Sống Tin, Cậy, Mến trong Điều răn thứ nhất
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 30 QN
Sống Tin, Cậy, Mến trong Điều răn thứ nhất
Điều răn trọng nhất và thứ nhất là “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi”(Mt 22,37).
Theo sách Giáo Lý Công Giáo, đây là điều Đức Giê-su tóm tắt các bổn phận của con người đối với Thiên Chúa(x. GLCG, số 2083).
“Điều răn thứ nhất bao gồm Đức tin, Đức Cậy và Đức Mến”(x. GLCG, số 2086). Chúng ta cùng tìm hiểu việc thực hành Đức tin, Đức Cậy và Đức mến trong Điều răn thứ nhất và trọng nhất này.
- Đức Tin. “Điều răn thứ nhất buộc chúng ta nuôi dưỡng và gìn giữ Đức Tin cách cẩn trọng; đồng thời loại bỏ tất cả những gì nghịch cùng đức tin. Có nhiều tội nghịch cùng Đức Tin”(x. GLCG, số 2088).
“Bổn phận của chúng ta đối với Thiên Chúa là Tin vào Người và làm chứng về Người”. Bởi đó, chúng ta hãy nuôi dưỡng và gìn giữ lòng tin đó cách cẩn trọng. Đồng thời loại bỏ những gì nghịch cùng lòng tin đó. Như cố tình hoài nghi hay vô tình hoài nghi; vô tín, lạc giáo, bội giáo, ly giáo.
“Cố tình hoài nghi trong lãnh vực đức tin là tội xem thường hay không nhìn nhận là chân thật những điều Thiên Chúa mặc khải và Hội Thánh dạy phải tin”.
“Vô tình hoài nghi, là do dự không tin, không cố gắng vượt qua những vấn nạn Đức Tin hay khủng hoảng trước bóng tối của Đức Tin”. Như tại sao lại có sự dữ; người ở hiền mà không gặp lành; tin Chúa mà còn đi xem bói; vv... “Nếu cố chấp, hoài nghi sẽ làm cho tâm trí nên mù quáng”. Hoài nghi làm Đức Tin của chúng ta lung lay; cứ mãi nghi ngờ sẽ phá đổ tất cả.
“Vô tín, là khinh thường chân lý mặc khải hay cố tình từ chối không tin” vào Thiên Chúa. Vậy, người tín hữu Công Giáo nào khinh thường chân lý mặc khải hay cố tình từ chối không tin” vào Thiên Chúa là người vô tín.
“Lạc giáo là khi người tín hữu đã chịu phép rửa tội lại ngoan cố phủ nhận hay nghi ngờ một chân lý phải tin nhận theo Đức Tin đối thần và công giáo”. Điều này có thể hiểu một người đã chịu phép rửa trong Hội Thánh Công Giáo, lại chuyển qua các Giáo Hội Ki-tô khác như Chính Thống, Tin Lành hay Anh Giáo.
“Bội giáo là chối bỏ toàn bộ Đức Tin Ki-tô giáo”. Vậy, người tín hữu Công Giáo nào chối bỏ toàn bộ Đức Tin Ki-tô giáo, là người bội giáo.
“Ly giáo là từ chối tùng phục Đức Giáo Hoàng hay từ chối hiệp thông với các phần tử của Hội Thánh đang phục quyền Người”. Vậy, người tín hữu Công Giáo nào, từ chối tùng phục Đức Giáo Hoàng hay từ chối hiệp thông với các phần tử của Hội Thánh đang phục quyền Người là người ly giáo.(x. GLCG, số 2089)
Nói tóm là những người tín hữu Công Giáo nào, cố tình hoài nghi hay vô tình hoài nghi; vô tín, lạc giáo, bội giáo, ly giáo đều mắc tội nghịch với Đức Tin.
- Đức Cậy. Đức Cậy là “Trông cậy Chúa sẽ ban cho khả năng, để đáp trả tình yêu của Người và hành động cho phù hợp với các điều răn của Đức Mến. Cậy trông là hết lòng mong đợi được Thiên Chúa chúc phúc cho diện kiến Tôn Nhan Người. Cậy trông còn bao hàm thái độ sợ mất lòng Chúa và bị trừng phạt”(x. GLCG, số 2090).
Theo tôi, Đức Cậy còn giúp chúng ta cậy trông, Chúa sẽ trả lại sự công bằng cho ta và hoàn lại cho chúng ta những mất mát, thiệt thòi khi chúng ta sống Đức Tin; sống theo Lời Chúa dạy nữa.
“Điều răn thứ nhất cũng nhắm đến các tội nghịch cùng Đức Cậy như ngã lòng và tự phụ”(x. GLCG, số 2091):
“Người ngã lòng là người không còn trông cậy Chúa sẽ ban cho mình ơn cứu độ; trợ giúp mình đạt ơn cứu độ hay tha thứ tội lỗi của mình. Điều này nghịch với Thiên Chúa là Đấng nhân từ, công bằng, bởi Chúa luôn trung thành với mọi lời Người hứa và giàu lòng thương xót”. Ví dụ như người cho rằng tội mình phạm quá nặng và quá lớn, Thiên Chúa không tha được hay mình phải xuống hỏa ngục thôi, chứ không lên thiên đàng được, nên không cố gắng mà ăn năn hối cải.
Tự phụ thì “có hai loại tự phụ; một là quá tin vào sức riêng, tưởng mình có thể tự cứu rỗi mà không cần sự trợ giúp của ơn trên. Hai là ỷ lại vào Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương xót, tưởng mình sẽ được tha thứ mà không cần phải hối cải và được vinh quang mà không cần lập công”. Hai điều đó vừa bất cập lại vừa thái quá, không phù hợp với Đức Cậy.
- Đức Mến. “Điều răn thứ nhất dạy chúng ta phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu toàn thể thụ tạo vì Người và cho Người”(x. GLCG, số 2093).
Có nhiều tội nghịch với Đức Mến; nghịch với tình yêu thương của Thiên Chúa như lãnh đạm, vong ân, nguội lạnh, lười biếng và oán ghét Thiên Chúa(x. GLCG, số 2094).
“Lãnh đạm là tội xem thường hay không lưu tâm đến tình yêu Thiên Chúa; không biết đến bản chất và sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa”. Theo tôi, cũng là tội khi khinh khi và không trân trọng tình yêu thương của người khác dành cho mình nữa.
“Vong ân là tội quên lãng hay từ chối nhận biết tình yêu Thiên Chúa và từ chối đáp trả tình yêu Thiên Chúa bằng tình yêu của mình”. Theo tôi, cũng là tội khi chúng ta từ chối nhận biết và từ chối đáp trả tình yêu của Thiên Chúa qua những người bằng xương bằng thịt.
“Nguội lạnh là tội do dự, chểnh mảng trong việc đáp lại tình yêu của Thiên Chúa hay từ chối dấn thân theo Đức Mến”.
“Lười biếng. Tội lười biếng trong việc thiêng liêng có thể đưa tới khước từ niềm vui Thiên Chúa ban và khinh chê mọi lợi ích thiêng liêng”. Theo tôi, Lười biếng không chu toàn các bổn phận hàng ngày của mình, cũng là tội.
“Tội oán ghét Thiên Chúa là do kiêu ngạo, chống lại tình yêu của Người, cho rằng Người không tốt lành và chối từ Thiên Chúa vì Người cấm phạm tội và trừng trị bằng hình phạt”. Như có người cho rằng mình bị tai nạn, bị thất bại, bị mất người thân, hay mắc bệnh hiểm nghèo là do Chúa, nên oán ghét Thiên Chúa. Các sự dữ này không do Thiên Chúa, nên vì những việc đó mà oán ghét Chúa là mang trọng tội.
Vậy, Thiên Chúa là Đấng thường hằng bất biến, bất di bất dịch; trung tín và tuyệt đối công bình, nên chúng ta phải tin tưởng vào Người hết lòng. Người là Đấng toàn năng, nhân từ và hằng giáng phúc thi ân. Nên chúng ta phải hy vọng vào Người hết trí khôn. Người yêu thương và trìu mến đổ tràn muôn ơn trên chúng ta. Nên chúng ta phải yêu mến Người hết linh hồn của chúng ta nhé!!!
Lm. Bosco Dương Trung Tín