Nhảy đến nội dung

Gia đình thánh và hạnh phúc

CN Lễ THÁNH GIA

Gia đình thánh và hạnh phúc

   “Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài”(Lc 2,51).

  “Việc Đức Giê-su tùng phục mẹ Người và cha nuôi, chứng tỏ Người đã chu toàn điều răn thứ tư. Đó cũng là hình ảnh của việc Người vâng phục Cha trên trời như con thảo. Việc Đức Giê-su mỗi ngày vâng phục thánh Giu-se và mẹ Ma-ri-a báo trước việc vâng phục ngày Thứ Năm Tuần Thánh: “Xin đừng theo ý Con”(x.Lc 22,42). Sự vâng phục của Đức Ki-tô trong cuộc sống ẩn dật thường ngày đã khởi đầu công trình tái lập những gì mà A-đam đã phả đổ vì bất phục tùng”(x.GLCG, số 532).

   Qua đó, chúng ta thấy được gia đình của Giu-se, trong đó có Đức Giê-su, thánh Cả Giu-se và Đức Ma-ri-a và gia đình này được gọi là Thánh Gia; là gia đình Thánh. Chúng ta cùng tìm hiểu về bản chất của gia đình.

   “Khi tạo dựng người nam và người nữ, Thiên Chúa đã thiết lập nên gia đình và đặt nền tảng cơ bản cho gia đình. Các phần tử trong gia đình đều bình đẳng về nhân phẩm. Vì lợi ích chung của các phần tử và của xã hội, gia đình có một số trách nhiệm, quyền lợi và bổn phận” (x. GLCG, số 2203).

    Các phẩn tử trong gia đình đều bình đẳng về nhân phẩm, có nghĩa là về mặt con người thì dù cha, mẹ hay con cái, với tư cách là con người, thì mọi người đều bình đẳng như nhau. Nhưng về bổn phận và quyền lợi thì không như nhau được. Cha, khác, mẹ khác, con cái khác. Cha có bổn phận của một người cha; mẹ có bổn phận của một người me và con cái có bổn phận của một người con.

    Đặc biệt, các gia đình Ki-tô giáo: “Gia đình Ki-tô giáo bày tỏ và thể hiện một cách đặc biệt sự hiệp thông trong Hội Thánh, vì lẽ đó phải được coi là một “Hội Thánh tại gia”; là một cộng đoàn đức tin, đức cậy và đức mến. Tân Ước cho thấy gia đình có tầm quan trọng đặc biệt trong Hội Thánh”(x. GLCG, số 2204). Tầm quan trọng đó là gì?

   “Gia đình Ki-tô giáo là một hiệp thông nhân vị; là dấu chỉ và là hình ảnh của sự hiệp thông giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc sinh sản và giáo dục con cái phản ánh công trình sáng tạo của Chúa Cha. Gia đình được mời gọi tham dự vào sự cầu nguyện và hy tế của Đức Ki-tô. Kinh nguyện hằng ngày và chăm đọc Lời Chúa, củng cố đức mến trong gia đình. Gia đình Ki-tô giáo mang sự mạng loan báo Tin Mừng”(x. GLCG, số 2205).

    Qua đó, chúng ta thấy, “việc sinh sản và giáo dục con cái” phản ánh công trình sáng tạo của Chúa Cha, nên các bậc làm cha, làm mẹ phải chú ý đến công việc này. Các ngài phải coi đây là một việc rất hệ trọng mà sinh sản cách có trách nhiệm, nghĩa là phải xem khả năng mình sinh được mấy đứa con và phải giáo dục con cái ngay khi chúng được thụ thai. Thai nhi như một mầm non, nó lớn lên thế nào, sao này nên tốt hay xấu; có hiếu hay bất hiếu đều phụ thuộc vào sự giáo dục ngay khi còn bé này. Đừng chỉ có biết sinh mà không biết giáo dục. Nếu chỉ biết sinh mà không biết giáo dục thì sau này sẽ là tai họa cho chính mình thôi.

    “Gia đình được mời gọi tham dự vào sự cầu nguyện và hiến tế của Đức Ki-tô”. Đó là kinh nguyện hằng ngày; đọc Lời Chúa và tham dự Thánh Lễ. Điều này sẽ củng cố đức mến trong gia đình. Đó chính là mối dây nối kết mọi phần tử trong gia đình nên một trong Chúa.

   Gia đình Ki-tô giáo mang sứ mạng truyền giáo, tức là loan báo Tin Mừng bằng chính đời sống gia đình đạo hạnh. Đó chính là công việc của Chúa Thánh Thần.

   Giờ đây chúng ta sẽ tìm hiểu về bổn phận của các phần tử trong gia đình.

  Trước hết là bổn phận của con cái. Tại sao con cái lại phải tôn kính Cha mẹ?

   “Tình phụ tử của Thiên Chúa là nguồn mạch của tình phụ tử nơi loài người, vinh dự của cha mẹ đặt trên nền tảng này. Lòng tôn kính của con cái còn vị thành niên hay đã trưởng thành, phát sinh từ lòng yêu mến tự nhiên liên kết chúng với cha mẹ. Chính luật Chúa đòi hỏi lòng tôn kính đó”(x. GLCG, số 2214).

   “Lòng tôn kính của con cái đối với cha mẹ, tức là lòng hiếu thảo, phát xuất từ sự biết ơn đối với những người đã cho chúng được sống và nhờ tình yêu và công lao của họ, giúp chúng lớn lên về tầm vóc, khôn ngoan và ân sủng: “Hãy hết lòng tôn kính cha con và đừng quên ơn mẹ đã mang nặng đẻ đau. Hãy luôn nhớ công ơn dưỡng dục, sinh thành. Công ơn ấy con lấy chi đáp đền cho cân xứng”(Hc 7,27-28)”(x. GLCG, số 2215).

   “Lòng hiếu thảo được bày tỏ qua sự ngoan ngoãn và vâng phục chân thành: “Hỡi con, lệnh cha truyền, hãy lo tuân giữ; lời mẹ dạy, chớ bỏ ngoài tai”(x. GLCG, số 2216).

   “Điều răn thứ tư còn cho những người đã trưởng thành biết trách nhiệm của họ đối với cha mẹ, về vật chất cũng như tinh thần, khi các ngài già yếu, bệnh tật, cô đơn hay hoạn nạn”(x. GLCG, số 2218).

   Điều đó không chỉ đúng với con ruột mà còn đúng cả trong trường hợp con nuôi nữa. Người ta nói: “Công sinh không bằng công dưỡng”. Dù trong bất cứ trường hợp nào hay trong hoàn cảnh nào, khi được nhận làm con nuôi. Người con nuôi phải luôn biết ơn cha mẹ nuôi của mình. Họ đã nuôi ta có khi từ khi chúng ta mới lọt lòng. Nhờ họ nuôi ta, chăm sóc ta, thì ta mới có ngày hôm nay. Dù cha mẹ nuôi có không yêu thương ta như con đẻ, điều đó không là lý do để ta bất hiếu với các ngài.

Người con nuôi phải nghĩ rằng, mình không là con đẻ của họ mà họ đã yêu thương và chăm sóc ta khôn lớn, điều đó ta đã phải mang ơn suốt đời rồi. Mang ơn thì phải trả ơn, chứ đừng trả oán. Đừng có bất nhân, bất kính, tức tối, tự ái, lấy lý do là họ không coi mình ra gì mà phản trắc, căm ghét hay làm hại người đã cưu mang mình. Đừng vào số những người mà nhiều người nói rằng: “Con nuôi bạc lắm”. Mình thử nghĩ xem, nếu không có họ thì ta có được bây giờ không? Có còn được sống đến bây giờ hay chết bờ chết bụi ở đâu rồi?  Có được học hành; có được làm ông này bà nọ không? Đúng ra, ta phải tôn kính và hiếu thảo với cha mẹ nuôi hơn là đi tìm cha mẹ ruột.

   Bổn phận của cha mẹ.

   “Tình yêu vợ chồng không chỉ triển nở qua việc sinh con, mà còn qua việc giáo dục đời sống luân lý và tâm linh cho chúng nữa. Vai trò giáo dục của cha mẹ quan trọng đến nỗi không gì thay thế được. Quyền và bổn phận giáo dục con cái là quyền và bổn phận căn bản, bất khả nhượng”(x.GLCG, số 2221).

    Bởi đó, các bậc làm cha làm mẹ, bây giờ đừng ham mê làm việc quá mà quên đi bổn phận chính yếu của mình là giáo dục con cái. Đừng khoán trắng cho các bảo mẫu hay các cô giáo; hãy dành thì giờ chăm sóc và dưỡng nuôi con cái mình. Thứ nhất là tạo tình thân; thứ hai là lợi dụng những lúc con cái còn trong vòng tay của mình để dạy dỗ cho chúng nên người; kẻo sau này, chúng mà lớn lên, cha mẹ nói chúng không nghe và chúng cũng chẳng cảm thấy tình thân gì thì nguy to. Hãy nhớ rằng chăm sóc và dưỡng nuôi con cái là quyền và bổn phận của cha mẹ, không nhượng cho ai khác được.

    “Cha mẹ phải xem con cái như những người con của Thiên Chúa và tôn trọng chúng như những nhân vị”(x. GLCG, số 2222). Nói cách khác, cha mẹ phải xem con cái như là những con người mà Chúa giao cho mình dưỡng nuôi và chăm sóc. Cha mẹ mà không chăm sóc và dưỡng nuôi con cái thì sau này mình không có lý gì để bắt con cái có hiếu, chăm sóc và dưỡng nuôi mình đâu.

   “Khi con nhỏ, cha mẹ tôn trọng và yêu thương chúng qua việc chăm sóc và lưu tâm dưỡng dục; đáp ứng những nhu cầu thể xác và tâm linh của chúng. Khi chúng  lớn lên, cha mẹ tôn trọng và tận tụy giáo dục con cái biết sử dụng lý trí và tự do”(x.GLCG, số 2228).

   “Khi đến tuổi trưởng thành, con cái có bổn phận và quyền chọn lựa nghề nghiệp và bậc sống. Dù dè dặt, cha mẹ vẫn có thể giúp đỡ con cái bằng những ý kiến khôn ngoan, nhất là khi con cái lập gia đình”(x.GLCG, số 2230). Các bậc làm cha, làm mẹ nên để ý chuyện này. Khi con cái trưởng thành, tức từ 18 tuổi trở lên, cha mẹ không phải lo lắng cho con cái như khi chúng con nhỏ nữa, phải để cho chúng quyết định về tương lai của chúng. Những người làm cha làm mẹ chỉ có giúp ý kiến mà thôi. Những gì tốt lành, mình cứ việc chia sẻ cho con cái và để cho chúng suy nghĩ và quyết định.

   Nhiều khi chúng ta hay làm ngược. Khi chúng con nhỏ bé, lúc nào cũng kè kè bên mình thì chúng ta lại không chỉ, không bảo; đến khi chúng lớn lên, chúng trưởng thành, chúng ta lại bắt chúng phải theo ý mình. Và chắc chắn khi làm ngược như thế, thì kết quả cũng ngược lại thôi. Vậy các bậc làm cha làm mẹ hãy cố gắng làm xuôi chứ đừng làm ngược, kẻo hư bột hư đường; hư con cái cũng như hư cả mình luôn.

   “Cũng có những người không lập gia đình để chăm sóc cha mẹ, anh chị em hoặc để dồn hết tâm trí vào một nghề nghiệp hay vì một lý do cao đẹp khác. Họ có thể góp phần lớn vào lợi ích của gia đình nhân loại”(x.GLCG, số 2231).

   Thà không lập gia đình để chăm sóc cha mẹ hay anh chi em mình, còn hơn là lập đình rồi mà chỉ lo chăm sóc cho cha mẹ, không chăm sóc gia đình của mình. Lại nữa, có những người lo chăm sóc cha mẹ, đợi khi cha mẹ qua đời mới lập gia đình, điều này hơi phiêu lưu. Vì đến lúc đó, mình già mõ rồi ai mà lấy mình nữa. Ta phải coi lại vấn đề này. Còn có những người không lập gia đình vì một lý do cao đẹp khác, trong đó phải kể đến các tu sĩ và linh mục.

   Dù sao, tất cả chúng ta đều có một gia đình lớn và một gia đình nhỏ. Gia đình lớn là Giáo Hội và xã hội; gia đình nhỏ là gia đình của mỗi người chúng ta. Chúng ta hãy noi gương Thánh Gia để làm cho gia đình mình nên gia đình thánh và gia đình hạnh phúc, dù là gia đình lớn hay gia đình nhỏ.

  Lm. Bosco Dương Trung Tín

Tác giả: