Nhảy đến nội dung

Hương nguyện Thánh Kinh

Hương nguyện Thánh Kinh

Lm. JBT Phạm Quốc Hưng, CSsR.

Càng đọc kỹ cuốn Con Đường của một Người Hành Hương và Người Hành Hương Tiếp Tục Cuộc Hành Trình, tôi càng nhận thấy cuốn sách này đã trở thành một tác phẩm tu đức thời danh, vì ngoài việc trình bày một cách minh bạch và hùng hồn việc cầu nguyện liên lỉ với Lời Nguyện Tên Chúa Giêsu như bí quyết thật đơn sơ nhưng đầy hiệu lực để được cứu độ và nên thánh, tác giả còn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc đọc, suy niệm và thực hành các chân lý trong Thánh Kinh như một việc tối cần trong đời sống tâm linh các tín hữu Chúa Kitô.

Học cầu nguyện nhờ Thánh Kinh

Với tác giả, giá trị việc cầu nguyện được xác định bởi thẩm quyền của Thánh Kinh, và chính nhờ Thánh Kinh mà người ta có thể cầu nguyện cách xứng hợp. Điều này được tác giả ghi nhận từ lời khuyên hiếm quý và độc đáo của một bậc linh sư ông đã gặp trong cuộc hành trình của ông như sau:

“Không cầu nguyện, không thể làm được việc lành nào; và không có Phúc Âm, không thể học biết cách cầu nguyện đúng đắn. Vì vậy, tất cả những ai đón nhận ơn cứu độ nhờ đời sống nội tâm, những người giảng Lời Chúa, những ẩn sĩ, những đan sĩ, và tất cả những Kitô hữu có lòng kính sợ Chúa không ngừng học hỏi Lời Chúa; việc đọc Phúc Âm là hoạt động chính yếu của họ. Nhiều người luôn có trong tay sách Phúc Âm, và nếu có ai bàn hỏi họ về ơn cứu độ, họ sẽ khuyên thế này: ‘Hãy ngồi thinh lặng trong phòng bạn và đọc đi đọc lại Phúc Âm’.

“Sau cẩn thận khi đọc đi đọc lại Tân Ước, tôi khám phá rằng các thánh sử trình bày giáo huấn về cầu nguyện một cách có hệ thống và có một sự phát triển dần dần và một sự nhất quán hữu cơ bắt đầu từ thánh sử đầu tiên rồi tiếp tục suốt Tân Ước. Điển hình là lúc đầu chúng ta thấy có sự giới thiệu về cầu nguyện; rồi hình thức hay sự diễn tả bên ngoài bằng lời; kế đến là những điều kiện cần thiết để cầu nguyện;và rồi phương pháp học biết cầu nguyện và những ví dụ. Cuối cùng, giáo huấn về bí quyết cầu nguyện bên trong và không ngừng với Lời Nguyện Tên Chúa Giêsu được trao ban và nó được trình bày như là cao quý hơn những lời cầu nguyện đầy khuôn phép; và nhu cầu cầu nguyện của con người, những hoa trái của cầu nguyện, v.v…Tóm lại, mọi kiến thức về việc thực hành cầu nguyện được trình bày đầy đủ và kỹ lưỡng từ đầu đến cuối một cách có hệ thống.

“Hãy mở sách Tân Ước của bạn và nhìn vào đó, và ghi nhận những điều tôi nói…Bây giờ hãy tìm Matthêu đoạn 6 và đọc từ câu 5 đến câu 9. Ở đây bạn có thể bắt gặp bài học giáo đầu về cầu nguyện. Chúng ta sẽ cầu nguyện với ý ngay lành chứ không phải để gây ấn tượng nơi người khác; ta sẽ tìm chỗ thinh lặng để cầu nguyện và xin ơn tha thứ các tội của ta và xin được kết hợp với Chúa.; ta sẽ không bắt chước những kẻ ngoại đạo nài nẵng đủ thứ như cầu của đời sống. Khi bạn đọc từ câu 10 đến câu 13 của cùng đoạn này, bạn có thể thấy lời cầu nguyện của ta nên theo hình thức nào, và những lời nào ta nên dùng để diễn tả nó. Tất cả mọi nhu cầu của đời sống ta được trình bày thật khôn ngoan trong lời nguyện này.

“Rồi trong hai câu 14 và 15 của cùng đoạn này chúng ta có thể thấy điều kiện nào ta phải có để cho lời cầu nguyện của ta có hiệu quả, vì nếu chúng ta không tha thứ cho những người xúc phạm đến ta, Chúa sẽ không tha thứ tội lỗi cho ta. Những câu từ 7 đến 12 trong đoạn 7 cho thấy làm thế nào để ta thành công trong việc cầu nguyện và tại sao ta phải đầy lòng trông cậy khi chúng ta ‘xin, tìm và gõ’. Cách diễn tả mạnh bạo này cho thấy cầu nguyện phải chiếm một chỗ ưu việt trong đời sống chúng ta và nó phải là việc làm thường xuyên; cầu nguyện không phải chỉ đi theo việc làm của ta mà còn phải đi trước nữa. Đây là một tính chất quan trọng của việc cầu nguyện.

“Bạn có thể thấy một minh hoạ cho điều này trong Thánh Mác-cô đoạn 14, từ câu 32 đến câu 40, khi Chúa Giêsu lập lại cùng một lời cầu nguyện nhiều lần. Một ví dụ khác về việc cầu nguyện thường xuyên có thể gặp thấy nơi Phúc Âm Thánh Luca đoạn 11 từ câu 5 đến câu 14, trong dụ ngôn về người bạn lì lợm. Trong đoạn 18 của Phúc Âm Thánh Luca, từ câu 1 đến câu 14, chúng ta có được lệnh truyền của Chúa Giêsu là phải cầu nguyện luôn luôn và trong mọi nơi, với dụ ngôn bà goá kiên tâm nài xin viên quan án xót thương; chúng ta không được nản lòng và không được làm biếng.

“Thêm vào giáo huấn tỉ mỉ về cầu nguyện này, Phúc Âm Thánh Gioan chứa đựng giáo huấn căn bản về lời cầu nguyện bên trong của trái tim. Điều này được đưa vào trong cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaritanô, nơi mà Chúa Giêsu nói rằng Chúa sẽ được thờ phượng trong tinh thần và chân lý và nơi mà lời cầu nguyện không ngừng được trình bày như nước hằng sống làm phát sinh sự sống đời đời (Gioan 4:5-25). Trong những câu từ 4 đến 8 của đoạn 15 có sự trình bày rõ hơn về sự cần thiết và quyền năng của lời nguyện nội tâm; linh hồn sẽ ở lại trong Chúa Kitô và luôn ý thức sự hiện diện của Chúa.

“Và cuối cùng, trong đoạn 16 của Gioan từ câu 23 đến câu 25, có một mầu nhiệm được mạc khải! Bạn có thể thấy rằng lời cầu nguyện được thốt lên nhân danh Chúa Giêsu Kitô, hay điều mà ta gọi là Lời Nguyện Tên Chúa Giêsu, ‘Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con’, có một quyền năng lớn lao và khi nó được lập lại thường xuyên nó có thể thánh hóa và biến đổi tâm hồn cách dễ dàng. Điều này chắc chắn được thấy nơi các mẫu gương Các Tông Đồ; họ là môn đệ Chúa Kitô chưa đầy một năm khi Ngài dạy họ Kinh Lạy Cha, mà họ đã truyền lại cho chúng ta; nhưng mãi đến cuối đời sống ở trần gian của Ngài Chúa Giêsu Kitô mới mạc khải cho họ một mầu nhiệm mà họ cần biết để chắc chắn thành công trong việc cầu nguyện của họ. Ngài nói với họ: ‘Cho đến rày, các ngươi không xin gì nhân Danh Ta. Hãy xin và các ngươi sẽ được, ngõ hầu sự vui mừng của các ngươi được nên trọn’ (Gioan 16:24). Và điều này đã thực sự xảy ra cho họ, vì khi Các Tông Đồ đã học biết cầu nguyện nhân Danh Chúa Giêsu Kitô, họ đã thực hiện nhiều phép lạ và chính họ được biến đổi.

“Đến bây giờ bạn đã thấy luận lý, sự đầy đủ và khôn ngoan nơi cách Phúc Âm trình bày giáo huấn về cầu nguyện chưa? Và để học biết thêm về cầu nguyện ta có thể đọc các thư của Các Tông Đồ

“Để tiếp tục chủ đề của chúng ta, tôi sẽ chỉ ra vài đoạn trích dẫn để minh họa những khía cạnh khác nhau của việc cầu nguyện. Này, trong Công Vụ Các Tông Đồ ta đọc thấy các Kitô hữu tiên khởi cầu nguyện thế nào, đức tin sống động của họ đối với Chúa Giêsu Kitô đã thúc đẩy họ cầu nguyện liên lỉ và sốt sắng thế nào; và rồi chúng ta đọc thấy kết quả của việc cầu nguyện sống động liên lỉ này là việc đón nhận đầy tràn các ân huệ của Thần Khí trên những người cầu nguyện. Một minh họa tương tự được ghi nhận trong đoạn 16 câu 25 và 26.

“Rồi nhìn vào các thư Các Tông Đồ chúng ta có thể thấy: trước hết, cần phải cầu nguyện trong mọi bối cảnh của đời sống (Jas. 5:13-16); thứ hai, Thần Khí giúp chúng ta cầu nguyện (Jude 1:20 & Rom. 8:26); thứ ba, cần phải cầu nguyện trong Thần Khí trong mọi trường hợp (Eph. 6:18); thứ bốn, sự điềm tĩnh và an bình nội tâm cần thiết cho việc cầu nguyện (Phil. 4:6-7); thứ năm, cần phải cầu nguyện không ngừng (1Thes. 5:17); và, cuối cùng, cần phải cầu nguyện cho mọi người chứ không phải chỉ cầu nguyện cho chính chúng ta mà thôi (1Tim. 2:1-5).

“Bằng cách đọc Thánh Kinh cách cẩn thận và chăm chú, ta có thể tìm ra thêm nhiều minh ý về cầu nguyện được che khuất đối với người đọc cách cẩu thả hay bất chừng. Từ những gì tôi đã chỉ ra cho bạn, bạn đã thấy sự phát triển tuần tự và có hệ thống trong sự chỉ dẫn cầu nguyện chúng ta có được từ Chúa Giêsu Kitô trong Tân Ước chưa? Bạn có thấy nó được phân phối một cách kỳ diệu trong cả bốn Phúc Âm không? Trong Matthêu, chúng ta thấy sự dẫn nhập vào cầu nguyện, hình thức và các điều kiện; trong Marcô ta thấy những minh họa; trong Luca, những dụ ngôn; và trong Gioan, cách thực hành mầu nhiệm lời nguyện nội tâm; dù ngắn gọn hay kỹ lưỡng điều này đã được trình bày nơi cả bốn Thánh Sử Phúc Âm. Sách Công Vụ trình bày việc thực hành và kết quả của việc cầu nguyện; và Các Thánh Thư và Sách Khải Huyền, những khía cạnh khác nhau của việc cầu nguyện. Vậy nên đây là lý do tôi chỉ dùng Tân Ước để nghiên cứu những phương thức khác nhau để đạt tới ơn cứu độ”.

Quyền năng của Sách Thánh đối với ma quỷ

Tác giả còn ghi nhận câu truyện thật đáng nhớ, do vị linh sư dạy về cầu nguyện theo Thánh Kinh trên đây thuật về quyền năng của Sách Thánh đối với ma quỷ nơi kinh nghiệm bản thân ông như sau:

“Thiên Chúa đầy yêu thương, Đấng ước muốn mọi người nhận biết chân lý và được cứu độ, trong lòng thương xót của Người, đã mạc khải sự hiểu biết này cho tôi bằng một cách thế lạ thường mà không cần đến sự can thiệp của người phàm. Khi ấy tôi đã là giáo sư triết học năm năm và đang sống phóng đãng; tôi chỉ thích về việc đời và các thứ triết thuyết thuần tục hơn là Kitô giáo. Lẽ ra tôi đã chết về mặt tâm linh, nếu tôi không được kềm hãm bởi người mẹ đạo hạnh và người chị đứng đắn cùng sống với tôi.

“Một ngày nọ khi tôi đang đi trên đường phố, tôi gặp được và làm quen với một thanh niên rất đẹp trai; anh ta bảo tôi rằng anh là một sinh viên người Pháp mới đến từ Paris và đang tìm một việc dạy kèm. Tôi rất cảm kích trước học thức uyên bác của người lạ này và mời anh ta về nhà tôi, và chúng tôi đã trở thành bạn thân. Trong vòng hai tháng anh ta đến thăm tôi thường xuyên và chúng tôi thường đi dạo với nhau, cùng vui chơi với nhau, và nhiều khi cùng đi đến những nơi tồi bại nhất để tìm kiếm bồ bịch.

“Một lần nọ anh ta đến mời tôi viếng thăm một chỗ như thế, anh ta dường như rất muốn tôi đến đó nên hết lời khen ngợi bầu khí hạnh phúc của nơi anh ta mời tôi đến. Nhưng anh ta đột nhiên dừng lại và xin tôi ra khỏi phòng tôi để cùng anh ta đi ra ngoài phòng khách. Việc này có vẻ kỳ lạ đối với tôi, và tôi bảo anh ta rằng đã hơn một lần tôi nhận ra sự ngần ngại của anh khi ở lại trong phòng học của tôi và tôi hỏi anh cho biết lý do. Tôi giữ anh ta lại trong phòng học của tôi và giải thích rằng phòng khách gần phòng của mẹ và chị tôi và không hợp cho chúng tôi bàn chuyện chơi bời ở đấy.

“Nhưng anh ta khăng khăng muốn rời khỏi phòng tôi và cuối cùng nói với tôi: ‘Được rồi, trên kệ sách giữa các sách của anh có một cuốn Phúc Âm, và vì tôi kính trọng cuốn sách đó, nên thật khó cho tôi để nói về những chuyện bậy bạ trước sự hiện diện của nó. Anh làm ơn lấy nó ra khỏi nơi đây và chúng ta có thể tự do nói chuyện.’

“Trong sự ngu xuẩn của tôi, tôi đã mỉm cười trước những lời này của anh ta; tôi lấy cuốn Phúc Âm ra khỏi kệ sách và nói với anh ta: ‘Lẽ ra anh phải nói với tôi việc này từ lâu!’ Và tôi đưa cho anh ta cuốn Phúc Âm và nói: ‘Đây, anh hãy tự đặt nó trong căn phòng đó.’

“Ngay lúc tôi đụng sách Phúc Âm vào anh ta, anh ta rùng mình và rồi biến mất. Việc này chấn động tôi đến nỗi tôi ngã xuống sàn bất tỉnh. Mẹ tôi và chị tôi nghe tiếng động chạy đến, nhưng cả nửa tiếng họ vẫn không làm tôi tỉnh lại. Cuối cùng, khi tôi tỉnh lại, run rẩy và kiệt sức, tôi dường như bị tê liệt, vì tôi không thể di chuyển tay chân. Một bác sĩ được mời đến và định bệnh cho biết tôi bị tê liệt vì chấn động sợ hãi.

“Cả năm sau biến cố này, tôi phải nằm liệt giường và có bác sĩ chăm lo, nhưng bệnh tình tôi không cải tiến tí nào và tôi thấy cần phải từ chức giáo sư. Lúc này, mẹ già tôi đã qua đời và chị tôi đã vào một dòng tu; và điều này khiến bệnh tình tôi càng tệ hơn. Tôi chỉ có một an ủi duy nhất trong thời gian mang bệnh này là đọc Phúc Âm; ngay từ lúc tôi bắt đầu chịu bệnh cuốn Phúc Âm không hề rời khỏi tay tôi nhưng giúp tôi ghi nhớ sự kiện xảy ra kỳ lạ đó.

“Một ngày nọ, thật bất ngờ, có một đan sĩ đang quyên tiền cho đan viện của ông ghé vào nhà tôi. Ông hỏi thăm về bệnh trạng của tôi và mạnh dạn bảo tôi không nên đặt hết tin tưởng của tôi vào thuốc men, những thứ sẽ không có sức chữa lành nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa. Ông khuyến khích tôi nài xin Chúa cứu giúp, thiết tha cầu nguyện về tình trạng của tôi vì cầu nguyện là phương thế mạnh mẽ nhất để chữa lành mọi thứ bệnh tật, vừa thể lý lẫn tâm linh.

“Trong cơn bối rối tôi phản đối: ‘Làm sao con có thể cầu nguyện trong tình trạng này khi mà con không thể cúi mình và ngay cả không thể làm dấu thánh giá?’

“Câu trả lời duy nhất của ông là, ‘Phải gắng mà cầu nguyện!’ và ông không giải thích gì thêm là tôi nên cầu nguyện thế nào.

“Sau khi người khách của tôi rời khỏi, ngược lại với ý mình, tôi thấy mình nghĩ đến cầu nguyện, về những hiệu quả và quyền năng của nó. Tôi bắt đầu nhớ đến những bài giảng thần học mà tôi đã nghe từ lâu khi còn là sinh viên, và tôi cảm thấy được an ủi khi ôn lại những chân lý trong đạo; chúng mang lại cho tôi sự an ủi và tôi bắt đầu cảm thấy bệnh tình thuyên giảm. Nhờ sách Phúc Âm luôn ở bên tôi, và vì tôi có đức tin nơi nó qua biến cố lạ lùng trên, tôi đã ôn lại tất cả những bài học về cầu nguyện mà tôi đã nghe trong những bài giảng dựa trên các đoạn Phúc Âm, và rồi tôi bắt đầu nghiên cứu các huấn giới Phúc Âm như nguồn mạch tuyệt hảo về cầu nguyện và lòng sùng mộ Kitô giáo.

“Bằng việc đọc cách nghiêm cẩn, tôi khám phá rằng Phúc Âm như một mạch suối tràn đầy chứa đựng tất cả những gì cần thiết cho việc cầu nguyện nội tâm đích thực và đời sống thánh thiện. Tôi kính cẩn ghi nhận tất cả những đoạn về chủ đề này, và từ đó tôi gắng học và hiểu hết sức có thể những mệnh lệnh thánh này. Tôi cũng cố gắng áp dụng chúng vào đời sống hàng ngày của tôi, không phải là không gặp khó khăn.

“Với sự bận tâm lành thánh ấy bệnh tình tôi đã cải thiện, và cuối cùng như bạn thấy tôi đã hoàn toàn bình phục. Vì tôi đang sống một mình, tôi đã quyết định để biết ơn Chúa về lòng Chúa thương xót đã chữa lành tôi cả hai phần xác hồn, tôi sẽ làm theo khuynh hướng của linh hồn tôi và gương của chị tôi để dâng mình sống đời ẩn sĩ. Một lối sống như thế sẽ cho phép tôi sống những huấn giới của Thánh Kinh dễ dàng hơn.”

Tôi cảm thấy được thêm lòng yêu mến việc cầu nguyện và Thánh Kinh sau khi đọc tác phẩm tu đức quý giá trên. Tác phẩm này cũng khiến tôi nhớ lại lời mời gọi các tín hữu thiết tha học hỏi Lời Chúa để tăng tiến trong đời sống đức tin và cầu nguyện của Thánh Công Đồng Vaticanô II như sau:

“Thánh Công Đồng cũng tha thiết và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, cách riêng các tu sĩ, hãy năng đọc Thánh Kinh để học biết ‘khoa học siêu việt của Chúa Giêsu Kitô’ (Phil. 3:8). ‘Vì không biết Thánh Kinh là không bíêt Chúa Kitô’ (Thánh Jerome). Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh nhờ Phụng Vụ Thánh dồi dào Lời Thiên Chúa, hoặc nhờ sốt sắng đọc Thánh Kinh hay nhờ những tổ chức học hỏi thích hợp, hoặc bất cứ phương thế nào mà ngày nay đã được các Chủ Chăn trong Giáo Hội chấp thuận và ân cần phổ biến khắp nơi. Nhưng mọi người cũng nên nhớ rằng kinh nguyện phải đi đôi với việc đọc Thánh Kinh, để có sự đối thoại giữa Thiên Chúa và con người, vì ‘chúng ta ngỏ lời với Ngài khi cầu nguyện, và chúng ta nghe Ngài nói lúc chúng ta đọc các sấm ngôn thần linh’” (Hiến Chế về Mạc Khải # 25).

Và ngày ngày tôi vui mừng dâng lên Chúa lời hương nguyện Thánh Kinh sau, gồm tóm những lời thân thương nhất trong Thánh Kinh mà Chúa đã ghi vào lòng tôi để làm lương thực, linh dược và đuốc sáng tâm linh giúp nuôi dưỡng, chữa lành, bổ sức và soi sáng cho tôi trong cuộc hành trình đức tin trên trần gian:

Lạy Chúa, ngay từ buổi sớm mai xin cho con nghiệm thấy tình thương của Chúa vì con vẫn tin cậy nơi Ngài. Xin chỉ dạy đường lối phải theo vì con nâng tâm hồn lên cùng Chúa. Xin dạy con biết sự ngắn ngủi của cuộc đời để con học biết đức khôn ngoan tự đáy lòng. Xin cho con biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người trước tiên và trên hết. Xin cho con luôn sống trong Chúa như Chúa sống trong con.

Xin ban cho con tràn đầy Thần Khí Chúa, để Người dạy con biết gọi Chúa là Cha, tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa, thuộc trọn về Đức Kitô và ở lại trong lòng mến của Người, biết sống và cầu nguyện thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa. Xin cho tâm hồn và cuộc sống con được tràn đầy các hoa trái của Thần Khí là bác ái, vui mừng, bình an, nhẫn nại, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ, khiêm nhường, trong sạch và quảng tâm.

Xin cho con được yêu mến Chúa với trọn cả tấm lòng, trọn cả linh hồn, trọn cả trí khôn, trọn cả sức lực con, và yêu thương mọi người như chính mình con, như Chúa đã yêu con và yêu đến cùng. Xin cho con biết vui với người vui, khóc với người khóc, biết trở nên mọi sự cho mọi người để đem mọi người về với Chúa. Xin cho con luôn ghi nhớ và xác tín rằng: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người cho thế gian để những ai tin vào Người thì được cứu rỗi” và “Với những ai yêu mến Thiên Chúa thì Người đồng công cộng tác biến mọi sự nên lành”.

Xin ban cho con đầy lòng kính sợ Chúa để con được nên khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như bồ câu. Xin gìn giữ miệng lưỡi con để con khỏi sai lỗi trong lời nói; xin giúp con chỉ nói những lời cần thiết và hữu ích, những lời đẹp lòng Chúa và xây dựng tình yêu thương hiệp nhất. Xin Chúa cho mắt lòng con mở ra, để con nhận biết là gì trông cậy nơi ơn Chúa kêu gọi, là gì vinh quang phong phú nơi các thánh, là gì quyền năng Thiên Chúa nơi những người tin, quyền năng đã làm cho Đức Kitô sống lại từ cõi chết và có thể làm gấp ngàn lần hơn những gì con có thể mơ tưởng và cầu xin. Xin cho con vui mừng luôn trong Chúa và không ngừng tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Xin Chúa ban cho con Trái Tim hiền lành và khiêm nhường của chính Chúa Giêsu--trái tim trong sạch, quảng đại và chung thủy. Xin cho con trái tim thịt mềm, để con có sự nhạy cảm nhận biết ơn Chúa và sự hiện diện đầy yêu thương của Chúa trong cuộc đời mà tận tình đáp mến Chúa cũng như biết rung động trước những nhu cầu đau khổ của tha nhân để tìm đến yêu thương, phục vụ họ. Xin cho con một tâm hồn ngay thẳng để phân biệt phải trái; một tâm hồn chân thật để nhận biết căn gốc hư vô và thân phận yếu hèn tội lỗi xấu xa tột bậc của mình mà tận tình khiêm nhường thống hối, tuyệt đối cậy trông ở lòng thương xót vô biên và ân sủng vạn năng của Chúa để nỗ lực vươn lên sau bao lần sa ngã phạm tội. Xin cho con ăn no bánh khóc lóc và uống nuớc mắt con. Xin cho con lòng khao khát nhân đức trọn lành và lòng biết xót thương vì Chúa là Đấng Trọn Lành và Giàu Lòng Thương Xót.

Xin cho con biết thực tâm nhìn nhận người khác cao trọng hơn mình, luôn ghi nhớ rằng những gì con làm cho một trong những anh em bé mọn nhất trong chúng con là con làm cho chính Chúa. Xin giúp con biết sống và nói được như Thánh Gioan trong tương quan với tha nhân: “Tôi không phải là Đức Kitô. Người đến sau tôi nhưng cao trọng hơn tôi. Người phải lớn lên còn tôi phải nhỏ lại, và niềm vui của tôi là thế đấy”.

Xin cho con trở nên một mục tử tốt lành đúng như lòng Chúa mong muốn, một mục tử hiểu biết và yêu mến đàn chiên của mình và sẵn sàng thí mạng vì chúng. Xin cho con làm mọi việc chỉ vì yêu mến Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh và Bỏ Rơi trên Thánh Giá, vì lý tưởng yêu thương hiệp nhất.

Xin Chúa dạy con và giúp con biết từ bỏ mọi sự, nhất là từ bỏ chính mình con, vác thập giá mình mỗi ngày mà theo Chúa, để trở nên người môn đệ Chúa yêu. Xin cho con có được tâm tư như đã có nơi Đức Kitô. Xin giúp con biết hủy mình ra không để vâng phục Ý Chúa, vâng phục cho đến chết và chết trên Thập Giá. Xin cho con biết vui mừng trong những nỗi thống khổ, biết hoàn tất nơi mình những gì còn thiếu sót trong cuộc Thương Khó mà Chúa Kitô đã chịu vì Thân Mình Người là Hội Thánh.

Xin cho con không muốn biết gì và cũng không rao giảng điều gì khác ngoài Chúa Giêsu Kitô và là Chúa Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh Thập Giá, Người là quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa. Xin cho con luôn xác quyết rằng vinh quang của con là Thập Giá Chúa Kitô, để con đừng tự hào về điều gì khác ngoài Thập Giá Chúa Kitô và đành chịu thua lỗ mọi sự trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô-Cứu Chúa của con. Xin cho con cùng chịu đóng đinh với Chúa Kitô vào Thập Giá, để từ nay con không còn sống cho chính mình nữa, nhưng sống cho Đấng đã yêu con và thí mạng vì con, Đấng đã chết và sống lại vì con. Để từ nay con sống, nhưng không phải là con mà là Chúa Kitô sống trong con.

Xin cho con luôn sống trong tâm tình khiêm nhường thống hối, yêu mến biết ơn và quảng đại hiến dâng. Xin cho con biết năng thưa cùng Chúa: “Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con là kẻ tội lỗi”, “Lạy Chúa, Chúa biết con mến Chúa” và “Này con đến để thực thi Ý Chúa”.

Xin cho tâm hồn và cuộc sống của con được kết hợp nên một với Thánh Tâm Thánh Thể Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh Thánh Giá và Khiết Tâm Thương Xót Mẹ Mân Côi để làm thành bài tình ca chúc tụng, ngợi khen, cảm tạ, tôn thờ Chúa Ba Ngôi Chí Ái như tâm tình của Mẹ Maria: “Linh hồn con ngợi khen Chúa vì Người đã làm cho con những điều trọng đại”. Amen.

(Mar. 14-16, 2005)PS: Bài này đã được đăng lần đầu trong mục Trong Dòng Đời trên Nguyệt San Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số tháng 4/2005. Nay xin gửi đến độc giả Thanhlinh.net nhân kỷ niệm 1600 năm Thánh Jerome qua đời và tiếp theo bài “Thánh Kinh-Tình Thư của Thánh Tâm. Nov.30th 2020 HP