Nhảy đến nội dung

Lời Chúa và suy niệm Chủ Nhật 12 NB

LỜI CHÚA (Mc 4, 35-40) VÀ SUY NIỆM CHÚA NHẬT 12TNB NĂM 2024

Lời Chúa, Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô (Mc 4, 35-40): “...Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người…” Ðó là Lời Chúa

Suy Niệm Lời Chúa:

+/ Văn chương Kitô giáo vẫn thường diễn tả cuộc lữ hành trần gian của chúng ta giống như con thuyền lênh đênh giữa biển khơi ngập đầy sóng gió. Nhiều bài thánh ca khá quen thuộc với những ca từ bình dân, chẳng hạn ‘Ngày tháng chơi vơi như thuyền nan giữa khơi.

+/ Văn chương Kitô giáo vẫn thường diễn tả cuộc lữ hành trần gian của chúng ta giống như con thuyền lênh đênh giữa biển khơi ngập đầy sóng gió  như: Mẹ ơi thế trần là nơi gian khổ, biển đời con gặp bao cơn giông tố.

+/ Đức Giê-su chứng tỏ quyền năng của Người trên gió và biển, tượng trưng cho những thế lực của ma quỉ muốn chống lại Thiên Chúa. Người đã dùng lời quyền năng dẹp yên sóng gió để củng cố đức tin yếu kém của các môn đệ. Đồng thời cũng để các ông vững tin khi gặp phải những cơn thử thách bách hại sau này. Chúng ta dễ liên tưởng đến con thuyền mà bài Tin Mừng hôm nay nói tới. Con thuyền chở Chúa Giêsu và các môn đệ đang trực diện với một trận cuồng phong khiến nước ập vào. Các môn đệ thì hoảng loạn, còn Chúa Giêsu vẫn an giấc ngủ say. Hình ảnh con thuyền đó rất gần sát với cuộc sống hiện tại của chúng ta thời đại này.

+/ Theo Chú giải của William Barclay. Khi các môn đệ nhận thức được sự hiện diện của Chúa ở với họ thì cơn bão yên lặng, kinh nghiệm sợ hãi tan biến và bình an vào trong lòng họ.

1/ Ngài ban cho chúng ta bình an trong bão tố của sầu muộn. Khi sầu muộn đến, Ngài nói với chúng ta về vinh quang của cuộc đời sẽ đến. Ngài biến đổi bóng tối của sự chết thành ánh sáng của sự sống vĩnh cửu. Ngài nói với chúng ta về tình yêu của Thiên Chúa.

2/ Ngài ban cho chúng ta bình an khi những nan đề của cuộc sống cuốn hút chúng ta vào trong cơn bão của nghi ngờ, căng thẳng và không chắc chắn. Rồi có những lúc chúng ta chẳng biết phải làm gì, khi chúng ta đứng trước ngã ba của cuộc sống không biết đi đường nào. Lúc ấy chúng ta quay sang Chúa Giêsu và thưa cùng Ngài rằng “Lạy Chúa, Ngài muốn con làm chi?”. Con đường sẽ được khai thông. Thảm kịch không phải là chúng ta không biết phải làm gì, nhưng chính là chúng ta thường không hạ mình tuân phục sự hướng dẫn của Chúa Giêsu.

3/ Ngài ban cho chúng ta bình an trong bão tố của lo âu.

Kẻ thù hàng đầu của bình an là lo lắng, lo lắng cho chính mình, lo lắng về tương lai ngoài sự hiểu biết, lo lắng về những người mình yêu. Nhưng Chúa Giêsu nói với chúng ta về một người Cha không bao giờ làm đổ những giọt lệ không cần thiết nơi con Ngài, và về một tình yêu vượt trội giữa chúng ta và những người thân yêu của chúng ta khỏi trôi giạt. Trong bão tố của lo âu, Ngài đem đến cho chúng ta bình an của tình yêu Thiên Chúa.

+/ Có một vị thánh nọ đã cầu nguyện với Chúa: - Lạy Chúa, khi con gặp những sóng gió và thử thách, Chúa đang ở đâu? Để trả lời, Chúa cho chị ta thấy một thị kiến ghi lại những hình ảnh Chúa luôn cận kề bên chị. Những dấu chân in trên cát đã chứng minh điều này. Chúa luôn sánh bước bên chị, thể hiện qua những dấu chân của 2 người mãi ở bên nhau. Nhưng khi chị gặp khó khăn, chỉ còn lại dấu chân của một người, hình như Chúa đã bỏ rơi chị vào lúc đó? Chúa nói với chị ta rằng: - Những lúc con gặp sóng gió như thế, con thấy chỉ còn lại dấu chân của một người, người đó chính là Ta. Chính Ta bồng ẵm con trên đôi tay của Ta.

+/ Trong thế giới ngày nay, người ta thường thiếu niềm tin nơi Chúa, và vì thế dễ lo lắng, sợ hãi trước những biến cố đau thương xảy ra trong cuộc đời, và trở nên khủng hoảng tinh thần, bất mãn với cuộc đời, tâm trí bị căng thẳng, rồi suy nhược và có những trường hợp đưa đến loạn trí, hành động điên rồ gây nên những tội ác khủng khiếp: như tự hủy chính mình, có khi giết hại mạng sống cả gia đình, có khi giết hại những người vô tội, như những cuộc bắn giết tại các trường học, tiệm ăn, sở làm và các trung tâm thương mại v.v…

- Là những tín hữu của Chúa, chúng ta hãy noi gương ông Gióp, luôn biết tin tưởng, phó thác nơi Chúa trong mọi biến cố xảy ra cho chúng ta, gia đình chúng ta, thế giới và ngay trong Giáo Hội Chúa nữa; vì Chúa là Thiên Chúa toàn năng, và là Cha yêu thương của chúng ta.

+/ Theo đức giáo hoàng Phan-xi-cô:

- Chúa luôn chia sẻ với chúng ta mọi điều xảy đến trong cuộc sống. Trước những thử thách, nhiều khi chúng ta cũng giống như các môn đệ, chúng ta kêu lên với Chúa: ‘Lạy Chúa, tại sao Chúa im lặng và không làm điều gì đó cho con? Điều này đặc biệt xảy đến khi chúng ta đã đặt tình yêu và hy vọng lớn vào một dự án, nhưng đã bị tan biến; hoặc khi chúng ta đang lo âu buồn phiền; hay khi chúng ta cảm thấy đang bị chìm ngập trong những vấn đề, hoặc lạc lõng giữa biển đời, cảm thấy không có hướng đi, không có bến đỗ. Hoặc thậm chí, trong những lúc chúng ta cảm thấy không đủ sức để tiếp tục bước đi, hoặc khi chúng ta hay người thân nhận được  một chẩn đoán bất ngờ về một căn bệnh, làm cho chúng ta lo lắng đến sức khỏe của chính mình và người thân. Có lúc chúng ta cảm thấy mình đang ở trong cơn bão; khi chúng ta cảm thấy mình gần như đã bị suy sụp hoàn toàn. Trong những tình huống này và trong nhiều hoàn cảnh khác, chúng ta cũng cảm thấy ngột ngạt vì sợ hãi, và giống như các môn đệ, chúng ta có nguy cơ mất đi điều quan trọng nhất. Thực tế, trên thuyền, ngay cả khi Chúa Giêsu ngủ, Người vẫn ở đó, và chia sẻ với các môn đệ mọi điều đang xảy ra. Một mặt, việc Chúa ngủ làm chúng ta ngạc nhiên, nhưng ở khía cạnh khác việc Chúa ngủ lại đưa chúng ta vào thử thách. Thật vậy, Chúa đang đợi chúng ta mời Người chiến đấu với chúng ta, đặt Người vào trung tâm của những gì chúng ta đang trải qua. Giấc ngủ của Chúa làm cho chúng ta thức giấc.

- Thưa với Chúa về cơn sóng đang đe dọa cuộc đời. Hôm nay chúng ta có thể tự hỏi: những cơn gió nào đang ập đến với cuộc đời tôi, những con sóng nào cản trở hành trình vượt biển của tôi? Chúng ta hãy thưa tất cả những điều này với Chúa Giêsu. Chúa khao khát điều đó, trước những cơn sóng gió bất thường của cuộc đời, Chúa muốn chúng ta chạy đến tìm trú ẩn nơi Người. Tin Mừng thuật lại rằng các môn đệ đến gần Chúa Giêsu, đánh thức Người và nói với Người. Đây là sự khởi đầu của đức tin: nhận biết rằng một mình chúng ta không thể đứng vững, chúng ta cần Chúa Giêsu như những thủy thủ cần những vì sao để tìm đường đi. Đức tin bắt đầu từ việc tin rằng tự sức mình chúng ta không thể làm được gì, đến việc  cảm nhận chúng ta cần Chúa. Khi chúng ta vượt qua cám dỗ đóng kín chính mình, khi chúng ta vượt qua một tôn giáo sai lầm không muốn làm phiền Thiên Chúa, khi chúng ta kêu lên với Người, Người có thể làm nên điều kỳ diệu trong chúng ta.

- Xin ơn không mệt mỏi khi tìm kiếm Chúa. Chúa Giêsu, khi được các môn đệ kêu xin, đã làm yên sóng gió. Và ngài hỏi họ một câu hỏi, một câu hỏi cũng liên quan đến chúng ta: “Sao nhát thế? Anh em vẫn chưa có đức tin sao?”. Các môn đệ đã để cho nỗi sợ hãi xâm chiếm, bởi vì các ông tập trung vào con sóng hơn là chú tâm vào Chúa Giêsu. Chúng ta cũng như thế: biết bao lần, thay vì đến với Chúa và phó thác nơi Người những khó khăn của chúng ta, chúng ta lại chú tâm vào các vấn đề! Biết bao lần chúng ta để Chúa ở một góc, dưới đáy con thuyền cuộc đời, chỉ đánh thức Người trong lúc cần thiết! Hôm nay, chúng ta hãy cầu xin ân sủng đức tin không bao giờ mệt mỏi khi tìm kiếm Chúa, đến gõ cửa Trái Tim Người. Amen

Linh Mục G.B Nguyễn Ngọc Nga 

  •  
  •  
  •