Lời Chúa (Lc 24, 35-48) Và Suy Niệm Chúa Nhật 3 Phục Sinh B
- CN, 26/01/2025 - 16:13
- Lm Nguyễn Ngọc Nga
LỜI CHÚA (Lc 24, 35-48) VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH B2024
Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca (Lc 24, 35-48): “...Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh. Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy…” Ðó là Lời Chúa
Suy Niệm Lời Chúa:
+/ Chúa Nhật 3 Phục Sinh theo như lời của hai môn đệ Emmaus, những người đã bừng cháy khi nghe những lời của Chúa Giêsu trên đường đi và sau đó nhận ra Người khi Người bẻ bánh. Giờ đây, Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra giữa các môn đệ và chào họ rằng: Bình an cho anh em. Nhưng họ sợ hãi và nghĩ là MA. Nhưng Chúa Giêsu chỉ cho họ những vết thương trên thân thể Người và nói: Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem. Và để thuyết phục họ, Người xin họ thức ăn và ăn trước cái nhìn ngỡ ngàng của họ. Ở đây có một chi tiết đặc biệt, Tin Mừng cho biết các Tông đồ “không tin vì mừng quá”. Đó thật là niềm vui đến nỗi họ không thể tin đó là sự thật. Và một chi tiết thứ hai: họ ngạc nhiên, kinh ngạc; ngạc nhiên bởi vì cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa luôn dẫn họ đến sự ngạc nhiên: nó vượt trên cả sự hăng hái, trên cả niềm vui, nó là một kinh nghiệm khác. Điều vui mừng này khiến họ nghĩ: không, đây không thể là sự thật! Đó là sự ngạc nhiên về sự hiện diện của Thiên Chúa.
+/ Đoạn Tin Mừng này đặc trưng bởi ba động từ rất cụ thể, phản ánh đời sống cá nhân và cộng đoàn của chúng ta: nhìn, chạm và ăn.
- “Hãy nhìn chân tay Thầy đây”, Chúa Giêsu nói. Nhìn cũng có nghĩa là để ý, mà còn bao hàm cả ý hướng và ý muốn. Đây là lý do tại sao nó là một trong những động từ của tình yêu. Như bố mẹ nhìn con mình, những người yêu nhau nhìn nhau; bác sĩ giỏi nhìn bệnh nhân cẩn thận. Nhìn là bước đầu tiên để chống lại sự thờ ơ, chống lại sự cám dỗ quay mặt khỏi những khó khăn và đau khổ của người khác.
- Động từ thứ hai là chạm. Bằng cách mời các môn đệ chạm vào Người, để thấy Người không phải là ma, Chúa Giêsu chỉ cho họ và cho chúng ta rằng, mối quan hệ với Người và với anh em chúng ta không thể “ở khoảng cách xa”, không tồn tại một đạo Công Giáo xa cách, không tồn tại một đạo chỉ dừng lại ở cái nhìn. Tình yêu đòi hỏi sự gần gũi, tiếp xúc, chia sẻ cuộc sống.
Như người Samari nhân hậu không chỉ nhìn người nửa sống nửa chết trên đường: ông dừng lại, cúi xuống, chữa trị vết thương cho người ấy, chạm đến người ấy và đặt người ấy lên lưng lừa và đưa về quán trọ. Và cũng vậy với chính Chúa Giêsu: yêu mến Người có nghĩa là đi vào một sự hiệp thông sự sống, một sự hiệp thông với Người.
- Và sau đó, chúng ta đến với động từ thứ ba là ăn, động từ diễn tả rất rõ con người của chúng ta trong sự nghèo hèn tự nhiên nhất của nó, đó là nhu cầu của chúng ta để nuôi sống bản thân. Nhưng việc ăn uống với gia đình hoặc bạn bè, cũng trở thành một biểu hiện của tình yêu, một biểu hiện của hiệp thông, của lễ hội. Nhiều lần, các Tin Mừng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu sống chiều kích sống động này; ngay cả với tư cách là Đấng Phục sinh, với các môn đệ của Người, đến nỗi bàn tiệc Thánh Thể đã trở thành dấu hiệu đặc trưng cho cộng đoàn Kitô hữu. Cùng nhau ăn chính thân mình của Đấng Kitô: đây là trung tâm của đời sống Kitô hữu.
+/ Đoạn Tin Mừng này cũng cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu không phải là một “bóng ma”, nhưng là một Người sống; rằng khi Chúa Giêsu đến gần chúng ta, Người làm cho chúng ta vui mừng. Là Kitô hữu, không phải là theo một học thuyết hay một lý tưởng đạo đức, mà là một mối tương quan sống động với Người, với Chúa Phục Sinh: chúng ta nhìn Người, chạm vào Người, được Người nuôi dưỡng và, được biến đổi bởi tình yêu của Người, chúng ta cũng nhìn, chạm và nuôi dưỡng người khác.
- Đó cũng chính là lối sống của những người mà thánh Gioan Tông đồ viết thư cho trong bài Lời Chúa Tân Ước lễ hôm nay rằng:…Chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người. Ai nói mình biết Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật, tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo nơi người ấy.
- Những lời của thánh Phê-rô trong sách Tông đồ Công vụ bài đọc 1 ta cần phải để ý kẻo ta rơi vào vết xe đỗ của một số người Do-thái:…Anh em đã chối bỏ Ðấng Thánh, Ðấng Công Chính, và xin tha tên sát nhân, còn Ðấng ban sự sống thì anh em lại giết đi, tôi biết rằng anh em đã hành động vì không biết, như các thủ lãnh anh em đã làm. Vậy anh em hãy ăn năn hối cải, ngõ hầu tội lỗi anh em được xoá bỏ…
+/ Sau hết, một đời sống mới đã được ơn CÔNG CHÍNH HÓA, NÊN NGHĨA TỬ VỚI CHÚA CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH của cá nhân và cộng đoàn chúng ta: nhìn, chạm và ăn CHÚA chính là việc cử hành hy lễ tạ ơn, tức là thánh lễ ngày nay, sách Minh giáo quyển thứ nhất của thánh Giút-ti-nô, tử đạo nói rằng:…Vào ngày được gọi là Ngày Mặt Trời (là ngày chúa nhật), tất cả mọi người, dù ở thành thị hay thôn quê, cũng đều tụ họp về một nơi. Tại đây, người ta đọc bút ký các Tông Đồ hay các sách Ngôn Sứ, tuỳ thời giờ cho phép. Khi người đọc sách đọc xong, vị chủ toạ nói đôi lời chỉ dẫn và khuyến khích mọi người sống theo những điều tốt lành vừa nghe…Vị chủ toạ dâng lời cầu nguyện và tạ ơn với hết khả năng của mình ; còn dân chúng thì lớn tiếng tung hô A-men. Tiếp đến, người ta phân chia của lễ tạ ơn đó cho từng người hiện diện, và các phó tế sẽ đem đến cho những người vắng mặt…Những của thu được thì nộp cho vị chủ toạ; vị này sẽ dùng để giúp cô nhi quả phụ, giúp những người thiếu thốn vì bệnh tật hay vì lý do nào khác, cả những người bị cầm tù, những khách lỡ đường. Tắt một lời, vị này giúp đỡ tất cả những ai túng thiếu…Amen
Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga