng ta là phải đọc và suy gẫm Lời Chúa để biết và thấy Chúa nói chuyện hay trả lời chúng ta thế nào.

   Như đại dịch vi-rút Co-ro-na có phải là sự trừng phạt của Chúa không?

   Khi chúng ta đọc Thánh Kinh Cựu Ước, thấy có việc Thiên Chúa trừng phạt con người. Nhưng đó chỉ là khởi đầu cho việc Thiên Chúa dạy dỗ con người chúng ta. Vì khi đó con người chúng ta như “những đứa trẻ”, chưa biết gì, nên đôi khi Thiên Chúa dùng những hình phạt như thiên tai hoặc con người, để họ sợ mà tuân theo lời Chúa dạy.

    Thế nhưng, khi con người chúng ta đã phát triển và hiểu biết như bây giờ thì chúng ta là những con người trưởng thành, Thiên Chúa không dùng “hình phạt” nữa, mà dùng lời nói. Những Lời Nói đó đã được Thiên Chúa nói qua Đức Giê-su Ki-tô trong Tân Ước.

   Trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như bây giờ, thì thiên tai chỉ là hiện tượng tự nhiên như động đất, núi lửa phun, sóng thần, gió bão, chúng không là sự trừng phạt của Thiên Chúa. Nhiều khi chúng có cũng là do con người chúng ta; do chúng ta chặt phá rừng; tàn phá thiên nhiên; tạo ra nhiều rác rưởi, làm ô nhiễm môi trường. Rồi vi-rút Co-ro-na chắc chắn không phải là do Thiên Chúa tạo dựng để trừng phạt con người, mà rất có thể là do con người chúng ta chế tạo ra để hãm hại nhau.

    Trong đại dịch này chúng ta sẽ sống đức tin thế nào? Có nơi thì Giáo quyền cho ngưng việc tham dự và dâng lễ để tránh lây lan. Nhiều người cảm thấy tiếc, nhưng suy cho cùng thì đó là việc phải làm. Vì nếu tập trung nhiều người mà lây bệnh thì nguy hại biết bao nhiêu. Nếu là người mắc bệnh thì sẽ mang tội “giết người” bằng vi-rút đấy.  Điều này được chứng thực cho một giáo phái bên Hàn Quốc. Qua đó cũng cho chúng ta thấy, Thánh Lễ quan trọng biết bao nhiêu, mà bình thường chúng ta lại coi không ra gì.

   Nếu không đi tham dự thánh lễ được thì chúng ta có thể tham dự và rước lễ cách thiêng liêng trên mạng và nhất là đọc và suy gẫm Lời Chúa. Đúng như Lời Đức Giê-su nói trong Tin Mừng hôm nay: “Nhưng giờ đã đến và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế” (x. Ga 4, 23).

    Trong Thần Khí. Thiên Chúa là Thần Khí, nên Thiên Chúa không chỉ có ở một nơi nào đó như nhà thờ chẳng hạn, mà Thiên Chúa có ở khắp mọi nơi, cho nên ở đâu chúng ta cũng có thể thờ phượng Thiên Chúa được. Và một điều nữa là chúng ta thờ phượng Thiên Chúa trong sự thật, tức là chúng ta cầu nguyện với đức tin, đức cậy và đức mến; cầu nguyện với ta cả tấm lòng chân thành và chân thật của mình.

    Hiện tại, những nơi bùng nổ dịch bệnh, chúng ta hãy tuân theo sự chỉ dẫn của chính quyền cũng như của giáo quyền, sống đức tin và dâng thánh lễ tại nhà, tại phòng riêng của mình; dành nhiều thì giờ để nghe Lời Chúa, suy gẫm Lời Chúa và nói chuyện với Chúa nhiều hơn. Ở những nơi không cấm đoán gì, thì chúng ta cũng phải đề phòng việc lây lan, tránh tập trung đông người và thực hành những biện pháp ngăn lây nhiễm bệnh. Cầu nguyện cho thế giới trước cơn đại dịch; cầu cho những người mắc bệnh; những người chữa bệnh; cũng như giúp đỡ bao có thể để hạn chế cũng như khống chế được dịch bệnh.

   Vậy, noi gương người phụ nữ Sa-ma-ri-a và theo lời dạy của Đức Phan-xi-cô, chúng ta cố gắng dành nhiều thì giờ để nói chuyện với Chúa, để chúng ta hoán cải, để chúng ta ăn năn sám hối; để chúng ta cầu nguyện; để chúng ta nghe và suy gẫm Lời Chúa và nhất là để chúng ta sống đức tin trong đại dịch vi-rút co-ro-na này. Đó chính là việc thờ phượng Thiên Chúa trongThần Khí và Sự Thật; và đó cũng là TIN MỪNG cho chúng ta trong đại dịch vi-rút Co-ro-na đấy.

 Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: