Lời Chúa (Mc 1, 21-28) Và Suy Niệm Chúa Nhật 4 Thường Niên B
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Nguyễn Ngọc Nga
LỜI CHÚA (Mc 1, 21-28) VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN B2024
Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô (Mc 1, 21-28): “…(Ðến thành Ca-phác-na-um) ngày nghỉ lễ, Chúa Giê-su vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Ðấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ. Ðang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giê-su Na-da-rét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giê-su quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy. Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Ðấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Ga-li-lê-a…” Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Nước Thái Lan được biết đến là quốc gia có nhiều ngôi chùa tháp Vàng đồ sộ, kiến trúc độc đáo và chạm khắc tinh xảo. Đặc biệt vẻ đẹp độc đáo của chùa Vàng Thái Lan (còn được gọi là chùa Phật Vàng Thái Lan - Wat Traimit). Người Thái tin rằng tượng Phật vàng tượng trưng cho sự thuần khiết, sức mạnh và quyền năng của quốc gia. Chùa Phật Vàng này tọa lạc ở cuối đường Yaowarat, gần ga Hualampong, thuộc Quận Samphathawong. Tượng Phật Vàng là bức tượng Phật ngồi cao 3 mét đúc bằng vàng khối, nặng 5,5 tấn. Người địa phương cho rằng bức tượng lớn nhất thế giới này biểu thị cho sự thịnh vượng và thuần khiết cũng như sức mạnh và quyền năng.
+/ Trong Tin Mừng Marcô hôm nay, lời Đức Giêsu giảng dạy trong hội đường ở Capharnaum vào ngày Sabat như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.”. Hành động trừ quỷ tiếp theo là một dấu chỉ khẳng định uy quyền Đấng Thiên Sai. Lời giảng của Chúa đầy uy quyền. Trong khi các thầy tư tế, kinh sư, Biệt Phái giảng dạy Ngũ Thư theo như truyền thống vụ luật, nguyên tắc và khắt khe, nghiêm nhặt, cầm buộc và cấm đoán, thì Đức Giêsu giảng giải khác hẳn và trái ngược, cởi mở, quảng đại, tràn đầy uy lực, quyền năng. Không những Người trình bày ý nghĩa, mục đích và tinh thần của Lề Luật thật sâu sắc, tinh tế và chính xác. Người còn tự nhận đứng trên cả Lề Luật, có đủ thẩm quyền giải thích Lề Luật: Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.
- Lời Chúa Giê-su có sức mạnh vạn năng. Trước nấm mồ của La-da-rô đã chết bốn ngày, Chúa Giê-su đã dùng lời quyền năng của Người mà phán: Ladarô! hãy ra ngoài! thì người chết liền đội mồ sống lại. Khi cùng các môn đệ chèo thuyền trên biển, sóng gió bão táp nổi lên tư bề, Chúa Giê-su cũng dùng lời truyền lệnh cho bão tố và sóng gió liền lặng im. Khi trong hội đường có người bị quỷ nhập, Chúa Giê-su đã dùng lời truyền khiến: Hãy xuất khỏi người này và quỷ phải xuất ra. Chỉ có lời quyền năng của Chúa Giê-su mới có thể đẩy lùi quyền lực ma quỷ và xua trừ chúng khỏi lòng người.
+/ Vậy chúng ta hãy quý trọng Lời Chúa và vận dụng lời Người để thanh tẩy tâm hồn chúng ta khỏi mọi tham vọng xấu xa, khỏi những ước muốn đê hèn; loại trừ khỏi cuộc đời chúng ta những hành vi gian ác. Một khi Lời quyền năng của Chúa Giê-su đã thanh luyện cuộc đời và làm cho tâm hồn chúng ta được bừng sáng nhân đức thì quyền lực.
của ma quỷ sẽ từng bước bị đẩy lùi và vương quốc Chúa Giê-su ngày càng lan rộng trong tâm hồn, trong gia đình và trong xứ đạo chúng ta.
+/ Bài Ðọc 1, trích sách Ðệ Nhị Luật:...Mô-sê nói với dân chúng rằng: các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Khô-rếp khi có cuộc đại hội…Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết”.
+/ Lúcsáng Chúa Nhật 21/1/2024, Chúa Nhật Lời Chúa, Đức Thánh Cha đã giảng trong thánh lễ:…Chúng ta không thể làm gì nếu thiếu Lời Chúa, thiếu sức mạnh dịu dàng của Lời. Lời Chúa, như trong một cuộc đối thoại, chạm đến trái tim, khắc sâu vào linh hồn, đổi mới nó bằng bình an của Chúa Giêsu, khiến chúng ta bận tâm đến người khác…Chúng ta hãy nghĩ đến vị đan sĩ đầu tiên, Thánh Antôn, người bị đánh động bởi một đoạn Tin Mừng khi đang tham dự Thánh Lễ, đã từ bỏ mọi sự vì Chúa; chúng ta hãy nghĩ đến Thánh Augustinô, người đã thay đổi cuộc đời khi một lời của Chúa chữa lành trái tim ngài; chúng ta hãy nghĩ tới Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, người đã khám phá ra ơn gọi của mình qua việc đọc các bức thư của Thánh Phaolô. Và tôi nghĩ đến vị thánh mà tôi mang danh, Phanxicô Assisi; sau khi cầu nguyện, ngài đã đọc thấy trong Tin Mừng rằng Chúa Giêsu sai các môn đệ đi rao giảng, và ngài kêu lên rằng: “Đây là điều tôi muốn, đây là điều tôi xin, đây là điều này tôi mong muốn thực hiện với trọn cả trái tim tôi. Những cuộc đời được thay đổi bởi Lời sự sống…chúng ta cần không bị “điếc” trước Lời Chúa. Đây là nguy cơ của chúng ta: bị choáng ngợp bởi hàng ngàn lời nói, chúng ta cũng để Lời Chúa lướt qua mình: chúng ta nghe nhưng chúng ta không lắng nghe; chúng ta lắng nghe nhưng chúng ta không gìn giữ; chúng ta gìn giữ nhưng chúng ta không để mình bị khuấy động để thay đổi. Trên hết, chúng ta đọc nhưng không cầu nguyện, trong khi “việc đọc Sách Thánh phải đi kèm với cầu nguyện, để cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và con người được thiết lập”. Chúng ta đừng quên hai chiều kích nền tảng của việc cầu nguyện Kitô giáo: lắng nghe Lời Chúa và tôn thờ Chúa. Chúng ta hãy tạo không gian để cầu nguyện với Lời của Chúa Giêsu và điều đó sẽ xảy ra với chúng ta như đã xảy ra với những môn đệ đầu tiên…những ai tiếp xúc với Lời Chúa sẽ được chữa lành khỏi những ràng buộc của quá khứ, bởi vì Lời hằng sống giải nghĩa lại cuộc sống, và cũng chữa lành ký ức bị tổn thương bằng cách làm cho chúng ta nhớ đến Thiên Chúa và những công trình của Người dành cho chúng ta. Kinh Thánh đặt chúng ta vào sự tốt lành, nhắc nhớ chúng ta là ai: là con cái được Thiên Chúa cứu và yêu thương.“Những lời thơm ngát của Chúa” (Thánh Phaxicô Assisi, Thư gửi các tín hữu) giống như mật ong, chúng làm cho cuộc sống trở nên ý vị: chúng khơi dậy sự ngọt ngào của Thiên Chúa, nuôi dưỡng tâm hồn, xua tan nỗi sợ hãi, vượt qua nỗi cô đơn…Lời của Người, trong khi giải thoát chúng ta khỏi những trở ngại của quá khứ và hiện tại, làm cho chúng ta trưởng thành trong sự thật và bác ái: làm sống lại trái tim, lay động nó, thanh tẩy nó khỏi những thói đạo đức giả và đổ đầy nó với niềm hy vọng. Chính Kinh Thánh chứng thực rằng Lời là cụ thể và hữu hiệu: “như mưa và tuyết” trên mặt đất (xem Is 55:10-11); “như lửa”, “như búa đập vỡ đá” (Gr 23,29); như một thanh gươm sắc bén “phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4:12); như một hạt giống không thể hư nát (1Pr 1,23), nhỏ bé và ẩn giấu, nảy mầm và sinh hoa trái (xem Mt 13). “Lời Chúa có rất nhiều hiệu năng và sức mạnh đến nỗi nó là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, nguồn mạch tinh tuyền và trường tồn của đời sống thiêng liêng”…ước gì Chúa Nhật Lời Chúa giúp chúng ta hân hoan trở về với những nguồn mạch đức tin, nảy sinh từ việc lắng nghe Chúa Giêsu, Lời của Thiên Chúa hằng sống. Trong khi người ta liên tục nói và đọc những lời về Giáo Hội, xin Chúa giúp chúng ta tái khám phá ra Lời sự sống vang vọng trong Giáo Hội! Nếu không, rốt cuộc chúng ta sẽ nói nhiều về mình hơn là về Người; và những suy nghĩ cũng như vấn đề của chúng ta vẫn là trung tâm, thay vì Chúa Kitô với Lời của Người. Chúng ta trở về với nguồn mạch để cung cấp cho thế giới nước hằng sống mà nó không thể tìm thấy; và, trong khi xã hội và các phương tiện truyền thông xã hội nhấn đến tính bạo lực của lời nói, thì chúng ta đón nhận sự hiền lành của Lời cứu độ. Và cuối cùng, chúng ta hãy tự hỏi mình một số câu hỏi. Tôi có dành vị trí cho Lời Chúa tại nơi tôi đang sống không? Nơi đó có sách, báo, tivi, điện thoại, nhưng Kinh Thánh ở đâu? Trong phòng của tôi, tôi có sách Tin Mừng cầm tay không? Tôi có đọc nó mỗi ngày để tìm ra con đường sự sống không? Nhiều lần tôi đã khuyên rằng hãy luôn mang theo Tin Mừng bên mình, trong túi, trong ví, trong điện thoại di động của bạn: nếu Chúa Kitô thân yêu với tôi hơn bất cứ thứ gì, thì làm sao tôi có thể để Người ở nhà mà không mang theo Lời Người bên mình? Và một câu hỏi cuối cùng: tôi đã đọc toàn bộ ít nhất một trong bốn Tin Mừng chưa? Tin Mừng là cuốn sách sự sống, đơn giản và ngắn gọn, nhưng nhiều tín hữu chưa bao giờ đọc từ đầu đến cuối. Kinh Thánh nói rằng Thiên Chúa là “nguồn gốc và tác giả của vẻ đẹp” (Kn 13:3): chúng ta hãy để mình được chinh phục bởi vẻ đẹp mà Lời Chúa mang lại cho cuộc sống.
+/ Sau hết, sách Dẫn vào đời sống đạo đức của thánh Phan-xi-cô đờ Xan, giám mục nói rằng: Đời sống đạo đức phải được thể hiện theo nhiều lối khác nhau:...người sang khác kẻ hèn, đầy tớ khác ông chủ, bà goá khác thiếu nữ chưa kết bạn hay đã lập gia đình. Phân biệt như thế vẫn chưa đủ mà cách riêng còn phải thích nghi việc thực hành đời sống đạo đức tuỳ theo sức lực, công việc và bổn phận của mỗi người…lòng đạo đức mà đích thực thì không làm hư hại gì cả; nó kiện toàn mọi sự. Nhưng khi lòng đạo đức nghịch với ơn gọi chính đáng của mỗi người, thì chắc chắn nó là giả dối…Lòng đạo đức đích thực chẳng những nó không làm hỏng bất cứ ơn gọi hay công việc nào, trái lại còn tô điểm và làm cho thêm xinh đẹp…mỗi người cũng đáng yêu hơn trong ơn gọi của mình khi họ kết hợp ơn gọi với lòng đạo đức. Nhờ vậy, công việc săn sóc gia đình trở nên nhẹ nhàng, tình yêu giữa vợ chồng chân thành hơn, việc vâng phục quyền bính thêm dễ dàng và mọi thứ công việc hoá ra ngọt ngào và ổn thoả hơn…Thật là sai lầm và không thể chấp nhận được khi muốn loại trừ lòng đạo đức ra khỏi đời sống quân ngũ, khỏi các tiệm buôn, khỏi triều đình vua chúa, khỏi nhà cửa của những người đã kết bạn. Con thân mến, đúng vậy. Đời sống thuần tuý chiêm niệm, đời sống đan sĩ và đời sống tu hành không thể thực hiện được nơi những người trên đây. Nhưng ngoài ba loại ơn gọi đó, còn có nhiều loại ơn gọi khác thích hợp để làm cho những người sống các bậc đời ở giữa thế gian nên hoàn thiện. Bất cứ ở đâu, chúng ta cũng có thể và phải khao khát đời sống trọn lành.
- bài giảng của thánh Gio-an Kim Khẩu, giám mục nói về thánh Phao-lô:…Vì lòng yêu mến Đức Ki-tô, thánh Phao-lô chịu đựng tất cả…Amen.
Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga