Nhảy đến nội dung

Một việc làm hai điểm đến và một gói an sinh

CN 29 QN

“Một việc làm hai điểm đến và một gói an sinh”

  “Xin cho hai anh em chúng con, một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy khi Thầy được vinh quang”(Mc 10,37).

   Hai anh em nhà Dê-bê-đê là Gia-cô-bê và Gio-an, tưởng rằng Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem để được vinh quang; để xưng vua, làm vua dân Ít-ra-en, nên hai ông đến xin Chúa cho được ngồi bên hữu và bên tả Chúa. Được ngồi bên hữu, bên tả Chúa, đó là hai chỗ quan trọng nhất; có quyền lực nhất sau Chúa thì không còn gì bằng. Đó là ý nghĩ của con người. Con người chúng ta thích quyền lực và vinh quang; thích “ăn trên ngồi trốc”, để chỉ huy, để thống trị người khác.

   Thế nhưng, Đức Giê-su không có vinh quang trần thế nào ngoài vinh quang trên thập giá. Vinh quang đó là “Hiến dâng mạng sống làm gía chuộc muôn người”. Các ông đã lầm và lầm to nữa là khác. Chúa nói: “Các anh không biết các anh xin gì?”. Đối với Chúa, người làm lớn là người phục vụ; người làm đầu phải hầu thiên hạ. Càng phục vụ nhiều bao nhiêu thì càng quyền lực bấy nhiêu; càng hầu nhiều người bao nhiêu thì càng vinh quang bấy nhiêu.

   Vinh quang của Đức Giê-su là ở trên trời. Trước kia với tư cách là Thiên Chúa, Ngài đã có và sau này khi xuống thế làm người, khi lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa. Đức Giê-su đã cầu nguyện với Chúa Cha rằng: “Lạy Chúa, xin Cha tôn vinh Con bên Cha; xin Cha ban cho Con vinh quang mà Con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian”(x. Ga 17,5). Và “Lạy Cha, Con muốn rằng Con ở đâu thì những người Cha ban cho Con cũng ở đó với Con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của Con; vinh quang mà Cha đã ban cho Con trước khi thế gian được tạo thành”(x. Ga 17,24).

    Trong kinh Tin Kính, “Đức Giê-su lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng”. “Từ nay, Đức Ki-tô, ngự bên hữu Chúa Cha. “Ngự bên hữu Chúa Cha nghĩa là hưởng vinh quang và danh dự của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã hiện hữu từ muôn thuở như Thiên Chúa và đồng bản thể với Chúa Cha, nay đang ngự trong vinh quang và danh dự này cũng với thân xác được tôn vinh”(x. GLCG, số 663). Thân xác được tôn vinh là thân xác đã được phục sinh.

    Bởi đó, theo Đức Giê-su trên trần thế này, chúng ta những người tín hữu công giáo hãy loại bỏ những vinh quang trần thế; hãy loại bỏ những quyền lực trần gian mà thay vào đó là phục vụ và là tôi tớ mọi người. Chúng ta hãy có một tinh thần phục vụ vô vị lợi và có một tinh thần tôi tớ nhiệt thành.

    Tinh thần phục vụ vô vị lợi là giúp đỡ người khác vì người đó chứ không vì bất cứ một lý do gì. Không vì danh, không vì tiền, cũng không vì được khen. Làm được việc gì giúp người khác trong khả năng mình làm được thì mình sẵn sàng sắn tay áo lên làm. Nhiều khi làm không chỉ vì người đó, mà nhất là làm vì Chúa nữa. Thánh Phao-lô có nói: “Bất cứ làm việc gì, hãy tận tâm như thể làm cho Chúa chứ không phải làm cho người đời”(x. Cl 3,23). Rồi người ta có “tạ” hay không “tạ” không thành vấn đề. “Tạ” thì tốt; Không “tạ” thì càng tốt hơn, vì ta lãnh phần “tạ” từ Chúa sẽ tốt hơn nhiều.

   Theo tôi, tinh thần phục vụ là “Bất cứ làm việc gì, hãy tận tâm như thể làm cho Chúa”. Nghĩa là dù việc to hay việc nhỏ; sạch hay dơ; sang hay hèn; khó hay dễ, ta hãy làm cách tận tâm; tức là làm với cái tâm; làm với tất cả tâm hồn của mình và như thể làm cho Chúa chứ không cho người đời. Chắc chắn khi làm cho Chúa thì chúng ta sẽ tận tâm tận lực rồi. Vì làm cho Chúa mà. Cũng thế, nếu khi làm bất cứ việc gì mà ta tận tâm như thể làm cho Chúa thì tốt lành biết mấy.

   Khi đó, chúng ta sẽ không màng đến danh hay lợi gì hết. Làm cho Chúa mà ta làm vì danh hay vì lợi sao. Tâm hồn ta lúc đó sẽ trong sạch và bay bổng; thanh thoát và nhẹ nhàng; không bị vẩn đục vì những mối lợi trần gian. Đây là tôi nói đến tinh thần phục vụ. Chúng ta cũng có thể mang tinh thần phục vụ này vào trong những việc làm hằng ngày của mình, cho dù đó là việc làm có lương.

   Lương là một chuyện, còn tinh thần phục vụ vẫn đóng một vai trò quan trọng. Ta làm có lương, có tiền để trang trải cuộc sống chứ. Đó là điều chính đáng mà. Thế nhưng, nếu ta làm trong tinh thần phục vụ thì không những việc làm của ta có giá trị đời này mà còn có giá trị đời sau nữa; không những có giá trị trước mặt người đời, mà còn có giá trị trước mặt Chúa nữa. Lương như món nợ người ta phải trả cho mình; còn tinh thần phục vụ là ân huệ, là tình, là nghĩa.

   Một người làm tận tâm, tận lực thì ai cũng thương, cũng quí hết. Có trả lương thì người ta cũng sẵn sàng và vui lòng; không trả lương thì người ta sẽ trả tình thương; trả sự quí mến; trả sự ngưỡng mộ. Mà những thứ này mới lâu dài; người ta sẽ nhớ dai, nhớ mãi; thấy mặt là người ta nhớ; còn tiền lương trả xong là hết, chẳng ai còn nhớ tới nữa.

   Một người có tinh thần phục vụ vô vị lợi sẽ là người tôi tớ nhiệt thành. Nhiệt thành thì không trễ nải, không câu giờ, không à ới, tà tà; mau mắn làm và làm cách mau mắn; không cần phải năn nỉ, ỉ ôi. Làm được là làm liền; làm ngay, vì người đang cần mà. Có cần thì người ta mới nhờ đến mình. Có làm như thế thì người ta sẽ vui mừng lắm lắm; như “người buồn ngủ mà gặp chiếu manh”; như “người sắp chết đuối mà gặp miếng phao” vậy. Cần thiết và quí hóa biết chừng nào.

   Như thế, đối với Chúa, điều Chúa muốn chúng ta không phải chỗ ngồi  bên phải hay bên tả mà là tay hữu, tay tả của Chúa cơ. Chỗ là để ngồi. Nếu chỉ ngồi không thì sẽ là “ngồi chơi xơi nước miếng”, “hữu danh vô thực”; còn nếu là tay hữu, tay tả là sự phục vụ, là đầy tớ thì tuyệt vời. Vừa “có tiếng lại vừa có miếng”. “Có tiếng và có miếng” đây là vừa có giá trị trước mặt Chúa, vừa có giá trị trước mặt người đời lại vừa có lương nữa. Ba trong một!!!

      Trong thời dịch Covid 19 này, chúng ta có nghe nói tới “Một cung đường hai điểm đến” và “một gói an sinh”. Cũng thế, một việc làm; một việc phục vụ vô vị lợi và nhiệt thành cũng mang lại cho ta hai điểm đến và một gói an sinh. Một việc làm với hai giá trị và tiền lương. Một việc làm với hai điểm đến là Thiên Chúa và con người. Và một gói an sinh là tiền lương hay sự quí mến mà ta nhận được.

   Vậy chúng ta hãy nói gương Đức Ki-tô, không phải ở bên phải hay bên trái mà là nên tay phải, tay trái của Chúa, để chúng ta được tham dự vào vinh quang của Chúa ở dưới đất cũng như trên trời. Ở dưới đất, chúng ta tham dự vào vinh quang của Chúa qua việc phục vụ mọi người. Ở trên trời, chúng ta được tham dự vào vinh quang của Chúa; được ngồi bên tả bên hữu Chúa bằng linh hồn sau khi chết và cả hồn lẫn xác trong ngày chúng ta được phục sinh.

  Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: