Hội thánh: gia nghiệp của Thánh Tâm
- T7, 07/12/2024 - 20:15
- Lm Phạm Quốc Hưng
HỘI THÁNH: GIA NGHIỆP CỦA THÁNH TÂM
Lm JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.
Mục đích của lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu là giúp người tín hữu có một tình yêu thiết thân nồng nàn đối với Chúa Giêsu và kết hợp mật thiết với Người. Thế nhưng tương quan thiết thân này chỉ có thể được thực hiện cách trọn hảo trong lòng Hội Thánh. Vì niềm tin Công Giáo không phải chỉ có tính cách thiết thân nhưng còn có tính cách cộng đồng: Tôi đích thân tin Chúa Kitô, nhưng tôi tin như Hội Thánh tin, tin với Hội Thánh, tin nhờ Hội Thánh và tin trong Hội Thánh.
Thật vậy, trong sự quan phòng đầy tình thương và khôn ngoan Thiên Chúa đã thiết lập Hội Thánh như một cộng đồng bao gồm tất cả những ai đặt niềm tin vào Người, và đón nhận ơn cứu độ nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô qua mọi thời đại. Chân lý này đã được Thánh Giáo Phụ Irênê nhận định chính xác như sau: “Ngoài Hội Thánh không có ơn cứu độ”.
Đối tượng của lòng thương xót và sự ưu tuyển của Thiên Chúa
Trong Cựu Ước, Dân Dothái, dân tộc đã được Thiên Chúa tuyển chọn bằng lời hứa và giao ước với các tổ phụ và các ngôn sứ, chính là hình ảnh của Hội Thánh Chúa Kitô. Họ là đối tượng của lòng thương xót Chúa, được Chúa ở gần, hướng dẫn họ, dạy dỗ họ, gìn giữ họ, bênh vực họ, thánh hóa họ và chuẩn bị cho họ đón nhận Đấng Cứu Thế. Người là Thiên Chúa của họ, và họ là dân của Người.
Giavê đã hứa với Tổ Phụ Abraham: “Hãy đi khỏi xứ sở ngươi, khỏi quê quán ngươi, khỏi nhà cha ngươi, đến đất Ta chỉ cho ngươi. Ta sẽ cho ngươi thành một dân lớn, Ta sẽ chúc lành cho ngươi, và Ta sẽ cho danh ngươi nên lớn lao, ngươi sẽ là một mối chúc lành” (Gen 12:1-2).
Sau đó Người lập lại giao ước với Isaác: “Ta sẽ giữ lời Ta đã thề với Abraham cha ngươi. Ta sẽ cho dòng giống ngươi nên đông đảo như sao trên trời, Ta sẽ ban cho dòng giống ngươi tất cả các xứ này. Mọi dân thiên hạ sẽ lấy dòng giống ngươi mà cầu phúc cho nhau, bởi chưng Abraham đã vâng nghe lời Ta và đã giữ trọn đạo với Ta, các luật điều, các thánh chỉ của Ta” (Gen 26:3-5).
Sau Isaác, Tổ Phụ Giacóp cũng được đón nhận lời hứa của Giavê: “Ta là Giavê, Thiên Chúa của Abraham cha ngươi, Thiên Chúa của Isaác. Đất ngươi đang nằm Ta sẽ ban cho ngươi và dòng giống ngươi. Dòng giống ngươi sẽ đông như cát bụi bành trướng ra Đông Tây Nam Bắc. Mọi tông tộc trên trần sẽ lấy ngươi mà cầu phúc cho nhau. Và này Ta sẽ ở cùng ngươi, Ta sẽ giữ gìn ngươi khắp nơi ngươi đi, Ta sẽ đem ngươi về lại đất đai này, vì Ta không bỏ ngươi, sao cho đến lúc Ta hoàn tất các điều Ta phán với ngươi” (Gen 2813-15).
Sau khi giải thoát dân Dothái khỏi cảnh nô lệ, một lần nữa Giavê Thiên Chúa đã ký giao ước với Israel qua trung gian Môsê. Sách Xuất Hành thuật lại: “Rồi ông lấy quyển giao ước và đọc vào tai dân. Họ nói Mọi điều Giavê đã phán, chúng tôi sẽ thi hành và nghe theo. Môsê lấy huyết mà rẩy trên dân. Ông nói: Này là máu của giao ước đã kết với các ngươi, thể theo mọi lời ấy” (Ex 24:7-8).
Môsê đã ân cần nhắc nhở dân chúng về sự ưu tuyển Thiên Chúa dành cho họ khi Người ở gần họ, ở giữa họ và hướng dẫn họ với thánh luật quang minh như sau: “Vì có dân nào lớn lao đến nỗi được thần ở gần mình như Giavê Thiên Chúa của chúng ta, mỗi khi chúng ta kêu lên với Người. Và có dân nào lớn lao đến nỗi có được những luật điều, phán quyết công minh như toàn thể luật này ta đặt trước mặt các ngươi hôm nay” (Deut 4:7-8). Sự ưu tuyển này đòi hỏi Israel phải trở nên thánh thiện để đáp lại ân tình của Giavê: “Các ngươi sẽ là chư thánh của Ta, vì Ta là Thánh. Ta là Giavê, Ta đã tách các ngươi ra khỏi muôn dân, để được thuộc về Ta” (Lv 20:26).
Lời giao ước với dân Israel được Thiên Chúa lập lại với Thánh Vương Đavít: “Nhà ngươi, vương quyền của ngươi sẽ kiên cố mãi mãi trước mặt Ta, ngai ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2 Samuel 7:16). Và Vua Đavít đã thưa với Giavê: “Người đã thiết lập Israel dân Người, cho chúng làm dân của Người mãi mãi, và Người, lạy Giavê, Người làm Thiên Chúa của chúng” (2 Samuel 7:24).
Thánh Vịnh Gia cũng ca ngợi sự chăm sóc thật chu đáo, đầy tình thương và quyền năng Giavê Thiên Chúa dành cho bản thân ngài cũng như dành cho toàn dân thánh như sau: “Giavê chăn dắt tôi, tôi không thiếu gì…” (Tv 13) và “Lạy Thiên Chúa, đường của Người, con đường thánh, thần nào lớn bằng Thiên Chúa? Chính Người là Thần làm sự lạ, Người đã cho các dân thấy uy lực của Người, giương cánh tay Người đã chuộc dân Người, con cái Giacóp và Giuse…Người dẫn dân như thể đàn chiên, nhờ tay Môsê và Aharon” (Tv 77:14-16,21).
Trong lời kết, Tác giả Sách Khôn Ngoan nhìn nhận sự ưu tuyền của Thiên Chúa dành cho Israel là căn bản cho sự vinh hiển lớn lao của họ:
“Quả thế, lạy Chúa đủ mọi cách, Người đã làm cho dân Người nên lớn lao vinh hiển, Người đã chẳng khinh màng, nhưng mọi thời mọi nơi, Người đã phù hộ” (Wis 19:22).
Công việc chính của tất cả các ngôn sứ trong Cựu Ước đều hướng đến việc nhắc nhở dân Israel phải ghi nhớ rằng họ là một dân được Giavê ưu tuyển, một dân tộc đã có giao ước với Giavê và phải giữ vẹn giao ước ấy qua việc tuân giữ các giới răn của Người. Dù đã chứng kiến bao điềm thiêng dấu lạ, đã tận hưởng vô vàn phúc lộc của Giavê, dân Israel vẫn không ngừng bất trung với Giavê.
Trước sự bất trung của Israel, Thiên Chúa vẫn một mực thủy chung. Hơn nữa, Người còn muốn thi thố tình yêu của Người dành cho dân Người một cách trọn hảo hơn, nên Người đã hứa sẽ thiết lập với họ một giao ước mới, một giao ước vĩnh cửu để họ mãi mãi thuộc trọn về Người và tận hưởng sung mãn nguồn ơn phúc của Người:
“Vì này là giao ước Ta sẽ kết với nhà Israel sau những ngày ấy—sấm của Giavê—Ta đã đặt luật Ta vào bên trong chúng và Ta sẽ vết trên tim lòng chúng; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng, chúng sẽ là dân của Ta…Ta sẽ kết với chúng một giao ước muôn đời, do đó Ta sẽ không ngừng theo dõi chúng để gây hạnh phúc cho chúng; Ta sẽ đặt sự kính sợ Ta nơi lòng chúng, để chúng không còn lìa bỏ Ta. Ta sẽ vui sướng mà gây hạnh phúc cho chúng và một cách chân thật, Ta sẽ đem hết lòng, hết sinh mạng Ta mà trồng chúng trong xứ này” (Jer. 31:33; 32:40-41).
Giao ước này còn có tính cách thiết thân và độc đáo như một hôn ước:
“Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ,
Đấng xây dựng ngươi sẽ cùng ngươi kết nghĩa giao duyên.
Như tân lang hoan hỉ nơi một tân nương
Người sẽ hoan hỉ nơi ngươi, Thiên Chúa ngươi thờ” (Is 62:5).
Và Giavê đã đặt Đấng Cứu Thế mà Người hứa ban cho nhân loại từ dân thánh Israel làm giao ước vĩnh cửu này: “Chính Ta đã gọi ngươi phò đức nghĩa, Ta nắm tay ngươi, Ta đã nắn ra ngươi, và đã đặt ngươi làm giao ước của dân, làm ánh sáng các nước. Để mở những mắt mù lòa, để đưa tù nhân ra khỏi nhà lao, khỏi ngục thất, dân cư bóng tối” (Is 42:6-7).
Gia nghiệp của Thánh Tâm
Lời hứa ban Đấng Cứu Thế làm giao ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và loài người đã được thực hiện nơi biến cố Truyền Tin, khi Chúa Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể trong lòng Đức Trinh Nữ Maria. Dân mới của Giavê Thiên Chúa đã bắt đầu hình thành nơi Chúa Giêsu Kitô, một dân bao gồm tất cả những người đặt niềm tin vào Người và hiệp nhất với Người nhờ ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần.
Chúa Giêsu đã đích thân thiết lập Hội Thánh để tiếp tục công trình cứu độ của Người qua mọi thời đại qua việc tuyển chọn 12 tông đồ, 72 môn đệ và đặt Phêrô thay mặt Người nắm quyền thủ lãnh của Hội Thánh:
“Simon, con Giona, con có phúc, vì không phải thịt máu đã mạc khải cho con, mà là Cha Ta, Đấng ngự trên trời! Và Ta, Ta bảo con: Con là Đá, và trên Đá ấy, Ta sẽ xây Hội Thánh của Ta, và quyền môn Âm phủ sẽ không thắng nổi. Ta sẽ trao cho ngươi chìa khóa Nước Trời, và điều gì dưới đất ngươi cầm buộc, thì cũng sẽ bị cầm buộc trên trời, và điều gì dưới đất ngươi tháo cởi, thì cũng sẽ được tháo cởi trên trời” (Mt 16:17-19).
Đối với Chúa Giêsu, các môn đệ và các tín hữu là những người được chính Chúa Cha đặc tuyển làm quà tặng tình yêu dành cho Người. Họ không thuộc về thế gian. Chúa Giêsu yêu mến họ thiết tha. Người đã xin Chúa Cha thánh hóa các môn đệ và chính thức ủy thác họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng như chính Người đã lãnh nhận từ Chúa Cha. Người còn thiết tha cầu nguyện cho họ và hết thảy những ai nghe họ để họ hiệp nhất với nhau trong Chúa Ba Ngôi mà làm chứng cho Chúa. Hơn nữa, Người còn ban tặng cho họ vinh quang của chính Người và cho họ được ở luôn bên Người:
“Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy tác thánh chúng trong sự thật: lời của Cha tức là sự thật. Như Cha đã sai Con đến trong thế gian, Con cũng sai chúng đến trong thế gian. Và vì chúng, Con xin hiến thánh mình Con, ngõ hầu chúng được tác thánh cách chân thật. Con không chỉ cầu cho chúng mà thôi, nhưng còn cho những kẻ nhờ lời chúng mà sẽ tin vào Con, để hết thảy chúng nên một, cũng như, lạy Cha, Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, ngõ hầu chúng ở trong Chúng Ta, và thế gian tin là Cha đã sai Con. Phần Con, Con đã ban cho chúng vinh quang Cha đã ban cho Con để chúng nên một như Chúng Ta là một: Con ở trong Cha và Cha ở trong Con, để chúng được hoàn toàn nên một, ngõ hầu thế gian biết là Cha đã sai Con, và đã yêu mến chúng, như Cha đã yêu mến Con. Lạy Cha, điều Cha đã ban cho Con, thì Con muốn là Con ở đâu, chúng cũng ở đó với Con để chúng được ngắm vinh quang của Con, mà Cha đã ban cho Con, vì Cha đã yêu mến Con từ trước tạo thiên lập địa” (Jn 17:16-24).
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu đã ban cho các môn đệ Thần Khí của Người để họ được quyền tha tội và tiếp tục sứ vụ cứu thế của Người ở trần gian. Và trước lúc lên trời, Người đã chính thức trao phó cho họ sứ mạng rao giảng Tin Mừng khắp nơi và hứa ở với họ mọi ngày cho đến tận thế:
“Bình an cho các ngươi! Cũng như Cha đã sai Ta, Ta cũng sai các ngươi. Nói thế rồi, Ngài thổi hơi trên họ và nói với họ: Hãy chịu lấy Thánh Thần. Các ngươi tha tội cho ai, thì tội họ được tha; các ngươi cầm giữ tội ai, thì tội họ bị cầm giữ” (Jn 20:21-22).
“Mọi quyền năng trên trời dưới đất được ban cho Ta. Vậy các ngươi hãy đi thâu nạp môn đồ khắp nơi, thanh tẩy chúng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy chúng mọi điều Ta đã truyền cho các ngươi. Và này Ta sẽ ở với các ngươi mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:18-20).
Chúa Giêsu còn đồng hóa với các môn đệ của Người khi họ thi hành sứ vụ chính Người đã ủy thác cho họ. Và Người hứa ban thưởng cho những ai làm ơn cho các môn đệ của Người:
“Kẻ tiếp đón các ngươi là tiếp đón Ta; và kẻ tiếp đón Ta là tiếp đón Đấng đã sai Ta. Kẻ tiếp đón một tiên tri vì danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri, và kẻ tiếp đón người công chính vì danh nghĩa là công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một người trong những kẻ bé mọn này uống một bát nước lã mà thôi vì danh nghĩa là môn đồ, thì quả thật, Ta bảo các ngươi: nó sẽ không mất phần thưởng của nó” (Mt 10:40-42).
Vì vậy, các tông đồ và môn đệ của Chúa Giêsu có thể được coi là những ngôn sứ thời Tân Ước, như các ngôn sứ của Giavê đáng được gọi là những tông đồ thời Cựu Ước.
Cũng thế, những hình ảnh được dùng trong Cựu Ước để diễn tả liên hệ yêu thương giữa Giavê và dân thánh Israel đã được Chúa Giêsu dùng để diễn tả liên hệ yêu thương giữa Người và Hội Thánh:
“Người chăn chiên tốt, chính là Ta! Người chăn chiên tốt thí mạng sống mình vì chiên… Người chăn chiên tốt chính là Ta! Ta biết các chiên Ta, và chiên của Ta biết Ta. Như Cha biết Ta, và Ta biết Cha và Ta thí mạng sống Ta vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác nữa, không thuộc ràn này; các chiên ấy Ta cũng phải chăn dắt, và chúng sẽ nghe tiếng Ta; và sẽ thành một đàn chiên, một chủ chiên” (Jn 10:11,14-16).
“Cây nho đích thật, chính là Ta và Cha Ta là Người canh tác. Nhánh nào trong Ta không sinh quả, Người chặt nó đi; còn nhánh nào sinh quả, thì Người tỉa sạch để nó sinh quả nhiều hơn…Cây nho, chính là Ta, các ngươi là nhánh. Ai lưu lại trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy, thì nó sinh nhiều quả, vì ngoài Ta, các ngươi không thể làm gì” (Jn 15:1-2,5).
Như vậy, tình yêu và tấm lòng của Giavê Thiên Chúa dành cho dân thánh Israel nay đã được nhập thể sống động nơi chính tình yêu và tấm lòng của Chúa Giêsu dành cho Hội Thánh. Đó là một tình yêu tận tuyệt, tình yêu hiệp nhất, tình yêu giao ước.
“Trước lễ Vượt qua, Đức Giêsu biết rằng đã đến giờ Ngài qua khỏi thế gian này để đến cùng Cha—đã mến yêu các kẻ thuộc về Ngài còn trong thế gian—thì Ngài đã yêu mến họ đến cùng” (Jn 13:1).
“Như Cha đã yêu mến Ta, Ta đã yêu mến các ngươi. Hãy lưu lại trong lòng mến của Ta…Không có lòng mến nào lớn hơn là thí mạng sống mình vì bạn hữu…Các con là bạn hữu của Ta nếu các ngươi làm điều Ta truyền dạy các ngươi” (Jn 15:9,13,14).
“Và Ngài nói với họ: Này là Máu Ta, Máu giao ước đổ ra vì nhiều người” (Mc 14:23).
Như dân thánh Israel từng được Giavê Thiên Chúa nhận là gia nghiệp riêng của Người dù Người là Chúa Tể vạn vật, Hội Thánh cũng được Chúa Giêsu đón nhận từ Chúa Cha như gia nghiệp hết sức quý yêu của riêng Người, được chuộc bằng giá Máu của chính Người và mãi mãi là đối tượng của tình yêu tuyệt đối của Thánh Tâm Người, như chính Người đã xác nhận: “Vì kho tàng các ngươi ở đâu, thì lòng các ngươi cũng ở đó” (Lc 12:34).
Nhiệm Thân Chúa Kitô
Người tông đồ đích thực của Chúa Kitô phải là người có được tâm tư như đã có nơi Người (Phil 2:5). Thánh Phaolô Tông Đồ Dân Ngoại--người được gọi là có trái tim giống hệt Trái Tim Chúa Giêsu—có lẽ là vị tông đồ được ơn hiểu biết và diễn giảng về mầu nhiệm Hội Thánh và có một tình yêu dành cho Hội Thánh một cách sâu xa và trọn hảo hơn cả.
Khi Thánh Phaolô bị quật ngã trên đường đi Đama lùng bắt các tín hữu tiên khởi, Người nghe Chúa Giêsu phán: “Saolê, Saolê, tại sao ngươi bắt bớ Ta” (Acts 9:3). Từ kinh nghiệm này, Thánh Phaolô đã nhận ra sự kết hiệp mầu nhiệm thẳm sâu giữa Chúa Giêsu và Hội Thánh. Thánh nhân đã dùng hình ảnh giữa Đầu và Thân Mình để diễn tả tương quan gắn bó mật thiết giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Căn nguyên sự hiệp nhất chính là sự hiện diện của Thần Khí, nguyên lý hiệp nhất nơi chính Chúa Ba Ngôi. Từ sự hiểu biết này, Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu sống tinh thần yêu thương hiệp nhất, biết trân quý các ơn điển khác nhau nơi mỗi người và xử dụng các ơn riêng của mỗi người để xây dựng Hội Thánh, Thân Mình Chúa Kitô:
“Vì cũng như thân mình chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, và hết thảy các bộ phận tuy là nhiều cũng chỉ là một thân mình, thì Đức Kitô cũng vậy. Vì trong Thần Khí độc nhất, hết thảy Ta được nhờ thanh tẩy mà nhập vào Thân mình độc nhất, dù là Dothái hay Hilạp, dù là nô lệ hay tự do; và hết thảy chúng ta đã được cùng uống Thần Khí độc nhất” (1Cor 12:12-14).
“Vì cũng như nơi thân mình ta, tuy nó là một, thế mà ta lại có nhiều chi thể, và các chi thể hết thảy lại không đồng một công việc. Cũng vậy, chúng ta tuy nhiều người, ta chỉ là một thân mình trong Đức Kitô, còn thì ai tùy phận nấy, mà làm chi thể lẫn cho nhau. Được những ân lộc khác nhau, tùy theo ơn Thiên Chúa đã ban cho ta, thì nếu là tiên tri, hãy làm tiên tri theo mức độ lòng tin; nếu là phục vụ, hãy trọn niềm phục vụ; kẻ làm thầy dạy, hãy chuyên việc dậy dỗ; kẻ khuyến khích, hãy ra công khuyến khích; kẻ phân phát, hãy có lòng đơn thành; kẻ chủ sự, hãy gắng nhiệt thành; kẻ thương giúp, hãy được vui tươi” (Rom 12:4-8).
Thánh Phaolô cũng trình bày tình yêu Chúa Kitô dành cho Hội Thánh như tình yêu của Đức Lang Quân dành cho Hiền Thê của mình. Đây là hình ảnh các ngôn sứ trong Cựu Ước như Hôsê, Isaia, Giêrêmia và Êzekia đã dùng để diễn tả tình yêu Giavê dành cho dân thánh Israel. Và thánh nhân đặt tình yêu này làm lý tưởng cho tình yêu phu phụ nơi các tín hữu:
“Chồng hãy yêu mến vợ, cũng như Đức Kitô đã yêu mến Hội Thánh, và đã phó nộp mình đi, ngõ hầu tác thánh, tẩy sạch, là tắm rửa cho bằng nước và lời, hầu tự hiến cho mình một Hội Thánh quang vinh, không một vết nhơ hay nét nhăn, hay chút gì như thế; trái lại để Hội Thánh thực là thánh thiện, vô tì tích...Đó là một mầu nhiệm lớn, tôi muốn ám chỉ về Đức Kitô và Hội Thánh” (Eph. 5:25-27,32).
Như Thánh Phaolô nhận xét, sư hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Hội Thánh là một mầu nhiệm lớn, một mầu nhiệm vô cùng sâu sa, phong phú và kỳ diệu. Vì vậy, để diễn tả mầu nhiệm Hội Thánh, các tác giả Thánh Kinh và các tác giả trong truyền thống Kitô giáo đã phải dùng nhiều hình ảnh khác nhau để diễn tả thực tại vừa huyền nhiệm cao siêu vừa gần gũi thiết thân của Hội Thánh. Theo đó, Hội Thánh được gọi là Nhiệm Thể Chúa Kitô, Hiền Thê Chúa Kitô, Mẹ Hội Thánh, Dân Thiên Chúa, Gia Đình Chúa, Đàn Chiên Chúa, Vườn Nho Chúa, Gia Nghiệp Chúa, Bí Tích Cứu Độ Phổ Quát của Chúa Kitô, Giêrusalem Mới…
Đối với Đức Giáo Hoàng Piô XII, “Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô” là danh xưng cao quý nhất của Hội Thánh: “Để diễn tả Hội Thánh đích thực của Chúa Kitô—Hội Thánh Rôma Thánh Thiện, Công Giáo và Tông Truyền—không một danh xưng nào cao quý hơn, trỗi vượt hơn, thánh thiêng hơn danh xưng Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô” (Mystici Corporis, 1943).
Những đặc nét của Hội Thánh như những chiều kích tình yêu của Thánh Tâm
Truyền thống Công Giáo thường nói đến bốn đặc tính của Hội Thánh đích thực của Chúa Kitô. Đó là duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Bốn đặc tính này có thể được coi như bốn chiều kích tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu dành cho nhân loại nói chung và cho từng người nói riêng.
1. Hội Thánh duy nhất: Vì Hội Thánh chỉ có một Chúat, tuyên xưng một đức tin duy nhất, được sinh ra bởi một Phép Rửa duy nhất, làm thành một Thân Thể duy nhất, được sức sống bởi một Thần Khí duy nhất, hướng về một niềm hy vọng duy nhất là sau cùng tất cả mọi chia rẽ sẽ được vượt qua (Theo sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo= GLGHCG # 866).
Tính cách duy nhất này nói lên sức mạnh hiệp nhất nơi tình yêu tuyệt đối của Thánh Tâm Chúa Giêsu, một tình yêu có thể quy tụ bao người khác biệt trở thành một lòng một trí trong lý tưởng mến Chúa yêu người.
2. Hội Thánh thánh thiện: Thiên Chúa là tác giả của Hội Thánh là Đấng Rất Thánh; Chúa Kitô, Hôn Phu của Hội Thánh, đã tự nộp mình để thánh hóa Hội Thánh; Chúa Thánh Thần làm cho Hội Thánh sống động. Và mặc dù Hội Thánh gồm những người tội lỗi, Hội Thánh là “Người-Không-Tội-Lỗi gồm các tội nhân”. Sự thánh thiện của Hội Thánh vẫn rạng ngời nơi các thánh nam nữ; nơi Mẹ Maria, Giáo Hội là toàn thánh (GLGHCG # 867).
Tính cách thánh thiện này nói lên sức mạnh biến đổi và thánh hóa nơi tình yêu tuyệt đối của Thánh Tâm Chúa Giêsu, một tình yêu biến đổi những con người phàm tục tội lỗi trở thành những vị thánh mang hình ảnh rạng ngời của Thiên Chúa.
3. Hội Thánh công giáo: Hội Thánh loan truyền sự toàn diện của đức tin; Hội Thánh mang trong mình và ban phát đầy đủ các phương tiện của ơn cứu độ; Hội Thánh được sai đến với tất cả các dân tộc; Hội Thánh đi tới mọi người; Hội Thánh bao gồm mọi thời đại; “do bản tính của mình, Hội Thánh là thừa sai” (GLGHCG # 868).
Tính cách công giáo này nói lên tính cách phổ quát rộng mở của tình yêu tuyệt đối nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu, một tình yêu bao trùm toàn thể gia đình nhân loại không loại trừ ai nhưng mở rộng cho tất cả. Mọi người đều cho chỗ trong Thánh Tâm Giêsu.
4. Hội Thánh tông truyền: Hội Thánh được xây dựng trên những nền móng vững bền là “mười hai tông đồ của Chiên Con” (Rev 21:14). Hội Thánh không thể nào bị phá hủy. Hội Thánh được đứng vững trong chân lý một cách bất khả ngộ: Chúa Kitô cai quản Hội Thánh nhờ Phêrô và các tông đồ khác, các ngài vẫn hiện diện nơi các người kế vị mình là Đức Giáo Hoàng và giám mục đoàn (GLGHCG # 869).
Tính cách tông truyền này chứng thực sự thủy chung nơi tình yêu tuyệt đối của Thánh Tâm Chúa Giêsu, Người vẫn hiện diện trong lòng Hội Thánh cho đến tận thế để gìn giữ đức tin nguyên tuyền Hội Thánh và bảo đảm cho mọi tín hữu tận hưởng trọn vẹn tình yêu tinh khiết của Người.
Theo Linh Mục John A. Hardon, SJ (1914-2000), dưới cái nhìn của Thánh Anphong Liguori (1696-1787), một đặc tính nổi bật nơi Hội Thánh Chúa Kitô là chiều kích Thánh Mẫu, hay sự hiện diện tuyệt vời và liên lỉ của Mẹ Maria trong tâm hồn từng tín hữu và giữa lòng Hội Thánh. Vì Mẹ Maria vừa là Mẹ Chúa Kitô vừa là người Kitô hữu đầu tiên và tuyệt hảo, yêu mến, kết hợp và noi gương sống đức tin trong lòng Hội Thánh của Mẹ là lối sống niềm tin trọn hảo nhất.
Yêu mến Hội Thánh
Chính nhờ Mẹ Hội Thánh và trong lòng Mẹ Hội Thánh mà các tín hữu đón nhận niềm tin vào Chúa Kitô và sự sống thần linh của Người. Hội Thánh còn tiếp tục thi hành quyền cai quản, dậy dỗ và thánh hóa của mình để hướng dẫn các tín hữu trên cuộc hành trình dương thế và đưa họ về quê trời, với sự hướng dẫn và quyền năng của Thần Khí. Bằng Lời Hằng Sống được gìn giữ trong kho tàng mạc khải của Thánh Kinh và Thánh Truyền, cũng như bằng chính Thánh Thể Chúa Kitô và kho tàng ơn thánh từ lời cầu nguyện và công nghiệp của Chúa Kitô và các thánh, Hội Thánh không ngừng nuôi dưỡng các tín hữu giúp họ đạt đến mức trưởng thành trong Chúa Kitô.
Vì vậy, lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu không thể tồn tại nếu không được thực hiện nhờ Hội Thánh, với Hội Thánh và trong Hội Thánh. Vì Hội Thánh là Nhiệm Thể Chúa Kitô và là đối tượng của tình yêu tuyệt đối của Thánh Tâm Chúa Giêsu, tình yêu đích thực dành cho Thánh Tâm Chúa Giêsu bao giờ cũng phải gắn liền với tình yêu chân thành dành cho Hội Thánh.
Người có lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu đích thực phải biết yêu mến và hiệp nhất với Hội Thánh bằng chính tình yêu hiệp nhất mà Chúa Giêsu dành cho Hội Thánh.
Đó là điều đã được gặp thấy nơi Thánh Phaolô. Thánh nhân không ngừng quan tâm đến đời sống của Hội Thánh và sẵn sàng đón nhận nhận mọi gian khổ để chứng thực tình yêu sâu xa của người dành cho Hội Thánh. Người viết “…Không kể các điều khác nữa, lại còn cái nỗi bứt rứt thường nhật, mối lo canh cánh về các hội thánh. Ai yếu đuối, mà tôi lại không phải yếu liệt? Ai vấp ngã, mà tôi lại không sốt người lên?” (2Cor 11:28-29). Và “Nay tôi vui sướng trong các nỗi thống khổ chịu vì anh em; và trong thân xác tôi, tôi bù đắp những gì còn thiếu nơi các nỗi quẫn bách Đức Kitô phải chịu vì Thân mình Ngài, tức là Hội Thánh, mà tôi đã trở thành người phục vụ, thể theo sự an bài Thiên Chúa đã trao phó cho tôi, để lo cho anh em: viên thành công việc của Lời Thiên Chúa” (Col 1:24-25).
Trung thành, yêu mến, vâng phục và bênh vực Hội Thánh luôn là dấu hiệu của các tín hữu chân chính của Hội Thánh qua mọi thời đại.
Trong Thông Điệp Ecclesiam Suam (Những Con Đường của Hội Thánh-1964) Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nhắc lại lời Đức Giáo Hoàng Piô XII trong Thông Điệp Mystici Corporis (Thân Thể Nhiệm Mầu—1943) như sau:
“Chúng ta phải tập nhìn thấy Chúa Kitô trong Hội Thánh. Chính Chúa Kitô sống trong Hội Thánh là Đấng giảng dạy, cai quản và thánh hóa Hội Thánh. Cũng chính Chúa Kitô là Đấng tỏ mình cách khác nhau nơi các thành viên trong tổ chức của Người” (#35).
Và Đức Phaolô VI viết tiếp:
“Thực thế, ý thức về mầu nhiệm Hội Thánh là kết quả của một đức tin trưởng thành và sống động. Từ một đức tin như thế sẽ nảy sinh một cảm nghĩ với Hội Thánh, cảm nghĩ này đong đầy người Kitô hữu đã được dưỡng dục trong Trường Lời Chúa. Người ấy đã được bồi dưỡng bởi ân sủng của các bí tích và của những linh hứng khôn tả của Đấng An Ủi, đã được đào luyện trong việc thực hành các nhân đức của Phúc Âm, đã được thấm nhuần với đời sống văn hóa và cộng đoàn của Hội Thánh, và được hạnh phúc sâu xa khi nhận thấy mình được trao tặng Chức Tư Tế Vương Giả thuộc về Dân Thiên Chúa. Mầu nhiệm Hội Thánh không phải chỉ là một kiến thức thần học; nó là một điều để sống, một điều mà tâm hồn trung tín có thể có được một thứ cảm nghiệm rất tự nhiên, ngay cả trước khi có một ý tưởng rõ ràng về Hội Thánh” (#36-37).
Vì Đức Giáo Hoàng là Đại Diện Chúa Kitô ở trần gian để làm Thủ Lãnh Hữu Hình và trung tâm sự hiệp nhất trong Hội Thánh, lòng thảo mến sâu xa và tinh thần triệt để vâng phục dành cho Vị Cha Chung là một đặc nét của các tín hữu Công Giáo.
Chân Phước JoseMaria Escriva (1902-1975) viết: “Con phải yêu mến, tôn kính, cầu nguyện và hãm mình cho Đức Giáo Hoàng, và làm thế với tình cảm gia tăng mỗi ngày. Vì người là đá tảng của Hội Thánh và qua bao thế kỷ cho đến tận thế, người tiếp tục thi hành giữa con người nhiệm vụ thánh hóa và cai quản mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Thánh Phêrô. Tình mến sâu xa nhất, sự kính trọng lớn nhất, lòng tôn kính đậm đà, sự vâng phục trọn vẹn và tình cảm nồng nhiệt nhất của con cũng phải được thể hiện đối với Đức Giáo Hoàng, Đấng Đại Diện Chúa Kitô trên trần gian. Người Công Giáo chúng ta phải đặt Đức Thánh Cha liền sau Thiên Chúa và Rất Thánh Đức Bà trong mực thang quyền bính và yêu thương” (The Forge #134-135).
Thánh Nữ Catarina thành Siena (1347-1380) gọi Đức Giáo Hoàng là “Chúa Kitô ngọt ngào trên trần gian”. Cha Matêô Crawley-Boevey, SSCC (1875-1960), vị linh mục cổ động phong trào tôn vương Thánh Tâm Chúa Giêsu trong các gia đình, nói: “Đức Giáo Hoàng là Phép Thánh Thể thứ 2. Vì chính Người dạy chúng ta phải tin Chúa Giêsu ngự thật trong Phép Thánh Thể và kêu gọi chúng ta thờ lạy Chúa Giêsu Thánh Thể”. Thánh Anphong Liguori (1696-1787) ngay cả khi bị Tòa Thánh không châu phê luật dòng nơi ngài ở vẫn tuyên xưng: “Ý Đức Giáo Hoàng là ý Chúa”.
Msgr. James Turro, một học giả Thánh Kinh, nhận xét: “Hội Thánh là sự hiện diện hiện nay của Chúa Kitô…Hãy nhìn vào Hội Thánh trong quá khứ với niềm tự hào, trong hiện tại với lòng mến yêu, trong tương lai với niềm hy vọng”.
Msgr. David Liptak, một giáo sư thần học, khẳng định: “Không một cá nhân nào hơn Hội Thánh” để nhấn mạnh đến tính cách ưu việt của quyền giáo huấn của Hội Thánh trên ý kiến riêng tư của các nhà thần học lạm dụng uy tín cá nhân để làm lung lạc đức tin của các tín hữu.
Linh Mục Francis Lescoe minh định: “Chúa trao quyền giảng dạy đức tin cho các tông đồ chứ không phải cho các nhà thần học. Vì vậy, chỉ có Hội Thánh mới được ơn bất khả ngộ. Còn các nhà thần học, không hơn các triết gia, không được ơn bất khả ngộ”.
Trong tác phẩm thời danh Đường Hy Vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đưa ra những nhận định thật sâu sắc về thực tại Hội Thánh và những lời khuyên chân tình và quý giá sau về những bổn phận của người tín hữu phải có đối với Hội Thánh:
“Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Một niềm tin, một hạnh phúc, một quyết tâm.
“Đừng ngạc nhiên khi người ta phá Hội Thánh, vì đó là Nhiệm Thể Chúa Kitô; họ tiếp tục giết Chúa Kitô, không giết Chúa Kitô được nữa, người ta phá Hội Thánh” (#250-251).
“Yêu mến Hội Thánh, vâng lời Hội Thánh, trung thành với Hội Thánh, cầu nguyện cho Hội Thánh” (#253).
“Con hãy sẵn sàng hy sinh cho Hội Thánh và hy sinh do Hội Thánh.
“Ai nghe các con là nghe Thầy, ai khinh các con là khinh Thầy. Suốt đời con ghi lòng tạc dạ: luôn luôn kính trọng người của Hội Thánh, chỉ thị của Hội Thánh, phụng vụ của Hội Thánh; Chúa sẽ chúc lành cho con.
“Trong Hội Thánh mọi người được mời gọi và có bổn phận phải nên thánh. Nếu con không sống thánh thiện, con đừng lên mặt canh tân Hội Thánh. Không ai có Thánh Thần mà chống lại Đức Kitô” (#265-267).
“Có gì hạnh phúc bằng tin tưởng rằng mình đang ở trong Hội Thánh, ở đó những khắc khoải của tinh thần được giải quyết và quả tim đầy tràn hy vọng” (#281).
Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng bày tỏ niềm ước ao: “Trong trái tim Hội Thánh—Người Mẹ Nhân Lành—tôi sẽ là tình ái, nhiên hậu tôi sẽ là tất cả và nhiên hậu, mơ ước thiết tha của đời tôi sẽ thành sự thực cả trăm phần trăm”.
Năm 1870, trước những nguy nan Hội Thánh đang gặp phải, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã đặt Thánh Cả Giuse, Phu Quân Đức Trinh Nữ Maria, làm Quan Thầy Giáo Hội Hoàn Vũ và kêu gọi các tín hữu kêu cầu sự trợ giúp của Thánh Cả.
Đáp ứng lời Vị Cha Chung và để bày tỏ lòng yêu mến thiết tha và mối quan tâm chân thực dành cho Hội Thánh ngày nay, chúng ta hãy siêng năng tha thiết cầu nguyện cho Hội Thánh với Thánh Cả bằng lời nguyện sau:
Kinh Thánh Giuse Cầu Cho Hội Thánh
Lạy ơn Ông Thánh Giuse, chúng con chạy đến cùng Người. Trong cơn gian nan, chúng con mắc phải, chúng con đã kêu van cùng Rất Thánh Đức Bà, là Đấng đã làm Bạn cùng Người, phù hộ gìn giữ chúng con, thì chúng con cũng lấy lòng trông cậy cho vững vàng mà xin Ông Thánh Giuse bầu cử cho chúng con như vậy.
Chúng con xin vì nhân đức kính mến mà Người làm Bạn cùng Rất Thánh Đồng Trinh, là Mẹ Chúa Trời và là Đấng chẳng mắc phải tội tổ tông truyền, cùng vì lòng thương Người đã ẵm lấy Đức Chúa Giêsu, thì xin Ông Thánh Giuse ghé mặt lại mà thương đến Hội Thánh, là phần sản nghiệp Đức Chúa Giêsu đã lấy Máu Thánh mình mà chuộc. Lại xin Người dùng sức mạnh thiêng liêng và quyền phép phép Người mà giúp đỡ những sự chúng con còn thiếu thốn. Lạy Đấng đã coi sóc Đức Chúa Giêsu và Đức Bà cho cẩn thận, thì chúng con xin Người bênh vực con cái Đức Chúa Giêsu đã chọn.
Lạy Cha rất thương yêu, chúng con xin Người cất mọi sự dối trá cùng mọi tội lỗi, cho chúng con khỏi mắc phải những sự ấy. Lạy Đấng rất mạnh đang ở trên trời hãy gìn giữ chúng con, xin Người dủ lòng thương mà che chở chúng con, đang khi chiến trận cùng kẻ thù tối tăm là các ma quỷ. Như xưa Người đã gìn giữ Đức Chúa Giêsu cho khỏi cơn hiểm nghèo thể nào, thì rầy chúng con cũng xin Người cứu chữa lấy Hội Thánh cho khỏi các mưu kế giặc thù và các sự gian nan khốn khó như vậy. Lại xin Người hằng bầu cử cho chúng con được bắt chước Người, và trông cậy vào quyền thế Người, cho được giữ đạo cho trọn, cùng được chết lành và được hưởng phúc vui vẻ đời đời chẳng cùng. Amen.