Đức Ki-tô Phục Sinh đang sống trong tâm hồn chúng ta
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN PS
Đức Ki-tô Phục Sinh đang sống trong tâm hồn chúng ta
Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”(Ga20,9).
Theo sách Giáo Lý Công Giáo, “Biến cố phục sinh là một biến cố có thật với những chứng từ có giá trị lịch sử, được Tân Ước xác nhận. Khoảng năm 56, thánh Phao-lô đã viết cho các tín hữu thành Cô-rin-tô: “Tôi truyền cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là : Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Thánh Kinh; rồi Người mai táng và ngày thứ ba trỗi dậy đúng như lời Kinh Thánh. Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với nhóm 12. Thánh Phao-lô nói đến truyền thống sống động về mầu nhiệm phục sinh mà ngài đã học sau khi hoán cải ở cổng thành Đa-mát” (x. GLCG, số 639).
“Đức Giê-su Phục Sinh là chân lý tuyệt đỉnh của đức tin Ki-tô giáo, được cộng đoàn tín hữu tiên khởi tin và sống như là chân lý trung tâm; được truyền thống lưu truyền như chân lý căn bản; được các văn kiện Tân Ước xác lập; được rao giảng như phần chủ yếu của mầu nhiêm Vượt Qua và Thập giá: Đức Ki-tô từ cõi chết sống lại; Người đã chết để chiến thắng tử thần và ban sự sống cho kẻ đã chết”(x. GLCG, số 638).
Trong bài Phúc Âm hôm nay, có nói đến “Ngôi mộ trống”. “Trong biến cố phục sinh yếu tố đầu tiên chúng ta thấy là ngôi mộ trống. Tự nó, sự kiện này không phải là bằng chứng trực tiếp. Việc thân xác Đức Ki-tô không còn trong mồ có thể được giải thích cách khác (như có thể có người nào đó đã dời đi chẳng hạn). Dầu vậy, mọi người đều coi ngôi mộ trống là bước đầu dẫn đến các môn đệ nhìn nhận chính sự kiện Chúa sống Lại. Đó là trường hợp các phụ nữ đạo đức; tiếp đến là Phê-rô; Gio-an. Khi vào trong mộ trống và thấy những băng vải để riêng ra ở đó, người môn đệ Đức Giê-su yêu quí, ông Gio-an đã nói: Tôi đã thấy và Tôi đã tin. Điều này giả thiết rằng, khi thấy mộ trống, ông nhận ra việc mất xác Chúa không phải do loài người và Đức Giê-su không đơn giản trở lại cuộc sống trần thế như trường hợp La-za-rô”(x. GLCG, số 640).
Như vậy, ý nghĩa và ảnh hưởng cứu độ của biến cố Phục Sinh của Đức Giê-su thế nào?
“Nếu Đức Ki-tô không trỗi dậy, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng và đức tin của anh em cũng trống rỗng”(x. 1Cr 15,14). Đó là lời khẳng định của thánh Phao-lô. Điều đó có nghĩa là nếu Đức Giê-su không Phục Sinh thì lời rao giảng về Đức Giê-su Ki-tô không có giá trị gì và đức tin của người tín hữu chúng ta cũng vô ích.
“Trên hết mọi sự, sự Phục Sinh xác nhận tất cả những gì chính Đức Giê-su đã làm và đã dạy. Khi Phục sinh, Đức Ki-tô chứng tỏ Người có thẩm quyền của một Vị Thiên Chúa, nên toàn thể các chân lý, đều đáng tin, kể cả những chân lý mà lý trí loài người khó chấp nhận” (x. GLCG, số 651).
“Đức Ki-tô phục sinh hoàn tất những lời hứa của Cựu Ước và của chính Người khi còn sống tại thế. Thuật ngữ: “Đúng theo Kinh Thánh” cho thấy việc Đức Giê-su Phục Sinh hoàn tất các lời tiên báo này” (x. GLCG, số 652).
Sự “Phục Sinh xác nhận Thiên Tính thật của Đức Giê-su. Người đã nói: “Khi các ông đưa Con Người lên cao, bấy giờ các ông sẽ biết Tôi Hằng Hữu”(x. Ga 8,28). Sự Phục sinh của Đấng bị đóng đinh chứng minh rằng Người thực sự là “ĐấngHằng Hữu”; là Con Thiên Chúa và là chính Thiên Chúa” (x. GLCG, số 653).
“Có hai khía cạnh trong mầu nhiệm Vượt Qua: Đức Giê-su chết để giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và phục sinh để mở đường vào cuộc sống mới. Cuộc sống mới này bao hàm trước tiên là sự công chính hóa, nghĩa là đặt chúng ta lại trong ân sủng của Thiên Chúa. Đời sống mới này là sự chiến thắng sự chết do tội lỗi gây ra và được thông phần vào ân sủng”(x. GLCG, số 654).
Đời sống mới này thực hiện nơi chúng ta qua việc chúng ta lãnh nhận phép rửa; chúng ta được lãnh ơn làm nghĩa tử; lãnh ơn làm con Chúa. “Chúng ta trở thành anh em của Đức Giê-su không phải do bản tính mà do hiệu quả của ân sủng, vì ơn làm nghĩa tử thông hiệp chúng ta thực sự vào đời sống Con Một Thiên Chúa, như mầu nhiệm Phục Sinh đã mặc khải trọn vẹn”.
“Sự Phục Sinh của Đức Ki-tô cũng như chính Đức Ki-tô Phục sinh là nguyên lý và nguồn mạch cho sự sống lại của chúng ta mai sau”(x. GLCG, số 655).
Ngay khi còn sống trên dương gian này, “Đức Ki-tô Phục Sinh sống trong lòng mọi người tín hữu. Nơi Người, các Ki-tô hữu được cảm nghiệm những sức mạnh của thế giới tương lai và cuộc sống của họ được Sự Phục Sinh của Đức Ki-tô lôi cuốn vào trong cung lòng đời sống của Thiên Chúa”, “để những ai đang sống, không còn sống cho chính mình nữa, mà sống cho Đấng đã chết và sống lại vì mình”(x. 2Cr 5,15).
Theo tôi, điều người tín hữu công giáo chúng ta cần ghi nhớ và thực hiện trong đời sống của mình là “Đức Ki-tô Phục Sinh đang sống trong lòng chúng ta”. Hay nói cách khác là chúng ta đang mang trong mình Đức Ki-tô Phục Sinh. Nghĩa là chúng ta phải cảm nghiệm được những mạnh của thế giới tương lai, làm cho chúng ta, như thánh Phao-lô nói, đó là “tìm kiếm những sự thuộc thượng giới” và “hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới”(x. Cl 3,1-2).
Điều đó không nói người tín hữu công giáo chúng ta không làm gì cả; không ăn, không uống gì hết. Không. Điều đó có nghĩa là người công giáo chúng ta, đang khi sống trên trần gian này, chúng ta “tìm kiếm”; chúng ta “hướng lòng trí” về thượng giới; về nơi mà chúng ta sẽ sống khi cùng phục sinh với Đức Ki-tô. Chứ đừng chỉ có chú tâm vào những gì thuộc hạ giới, chóng qua mau tàn.
Chúng ta thấy, người đời, họ chỉ tìm kiếm và chú tâm vào những gì ở đời này, nào là tiền của; nào là danh vọng; nào là chức quyền; nào là những tiện nghi vật chất, để rồi chết là hết và chết là mất tất cả. Còn đời sau thì sao? Không có chăng? Nếu không có đời sau, thì tại sao phải cầu nguyện cho người chết làm chi vậy? Rõ ràng là có đời sau mà. Tại sao lại không chuẩn bị cho đời sau của mình cơ chứ?
Cám ơn Chúa, người tín hữu công giáo chúng ta được Giáo Hội luôn luôn nhắc nhở và chúng ta biết và chuẩn bị cho đời sau của mình. Sự Phục Sinh của Đức Ki-tô nhắc nhở cho chúng ta điều đó. Chúng ta cũng sẽ được phục sinh với Đức Ki-tô trong ngày sau hết, để chúng ta “cùng Người hưởng phúc vinh quang”. Bởi đó, sự Phục sinh của Đức Ki-tô phải lôi cuốn cuộc sống của chúng ta vào trong cung lòng đời sống của Thiên Chúa ngay khi chúng ta đang sống ở đời tạm này.
Quả thực chúng ta thấy, có ai sống mãi ở thế gian này đâu. Khoảng trên 100 năm là “hết đát”; “hết xí-qwách” rồi. Có tỉ phú hay chức quyền đi nữa, rồi cũng phải ra đi với hai bàn tay trắng. Nếu không chuẩn cho đời sau của mình, thì cũng sẽ “trắng tay” thôi. Vất vả làm lụm, cố gắng cả đời, mà cuối cùng tay trắng vẫn hoàn trắng tay, thì có ích lợi chi, có ý nghĩa gì !!!!!!!!!!!
Vậy, trong mùa Phục Sinh năm nay, chúng ta, những người tín hữu công giáo hãy khắc cốt, ghi tâm mầu nhiệm Đức Ki-tô Phục Sinh. Rằng Đức Ki-tô Phục Sinh đang sống trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta đang sống trong mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Ki-tô. Điều đó sẽ làm cho chúng ta cảm nghiệm được sức mạnh của thế giới tương lai; cảm nghiệm được sức mạnh của thượng giới. Để rồi, Sự Phục Sinh của Đức Ki-tô lôi cuốn chúng ta vào cuộc sống của thế giới tương lai; lôi kéo chúng ta vào cuộc sống của Thiên Chúa.
Theo Thánh Kinh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết. Còn chúng ta, theo Đức Ki-tô Phục Sinh, chúng ta sẽ được phục sinh với Đức Ki-tô. Chúng ta sẽ Vượt Qua cõi đời này để đến cõi đời đời nơi thượng giới; nơi Thiên Chúa. A-men. Ha-lê-lui-a . Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a!!!!!!!!!!!!!
Lm. Bosco Dương Trung Tín