Đức tin và kinh nguyện
- T7, 07/12/2024 - 19:41
- Lm Phạm Quốc Hưng
ĐỨC TIN VÀ KINH NGUYỆN
Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.
“Trong lòng Hội Thánh, con sẽ là tình yêu”
(Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu)
Một bí quyết
Trong dịp giảng tĩnh tâm về chủ đề “trung tín” cho các tập sinh trong Phụ Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Hải Ngoại chuẩn bị khấn dòng lần đầu vào mùa hè 2009, Cha Giám Phụ Tỉnh Đơminicơ có kể một câu truyện thật ý nghĩa như sau:
Trong dịp mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành hôn của hai ông bà cụ nọ, khi được hỏi đâu là bí quyết giúp hai cụ có được một đời hôn nhân gia đình hạnh phúc và chung thủy bên nhau, cụ ông đã trả lời: “Chính nhờ đức tin Công Giáo và những kinh nguyện chúng tôi cùng đọc với nhau mỗi ngày, mà chúng tôi có thể cùng nhau xây dựng một đời sống hôn nhân gia đình hạnh phúc và chung thủy.”
Tôi đã được nghe và đọc về nhiều bí quyết hay kinh nghiệm về việc làm thế nào để có được một đời sống hôn nhân gia đình hạnh phúc, hay làm thế nào để được trung thành và thẳng tiến trong ơn gọi tu sĩ linh mục. Nhưng với tôi, câu trả lời của cụ ông trên đây là câu trả lời giá trị nhất, thiết thực nhất, xúc tích nhất, xác đáng nhất, tuyệt vời nhất, đáng ghi nhớ nhất.
Chính nhờ đức tin và kinh nguyện mà các tín hữu Chúa Kitô được kết hợp gắn bó với Người, và nhờ đó họ có thể chu toàn ơn gọi và sứ mạng Chúa trao phó cho họ trong Hội Thánh và trên trần gian.
Kinh nghiệm quý giá của cụ ông trên đây khiến tôi nhớ đến lời chia sẻ thật khôn ngoan của một người bạn linh mục tốt lành, khi ngài còn đang còn là chủng sinh với tôi ở Chủng Viện. Hồi ấy, ngài rất chuyên chăm cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài chia sẻ với tôi: “Nếu chúng ta biết liên hệ với Chúa Giêsu, chúng ta sẽ biết liên hệ với mọi người.” Cũng vậy, Cha Peyton-tông đồ của Kinh Mân Côi-cũng để lại một câu nói thời danh: “gia đình cầu nguyện-gia đình bền vững”.
Như vậy, bí quyết duy nhất để sống trọn vẹn ơn gọi hôn nhân gia đình hay ơn gọi thánh hiến linh mục không gì khác hơn cũng chính là bí quyết để nuôi dưỡng đời sống đức tin, đời sống Kitô hữu, được Đức Hồng Y Phanxicô-Xaviê Nguyễn Văn Thuận chỉ ra trong sách Đường Hy Vọng như sau: “Bí quyết đời sống Kitô hữu là cầu nguyện. Không cầu nguyện, dù có làm phép lạ, con cũng đừng tin” (ĐHV #122). Hơn nữa, ngài còn nói: “Một người chưa vào đạo mà cầu nguyện là dấu rất tốt: khởi sự cầu nguyện là khởi sự có đức tin.” (ĐHV #137).
Nguyên do dẫn đến mọi khủng hoảng hay đổ vỡ và thất bại trong đời sống hôn nhân gia đình hay trong ơn gọi thánh hiến linh mục-cũng chính là nguyên do dẫn đến khủng hoảng trong Hội Thánh-được Đức Hồng Y vạch ra: “Tại sao trong Hội Thánh khủng hoảng? Vì hạ giá sự cầu nguyện” (ĐHV #134).
Và ngài viết thêm: “Con ngạc nhiên vì sao nhiều người mất ơn Chúa gọi, mất đức tin, phản bội Hội Thánh? Trong bao nhiêu lý do, luôn luôn có một lý do chính: họ đã bỏ cầu nguyện từ lâu” (ĐHV #125).
Lời xác quyết trên của Đức Hồng Y được minh họa thật rõ nét nơi kinh nghiệm mục vụ của một vị giám mục thánh thiện, Đức Cha Jerome Hastrich (+1995), nguyên Tổng Tuyên Úy Đạo Binh Xanh tại Hoa Kỳ. Trong dịp giảng tĩnh tâm cho các chủng sinh chúng tôi tại Chủng Viện Các Thánh Tông Đồ ở Cromwell-Connecticut Mùa Chay năm 1992, ngài đã chia sẻ như sau: “Khi tôi còn là giám mục coi sóc địa phận, có một số linh mục trong địa phận của tôi đã xin hồi tục và từ bỏ sứ vụ linh mục. Mỗi khi họ đến gặp tôi để xin bỏ ngũ hay từ biệt, tôi thường hỏi họ: Cha bỏ đọc kinh Nhật Tụng từ bao giờ? Câu trả lời của họ bao giờ cũng giống nhau, là họ đã bỏ đọc kinh một thời gian. Họ bỏ sứ vụ linh mục vì cùng một lý do: Họ bỏ cầu nguyện”.
Kinh tải đạo
Thật là một điều nguy hại khi có những linh mục đã dại dột và láo lếu khi xem thường hay chỉ trích việc đọc kinh, nhất là việc lần hạt Mân Côi trong Giáo Hội. Tác giả sách Đường Hy Vọng đã cảnh giác về điều này khi viết: “Đừng xem thường việc đọc kinh. Các Tông Đồ đã thưa: Xin Thầy dạy chúng con cầu nguyện. Chúa Giêsu đáp: Khi các con cầu nguyện hãy nói: Lạy Cha chúng con ở trên trời… chính Chúa Giêsu đã dạy đọc kinh” (ĐHV # 126).
Trong tác phẩm Đường Trọn Lành, Thánh Nữ Têrêsa Avila (1515-1582) cũng ân cần dặn dò: “Không ai có thể loại khỏi bạn việc đọc kinh hay làm cho bạn đọc Kinh Lạy Cha cách vội vã mà không suy hiểu. Nếu có ai cố làm điều ấy, hoặc khuyên bạn bỏ đọc kinh, đừng thèm chú ý đến người ấy. Bạn có thể chắc chắn rằng người ấy là một ngôn sứ giả”.
Nhờ cầu nguyện với những lời kinh-nhất là kinh phụng vụ- đã được Hội Thánh chuẩn nhận, các tín hữu Chúa Kitô được hướng dẫn và nuôi dưỡng trong đức tin chân thật tinh tuyền của Hội Thánh, đúng như câu giáo ngạn “luật tin-luật cầu”. Tác giả Đường Hy Vọng ân cần khuyên nhủ: “Lời kinh phụng vụ rất đẹp lòng Chúa, vì đó là lời của Thánh Kinh, là lời cầu của Hội Thánh, Nhiệm Thể Chúa Giêsu. Con hãy dùng sách lễ, sách ca vịnh, sách nguyện mà cầu nguyện” (ĐHV # 128).
Thánh giáo phụ và tiến sĩ Hội Thánh Cyril (313-386)-giám mục thành Giêrusalem-đã cho thấy giá trị khôn lường của việc học biết, ghi nhớ và chuyên chăm đọc và sống kinh Tin Kính là biểu thức tuyên xưng đức tin như sau:
“Bạn hãy vừa học hỏi và tuyên xưng, vừa chấp nhận và duy trì một đức tin duy nhất đang được Hội Thánh truyền lại cho bạn và được toàn bộ Sách Thánh bảo vệ. Không phải ai cũng đọc Sách Thánh được. Người thì không biết chữ, kẻ thì bận công kia việc nọ, nên chẳng biết đến Sách Thánh. Vì thế, để linh hồn đừng vì thiếu hiểu biết mà phải hư vong, chúng tôi gom tất cả những điều phải tin vào một ít câu làm thành biểu thức đức tin.
“Tôi muốn bạn hãy giữ lấy đức tin này như của ăn đàng suốt hành trình cuộc sống, và ngoài đức tin này, không được đón nhận một đức tin nào khác nữa. Hãy giữ lấy đức tin này ngay cả khi chúng tôi có thay lòng đổi dạ mà nói chi trái nghịch với những điều chúng tôi đang giảng dạy đây, và cả khi có sứ thần phản nghịch nào đội lốt sứ thần sáng láng muốn đưa bạn vào con đường lầm lạc. Vì nếu có ai, kể cả chúng tôi, hoặc một thiên thần nào từ trời xuống, loan báo với anh em một tin mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã loan báo cho anh em, thì xin Thiên Chúa loại trừ kẻ ấy đi.
“Vậy những lời tuyên xưng đức tin bạn đang nghe đây, hãy ghi khắc vào trí nhớ. Rồi lúc thuận tiện, hãy đem Sách Thánh ra tìm lý chứng cho từng điều một. Vì bản toát yếu những điều phải tin không do con người soạn ra theo ý mình, nhưng chính là những điều quan trọng nhất lựa trong toàn bộ Sách Thánh, làm nên một đạo lý duy nhất và đầy đủ về đức tin. Như mầm giống cây cải chứa sẵn nhiều cành trong một hạt nhỏ xíu, những lời tuyên xưng đức tin tuy vắn vỏi này cũng gói ghém mọi điều cần biết về đạo thánh chứa đựng trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước.
“Vậy thưa anh em, hãy chú tâm nắm giữ truyền thống anh em đã lãnh nhận đây và ghi khắc vào tận đáy lòng.
“Hãy kính cẩn tuân theo, đừng ai hững hờ uể oải cho kẻ thù bóc lột, cũng đừng để cho một ai lạc đạo tuyên xưng bất cử điểm nào trong các điểm đã truyền lại cho anh em. Quả thật, tin là ký thác vào ngân hàng số bạc mà chúng tôi đã trao cho anh em. Thiên Chúa sẽ đòi anh em tính sổ những gì đã ký thác. Thánh Phaolô Tông Đồ nói: Trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban sức sống cho mọi loài, và trước mặt Đức Giêsu là Đấng đã làm chứng trước tòa tổng trấn Phongxiô Philatô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp, tôi truyền dạy anh em: đức tin đã nhận lãnh, anh em phải giữ cho tinh tuyền tới ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta xuất hiện.
“Kho tàng sự sống giờ đây đã được trao cho bạn. Đến thời Chúa xuất hiện, Người sẽ đòi lại những gì Người đã trao. Đấng sẽ cho Đức Kitô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa. Chỉ mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm. Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Người vinh quang, danh dự và uy quyền đến muôn thuở muôn đời. Amen” (Kinh Sách Thứ Năm Tuần XXXI Thường Niên).
Những điều chính yếu trong đạo
Vì các kinh nguyện chứa đựng các chân lý đức tin, nên không biết và không hiểu những kinh nguyện này cũng là có thể nói được là không biết và không hiểu đạo thánh. Đời sống đức tin tại rất nhiều nơi tại Hoa Kỳ bị suy đồi vì việc dạy giáo lý bị lệch lạc: các tín lý không được trình bày trung thực; việc dạy đọc thuộc lòng những kinh và các câu giáo lý căn bản bị bỏ qua hay coi thường; việc dạy giáo lý hay giảng Lời Chúa nặng về tâm lý mà thiếu về tín lý.
Thánh Gioan Maria Vianney-Vị Thánh Quan Thầy và Gương Mẫu của các linh mục- đã nhấn mạnh đến việc mọi tín hữu đích thực phải nắm vững những điều chính yếu trong đạo bằng cách học hiểu, ghi nhớ và chăm chuyên đọc và sống theo những kinh nguyện căn bản trong một bài giảng về việc giải tội như sau:
“Trong số những lý do buộc linh mục đôi khi từ chối hay hoãn lại việc giải tội chẳng hạn như là dọn mình chưa đủ, thiếu lòng sám hối thật, từ chối làm việc đền bù, v.v..Nhưng có một lý do tôi sẽ đặt làm chủ đề cho bài suy niệm hôm nay, và đó là việc người Kitô hữu chểnh mảng việc tự học hỏi các chân lý chính yếu của Đạo Thánh của mình.
“Thánh Charles Borromeo nói rõ là việc giải tội không thể ban cho những ai không biết những điều chính của Đạo Kitô và những bổn phận của bậc sống của họ; nhất là khi sự dốt nát của họ phát sinh từ sự lãnh đạm của họ đối với phần rỗi của họ. Các luật của Hội Thánh liên hệ về điều này cũng cấm việc giải tội cho những bậc cha mẹ không chịu dạy con em họ hay lo cho con em họ được dạy về mọi điều cần để được cứu rỗi.
“Vậy những điều chính yếu trong Đạo Thánh chúng ta là gì? Anh chị em hãy nghe đây, tôi sẽ bảo cho anh chị em những gì mà mỗi người Công giáo cần phải biết.
“Mỗi Kitô hữu lẽ ra phải biết Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Tin Kính, Kinh Cáo Mình, ba Kinh Tin, Kinh Cậy và Kinh Mến, các điều răn của Chúa và Hội Thánh và Kinh Ăn Năn Tội. Ở đây, tôi không có ý nói là anh chị em chỉ phải biết những lời trong các kinh ấy mà thôi, nhưng anh chị em phải có thể giải thích từng điểm một và biết nói chúng có ý nghĩa gì. Đây là mới điều tôi trông mong nơi anh chị em chứ không phải chỉ biết trên chữ nghĩa.
“Anh chị em phải biết rằng Kinh Lạy Cha được chính Chúa đặt ra; rằng Kinh Kính Mừng được đặt ra một phần do vị thiên thần đến truyền tin Ngôi Lời Nhập Thể cho Đức Trinh Nữ đặt ra và một phần do Hội Thánh đặt ra; anh chị em phải bíêt rằng Kinh Tin Kính do các tông đồ đặt ra sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, trước khi các ngài đi khắp thế giới giảng đạo. Nhờ vậy nên ngay từ khởi đầu, cùng một Đạo và cùng Những Mầu Nhiệm được giảng dạy khắp nơi trên toàn thế giới.
“Kinh Tin Kính chứa đựng đầy đủ và thực chất của toàn bộ Đạo Thánh của chúng ta; mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, nghĩa là chỉ có Một Chúa trong Ba Ngôi là Chúa Cha, Đấng tạo dựng chúng ta, Chúa Con, Đấng cứu chuộc chúng ta bằng sự chết và cuộc khổ nạn của Người, và Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa chúng ta trong phép Rửa Tội.
“Khi anh chị em đọc: Tôi tin kính một Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng Tạo Thành v.v…anh chị em phải thực sự có ý nói rằng-tôi tin rằng Chúa Cha hằng hữu tạo dựng mọi sự, thân xác chúng ta và linh hồn chúng ta, rằng thế giới không phải luôn hiện hữu, rằng nó sẽ không mãi tồn tại, rằng có ngày nó sẽ bị hủy diệt. Tôi tin kính một Chúa Giêsu Kitô có nghĩa: Tôi tin rằng Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Hai của Ba Ngôi Cực Thánh, đã trở thành con người, rằng Người đã chịu đau khổ và chịu chết để cứu chuộc chúng ta, để cho chúng ta được thưởng phúc Thiên Đàng mà chúng ta đã bị đánh mất bởi tội Ađam.
“Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần, tôi tin Hội Thánh Công Giáo có nghĩa: tôi tin có một Hội Thánh, đó là Hội Thánh do chính Chúa Giêsu Kitô thiết lập, rằng trong Hội Thánh Người ký thác tất cả ân sủng của Người, và rằng Hội Thánh này se tồn tại cho đến tận thế. Khi anh chị em nói: Tôi tin Các Thánh Thông Công, anh chị em phải có ý nói rằng: tôi tin rằng mọi Kitô hữu được thông phần vào lời cầu nguyện và các việc lành của nhau, tôi tin rằng Các Thánh trên thiên đàng cầu nguyện cùng Chúa cho chúng ta, và chúng ta cầu nguyện cho các linh hồn nơi Luyện Ngục. Khi anh chị em nói: Tôi tin Phép Tha Tội, anh chị em phải có ý nói, tôi tin rằng trong Hội Thánh có Các Bí Tích tha thứ tất cả mọi tội lỗi, và rằng không có tội nào mà Hội Thánh Chúa Giêsu Kitô không thể tha thứ.
“Nếu chúng ta nói: Xác người ta sống lại, điều đó có nghĩa là cũng chính những thân xác chúng ta đang có đây sẽ có ngày chỗi dậy, rằng những linh hồn của chúng ta sẽ hợp lại với chúng và theo chúng để lên thiên đàng hay xuống hỏa ngục, theo như chúng ta đáng được. Khi chúng ta nói, tôi tin hằng sống vậy, có ý nghĩa là: tôi tin rằng cuộc sống đời sau không chấm dứt, rằng chúng ta sẽ tồn tại mãi như chính Chúa là Đấng không có cùng tận. Khi anh chị em nói, từ đó Người sẽ đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết, có nghĩa là tôi tin Chúa Giêsu Kitô ở trên trời, cả xác cả hồn, và Người sẽ đến để phán xét chúng ta, để thưởng công người lành và để trừng phạt kẻ dữ.
“Hơn nữa, chúng ta phải bíêt rằng Các Điều Răn của Chúa đã được ban cho Ađam ngay lúc ông được tạo dựng; nghĩa là Chúa đã víêt chúng vào tâm hồn ông, và sau đó Chúa ban chúng cho ông Môisen được viết trên các bia đá trên Núi Sinai. Chúng chính là cùng điều răn mà Chúa chúng ta đã canh tân khi xuống trần gian để cứu độ chúng ta.
“Tôi nói rằng anh chị em phải biết Kinh Tin, Kinh Cậy và Kinh Mến. Tôi lập lại, không phải chỉ là biết chữ nghĩa xuông, nhưng là ý nghĩa của chúng. Đức tin làm cho chúng ta có thể tin mọi điều Hội Thánh dạy. Dù rằng chúng ta có thể không hiểu được một vài mầu nhiệm, nó dạy chúng ta rằng Chúa nhìn thấy chúng ta, và rằng Người trông chừng chúng ta; rằng Người sẽ thưởng hay phạt chúng ta tùy theo những hành động tốt hay xấu của chúng ta; rằng có một thiên đàng cho người lành, và một hỏa ngục cho kẻ dữ; rằng Chúa chúng ta đã chịu đau khổ và đã chịu chết vì chúng ta. Đức cậy dạy chúng ta làm mọi việc với ý làm vui lòng Chúa, và rằng những việc này sẽ được thưởng công đời đời. Trên thế gian này Đức Mến Chúa bao gồm việc chúng ta phải yêu mến Chúa trên hết mọi thụ tạo, và yêu chuộng Người trên hết mọi sự, kể cả sự sống của chính chúng ta.
“Anh chị em thân mến của tôi, đây là ý nghĩa của những điều chúng tôi muốn nói khi nói rằng anh chị em phải biết Kinh Lạy Cha, Kinh Kính Mừng, Kinh Tin Kính, Kinh Cáo Mình, Một Chúa duy nhất, và ba kinh Tin, Cậy, Mến. Nếu anh chị em không biết điều này, thì anh chị em thực chẳng biết điều gì cần để được cứu rỗi; lẽ ra anh chị em phải biết giải thích những điều này khi được hỏi đến. Nhưng đây chưa phải là tất cả. Anh chị em còn phải bíêt mầu nhiệm Nhập Thể là gì, và Ngôi Lời nhập thể là gì. Anh chị em phải biết rằng mầu nhiệm này có nghĩa là Ngôi Hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa nhận cho chính Người một thân xác như thân xác của chúng ta, trong lòng Đức Trinh Nữ Maria, do hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta cử hành mầu nhiệm này vào ngày 25 Tháng Ba, Lễ Truyền Tin. Vì trong ngày này Con Thiên Chúa kết hợp bản tính Thiên Chúa của Người với bản tính nhân loại của chúng ta. Người đón nhận một thân xác như thân xác chúng ta nhưng trừ tội lỗi, và Người mang lấy tất cả tội lỗi của chúng ta lên mình Người để xoa dịu sự công chính của Chúa Cha. Anh chị em phải biết rằng Chúa Giêsu Kitô đã chịu chết, rằng Người chết như một con người, chứ không phải như Thiên Chúa, vì Thiên Chúa không thể chết được; rằng Người đã chỗi dậy vào Ngày Phục Sinh, khi Người kết hợp linh hồn Người lại với thân xác của Người, và rằng sau khi ở lại dưới thế 40 ngày Người đã lên Trời vào Lễ Thăng Thiên. Anh chị em phải tin rằng Chúa Thánh Thần đã ngự xuống trên các Tông Đồ trong Lễ Ngũ Tuần.
“Anh chị em cũng phải biết nói về Các Bí Tích. Nếu anh chị em được hỏi rằng ai đã thiết lập chúng, anh chị em phải trả lời rằng chúng chỉ có thể được thiết lập bởi chính Chúa Giêsu Kitô, không phải bởi Đức Trinh Nữ hay Các Tông Đồ. Anh chị em phải bíêt hiệu quả của mỗi Bí Tích, và đâu là tâm tình chúng ta phải có để lãnh nhận chúng cách xứng hợp. Anh chị em phải bíêt rằng Bí Tích Rửa Tội tẩy sạch tội tổ tông, đó là tội của Ađam mà tất cả chúng ta đều mắc phải khi vào đời; rằng Bí Tích Thêm Sức được ban cho chúng ta từ Đức Giám Mục, và rằng nhờ đó chúng ta được tràn đầy ân sủng của Chúa Thánh Thần; rằng chúng ta tham dự Bí Tích Giải Tội khi chúng ta xưng tội với linh mục, và rằng nếu chúng ta xưng tội cách xứng hợp, tất cả mọi tội lỗi của chúng ta đều được tẩy sạch bởi sự giải tội của linh mục. Trong Bí Tích Thánh Thể chúng ta tin thật rằng có sự hiện diện thực sự của mình thánh đáng tôn thờ và máu rất châu báu của Chúa Giêsu Kitô. Bí Tích Xức Dầu Thánh giúp chúng ta chết lành, và nó được thíêt lập để tẩy sạch chúng ta khỏi các tội đã phạm bởi các giác quan. Bí Tích Truyền Chức Thánh ban cho một nam nhân quyền mà Chúa Giêsu Kitô đã ban cho các Tông Đồ của Người. Bí Tích Hôn Phối thánh hóa sự kết hợp vợ chồng nếu họ được kết hợp theo luật Hội Thánh.”
“Anh chị em thân mến, giờ đây nếu tôi hỏi anh chị em về những điều này, anh chị em đã có thể trả lời đúng được chưa? Thế nhưng, những điều này phải được biết bởi mọi Kitô hữu, ít nhất là một cách tổng quát. Bây giờ, nếu một linh mục hoãn lại việc giải tội vì anh chị em không biết những chân lý chính yếu của Đạo Thánh, ngài phải bị kêu trách hay là chính anh chị em? Từ điều này anh chị em có thể kết luận việc được hướng dẫn về Đạo Thánh cần thiết chừng nào, chúng ta phải quan tâm thế nào để học hỏi hầu có thể lãnh nhận được những phúc lộc của nó” (từ Sermons of the Curé of Ars).
(Lễ Cung Hiến Đền Thờ Gioan Latêranô Nov. 09, 2009)
PS: “Tình huynh đệ đích thực, tình máu mủ thắm thiết, tình yêu thương chân thành cốt ở điều này là thông truyền cho nhau những kho báu thiêng liêng” (Thánh Gioan Kim Khẩu). Bài viết này đã được đăng trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở mục “Trong lòng Hội Thánh” số tháng 12 năm 2009. Nay trong những ngy chuẩn bị đĩn mừng Lễ Cha Thnh Thần Hiện Xuống xin gửi đến chia sẻ với quý độc giả Thanhlinh.net. HP (May 10th, 2021).