Khôn là biết chuẩn bị cho đời sau
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Dương Trung Tín
CN 32 QN
KHÔN là biết chuẩn bị cho đời sau
“Về những người đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người không có niềm hy vọng”(1Tx 4,13).
Trong thánh 11, là tháng Giáo Hội dành đặc biệt cầu cho các linh hồn đã qua đời, chúng ta cùng tìm hiểu về cái chết của con người chúng ta. Vì ai trong chúng ta cũng sẽ phải chết, nhưng không biết chết lúc nào. Tại sao chúng ta chết và chết rồi chúng ta đi đâu?
Theo sách Giáo Lý Công Giáo thì : “Trước cái chết, bí ẩn về thân phận con người lên cao đến cực độ”. Con người phải chết, đó là điều tự nhiên. Nhưng, đức tin cho chúng ta biết, chết là “tiền công trả cho tội lỗi”. Và đối với những người đã chết trong ân sủng Đức Ki-tô, chết là tham dự vào cái chết của Chúa, để cùng được tham dự vào sự Phục Sinh của Người”(x. GLCG, số 1006).
Quả thật, đối với con người chúng ta, cái chết là một điều tự nhiên như bao loài thụ tạo khác, được sinh ra rồi có ngày chết đi. “Chết là tiền công trả cho tội lỗi” nghĩa là sao? Chúng ta có thể hiểu được điều này qua câu nói của Đức Giê-su: “Của Xê-da hãy trả về cho Xê-da; của Thiên Chúa hãy trả về cho Thiên Chúa”(x. Mt 22,21). Như chúng ta biết, con người chúng ta có hai phần là phần xác và phần hồn. Phần hồn do Chúa dựng nên, nên phải về lại với Chúa; phần xác là xác đất vật hèn, do cha mẹ chúng ta sinh ra, nên khi chết, phần xác của chúng ta trả lại cho đất.
Ngày xưa, người ta cứ cho rằng, thân xác của chúng ta là thủ phạm làm những điều xấu. Thực ra chúng chỉ là lính lác, chỉ đâu đánh đó thôi. Kẻ chủ mưu và làm điều xấu chính là con người, là cái lòng, là cái đầu của chúng ta. Thử hỏi, tự cái tay nó có tự đi ăn cắp hay đánh người hoặc giết khác không? Chắc là không rồi. Điều xấu đó là do cái lòng chúng ta ghen ghét; do cái đầu muốn hơn thua của chúng ta quyết định và bắt cái tay phải làm.
Như vậy phải nói là “Cái chết” NHƯ là tiền công trả lại cho thế gian; trả lại cho tội lỗi; trả lại cho những điều xấu xa gian ác như trả xong một món nợ đời vậy, để chúng ta thanh thản mà về với Chúa. Chính xác phải nói là Cái Chết của Đức Giê-su mới là tiền công trả cho tội lỗi. Vì do tội lỗi của loài người chúng ta mà Đức Giê-su phải chết. Mặc dù Đức Giê-su không phạm tội, nhưng vì mang lấy tội của chúng ta nên theo Đức Công Bằng, Đức Giê-su cũng phải chết, để chúng ta khỏi phải “chết” đời đời trong hỏa ngục.
Bởi vậy mới nói: “Chết là chấm dứt cuộc đời trần thế”. Cuộc đời của chúng ta được tính bằng thời gian. Trong khoảng thời gian đó, chúng ta thay đổi, già đi rồi chết, bình thường như mọi sinh vật khác trên mặt đất. Thực tại này cho chúng ta một cái nhìn bức thiết hơn về cuộc sống. Nhớ đến cái chết, chúng ta phải nhớ đời người là có hạn(x. GLCG, số 1007).
Và “Chết là hậu quả của tội lỗi”. Khi chính thức giải thích điều Thánh Kinh và Thánh Truyền khẳng định, Huấn Quyền của Hội Thánh dạy rằng cái chết đã vào trần gian, vì con người đã phạm tội. Mặc dù theo bản tính tự nhiên, con người phải chết, nhưng Thiên Chúa đã muốn nó không phải chết. Cái chết đi ngược lại ý định của Thiên Chúa Sáng Tạo và nó bước vào trần gian như hậu quả của tội lỗi(x. GLCG, số 1008).
“Nhờ Đức Ki-tô, cái chết mang một ý nghĩa tích cực. Và Ki-tô-giáo đem lại ý nghĩa mới cho cái chết: Nhờ bí tích Thánh Tẩy, người tín hữu Ki-tô đã “Cùng chết với Đức Ki-tô” cách bí nhiệm để sống một đời sống mới. Nếu chúng ta chết trong ân sủng của Đức Ki-tô, cái chết về thể xác sẽ kết thúc việc “chết cùng Đức Ki-tô” mỗi ngày để hoàn tất việc tháp nhập chúng ta vĩnh viễn vào Người, nhờ công trình cứu độ của Người(x. GLCG, số 1010).
Quả thực, “Qua cái chết, Thiên Chúa gọi chúng ta về với Người. Vì thế, đối với cái chết, người tín hữu Ki-tô có thể mong ước như thánh Phao-lô: “Ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Ki-tô”(x. Pl 1,23); theo gương Đức Ki-tô, chúng ta có thể biến cái chết của mình thành một hành vi vâng phục và yêu mến đối với Thiên Chúa(x. GLCG, số 1011).
“Cái nhìn Ki-tô-giáo về sự chết đặc biệt được diễn tả trong Phụng Vụ: “Lạy Chúa! Đối với chúng con là những tín hữu, sự sống thay đổi chứ không mất đi và khi nơi trú ngụ dưới trần bị hủy diệt, chúng con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên quê trời”(x. GLCG, số 1012).
Hội Thánh dạy rằng: “Chết là kết thúc cuộc lữ hành trần thế; chết là kết thúc thời gian Thiên Chúa gia ân và thương xót; chết là kết thúc cuộc đời trần thế sống theo ý Chúa và quyết định số phận tối hậu của mình. Khi chấm dứt “cuộc đời trần thế duy nhất này” chúng ta sẽ không trở lại với những cuộc sống trần thế khác. Con người chỉ chết một lần, không “đầu thai” sau khi chết(x. GLCXG, số 1013).
Bởi đó, khi được sống trên trần gian này, chúng ta hãy ra sức, cố gắng làm tất cả những gì để mình được cứu độ, để mình được lên thiên đàng; đừng có lười lĩnh mà chờ đến “kiếp sau”, vì không có kiếp sau đâu. Chúng ta chỉ có một kiếp mà thôi. Cũng đừng chờ người thân hay Hội Thánh cầu nguyện cho mình. Đành rằng, Hội Thánh và người thân cầu nguyện cho mình đấy, nhưng việc chính yếu vẫn là việc của chính mình; Hội Thánh và người thân chỉ giúp đỡ ta phần nào thôi. Nếu chúng ta tự mình cố gắng được 90% thì hay biết bao! Chắc ăn biết bao! Nếu chỉ có 10% thì nguy hiểm cho sự cứu rỗi của ta lắm lắm đấy!!!
“Ngay khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán sét riêng để được thưởng hay bị phạt đời đời, tùy theo đời sống của mình trong tương quan với Đức Ki-tô, linh hồn hoặc phải trải qua cuộc thanh luyện trong luyện ngục hoặc được hưởng hạnh phúc trên trời hoặc sa địa ngục vĩnh viễn(x. GLCG, số 1022).
Qua những lời dạy của Hội Thánh chúng ta đã biết tại sao con người chúng ta phải chết rồi. Chết về phần xác là một điều tự nhiên và chết về phần hồn là do tội lỗi. Chết về phần xác là một điều tự nhiên, nên nếu có người thân qua đời chúng ta không nên buồn rầu quá. Cái đáng phải lo là cái chết về phần hồn cơ. Được lên thiên đàng thì không phải nói; bị sa hỏa ngục thì “bó tay”, không cầu nguyện, không giúp đỡ gì được và sẽ không bao giờ ra khỏi đó. Còn được thanh luyện trong luyện ngục thì có cơ may.
Ở luyện để mà đền tội, để được thanh tẩy. “Hội Thánh vẫn kính nhớ người quá cố và cầu nguyện cho họ, đặc biệt trong Thánh Lễ, để một khi được thanh luyện, họ có thể hưởng nhan thánh Chúa. Hội Thánh khuyên chúng ta bố thí, làm việc hãm mình và nhường ân xá cho những người đã qua đời”(x. GLCG, số 1032).
Bởi đó, chúng ta đừng ảo tưởng rằng, cứ tụng kinh xám hối là linh hồn người chết được siêu thoát, được giải thoát đâu. Được cứu độ, được giải thoát, được siêu thoát đâu có dễ dàng như vậy; phải bố thí, phải đền trả những gì mà họ đã làm hại người khác và dâng những hy sinh; dâng những ân xá để cầu cho họ. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta cũng có thể chuẩn bị cho chính mình, bằng cách khi còn sống, chúng ta biết dâng những hi sinh, những vất vả, những đau đớn, những khó khăn để đền tội cho chính mình. Nếu có làm thiệt hại gì cho ai, lo mà đền ngay ở đời này, để ngày sau ta đỡ phải đền trong luyện ngục.
Việc đó là “Nhất cử lưỡng tiện” đấy. Một mũi tên bắn hai con chim. Vừa biết đón nhận tất cả trong niềm tin yêu; vừa biết dâng những hi sinh đó để đền tội cho mình. Do vậy, mỗi người chúng ta dù trẻ hay già; khỏe mạnh hay ốm đau, chúng ta đều có thể lợi dụng tất cả để đem ơn cứu cho chính mình. Nếu không ý thức dâng những hi sinh đó, thì đau vẫn hoàn đau; khổ vẫn hoàn khổ; nếu mà còn kêu ca hay trách móc Chúa thì lại mang thêm tội thôi. Nhất là những người già yếu, những người bệnh tật, đừng có thụ động, tiêu cực mà chờ chết; hãy tích cực và linh động mà dùng tất cả những ngày tháng; những giờ phút còn lại để lập công, để đền tội cho bản thân hay cầu cho con cháu và chuẩn bị tâm hồn về với Chúa.
Đó là niềm tin và hy vọng của Hội Thánh. Đó cũng là niềm tin và hy vọng của mỗi người chúng ta. Sống mà không chuẩn bị cho đời sau của mình thì có khác chi Năm Cô khờ, mang đèn mà không mang dầu. Sống mà biết chuẩn bị cho đời sau của mình thì giống như Năm Cô Khôn, mang đèn và còn mang theo dầu phải không bạn!
Lm. Bosco Dương Trung Tín