Lời Chúa (Mc 5, 21-43) Và Suy Niệm CN13TN Năm B
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Nguyễn Ngọc Nga
Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô (5, 21-43): “...Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: “Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống”. Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía. {Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành”. Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: “Ai đã chạm đến áo Ta?” Các môn đệ thưa Người rằng: “Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi ‘Ai chạm đến Ta?’!” Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”.} Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: “Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?” Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: “Ông đừng sợ, hãy cứ tin”. Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: “Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó”. Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: “Talitha, Koumi”, nghĩa là: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn…” Ðó là Lời Chúa
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Cộng tác với ơn Chúa. Một bà mẹ đau nặng. Bà làm tuần cửu nhật xin Chúa chữa, vì bà biết trong lúc đi giảng đạo Chúa đã chữa cho người đàn bà bị loạn huyết khỏi bệnh. Hết tuần 9 ngày, bà vẫn còn đau. Bỗng có một Linh mục đến thăm. Thấy bà bị đau nhức quá thì bảo:– Tôi cho bà địa chỉ của ông nha sĩ tài giỏi đây. Bà chịu khó đến đó nói là tôi giới thiệu. Ông ấy sẽ chữa cho bà hết ngay. Bà liền la lên rằng:– Cha vô thần à? Cha không tin Chúa chữa con hết sao?
- Lời bình: Thật tội nghiệp cho bà. Bà cầu xin Chúa chữa bà. Chúa nhận lời cho vị Linh mục đến mà bà không chấp nhận.
+/ Có một câu chuyện nổi tiếng kể lại về Diogenes một triết gia phái hoài nghi. Ông ta bị bọn cướp bắt và đem bán làm nô lệ. Khi quan sát đám người đứng chung quanh để trả giá mình, ông ta nhìn vào một người và nói “Hãy bán tôi cho ông này đi, ông ta đang cần một ông thầy (hay là chủ)”. Người ấy mua ông, giao cho ông làm quản gia và dạy dỗ các con mình. Ông ta thường nói “Ngày mà Diogenes đã đặt chân vào nhà tôi, đúng là một ngày tốt lành”.
- Lời bình: Điều đó quả đúng như vậy, nhưng nó đòi hỏi việc phải từ bỏ phẩm giá. Tiếc thay, con người thích khư khư giữ chặt phẩm giá của mình mà đành đánh mất ân huệ.
+/ Qua bài Tin Mừng hôm nay Thánh Maccô cho ta thấy hai mẫu đức tin: đức tin sáng suốt của ông Trưởng hội đường là Giairô và đức tin chất phác của người đàn bà loạn huyết.
- Chú giải của William Barclay. Câu chuyện cho chúng ta biết đôi điều về ông trưởng hội đường này. Người này chắc phải là một nhân vật quan trọng, ông là chủ tịch Ban Quản Trị hội đường và là chủ tịch Hội đồng Kỳ mục có trách nhiệm thu xếp mọi việc trong hội đường cho tốt đẹp. Ông có trách nhiệm trong việc chỉ đạo các buổi hội họp, có trách nhiệm phân phối công việc và xem xét mọi việc thực hiện đúng khuôn phép và trật tự. Ông là nhân vật rất quan trọng và khả kính nhất trong cộng đồng, nhưng khi con gái ông ngã bệnh, ông nghĩ ngay đến Chúa Giêsu.
1/ Ông đã quên đi các thành kiến. Chắc trước đó ông đã coi Chúa Giêsu như một người xa lạ, một người giảng tà giáo rất nguy hiểm, bị các hội đường cấm cửa, một người mà bất luận người nào coi trọng chính thống giáo cũng phải xa tránh. Nhưng ông đủ khôn ngoan để biết từ bỏ các thành kiến của mình vào giờ cần thiết. Thành kiến có nghĩa là sự phê phán, xét đoán trước. Đó là một phán đoán đã hình thành trước khi xem xét bằng chứng, hoặc một án lệnh đưa ra vì không chịu xem xét những chứng cớ. Hầu như mỗi sự tiến bộ đều là một cuộc đấu tranh chống lại các thành kiến trước kia người ta đã có về nó. Một thành kiến ngự trị trong con người sẽ phải đóng chặt tâm trí làm mất khả năng lãnh nhận các phúc lộc.
2/ Ông đã quên đi phẩm giá của mình. Ông là trưởng hội đường mà lại đến hạ mình dưới chân Đức Giêsu, là một ông thầy giảng đạo nay đây mai đó. Lắm khi người ta phải quên đi phẩm giá của mình để cứu lấy một mạng sống, cứu lấy linh hồn của mình.
3/ Ông đã quên đi tính kiêu ngạo. Việc đến và xin Đức Giêsu, người Nazaret giúp mình là một nỗ lực ý thức về
sự hạ mình mà người này phải làm. Thật chẳng ai muốn phải mắc nợ người khác cả. Chúng ta muốn tự lo liệu lấy cho đời sống mình. Nhưng bước đầu tiên của đời sống là nhận thức mình chẳng có thể làm gì khác hơn là chịu mắc nợ Thiên Chúa.
4/ Chúng ta suy luận rằng, Điều khá lạ lùng là ông đích thân đến với Chúa Giêsu chứ không sai người nhà. Điều cũng khó hiểu là ông lại chịu bỏ mặc đứa con gái đang hấp hối nằm đó một mình. Có lẽ sở dĩ ông ta phải đi vì chẳng còn ai khác chịu đi. Người nhà ông đều tỏ ra nghi ngờ và bảo ông rằng đừng đi tìm ông Giêsu đó làm gì cho mất công. Theo tinh thần câu chuyện, nếu ông không đi tìm Chúa Giêsu để xin Ngài giúp đỡ, họ còn hài lòng hơn. Người này đã bất chấp dư luận và thách đố cả những lời khuyên bảo của người nhà khi ông ta đến kêu cứu Chúa Giêsu. Nhiều người đã trở thành khôn ngoan nhất khi các bạn bè khôn ngoan của họ trên đời này nghĩ họ đang hành động như người ngu dại. Đây là một con người đã quên hết mọi sự, trừ việc muốn được Chúa Giêsu cứu giúp mình, chính vì ông biết quên hết cho nên ông nhớ mãi rằng Chúa Giêsu là Chúa Cứu Thế.
+/ GIÁ PHẢI TRẢ ĐỂ CHỮA BỆNH. Đoạn sách này có nói với chúng ta về ba hạng người.
1/ Chúa Giêsu cho ta biết giá trị phải trả để chữa bệnh. Mỗi lần Chúa Giêsu chữa lành cho một người, có cái gì đó ra khỏi Ngài. Đây là một định luật phổ quát cho đời sống. Chúng ta sẽ chẳng làm nên chuyện gì lớn lao, nếu không sẵn sàng đặt một cái gì của chính bản thân, chính đời sống và chính tâm hồn chúng ta vào đó.
2/ Các môn đệ. Tại đây chúng ta thâý cách sống động về giới hạn của điều vẫn được gọi là lương tri. Các môn đệ của Chúa Đi giữa một đám đông như thế làm sao Chúa Giêsu tránh khỏi bị chèn ép, đụng chạm? Ở đây đã nổi bật sự kiện lạ lùng và đau lòng là các môn đệ chẳng hề nhận thấy hay nhận thức được rằng khi chữa bệnh cho người ta, Chúa Giêsu đã phải trả giá nào đó. Một trong những tấn thảm kịch ở đời là sự không nhạy cảm của tâm trí con người.
3/ Người đàn bà đã được chữa lành. Bài học này cho chúng ta biết về sự xưng tội cất được gánh nặng trên con người. Mọi sự trước đó thật khó biết bao, nhục nhã biết bao. Nhưng sau khi nói hết ra sự thật với Chúa Giêsu, nỗi kinh hoàng run rẩy đều tiêu tan, một đợt sóng thoải mái, nhẹ nhõm tràn vào lòng bà. Sau khi đã xưng nhận tình cảnh đáng thương của mình, người đàn bà đã nhận thấy sự nhân từ, dịu hiền của Chúa. Và chỉ một mình Ngài mới ban ơn tha thứ toàn diện, chữa lành kỳ diệu, cưú chuộc tâm linh trọn vẹn và phục hồi nhân phẩm nhanh chóng nhất.
+/ Sự quan trọng trong đời sống Kitô hữu là điều xem như hoàn toàn bó tay đối với loài người thì Thiên Chúa làm được, điều mà xét trên lãnh vực con người là việc không hề dám mơ ước đã trở thành hạnh phúc thực sự khi có hiện diện của Chúa.
- Thánh Inhaxiô Lôyôla đã cho chúng ta lời khuyên bất hủ: “Hãy làm như thể mọi việc tùy thuộc chúng ta, và hãy cầu nguyện như thể mọi việc tùy thuộc Thiên Chúa”.
- Và ngạn ngữ Tây phương cũng nói: “Hãy tự giúp mình trước, rồi Trời sẽ giúp sau”. Amen.